Nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Thanh Bình:

Người gieo trồng niềm tin

Thứ Ba, 17/11/2015, 15:00
Tôi ngồi với Nguyễn Thanh Bình trong một buổi chiều đẹp trời ở góc Highland cà phê yên tĩnh. Trong thế giới của chàng trai ấy ngập tràn âm thanh. Những câu chuyện về âm nhạc, như một tình yêu không bao giờ ngừng chảy trong tâm hồn Bình. Như ở đó, tôi không có cảm giác về một sự khuyết thiếu…

Câu chuyện của Bình bắt đầu bằng âm nhạc và cũng kết thúc bằng âm nhạc, thứ Bình mê đắm và đang sống cùng với nó từng ngày. Nhiều người nghĩ, âm nhạc, với chàng trai khiếm thị này như một cứu cánh tinh thần, mang đến cho Bình nguồn sống. Còn tôi thì nghĩ khác, chính Bình, bằng tài năng và tâm hồn mình đã chinh phục được thế giới âm thanh đa sắc màu ấy.

Và Bình, thản nhiên sống, thản nhiên làm công việc mình yêu thích mà không một chút chạnh lòng, đắn đo. "Bởi tôi không bao giờ nghĩ mình là một người khiếm thị, tôi luôn nghĩ mình là người bình thường. Và tôi đã có một con đường, cứ thong dong mà đi và cố gắng làm những việc tốt nhất có thể". Facebook của Bình ngập tràn niềm tin yêu và lạc quan về cuộc sống và sự cống hiến cho âm nhạc. Tinh thần sống ấy của Bình, tôi nghĩ, còn lành lặn hơn rất nhiều người.

Không phải chờ đến khi tham gia “Vietnam Got Talen”, với khả năng trình diễn bằng 15 nhạc cụ khiến mọi người choáng, cái tên Nguyễn Thanh Bình mới được biết đến. Mà ngay từ rất lâu rồi, từ khi Bình giành cú đúp nhạc sĩ ấn tượng và nhạc sĩ triển vọng tại “Bài hát Việt” năm 2009, Bình đã là một dấu ấn.

Chính nhạc sĩ Anh Quân gặp Bình năm đó đã phải thốt lên từ "choáng" bởi  công việc của Bình làm, sáng tác, hòa âm, phối khí - một công việc liên quan nhiều đến công nghệ, khả năng cập nhật, trình độ thẩm âm cùng độ kiên trì, với một người bình thường đã vất vả huống hồ với một người khiếm thị. Vậy mà, những bản phối của anh cho thấy một tay nghề hết sức chuyên nghiệp.

Còn bây giờ, Bình đã là tác giả của những bản hít nổi tiếng "Tình yêu màu nắng" của Đoàn Thúy Trang, "Nắm tay anh thật chặt" của Tuấn Hưng hay "Lạc bờ" của Mỹ Linh... Chính nhạc sĩ Anh Quân đã khẳng định rằng: "Bình hẳn hoi là cái tên thuộc top không nhiều những nhạc sĩ hòa âm, phối khí có nghề mà không hề kém phần sound cũng như tư duy âm nhạc".

Bình luôn bận rộn với những dự án, những công việc mà các ca sĩ trẻ như Nhật Thủy, Thùy Chi, ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Anh Quân đã tin tưởng trao gửi cho Bình những bản phối. Họ giao cho Bình không phải với tâm thế làm từ thiện mà giao cho một nhạc sĩ chuyên nghiệp, đầy tin tưởng. Và những gì Bình đã làm trong những năm qua, đã là một sự định danh cho một xu hướng của những người trẻ, góp phần tích cực vào thị trường âm nhạc và tiệm cận với thế giới.

Bình xa nhà từ năm lên 9 tuổi, rời Quảng Ninh lên trường Nguyễn Đình Chiểu học chữ. Trong thế giới của Bình, ngay từ những ngày còn nhỏ ấy đã ngập tràn âm thanh. Bình đặc biệt nhạy cảm với từng chuyển động của âm thanh. Và trong thế giới tưởng như chỉ có bóng tối đó, Bình đã nhận ra một nguồn sáng của riêng mình, đó là âm nhạc. Cảm giác như Bình sinh ra để dành cho âm nhạc mà thôi.

Bình vào Nhạc viện học âm nhạc dân tộc, sau chuyển qua guitar bass để dễ kiếm việc làm. Một người bình thường để chiếm lĩnh một nhạc cụ, hiểu và chơi được nó đã khó. Nhưng Bình có thể thông thạo 15 nhạc cụ. "Bởi tôi cảm âm nhạc bằng cả tâm hồn mình, chứ không bằng mắt, bằng tay". Lý do đơn giản của Bình vậy. Nhưng tôi biết, đó cũng là sự khổ luyện của những năm tháng tuổi trẻ.

Cuộc sống xa nhà từ nhỏ, nhưng Bình không đơn độc, vì luôn có anh trai ở bên cạnh. Vừa đi học, Bình vừa kiếm việc làm thêm ở các quán bar. Ở đó, Bình lắng nghe những âm thanh cuộc sống dội. Và cũng ở đó, đã cho Bình một cách tiếp cận riêng với âm nhạc. Bình không thích nói về những khó khăn hay những góc khuất trong đời sống của mình. Bởi đơn giản Bình yêu tha thiết cuộc đời này. Và anh cảm thấy may mắn vì được sinh ra. Tâm thế sống đó đã đưa Bình đến với âm nhạc một cách trọn vẹn.

Nhạc sĩ khiếm thị Nguyễn Thanh Bình.

