'Nhà báo làng' lập đài minh oan cho 'bản thuốc độc'

Thứ Tư, 25/11/2015, 15:09
Bao thế hệ người dân bản Gà (Vân Sơn, Sơn Động, Bắc Giang) mắc phải một căn bệnh lưỡi đen quái ác, người ta cho là bị bỏ thuốc độc. Và cũng gần 30 năm ông Hà Xuân Thùy, một người con của bản cùng Đài Truyền thanh bản Gà chiến đấu với căn bệnh lạ, minh oan cho bản thuốc độc.

Nhịn đói lập đài

Đường về bản Gà vút lên lượn xuống theo các dãy núi. Cả bản có 106 hộ đồng bào Kinh, Nùng, Tày, Cao Lan và người Dao sinh sống san sát dưới thung lũng. Đài Truyền thanh bản Gà nằm ở địa thế đắc địa nhất, ngay đầu con dốc đi xuống bản. “Nhà báo làng”, đó là cái tên thân mật mà những người dân miền sơn cước dành để gọi ông, người đã gần 30 năm mang “đây là tiếng nói Việt Nam” cho bà con dân bản. Chúng tôi gặp ông khi đài đang phát chương trình của “bản nhà”. Ba cái loa phát thanh trên ngọn đa đầu bản vang vọng cả núi rừng.

Tôi từng nghe qua Đài Truyền thanh bản Gà khi còn ngồi trên giảng đường, nay được tận mắt chứng kiến mới thấy tâm huyết, niềm đam mê nghề nghiệp cùng tình yêu quê hương cháy bỏng của “nhà báo làng” Hà Xuân Thùy. Ông Thùy đưa chúng đi tham quan tâm huyết gần 30 năm của mình một vòng. Ngoài 60 tuổi, ông đi bước thấp bước cao. Ông giải thích: “Tớ thành ra như thế này là cũng vì cái đài này đấy, cũng còn may vì giọng mình không chấm phẩy như đôi chân”. Căn nhà nhỏ của ông Thùy nằm cách “cơ quan” làm việc của ông 30 mét.

Dù đã ngoài 60 tuổi nhưng “nhà báo” Thùy vẫn nhiệt huyết “làm báo” như ngày nào.

Nhấp ngụm nước chè thơm, ông cho chúng tôi về lại một thời hoa lửa đưa ông tới nghề báo. Khi ông đang ở cái tuổi đẹp nhất của đời người thì cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra ác liệt. Như bao lớp thanh niên ngày ấy, ông viết đơn xung phong vào quân ngũ. Nhưng phải đến lá đơn thứ ba ông mới được cầm súng vào chiến trường. Đó là năm 1972. Cái duyên đến với nghiệp báo của ông Thùy cũng bắt đầu từ đó. Ông được giao nhiệm vụ làm tuyên huấn Trung đoàn Pháo binh 40, Quân đoàn 3 (nay thuộc Binh đoàn Tây Nguyên). Để viết được tin bài tuyên truyền cho trung đoàn, ông phải nghe đài để lấy thông tin, cập nhật tin tức từ hậu phương, tiền tuyến và cũng là để học cách viết. “Kinh nghiệm tác nghiệp mà tớ học được là những lần trực tiếp lao vào trận địa cùng đồng đội tiêu diệt kẻ thù đấy”, ông tâm sự.

Chiến tranh kết thúc, năm 1977 ông phục viên. Nhờ kinh nghiệm làm tuyên huấn trong quân ngũ, ông được cơ quan cử đi học thêm nghiệp vụ tại Trường Công nhân kỹ thuật phát thanh (nay là Trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình 1). Tốt nghiệp, ông  vào làm việc trong đội chiếu bóng quốc doanh Hà Bắc cho đến năm 1987 thì về công tác tại địa phương. Gần 10 năm cùng đoàn chiếu bóng leo núi vượt sông, “nhà báo làng” thấu hiểu được sự thiếu thốn thông tin của đồng bào các dân tộc miền núi. 

Ông nhớ lại: “Lần đội chiếu bóng về phục vụ bà con bản tớ, trong phim Chiến tranh thế giới thứ 2 có cảnh máy bay thả bánh mỳ cứu trợ xuống đất, người dân trong bản không hiểu đã chạy ào lại nhặt. Tìm khắp không thấy bánh mỳ, họ quay sang trách móc cán bộ tham lam, đã giấu đi hết. Còn khi đến cận cảnh một khẩu súng nổ, dân bản sợ quá chạy nháo nhác. Ngay cả mẹ tớ cũng vậy. Chiếc đài tớ mang ở chiến trường về đi đâu bà cũng mang theo để nghe. Đi nương trời mưa bà lấy thân che cho đài còn mình chịu ướt. Bà bảo: người ốm còn có thuốc, đài ướt hỏng mất thì không còn cái để nghe nữa. Thấy cảnh đấy vừa thương vừa xót các cậu ạ”. Chính điều đó đã thôi thúc ông lập Đài Truyền thanh bản Gà.

Cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam về thăm Đài Truyền thanh bản Gà (ảnh chụp lại).

