Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng và hành trình “Cứu biển”

Chủ Nhật, 09/06/2019, 12:00
“Hãy cứu biển” là triển lãm ảnh đầu tiên về rác thải nhựa ở Việt Nam, mở cửa từ ngày 4-6 tại 29 Hàng Bài, Hà Nội. Đó là những bức ảnh về biển ngập trong rác thải nhựa của nhiếp ảnh gia Lekima Hùng (Nguyễn Việt Hùng) trong hành trình 7000km xuyên Việt của anh để “săn” rác thải nhựa.


Triển lãm được trưng bày đúng dịp kỷ niệm ngày Môi trường thế giới (5-6) và ngày Đại dương thế giới (8-6), đánh dấu chặng đường đầu tiên của dự án cá nhân Save Our Seas của anh.

1. Một bãi biển ngập tràn rác thải nhựa, một con cá chết vì nuốt quá nhiều đồ nhựa hay một góc biển chết vì ngập rác, đó là những bưc ảnh thực sự làm chấn động người xem vì tình trạng rác thải nhựa đang ngập tràn khắp các vùng biển Việt Nam. Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng đã dành nhiều năm cùng chiếc xe máy của mình đi dọc hơn 3000 km bờ biển ở 28 tỉnh thành Việt Nam để chụp lại những bức ảnh đó.

 “Hãy cứu biển” với thông điệp “Chỉ có hành động mới mang lại sự thay đổi”, thông qua các bức ảnh, triển lãm nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về rác thải. 100 bức ảnh được lựa chọn từ 3000 bức chụp dọc theo hơn 3000 km bờ biển tại 28 tỉnh thành và hơn 100 cửa sông. Các bức ảnh được sắp xếp theo từng nội dung, địa điểm và thời gian chụp, giúp người xem có thể hình dung một bức tranh tổng thể về thực trạng rác thải nhựa xuyên suốt bờ biển Việt Nam.

Tại triển lãm, những con số giật mình được đưa ra, mỗi năm, Việt Nam xả ra đại dương khoảng 0.28 đến 0.73 triệu tấn rác thải nhựa qua 112 cửa sông. Trong 5 nước đứng đầu thế giới về lượng rác nhựa gây ô nhiễm môi trường biển, chiếm hơn 50% lượng rác nhựa thải ra đại dương, Việt Nam đứng thứ 4, sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines.

Mỗi năm trên toàn cầu có tới 500 tỷ túi nhựa được sử dụng, 1 triệu chai nhựa được mua mỗi phút và 8-12 triệu tấn nhựa rò rỉ ra biển và phải mất 400-1.000 năm để chất thải nhựa phân hóa hoàn toàn trong môi trường, có 100.000 động vật  biển bị chết vì nhựa. Và với “phong trào” dùng đồ nhựa như hiện nay, đến năm 2050, rác thải nhựa sẽ nhiều hơn cá ở biển.

Trong đó, phần lớn lượng rác thải biển của nước ta xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Điều đó cho thấy, chúng ta phải hành động ngay trong cuộc chiến chống rác thải nhựa.

Nhiếp ảnh gia Lekima Hùng chia sẻ: “Là một công dân, tôi muốn đóng góp một phần nhỏ bé từ khả năng chuyên môn của mình vào việc ghi nhận những điều đang xảy ra dọc theo bờ biển của Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề này, đồng thời tìm hiểu nguyên nhân, tìm kiếm giải pháp phù hợp”.

Anh cho biết thêm, trên con đường “vạn lý độc hành” qua gần 7000km dọc chiều dài đất nước, ống kính của anh đã ghi lại những nơi toàn rác. Những bãi biển, những dòng sông, những bờ kênh, những con người oằn mình trong rác.

Và môi trường sống của chúng ta đang bị hủy hoại từng ngày bởi rác. Câu chuyện anh kể bằng hình ảnh không phải là câu chuyện thi vị, nhưng đó là một thực trạng đang xảy ra ở khắp các bờ biển Việt Nam. Anh hy vọng, những bức ảnh sẽ có ích cho cộng đồng vì ai cũng sẽ thấy bản thân mình trong đó.

