Nhà báo Văn Hiền và khát vọng dựng lại chân dung 380 nhà báo liệt sĩ

Thứ Tư, 03/07/2013, 17:08

Nhà báo Văn Hiền, 64 tuổi, nguyên là Phó tổng biên tập báo Nghệ An, hiện là Trưởng đại diện của Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam khu vực Bắc Trung Bộ tại Nghệ An. Hơn 15 năm qua, ông đã dành phần lớn thời gian, tâm sức để lặn lội từ khắp Bắc chí Nam, tìm gặp lại những nhân chứng, thủ trưởng cũ của những nhà báo đã hi sinh trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc để dựng lại chân dung họ.

19 người trong tổng số 380 nhà báo liệt sĩ đã được ông khắc họa, xuất bản trong cuốn sách với tựa đề “Khoảnh khắc và mãi mãi”, NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2013. Số tiền thu được từ việc bán sách, ông dự tính sẽ làm sổ tiết kiệm tặng cho thân nhân các gia đình nhà báo liệt sĩ hiện gặp khó khăn.

Một nhà báo lớn, một nhân cách lớn

Tôi biết nhà báo Văn Hiền khi ông đang là Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung của Báo Nghệ An. Lúc ấy, tôi đang là anh sinh viên văn khoa năm thứ 2, chân ướt chân ráo đạp xe cà tàng đến trụ sở báo trên đường Quang Trung (TP Vinh) để gửi bài cộng tác. Ông, một nhà báo lớn nhưng rất giản dị, gần gũi, ân cần và không quên động viên đám sinh viên như chúng tôi tiếp tục viết bài “vừa nâng cao tay nghề, vừa có nhuận bút”.

Bẵng đi một thời gian, tôi không gặp lại ông. Cho đến năm 2010, trong một lần đến nghĩa trang Quốc tế Việt Lào ở Anh Sơn, thấy trên bia đá khắc bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” đề tên Văn Hiền, sau này tại Nghĩa trang Đô Lương cũng có tấm bia tương tự, tôi mới biết mình đã từng được gặp một nhà báo lớn.

Văn Hiền vốn là một kỹ sư cầu đường, là cán bộ kỹ thuật của ngành Giao thông vận tải, có mặt ở hầu hết các trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân, hải quân Mỹ ở Quân khu 4 như cầu Cấm, cầu Hàm Rồng… Chính tại những nơi này, chứng kiến sự hi sinh anh dũng của quân và dân ta, đã thôi thúc Văn Hiền cầm bút.

Có một điều khác, tuy ông không nói ra song tôi biết, chuyện ông rẽ ngang nghiệp đời để đi làm báo và đặc biệt là dành gần như trọn phần đời mình để theo dấu chân những nhà báo liệt sĩ, ấy là ông cũng là một thành phần trong gia đình liệt sĩ. Bố ông là Trần Văn Ngoãn, hi sinh trong kháng chiến chống Pháp, năm 1947. Bài báo đầu tiên ông viết là vào năm 1967, với tựa đề “Người đất cảng trung dũng kiên cường”.

Tính đến nay, hơn 50 năm cầm bút, ông đã cho xuất bản nhiều cuốn sách viết về lý luận báo chí, thơ ca, văn học với 23 công trình nghiên cứu. Văn Hiền cũng đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về báo chí, ông đã có thời gian dài làm phó Tổng biên tập báo Nghệ An. Văn Hiền cũng là một trong số ít những nhà báo được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến và Huân chương Lao động, hạng 3.

Từ sự hi sinh của một người bạn

Câu chuyện trăn trở với những nhà báo liệt sĩ qua các thời kỳ được nhà báo Văn Hiền nhen nhóm và manh nha cách đây 16 năm về trước, xuất phát từ một sự tình cờ ngẫu nhiên. Trước đó, ông đã rất trăn trở với cụm từ “liệt sĩ vô danh” khi nói về các anh chưa biết tên, và bài thơ “Xin đừng gọi anh là liệt sĩ vô danh” đã được ông viết ra, ngay lập tức trở thành tiêu điểm, làm lay động hàng triệu trái tim con người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Không chỉ được phổ nhạc, được khắc trên bia đá tại hai nghĩa trang quốc tế ở Nghệ An mà đến tháng 7/1996, Trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam đã quyết định đổi tên “liệt sỹ vô danh” thành “chưa biết tên tuổi, quê quán”.