Mọi kết nối với thế giới bên ngoài của bà con trong bản đều qua chiếc đài của một thời vào sinh ra tử với ông Thùy. Tối nào cũng vậy, đặc biệt là hôm thứ bảy, cả bản tập trung ngồi chật kín sân nhà ông để nghe “kỷ vật chiến trường” kể chuyện. Nhưng “kỷ vật chiến trường” đã già, tiếng nhỏ, lại hay tậm tịt. Thương bà con trong bản đói thông tin, nhận thức hạn hẹp, ông bàn với vợ rồi “bấm bụng” bán con lợn cùng mấy tạ ngô lấy 400 nghìn để mua chiếc đài mới. Ông lên xã mượn lại chiếc loa phóng thanh cũ vứt trong kho về phục chế treo lên cây nhãn đầu nhà, ngày ngày mở đài cho cả bản nghe. Cũng vì đầu tư trang thiết bị cho đài mà năm đó nhà ông bị đói, tết đến dân trong bản đùm bọc mỗi người cho một thứ để nhà ông đón xuân.

Khi đó bản Gà vẫn tù mù ngọn đèn dầu. Có chiếc đài mới thì nguồn điện lại khiến ông Thùy trằn trọc bao đêm mất ngủ. "Pin chạy đài được một thời gian thì hỏng nhưng đài vẫn chạy đều đều còn gia đình tớ bữa ngô bữa sắn. Năm 1992, được sự ủng hộ của vợ và mẹ, tớ vét hết đồ trong nhà mang đi bán để mua chiếc máy phát điện rồi cả nhà lại bì bõm ngày đêm dưới suối đắp đập ngăn dòng chảy, lắp đặt vận hành máy phát điện”, ông kể tiếp.

Có điện, ông đầu tư thêm 3 cái loa phát thanh mắc từ đầu bản đến cuối bản để mọi người được nghe đài. Ban đầu chỉ tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó ông xin phép mở Đài Truyền thanh bản Gà, với nhạc hiệu là bài hát “Cô giáo người Tày”. Các chương trình với thời lượng từ 5 đến 10 phút về cuộc sống thường ngày của bà con trong bản được phát trực tiếp tại nhà ông. “Tớ vừa làm phóng viên, biên tập viên, kĩ thuật viên và phát thanh viên luôn. Đề tài là những sự việc diễn ra thường ngày trong bản ngoài xã, phổ biến kiến thức về đời sống và pháp luật. Tớ “phát” bằng ba thứ tiếng Tày, Dao, Kinh để mọi người cùng nghe, học hỏi và rút kinh nghiệm”, ông Thùy là “nhà báo” của Vân Sơn từ đó.

Chiến đấu với bệnh lưỡi đen để minh oan cho  “bản thuốc độc”

Ông Thùy lập đài truyền thanh còn có thêm một nguyên nhân khác. Bao năm qua những người dân bản Gà từ thế hệ này sang thế hệ khác luôn bị ám ảnh một căn bệnh lạ không rõ nguyên nhân. Họ gọi là bệnh lưỡi đen hay “ma ăn lưỡi”. Khoảng 4 đến 5 năm mới có một người bị bệnh. Nhưng từ năm 1995 đến năm 2002, bản Gà có gần 15 trường hợp mắc bệnh. Có những gia đình có đến 3 người cùng phát bệnh một lúc. 

Người bị bệnh cảm thấy khó thở, hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn, ăn uống thì mất dần vị giác. Những người mới bị thì thâm đen ở chân lưỡi còn những người bị nặng thì lan ra tận đầu lưỡi và chân răng. Bệnh lưỡi đen làm cho bệnh nhân suy kiệt dần. Nhiều người do chủ quan không chữa trị kịp thời mà nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh lưỡi đen đã khiến cho bao thế hệ người dân bản Gà nơm nớp sống trong sợ hãi, họ cho rằng tất cả những người bị căn bệnh quái ác này là do người Dao bỏ thuốc độc và bùa ngải. Những người Dao ở bản Gà khi đó đã phải bỏ bản vào núi sinh sống, tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Đó là bản Nà In (xã Vân Sơn) sau này. 

Ông Triệu Sinh Học, Trưởng bản Nà In tâm sự : “Nà In bọn tớ có 197 nhân khẩu đều là dân bản Gà ngày trước. Thời đó vùng này có bệnh lưỡi đen, mọi người đều đổ cho là một loại thuốc độc do người Dao bỏ chỉ vì khi đó người Dao có nhiều bài thuốc độc nhất vùng”. 

Người ta truyền tai nhau về những câu chuyện kỳ bí ma mị về bệnh lưỡi đen cùng “bản thuốc độc” Nà In. “Người ta gọi Nà In là thung lũng tử thần. Cả năm ngoài mấy cán bộ xã thì không một ai dám vào bản. Con dân trong bản sống tách biệt hẳn với mọi người. Chúng tớ đi đâu cũng bị người ta kỳ thị, ai cũng sợ Nà In bỏ thuốc bỏ bùa. Dân bản tớ hiền lành, chịu khó là thế mà phải mang tiếng oan bao năm “bản thuốc độc”, giọng đượm buồn, ông Học thương dân bản bao năm phải mang tiếng oan.

