Nhọc nhằn cả đời "đi xin cho người"

Thứ Năm, 08/01/2015, 15:00
Suốt mấy chục năm qua, ông cụ sắp bước sang tuổi 90 ấy ngày nào cũng khoác trên mình tấm áo có in hình chữ thập đỏ. Cụ đi khắp thôn cùng ngõ hẻm, đến từng nhà vận động quyên góp giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn. Cụ Thái Văn Thành (thị trấn Chũ, Lục Ngạn, Bắc Giang) được người ta ví "người có máu từ thiện bẩm sinh".

Thm cái nghèo nên mun giúp người nghèo

Người làng bảo, mấy hôm nay cụ ốm. Không ốm sao được khi trời đang nóng như rang lại đổ từng đợt gió mùa như cắt da thịt. Chúng tôi ghé thăm cụ Thành vào đúng những ngày cụ nằm bệt vì "dở giời". Đã bước vào cái tuổi ngót nghét 90, vậy mà ngày nào cụ Thành cũng đi khắp nơi, vận động mọi người chung tay giúp người nghèo.

Ngôi nhà nho, mộc mạc nằm khiêm tốn ở một con ngõ nhỏ tại thị trấn Chũ. Nhà không khá giả, nhưng nhìn đồ đạc cũng đủ thấy chủ nhân là người rất chỉn chu. Biết chúng tôi đến thăm và tìm hiểu về cái "máu" làm từ thiện của mình, cụ như bừng tỉnh, như gặp được cố nhân. Chưa kịp chào, cụ Thành nói như thanh minh: "Mấy hôm nay lạnh giời, chẳng đi đâu được. Vậy là không hoàn thành chỉ tiêu đặt ra rồi". Chả là cụ tự đặt cho mình chỉ tiêu mỗi tuần vận động được số tiền nhất định để giúp người nghèo. Không thực hiện được, cụ Thành như thể mắc tội vậy!

Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo tại Quảng Nam - Đà Nẵng, năm 1954 cụ tập kết ra Bắc. Vào quân đội và chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ sau lại trở về Bắc lập gia đình. Hỏi cụ động lực nào khiến cụ bỏ tâm huyết cả đời làm từ thiện. Cụ Thành tâm sự: "Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình quá nghèo, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Cuộc sống của ông chẳng mấy suôn sẻ nên ông hiểu những cơ cực và bất hạnh mà nhiều người phải chịu".

Cụ Thành có thói quen xem báo để tìm những mảnh đời bất hạnh, sau đó gom tiền gửi giúp đỡ.

Cụ Thành bắt đầu câu chuyện cuộc đời bằng những tiếng thở dài đầy vẻ nuối tiếc. Mùa vải năm 1973 bất hạnh đã đổ xuống gia đình cụ. Hôm đó đúng vào những ngày nắng nóng nhất tháng năm. Cụ đang tham gia Đại hội Đảng, hai người con ở nhà nghịch giữa trời nắng và bị viêm màng não mất đi một người, còn một người con cũng bị ảnh hưởng cho đến ngày nay. Cụ Thành nhớ lại mà không cầm được nước mắt: "Nếu quay trở lại ngày hôm đó, thà ông chịu kỷ luật chứ không để chúng nó chết. Ông ở nhà với chúng nó thì đã chẳng ra nông nỗi này".

Cố gạt đi những  giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo, cụ Thành lôi cuốn album ảnh của người con thoát chết trong lần đó. Cụ khoe: "Nó bị viêm màng não nhưng cũng có vợ con rồi đấy. Bây giờ vợ chồng nó ở mãi tận Bình Dương. Ông phải đổi họ cho nó để dễ nuôi chứ họ tên thật của nó là: Thái Quảng Ninh cơ". Trong suốt câu chuyện của cụ Thành, cụ cứ lảng tránh nói về người vợ của mình. Nhưng nhìn cặp mắt rưng rưng ấy, chúng tôi hiểu cụ có nhiều điều khó nói. Chống tay khó nhọc, cụ Thành lôi cuốn "Truyện Kiều" được cất giữ cẩn thận. Lật đi lật lại, đến trang rách bỗng giọt nước mắt từ khóe mắt cụ rơi xuống. Cụ Thành lí nhí từng câu: "Bà nhà ông bị thần kinh (cũng bị viêm màng não), học trước quên sau, chả có chữ nghĩa gì sất… chả biết trân trọng cuốn truyện quý thế này. Trang rách này là do bà ấy xé đấy".