Trở lại với chuyện nặng lòng với các nhà báo liệt sĩ, Văn Hiền cho biết, xuất phát từ chuyện của một người bạn, người đồng nghiệp, đồng chí, nhà báo Vũ Hiến, công tác tại Báo Quân chủng Hải quân. Vũ Hiến quê ở Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, là bạn học cùng khóa thời đại học tại Trường Tuyên giáo Trung ương. Năm 1997, trong lần ra Hải Phòng, nhà báo Văn Hiền đã gặp vợ bạn, bà Nguyễn Thị Thân và biết được trăn trở của bà này về việc không tìm được mộ chồng, ngoài thông tin hi sinh tại chiến trường Campuchia.

Ngược về Hội Nhà báo Việt Nam, nhà báo Văn Hiền cũng chỉ biết được thêm, Vũ Hiến hi sinh trong đoàn quân tham gia tình nguyện giúp Campuchia diệt họa Pôn Pốt. Song, ông cũng bất ngờ khi biết thông tin, hiện cả nước có 380 nhà báo liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, trong đó có 66 nhà báo nữ.

Nỗ lực tìm kiếm thông tin về sự hi sinh của bạn những tưởng rơi vào ngõ cụt thì bất ngờ vào năm 2012, khi vào TP HCM, ông gặp Chuẩn đô đốc, Trung tướng Nguyễn Văn Tình, hỏi chuyện về sự hi sinh của nhà báo Vũ Hiến, ông được tướng Tình xúc động kể lại: “Lúc 14h30 ngày 3/1/979,Hải quân Vùng 5 nổ súng tấn công cảng Kép, cảng Cô Công, Vũ Hiến ngồi trên tháp pháo xe tăng bám theo Trung đoàn 812, Sư đoàn 8. Sau khi ta chiếm hai cảng này, các cánh quân ào ạt bao vây ngã ba Va Lung - cửa ngõ ác liệt che chắn quốc lộ số 3, dẫn vào thủ đô Phnom Penh. Tại đây ta chạm trán với ba sư đoàn thiện chiến của Pôn Pốt đang chốt chặn các cao điểm dọc tuyến quốc lộ. Trên tháp pháo xe tăng, tôi thấy Vũ Hiến ngực đeo máy ảnh, súng AK chéo hông. Giữa mịt mù khói lửa anh liên tục bấm máy ảnh. Rồi khi ta vừa vượt qua ngã ba Va Lung, anh ngã xuống như một tia chớp trên tháp pháo, hai bàn tay vẫn nắm chặt máy ảnh”.

Sau đó, ông hành hương đến Va Lung, nơi bạn đã ngã xuống để viết bài báo “Chớp sáng trước cửa ngõ Kông Pông Xom”, dựng lại chân dung nhà báo Vũ Hiến hi sinh trong tư thế dũng mãnh của người lính trước cửa ngõ tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, sào huyệt cuối cùng của nạn diệt chủng Pôn Pốt.

Hành trình theo dấu chân những nhà báo liệt sĩ

Một trường hợp khác, là chuyện về nhà báo liệt sĩ Nguyễn Khắc Thắng, là phóng viên quay phim của xưởng phim Quân đội nhân dân được tăng cường cho điện ảnh quân giải phóng miền Nam ở Tây Ninh năm 1965. Đến năm 1971, Nguyễn Khắc Thắng hi sinh. Để dựng lại bối cảnh hi sinh của nhà báo này, Văn Hiền đã lặn lội vào Quân khu 9, tìm gặp thiếu tướng Đồng Văn Cống, tư lệnh quân khu thời kỳ này, là người trực tiếp chỉ huy trận đánh vào thành phố Cần Thơ, có phóng viên Khắc Thắng đi theo. Tuy nhiên, tướng Cống cũng chỉ nhớ rằng, đó là một nhà báo xông xáo, dũng cảm, còn hy sinh như thế nào, ông cũng không biết.

Không nản chí, qua các mối quan hệ khác nhau, Văn Hiền đã gặp được ông Phan Khắc, Giám đốc Đài truyền hình TP HCM và được ông này kể lại khoảnh khắc về cái chết của nhà báo Nguyễn Khắc Thắng: “Hôm đó, nhà báo Thắng cùng với anh Lương Ninh Đáng trên đường chở phim đi công chiếu cho bà con vùng Bảy Núi xem thì bị Hải quân của Mỹ bắn chìm trên sông Tiền đoàn qua thị xã Châu Đốc”. Trở về, ngay trong đêm, ông viết bài “Hạt phù sa thắm đỏ Cửu Long giang”.