Ngay chính ông Thùy ngày ấy cũng nghĩ bệnh lưỡi đen là do có người bỏ thuốc nhưng khi vào quân ngũ, làm tuyên huấn, ông mới hiểu được nỗi oan mà Nà In phải chịu: “Thật ra mọi người không mắc bệnh, hay bị bỏ thuốc bỏ bùa gì cả chỉ vì những người bị lưỡi đen có thể trạng kém, yếu, làm việc lại quá sức ăn uống không đầy đủ và đảm bảo vệ sinh nên dẫn đến suy nhược cơ thể. Vì dân bản còn nghèo, lạc hậu, mê tín, chưa có ý thức chăm sóc sức khỏe y tế nên mới đoán già đoán non là mình bị con ma rừng bỏ thuốc, bị người ta hạ độc. Nhiều kẻ xấu đã lợi dụng điều đó để hành nghề mê tín, tuyên truyền gây mất đoàn kết các dân tộc trong bản”.

Lập Đài Truyền thanh, nhà báo làng quyết tâm minh oan cho Nà In. Lời đồn thổi “bản thuốc độc” đã ăn sâu vào tâm trí mọi người. Theo ông Thùy, để mình oan cho Nà In không phải ngày một ngày hai, phải tuyên truyền thật nhiều, nói đi, nói lại, nói thật dài, thật sâu, từng nhà, từng người một từ bản Gà đến Nà In và cả xã. Phải thay đổi thói quen xấu và nhận thức không đúng của mọi người từ cái nhỏ nhất. 

“Không chỉ bản Gà mà những đồng bào người Dao ở Nà In cũng còn rất lạc hậu và nghèo khổ. Bị người đời khinh miệt, hắt hủi nên những đồng bào ở đây sống khép mình lại. Để mọi người tin tưởng phục vụ cho mục đích tuyên truyền, tớ đã vào Nà In sống và học tiếng Dao đấy”, ông Thùy dùng cách “mưa dầm thâm lâu” để minh oan cho Nà In.

“Vì lời đồn thổi bản bùa mê, “bản thuốc độc” mà Nà In bị biệt lập sống nghèo đói. Nà In được ông Thùy minh oan, cả bản có 41 hộ giờ chỉ còn 25 hộ nghèo”, ông Học vui mừng chia sẻ cùng với lòng biết ơn nhà báo làng Hà Xuân Thùy đã thay đổi, mang một tương lai mới cho dân bản mình.

Gần 30 năm ăn lương vợ và 3 lần chết hụt

Những điều ông Thùy và Đài Truyền thanh bản Gà đã làm được cho những đồng bào nơi đây kể không hết. Nhưng một điều mà mọi người không biết, đó là gần 30 năm nay ông ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Dù là “nhà báo làng” nhưng ông cũng suýt chết 3 lần khi tác nghiệp. 

“Lần đầu vào năm 90 (1990 - PV) khi tớ cùng Đài tỉnh Bắc Giang thực hiện phóng sự về bảo vệ rừng tại bản Gà, tớ bị rơi xuống suối phải nằm viện gần 5 tháng. Lần thứ hai là năm 98 (1998 – PV), tớ vào bản viết bài phản ánh về tấm gương làm giàu thì bị xe máy đâm. Nặng nhất là vụ cuối năm 2005 tớ lên núi Đồng Cao lấy thông tin tuyên truyền về dịch lở mồm long móng tớ bị tai nạn tiếp. Hậu quả là giờ tớ bị liệt nửa người, chân đi chấm phẩy”, ông Thùy tâm sự.

Thành tích đáng tự hào của Đài Truyền thanh bản Gà.

Năm 2005, Đài Truyền thanh của ông đoạt giải nhất trong Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ VII. Ông được Đài Tiếng nói Việt Nam chọn đi báo cáo điển hình tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương. Nhà báo làng đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương.

Ông Thùy khoe: “Đài của tớ giờ cơ sở vật chất hiện đại, đầy đủ lắm rồi. Có trụ sở, máy tăng âm 600W, 10 cái loa, micro…”. Đài Truyền thanh bản Gà được “hiện đại, đầy đủ” là tiền mà những lần ông được thưởng. Ông đã đem hết để đầu tư mua trang thiết bị cho đài.

Với ông Thùy, món quà vô giá nhất đó là được mọi người dân bản tin yêu, được phát thanh phục vụ mọi người. Nay đã ngoài 60 tuổi, những di chứng mà 3 lần tai nạn vẫn đang hành hạ từng ngày nhưng niềm đam mê làm báo vẫn hừng hực trong huyết quản của “nhà báo làng” Hà Xuân Thùy. 

Thành tích của Đài Truyền thanh bản Gà

 Huân chương Lao động hạng ba.

 Năm 1992, 1993, 1999 được Bộ VHTT tặng giấy khen vì thành tích xuất sắc trong sự nghiệp củng cố, phát triển phát thanh ở địa phương.

 Bằng khen trong phong trào thi đua thời kỳ đổi mới (1987 – 2000).

Giải nhất Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ VII, năm 2005.

Nam Dương
.
.
.