Nhà khoa học "chân đất" và hành trình vào rừng sâu tìm cây thuốc quý

Thứ Ba, 04/10/2016, 08:47
Xuất thân từ một công nhân gang thép, cơ duyên đã khiến ông gặp được vị thầy lang người dân tộc và dẫn dắt ông theo nghề thuốc. Cũng từ đó, ông rong ruổi khắp các nơi từ Bắc vào Nam để tìm cây thuốc giúp cho ngành dược liệu của Việt Nam làm thuốc chữa bệnh cho người dân.


Vượt qua hàng vạn dặm đường, vượt qua cả biên giới, không có mảnh rừng già nào mà không có dấu chân của người đàn ông ấy...

Cuộc gặp gỡ "kì nhân"

Thật không khó để tìm thấy hợp tác xã dược liệu của ông Thân Văn Sách tại thôn Văn Sách, xã Minh Đức, huyện Việt Yên (Bắc Giang) bởi ông là người có công lớn trong việc đem nghề trồng cây dược liệu về với địa phương.

Chỉ cho chúng tôi xem những ruộng dược liệu ven hai bên đường trồng ngút ngàn các loại cây kim tiền thảo, hương nhu, sả... anh Thân Văn Lô, con trai ông Sách tự hào nói: “Bố tôi sau khi gặp được cơ duyên với nghề dược liệu đã mang nghề về nơi đây giúp bà con trong thôn cải thiện kinh tế.

Ông Thân Văn Sách.

Ngoài ra, ông còn tiếp tục đi truyền dạy kinh nghiệm trồng cây thuốc cho nhiều địa phương khác nữa để phát triển nghề này”.

Và theo như lời kể, việc gặp gỡ người giúp ông Sách đến với nghề cũng là cái duyên của cuộc đời, bởi đó là khi ông bị căn bệnh thoái hóa cột sống trầm trọng giày vò. Theo đó, sinh ra trong một gia đình nghèo có 7 anh chị em, ông Sách đã phải lao động rất sớm để giúp đỡ gia đình.

Sau khi kết hôn, sinh được 5 người con trong hoàn cảnh khó khăn cũng khiến gánh nặng trên vai ông ngày càng lớn. Đến năm 1974, ông Sách lặn lội lên tận Thái Nguyên để làm công nhân nhà máy gang thép. Do lao động quá sức, ông bị thoái hóa cột sống trầm trọng, cơ thể luôn bị cơn đau giày vò.

“Khi ấy, cuộc sống của tôi gắn liền với bệnh viện, không thể lao động được nữa. Lúc ấy hoàn cảnh khó khăn, tôi cũng nghĩ cuộc sống của mình đã đi gần đến hồi kết...”, ông Sách tâm sự.

Thế nhưng may mắn thay, nhờ một người thân trong gia đình mà ông Sách gặp được cụ Tĩnh – một người dân tộc ở Lạng Sơn làm nghề hái lá thuốc. Bằng bài thuốc lá có tên “mật gấu” mà cụ Tĩnh hái cho ông uống, sau một thời gian ông khỏi được căn bệnh hành hạ mình bấy lâu nay.

Đối với ông, đó là một phép màu, một điều kì diệu và khiến người công nhân ngày nào biết rằng mình nên đưa bài thuốc này đến với nhiều người hơn. Nghĩ là làm, ông mang cây thuốc về Hà Nội, đến Viện Dược liệu để nhờ nghiên cứu.

Sau một thời gian, việc nghiên cứu đã có kết quả, qua các tài liệu cổ của ngành dược liệu, người ta tìm được tên gọi của loại cây đã giúp ông Sách khỏi bệnh đó là cây thanh ngâm.

Ông Sách cho biết: “Loại cây này được các thương lái buôn bán dược liệu của Trung Quốc thu mua từ bà con dân tộc rất lâu rồi nhưng ở nước ta vẫn chưa sử dụng. Người Trung Quốc họ mua về để chữa các bệnh về huyết áp, tiêu thực, giảm béo và chống đau dạ dày.

Hợp tác xã dược liệu của ông Sách.

Nhưng qua nghiên cứu của Viện Dược liệu, cây thanh ngâm còn có tác dụng tốt trong việc chữa đau cơ xương. Với nhiều tác dụng như vậy nên đây là một cây dược liệu quý, cần được phát triển”.