T thin như th cái nghip

Xuất thân cơ hàn, trải qua quá nhiều cay đắng, biến cố cuộc đời nên cụ Thành hiểu hơn ai hết nỗi khổ của những người có hoàn cảnh đặc biệt. Năm 1973 cụ Thành về hưu, có lẽ đây cũng là năm đánh dấu cho sự bắt đầu của "chiến dịch từ thiện" của cụ. Cái ngày đất nước còn khó khăn, miếng ăn còn chưa đủ nói gì đến thuốc chữa bệnh. Sẵn có nghề trong tay, cụ Thành bắt đầu nảy ra ý tưởng trồng cây thuốc Nam chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Không chỉ trồng cây thuốc chữa bệnh, cụ Thành còn ươm trồng cây kinh tế, phát miễn phí cho những gia đình khó khăn trong huyện.

Phần thưởng Trung ương Hội Chữ Thập đỏ tặng cho những nỗ lực của cụ Thành.

Cụ Thành tâm sự: "Ông thương những người bị bệnh mà không có tiền đi viện, ông đã nhiều lần rơi vào hoàn cảnh đó nên hiểu". Chúng tôi ngỏ ý tò mò, từ khi nào cụ bắt đầu có ý tưởng làm từ thiện, thì nhận được nụ cười đầy nhân hậu: "Có lẽ là bẩm sinh! Chẳng biết từ khi nào nữa. Thấy người nghèo là ông thương lắm, ngay cả trong quân đội, ông thấy ai có hoàn cảnh khó khăn là tìm cách giúp cho bằng được".

Với cái lý "lá rách ít đùm lá rách nhiều", hằng tháng cụ trích 500 nghìn đồng từ hơn 2 triệu lương hưu của mình để gửi cho người nghèo. Trong một lần mang 500 nghìn đồng gửi tới quỹ tấm lòng vàng, cụ Thành nhận thấy rằng chỉ dựa vào hoàn cảnh của mình và đồng lương hưu sẽ không thể giúp đỡ được nhiều người. Vậy là người đàn ông có "máu làm từ thiện bẩm sinh" ấy quyết định lập cuốn sổ "Tấm lòng vàng". Cụ lặn lội đi xin phép cơ quan chính quyền, thuyết phục Hội Chữ thập đỏ huyện Lục Ngạn đóng dấu chứng nhận. Cụ Thành nghiêm túc: "Mình phải làm việc bài bản như vậy mới có hiệu quả, làm là phải có tổ chức đàng hoàng, đi xin quyên góp người ta mới tin, mới ủng hộ".

Cụ còn nhớ như in những ngày đầu đi quyên góp. Quả đúng đi xin tiền thiên hạ không phải chuyện dễ. Ai thấy cụ cũng cảnh giác, cũng lảng tránh. Người ta bảo cụ lừa đảo, rồi buông những lời khó nghe như "già rồi còn không biết xấu hổ", "ngày nào cũng vác mặt đi xin tiền". Đã quyết tâm, và yêu cái nghề "xin để cho", cụ Thành tiếp tục đi xin, tiếp tục giải thích. Dần dần có một vài người tin, nhiều người tin, họ thấy bao nhiêu năm đi xin mà gia cảnh vẫn khốn khó, người đời mới ngầm hiểu rằng cụ không xin cho mình, cụ xin cho thiên hạ, xin để cho những người khó khăn hơn mình. Việc làm tưởng chừng đơn giản ấy, vậy mà không phải ai cũng dám làm và làm được. Lâu dần người ta thấy mến cụ, phục cụ và quen dần với cái tên "ông Thành từ thiện".