Tôi hỏi Bình có bao giờ chạnh buồn vì số phận đã không may mắn với anh. Bình mỉm cười. Nụ cười hồn hậu và ấm áp: "Tôi chưa bao giờ oán trách số phận, bởi đơn giản, tôi không nghĩ mình là một người khiếm thị. Âm nhạc đã mang đến cho tôi những người bạn, một cuộc sống đủ đầy như bao người khác, đó là thứ ánh sáng mà tôi nghĩ mình cần có trong cuộc đời, đó là ánh sáng trong tâm hồn. Và tôi đã chọn thứ ánh sáng đó". Bình cảm nhận cuộc sống bằng âm nhạc. Và tôi tin, trong thế giới của Bình tràn ngập ánh sáng, thứ ánh sáng của niềm tin yêu, của sự tử tế, của khát vọng dấn thân và dâng hiến. Ai trong những người trẻ như chúng ta đang sống một cuộc sống đủ đầy, có được tâm thế đó?

Bình kể về những giấc mơ và khát vọng được cống hiến, giấc mơ từng bước nâng cao thẩm mỹ âm nhạc của mọi người bằng chính những bản phối văn minh. Và tâm huyết đó, đam mê đó của Bình được cộng hưởng bởi rất nhiều người. Một phòng thu cho giới nhạc sĩ đầu tiên ở Việt Nam vừa hoàn thiện. Cảm giác như Bình đang chạm tay vào giấc mơ của mình.

Thực tế ở Việt Nam mới chỉ có phòng thu phục vụ ca sĩ, còn đây sẽ là phòng thu phục vụ cho các ban nhạc. Ở đó, các nhạc cụ như trống, bass, kèn có thể đối thoại với nhau, cùng nhau phô diễn những âm thanh tuyệt vời nhất của mình. Ở đó, những nhạc sĩ lặng thầm luôn đứng phía sau sân khấu đệm đàn cho ca sĩ được nhìn nhận đúng giá trị của họ. Phòng thu được mang tên D & B (Drum and Bass) - sân chơi dành cho những người muốn làm âm nhạc tử tế. Ở đó, Bình có những người bạn, cùng tâm huyết và đam mê.

Nguyễn Thanh Bình và bạn bè.

Nhạc sĩ Vũ Thanh Bình - tay trống của ban nhạc “Anh em” và Bình là hai chủ lực của phòng thu. Họ muốn những nhạc sĩ, nhạc công, những người sinh ra để làm nhạc, được tôn vinh. Họ sinh ra không phải chỉ làm mỗi công việc đệm đàn cho ca sĩ hát. Và ở đó, những nhạc cụ, bằng sự tài hoa của người nghệ sĩ có thể cất lên tiếng nói của mình.

"Chúng tôi mở phòng thu, có thể nhiều người sẽ bảo rằng chúng tôi mạo hiểm, bởi chúng tôi không giàu. Nhưng tôi muốn tạo ra một sân chơi chung cho những anh em nhạc sĩ, họ được thỏa sức sáng tạo và được tôn vinh. Và họ sẽ có cơ hội có những sản phẩm của riêng mình, thay vì chúng ta chỉ biết đến sản phẩm của các ca sĩ. Ở thế giới họ đã làm điều này từ lâu, còn chúng ta đang là một khoảng trống. Những nhạc công, tài năng hiếm hoi của chúng ta đang bị lãng quên. Đó sẽ là một tiếng nói đặc biệt", nhạc sĩ Vũ Thanh Bình chia sẻ.

Bình đang bước lên một chuyến tàu mà ở đó, có rất nhiều người đồng hành cùng anh. Sự cộng cảm của họ đến từ niềm đam mê và tình yêu với âm nhạc, thứ âm nhạc tử tế mà Bình mong muốn và theo đuổi. Chuyến tàu độc hành đó sẽ cô đơn, có lúc sẽ lạc lõng giữa thế giới quá ồn ào và xô bồ hôm nay. Nhưng Bình và những người bạn của anh tin rằng, một ngày nào đó, họ sẽ cập bến.

Bình không giàu có. Cuộc sống của Bình giản đơn lắm. Bình có thể ở cả ngày trong phòng thu, làm việc với cường độ cao. Thỉnh thoảng tụ bạ bạn bè cà phê, lang thang qua các vùng miền, đi để cảm nhận cuộc sống, để nuôi dưỡng cảm xúc. Nhưng thế giới của Bình bị bủa vây bởi âm nhạc và chỉ âm nhạc mà thôi. Bao nhiêu tiền thu được từ phối khí Bình lại đổ vào âm nhạc, mua sắm những trang thiết bị cho phòng thu. Những nỗ lực không mệt mỏi của Bình và những người bạn, có thể đang là một tiếng nói nhỏ lẻ, nhưng vô cùng cần thiết trong thế giới âm nhạc hỗn loạn của chúng ta. Nó gieo tình yêu, gieo niềm tin vào sự tử tế trong âm nhạc.

Có bao giờ Bình mệt mỏi trên hành trình của mình? Bình mỉm cười... Tôi nhìn thấy niềm tin ấy, chí khí ấy trong tâm hồn Nguyễn Thanh Bình như một xác tín về một ngày nào đó, thị trường âm nhạc của Việt Nam sẽ có những đổi thay. "Một bản phối khí chỉ được trả phí chừng 5 triệu đồng, trong khi một bản hít của ca sĩ có thể thu về hàng tỷ đồng. Vì sao, vì ở nước ta chưa bao giờ coi trọng công việc của nhạc sĩ, nhạc công… nhưng điều đó sẽ phải thay đổi trong tương lai chị ạ, em tin như thế…". Tôi cũng tin điều đó, vì chúng ta đang có những người làm nhạc tử tế như Bình.

Việt Hà
.
.
.