Cũng từ khi phát hiện ra cây thuốc quý nói trên, ông Sách đã xin cụ Tĩnh cho mình đi theo học nghề hái thuốc. Và từ đó, những mảnh rừng lại có thêm dấu chân của một người, lặng lẽ đi theo đường mòn để học cách phân biệt, tìm vết tích các cây thuốc.

Với nước da rám nắng, dáng người nhỏ thó nhưng luôn vững chãi trong từng bước đi, ông Sách đã cho chúng tôi thấy dáng vẻ của một người thường xuyên đi rừng như thế nào.

Khi nói về các loại cây thuốc, dường như khuôn mặt ông bừng sáng, đôi mắt đầy tự tin như đang kể về một niềm đam mê yêu thích của mình, ông nói: “Cây dược liệu có muôn vàn loại, phải mắt thấy, tai nghe, tự mình sờ vào và tìm hiểu mới thấy cái đẹp và công dụng kì diệu của nó.

Có loại cây tưởng chừng vô dụng nhưng lại trị được gãy xương, đắp lá vào tự liền. Còn có loại cây rất hiếm trị được rụng tóc, hói đầu. Những loại cây này mọc trong rừng và đôi khi rất khó nhân giống, muốn trồng thì cũng phải trồng trong rừng.

Như cây thanh ngâm mà tôi vừa kể, sau khi thu hoạch tôi lại phải quét hạt đem vào rừng gieo thì mới lên mầm chứ trồng đất ruộng, đất đồi lại không thể mọc thành cây. Nếu có thì cây cũng còi cọc, không đủ chất lượng, dược lượng...”.

Vạn dặm tìm thuốc

Dẫn chúng tôi đi xem cơ ngơi 15 năm tích cóp của mình. Đó là những vườn dược liệu và kho thuốc quý, mỗi bước chân ông Sách lại hồ hởi chỉ và kể tên đầy đủ các loại cây thuốc cũng như tác dụng hay điều kiện sinh trưởng tốt nhất.

Nhìn ông kể chuyện, không ai nghĩ rằng đây từng là một người công nhân với cuộc đời bôn ba vất vả mà sẽ nghĩ rằng, đây là một nhà khoa học, chuyên nghiên cứu về các loại dược liệu của Việt Nam.

Tấm bằng khen do Bộ Y tế trao tặng ông Sách.

Tuy nhiên, để có vốn kiến thức phong phú như vậy đó là 15 năm rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng, đi tìm học, nghiên cứu về dược liệu ở khắp các cánh rừng trên cả nước. Rừng Yên Thế, Lạng Sơn, Tam Đảo, các khu rừng Tây Bắc, thậm chí là những mảnh rừng già Tây Nguyên đã quá quen thuộc với người đàn ông này.

Đến các địa phương xa lạ, việc đầu tiên mà ông Sách làm đó là lân la tìm hiểu về những bài thuốc của người bản địa, rồi tìm người chuyên vào rừng lấy thuốc, hỏi mua thuốc của họ và tìm hiểu công dụng, sau đó cùng đi vào rừng già nơi cây thuốc đó sinh trưởng.

Đó là cách vừa học, vừa thực hành của ông Sách và cũng là cách để tìm ra những loại cây mới, phương thuốc mới phục vụ của Viện Dược liệu và ngành Dược Việt Nam.

Mỗi chuyến đi tìm thuốc như vậy, ông Sách sống cả tuần, có khi cả tháng ở các bản làng xa xôi ven biên giới, gần với rừng. Sau khi tìm được những loại dược liệu quý, ông lại mang đến Viện Dược liệu nhờ đánh giá, phân tích.

Cũng nhờ vậy mà ông Sách giống như một nhân viên chuyên đi tìm thuốc cho Viện. Ông được Viện đặt hàng tìm kiếm đủ các loại cây dược liệu nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu như bồ bồ, nấm tỏi dương...

Hình ảnh ông Sách chạy xe đến Viện Dược liệu với bó lá khô hay vài bọc cây tươi đã trở nên vô cùng quen thuộc với những người làm việc tại đây.

Ngoài ra, ông còn đi tìm dược liệu cho nhiều trường đại học, viện nghiên cứu có nhu cầu. Thành ra ông nhớ mặt, nhớ tên và tác dụng của dược liệu còn nhiều hơn cả một số người làm nghề bốc thuốc.

Vườn dược liệu phong phú chủng loại của nhà ông Sách.