Nhà báo Văn Hiền chia sẻ, cuộc đời cầm bút, ông luôn tôn thờ sự chân thực trong từng câu chữ. Khi viết về các anh, những liệt sĩ đã ngã xuống vì đất nước, sự chân thực lại càng được ông chú trọng. Có những chân dung nhà báo liệt sĩ, để phục dựng một cách sinh động và chân thực, ông đã lặn lội hàng nghìn cây số, mất hàng năm trời để tìm hiểu cặn kẽ từng chi tiết.

Chuyện về tìm lại khoảnh khắc hi sinh của nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ, phóng viên Báo Trường Sơn là một câu chuyện cảm động, dày công. Ngọc Huệ quê ở Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Sau khi tốt nghiệp đại học, tình nguyện vào TNXP, bám đường 20 Quyết Thắng. Sau đó, chị tiếp tục vào sát biên giới Campuchia làm công tác thống kê, viết báo.

Năm 1970, Báo Trường Sơn được thành lập, chị Huệ được điều về làm công tác tại đây, một năm sau thì hi sinh. Để đi viết và tìm ảnh nhà báo Phạm Thị Ngọc Huệ, ông đã về Ninh Bình thì được biết, thời học sinh cấp 3, chị Huệ rất giỏi và đẹp gái, tiếp tục tìm gặp Tổng biên tập Báo Trường Sơn một thời, ông Lục Văn Thao. Sau đó, nhân kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn, ông đã theo chân Đoàn quân y 559 vào lại chiến trường xưa, sang tận thung lũng Ka Tốc, Khăm Muộn (Lào), nơi Huệ hi sinh ngày 20/12/1971 để lấy cảm hứng viết bài “Trẻ mãi với Trường Sơn bất tử”.

Không chỉ đau đáu với những nhà báo liệt sĩ chưa tìm được mộ, với những người đã hi sinh nhưng chưa được công nhận liệt sĩ, ông bỏ cả công sức, thời gian, tiền bạc ra để giúp đồng nghiệp đòi lại công lý. Đó là trường hợp của nhà báo Trần Văn Thông, phóng viên Báo Miền Tây Nghệ An. Ông Thông vốn là bộ đội chủ lực ở Quảng Bình, năm 1960, ông xuất ngũ, công tác tại huyện ủy Nghĩa Đàn, sau đó điều động về Báo Miền Tây Nghệ An.

Công tác được 4 năm, ông cùng Tổng biên tập mất tích trong trận bom của Mỹ, nhưng chưa được công nhận liệt sĩ. Biết chuyện, ông tìm đến thân nhân, lên tiếng bằng bài viết “Nhà báo hai lần hi sinh”. Đến nay, các ban ngành chức năng của tỉnh Nghệ An đang hoàn tất hồ sơ để công nhận liệt sĩ cho nhà báo Trần Văn Thông.

Trong quá trình tìm kiếm thông tin về nhà báo Lê Văn Luyện, phóng viên Báo Quân giải phóng Trung Bộ, hi sinh năm 1970 ở Điện Bàn (Quảng Nam), ông biết được nhà báo Luyện có đứa con trai duy nhất là Lê Văn Sơn đã tình nguyện vào Quảng Nam dạy học để kiếm mộ cha.

4 năm đồng hành cùng Sơn, sau rất nhiều nỗ lực, cuối cùng ông đã lần ra sự thật, Lê Văn Luyện hi sinh dưới chân núi Liệt Kiếm, khi theo Quân đoàn 70 giải phóng Tiến Phước và bị B52 đánh mất xác. Hiện, Lê Văn Sơn đã mất, chỉ còn một đứa con trai nhưng bị bệnh dow, sống cực khổ nên ông vẫn năng lui tới thăm nom.

64 tuổi đời, nhà báo Văn Hiền không còn đôi chân dẻo, đôi mắt sáng để hành trình ngược xuôi như thời trai trẻ. Hiện, ông chỉ mới dựng lại được 19 trong tổng số 380 nhà báo liệt sĩ, và ông vẫn không muốn dừng lại ở con số này. Điều ông đau đáu và lo sợ nhất, ấy là đến lúc lìa xa cõi tạm, ông không hoàn thiện được giấc mơ của đời mình. Đến lúc ấy, sẽ cảm thấy có lỗi với các anh, những đồng nghiệp trung dũng, kiên cường

Thiên Thảo
.
.
.