 “Tôi mong muốn câu chuyện của mình được lan tỏa và truyền cảm hứng mạnh mẽ tới cộng đồng nhằm góp phần thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức và thúc đẩy những hành động tích cực của mỗi cá nhân cũng như góp một tiếng nói tới các cơ quan quản lý, ban hành chính sách trong cuộc chiến chống lại rác thải nhựa, cứu đại dương.

Hiện nay, nhận thức của người dân về môi trường còn hạn chế. Đề tài sinh thái cũng mới được các nghệ sĩ của chúng ta chú ý trong vài năm trở lại đây. Tôi nghĩ, “cuộc chiến” này mới chỉ ở giai đoạn đầu. Hy vọng sẽ có thêm nhiều triển lãm hoặc những dự án nghệ thuật khác chú trọng đến vấn đề này” - Lekima Hùng hy vọng.

Một tác phẩm trong triển lãm “Hãy cứu biển”.

2. Tôi hỏi Lekima Hùng, cơ duyên nào đưa anh đến với những bưc ảnh về môi trường, địa hạt mà văn học nghệ thuật ít quan tâm, thậm chí là khá thờ ơ. Anh Hùng chia sẻ: “Suốt 20 năm cầm máy, tôi đã chụp rất nhiều đề tài. Nhưng càng ngày tôi càng nhận ra, nhiếp ảnh có khả năng mang lại nhiều giá trị hơn những gì trước đó tôi từng hình dung về thể loại này.

Đôi khi tôi nghĩ, con người không xứng đáng với hành tinh mà chúng ta đang sống. Có nhiều người hỏi tôi: “Mệt không, sao lại chụp rác thải nhựa, những thứ bẩn thỉu, xấu xí như thế?”… Một khi đó là thôi thúc từ nội tâm, khi ta có niềm say mê, ý tưởng và thấy mình cần phải đi, ta sẽ thấy mọi thứ đơn giản, nhẹ nhàng hơn nhiều”.

Anh kể, lần đầu tiên anh biết đến câu chuyện của rác thải nhựa cách đây 5 năm, sau biến cố không mong muốn của gia đình, khi mẹ anh bị ung thư. Lekima Hùng đã tìm hiểu các nguyên nhân gây bệnh và từ đó mới biết đến các tác hại vô cùng to lớn của rác thải nhựa với môi trường với sức khoẻ con người với đại dương. Đó cũng chính là một trong những lý do thôi thúc anh lên đường và thực hiện chuyến đi.

“Một người anh lớn tuổi, nhiếp ảnh gia Nick Út, người đã chụp bức ảnh Cô bé bom Napal gây ấn tượng mạnh với người xem, gần 10 năm trước có bảo với tôi rằng: Muốn chụp tốt, phải hiểu rõ những gì mình chụp, vậy nên tôi đã dành 1 năm nghiên cứu về rác thải nhựa và chuẩn bị lên đường. Đây là 1 chuyến đi để đời của tôi với rất nhiều kỉ niệm, trải nghiệm và cả những “tai nạn” trên đường”, anh chia sẻ.

Lekima Hùng và chiếc xe máy đồng hành cùng anh trong hành trình xuyên Việt săn rác.

Tháng 8-2018 là thời điểm Lekima Hùng bắt đầu cuộc hành trình. Từ Hà Nội anh đi Ninh Bình và bám theo đường biển vào đất mũi Cà Mau, rồi men theo biển đi tới Hà Tiên (Kiên Giang), giáp biên giới Campuchia. Tháng 12-2018, anh tiếp tục hành trình từ Hà Nội đi Nam Định và dọc biển của 3 tỉnh còn lại là Thái Bình, Hải Phòng và Quảng Ninh tới mũi Sa Vỹ- địa đầu Tổ quốc.

Và một năm rong ruổi cùng chiếc xe máy ấy, anh đã chụp lại hơn 3000 bức ảnh. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về sự ô nhiễm của rác đối với môi trường sống. Anh kể, có những câu chuyện anh gặp rất ấn tượng, đó là bãi biển Tuy Phong ở Bình Thuận, nơi những con kênh không nhìn thấy nước mà chỉ thất toàn rác nổi lềnh phềnh trên đó và trẻ con chơi đùa ở đó.