Nhớ lại những lần đi rừng với biết bao nguy hiểm, ông Sách kể: “Vào rừng sợ nhất là rắn độc, chuyện bị rắn hổ mang đuổi hay mổ sượt với tôi đã trở nên quá bình thường bởi việc tìm dược liệu đòi hỏi phải xem xét kĩ những chỗ ẩm thấp, hang hốc tối.

Có những con rắn nặng 3-4kg trong rừng, mình phải biết mà chủ động tránh bởi chúng thấy là đuổi theo, khi đó chắc chắn mình không thoát được”.

Một lần khác, trong một lần đi rừng ở Tây Nguyên, ông Sách và người dẫn đường bị lạc nhau. Mặc dù xác định vị trí của nhau qua tiếng hú nhưng phải 4-5 tiếng sau mới tìm thấy nhau, dù vị trí hai người cách nhau vài trăm mét.

Rồi có những khu rừng không khí ngột ngạt, ẩm thấp, ngay khu vực bìa rừng nếu ở lâu sẽ có khả năng bị ngạt thở nên sau khi nghe người bản địa tả sơ qua về chỗ có khả năng có củ tam thất rừng, ông Sách cùng người dẫn đường di chuyển nhanh đến lấy rồi ra ngoài chưa đầy một giờ đồng hồ.

Ngoài ra còn vô số nguy hiểm như giẫm vào bẫy thú hay chông nhọn cũng khiến ông luôn phải đề phòng mỗi lần đi rừng.

Với kinh nghiệm sau bao năm tìm dược liệu ấy của mình, ông Sách được nhiều nơi mời về để truyền đạt kinh nghiệm cho địa phương phát triển nghề trồng cây thuốc. Ông kể rằng, cách đây không lâu, ông còn đang ở xã Quyết Tiến, Quản Bạ (Hà Giang) để chỉ dạy và truyền kinh nghiệm trồng cây thuốc cho bà con phát triển nghề.

Ngoài ra, ông còn được tuyển làm chuyên gia cho một công ty dược ở Hà Tĩnh. Ngoài việc hỗ trợ bà con phát triển nghề trồng cây thuốc, ông Sách còn trở thành người thu gom, phát triển đầu ra cho các sản phẩm của bà con, kết nối với hơn 100 doanh nghiệp dược.

Trong đó, có những công ty lớn như Sao Thái Dương, Dược Trung ương 5, Dược Á Châu... Cứ mỗi khi đến mùa thu hoạch, hợp tác xã của ông Sách lại tấp nập xe tải chở dược liệu đến.

Nói về mục tiêu phát triển nghề trồng dược liệu, ông Sách cho biết: “Mỗi lần đi rừng, tôi thấy dược liệu ngày càng khan hiếm do rừng bị tàn phá quá nhiều nên nghĩ đến chuyện ươm giống, nhân giống cây dược liệu để bảo tồn. Nghĩ là làm nên mỗi lần về tôi lại mang theo hạt để ươm thử ở nhà nhưng hầu hết đều không thành công.

Mãi sau này, nhờ tìm tòi từ kinh nghiệm của dân bản địa và sự giúp đỡ của các viện nghiên cứu nên những mảnh vườn trồng dược liệu ngày càng tươi tốt, trừ một số giống chỉ trồng được trong rừng.

Rồi từ năm 2005, thấy cây dược liệu này cho năng suất lớn mà giá cũng cao nên tôi cùng bà con địa phương phát triển thành nghề. Tôi vừa cung cấp giống, vừa bao tiêu đầu ra luôn cho bà con...”.

Cho đến nay, dù ở cái tuổi 60, cái tuổi mà người ta lẽ ra đã được nghỉ ngơi thì ông Thân Văn Sách vẫn miệt mài đi rừng, miệt mài tìm kiếm những cây dược liệu quý. Con trai ông cũng học Trường Y dược Tuệ Tĩnh để theo nghề cha, cắt thuốc cứu người.

Nhìn những tấm bằng khen của tỉnh, huyện và đặc biệt tấm bằng khen của Bộ Y tế trao tặng, ông Sách chia sẻ cho chúng tôi về ước mơ của mình đó là tìm được loại dược liệu có thành phần ức chế tế bào ung thư, từ đó chế thành thuốc cho người dân.

Nhưng trước mắt, mục tiêu đặt ra của ông đó là mở được một nhà máy chiết xuất tinh chất dược liệu tại địa phương để giúp bà con nơi đây có thể đổi đời từ cây dược liệu.

Phong Trâm
.
.
.