Hình ảnh ông cụ đạp xe, mặc chiếc áo blouse, mang theo cuốn nhật ký "tấm lòng vàng" đã trở nên quá đỗi thân thương với người dân Lục Ngạn. Mỗi lần đi ông cụ không quên đặt vào giỏ xe vài ba chậu hoa nhỏ li ti để làm quà biếu cho những người có lòng hảo tâm. Hết đi vận động, ông cụ còn qua bưu điện thị trấn, xin giấy vụn, phong bì cũ. Với phong bì cũ, cụ Thành lộn ngược từ trong ra ngoài, để dùng lại, gửi thư đi khắp nơi. Cụ Thành đưa chúng tôi thăm cả kho báo cũ của mình, hầu hết tờ nào cũng được cụ cắt đi góc kêu gọi từ thiện. Cụ bảo: "Đọc báo thấy hoàn cảnh người ta khổ quá mình cắt ra. Sau khi quyên góp được tiền, mình có thể gửi trực tiếp qua những địa chỉ này".

Cụ Thành chuẩn bị hành trình xin tiền làm từ thiện.

Mặc dù sắp bước sang tuổi 90 nhưng cụ Thành vẫn đặt chỉ tiêu cho mình mỗi ngày phải xin được 30 nghìn đồng. Mọi người giờ đây tin cụ lắm, nhiều khi còn nhờ người gửi tiền về cho cụ. Cụ Thành cười: "Anh trưởng khu đến đây phát lương hưu cho tôi lần nào cũng đưa cho tôi chút ít. Coi như nhờ tôi gửi cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Người có nhiều đưa nhiều, dù một nghìn tôi cũng lấy. Có người đưa cho tôi 3 triệu đồng, nhưng lại ghi trong sổ "Tấm lòng vàng" là ủng hộ 2 triệu. Tôi hỏi lại: Cô thử tôi hay sao mà lại làm thế? Cô ấy đáp lại: “Con không thử ông, cả thiên hạ này thử ông rồi. Một triệu ấy con muốn để biếu ông, ông bồi bổ sức khỏe còn đi làm việc thiện giúp đời".

Những năm tháng làm từ thiện, cụ Thành đã có sáng kiến gọi là "để đời", cụ tự tay đóng những hòm gỗ sau đó gắn chữ thập đỏ lên rồi mang đi treo các nơi công cộng. Cụ lấy hết sức bình sinh, vác chiếc hòm gỗ dán chữ thập đỏ, cười đầy tự hào: "Ông đã làm gần chục cái hòm như thế này, mỗi chỗ ông đặt một cái, như: Kho bạc huyện Lục Ngạn, tín dụng của thị trấn Chũ, Điện lực huyện, Ủy ban huyện và cả khu Lê Hồng Phong này nữa, tất cả các hòm này ông đều đưa chìa khóa cho cơ quan đó trực tiếp quản lý". Chính tại nhà mình, cụ Thành cũng treo một chiếc hòm như vậy, khách đến nhà việc trước tiên là đút bỏ vài ba nghìn vào đó.

Có lần có người cho cụ tiền vé máy bay vào Nam thăm con. Cụ đã quyết định mua vé tàu, bớt ra số tiền thừa để cho người nghèo. Lần đó chính cụ đã bị người thân trách móc, phàn nàn. Cụ chỉ biết nói lại rằng: "Mình chịu khổ một tí nhưng lại giúp được biết bao người".

Chia tay cụ Thành, hình ảnh khiến chúng tôi xúc động chính là cuốn sổ "Tấm lòng vàng" của cụ. Nó dày đặc những tên người ủng hộ, bên cạnh tên tuổi, số tiền của họ còn là những dòng lưu bút xúc động gửi đến cụ, những lời chúc cụ giữ gìn sức khỏe để tiếp tục thực hiện "sứ mệnh" của mình.

Với những hoạt động từ thiện không biết mệt mỏi của mình, cụ Thành đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen của Hội Chữ thập đỏ từ cơ sở đến Trung ương. Nhưng có lẽ phần thưởng vô giá lại là cái tên "ông Thành từ thiện" mà mọi người vẫn trìu mến gọi.

Song Anh
.
.
.