Những nơi có bãi biển kéo dài cả ki lô mét toàn rác không nhìn thấy cát đâu và mọi người còn đi vệ sinh ở đó. Anh bị sốc khi đến Bình Châu có Cảng Kỳ Sa ra  đảo Lý Sơn. Họ cứ quăng rác một cách vô tư và hồn nhiên xuống biển như  đó là thùng chứa rác. Khi tìm hiểu thì anh biết, ở đó không có thùng rác và họ coi biển chính là thùng chứa rác.

“Tôi thấy xót xa khi đến nơi danh lam thắng cảnh là Hòn Phụ Tử rất đẹp ở Kiên Giang - một bãi tắm hiếm hoi nhưng ở đó mọi người lại đổ rác ra ngay bãi cát và đốt. Rồi tôi nhìn thấy những cây thốt nốt hay cây dừa rất lâu năm bị đốt cháy chết, thậm chí gốc vẫn còn đen ở ngay khu soát vé của di tích lịch sử thì thực sự tôi thấy xót xa. Tôi tự hỏi, những nơi trung tâm còn như vậy thì không biết vùng sâu, vùng xa thế nào”.

Một vùng biển chết ở Quất Lâm- Nam Định.

Khó khăn, vất vả và thậm chí đôi khi đối mặt với cả những nguy hiểm. Nhưng nếu phía trước mình đã có con đường, và có niềm đam mê, thì cứ thế đi thôi. Lekima Hùng nói, anh muốn qua những bức ảnh, đánh vào tâm thức của người xem để cộng đồng có những thay đổi tích cực trong vấn đề bảo vệ môi trường sống.

“Cứu biển” mới chỉ là chặng đầu tiên của một dự án dài hơi mà anh theo đuổi, Save Our Seas. Anh sẽ đi tiếp hành trình của mình và Lekima Hùng hy vọng, anh sẽ nhận được sự đồng hành của nhiều người. “Thêm một người nhận thức được vấn đề rác thải là thêm một cơ hội để bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta”, anh nói.

“Tôi đã đến nhiều hòn đảo, ở những bờ biển không có dân cư sinh sống tôi vẫn dễ dàng nhặt được rác thải nhựa sinh hoạt mà trên bao bì với nhiều ngôn ngữ của các quốc gia khác nhau. Điều đó làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Chúng ta có xứng đáng với hành tinh này hay không? Chúng ta đang để lại gì cho thế hệ mai sau? Một đại dương đầy cá hay một đại dương đầy nhựa? Đây là thời điểm thích hợp để chúng ta nhận ra rằng đại dương của chúng ta đã và đang trở thành một bãi rác chung.

Chúng ta có thể đến từ nhiều quốc gia, nơi chốn khác nhau nhưng: Chúng ta chỉ có một hành tinh, Chúng ta chỉ có một đại dương, Vì vậy chúng ta chỉ có chung một nhiệm vụ. Đó là nhiệm vụ giảm rác thải nhựa đổ ra đại dương. Máy ảnh của tôi đã ghi lại những vùng toàn rác.

Những con người, những dòng sông oằn mình trong rác. Khi những bức ảnh được chia sẻ, rất nhiều nơi đã được dọn dẹp, tôi được bạn bè gửi lại những bức ảnh tại chính những nơi đó, chỉ khác là ko còn rác. Tôi nhận ra một điều rằng: Chỉ HÀNH ĐỘNG ta mới có thể làm nên thay đổi.

Tôi muốn nêu một thử thách để các quý vị có thể hành động. Đó là thử thách một ngày không sử dụng nhựa dùng một lần. Và thách đố tiếp những người thân quen của mình. Tôi mong muốn Việt Nam sẽ có ngày không có rác thải nhựa, thế giới có ngày không rác thải nhựa. Nhưng trước hết mỗi chúng ta hãy có cho mình một ngày không rác thải nhựa” - Lekima Hùng chia sẻ.

Linh Nguyễn
.
.
.