Những chàng trai cứu người từ tay "hỏa thần"

Thứ Tư, 03/05/2017, 11:10
Nhắc đến những người lính Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) người ta vẫn gọi họ là những người hùng trong bão lửa bởi tính chất nguy hiểm của công việc họ vẫn phải đối mặt.

Cũng như khi cháy, công việc cứu nạn cứu hộ hằng ngày không được phút chậm trễ để bằng mọi cách cứu sống người bị nạn. Những câu chuyện phía sau việc cứu người, lần đầu tiên được những chiến sỹ Cảnh sát PCCC chia sẻ.

Cứu người như cứu hỏa

Kể về những vụ cứu nạn cứu hộ phức tạp đã trực tiếp tham gia chỉ đạo, Trung tá Nguyễn Hữu Tĩnh, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn chỉ đạo về chữa cháy & CNCH, Cảnh sát PC&CC Nghệ An nhớ như in vụ tai nạn mới xảy ra vào cuối năm 2016. Đó là một đêm mưa lạnh mà cả anh và những người lính của mình đã gắng hết sức để cứu sống người tài xế bị mắc kẹt trong trong hơn 1 tiếng đồng hồ.

Với vai trò là người chỉ huy nhưng lần đó đích thân anh "ra tay". Vụ tai nạn xảy ra vào ngày 7-11 trên tuyến đường tránh Vinh đoạn qua xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc giữa xe tải mang BKS 51C-017.84 do anh Ngô Ngọc Hiển (Hậu Giang) và xe container BKS 79R.00092 khiến hai xe lật nghiêng, chiếc container bị lao xuống ruộng, chiếc xe còn lại lật nghiêng trên đường.

Vụ tai nạn thương tâm khiến cả 4 người ngồi trên xe bị thương, 3 người được nhân dân đưa đi cấp cứu, còn tài xế Hiển mắc kẹt trong xe. Khi Đội chữa cháy & CNCH chuyên nghiệp đến hiện trường thì phần đầu chiếc xe bẹp rúm do cú va chạm mạnh, hai chân của nạn nhân bị mắt kẹt trong vô lăng. Do cú đâm mạnh nên buồng lái ép mạnh vào người tài xế, cửa bên lái cũng bị mắc kẹt.

Trước tình huống đó đồng chí Tĩnh quyết định cắt đầu xe bằng mọi cách đưa nạn nhân ra ngoài. Ngay lập tức, đội tổ chức triển khai đội hình banh cắt sử dụng các công cụ, phương tiện để tách rời các cấu kiện liên kết khiến nạn nhân bị kẹt. Sau khi kéo được 1 chân bị mắt kẹt ra ngoài, một chân khác vẫn bị kẹt lại do trục vô lăng dồn vào người lái xe không có điểm banh cắt nên nạn nhân vô cùng hoảng loạn, sợ hãi và liên tục la hét.

Những người lính liên tục làm công tác tư tưởng, trấn an nạn nhân đồng thời yêu cầu lực lượng y tế tiêm thuốc giảm đau cho nạn nhân.

Cảnh sát PCCC & CNCH Nghệ An giải cứu nạn nhân bị mắc kẹt sau cabin trong vụ tai nạn giao thông.

Trung tá Nguyễn Hữu cho biết: "Lúc đó tình hình rất nguy cấp, tài xế quá sợ hãi sẽ phải cắt đi phần chân trái nên liên tục la hét. Chúng tôi vừa làm, vừa động viên, trấn an nạn nhân, vừa che lại không để nạn nhân nhìn thấy công việc của chúng tôi để nạn nhân thêm sợ hãi, hoang mang".

Những người lính đã sử dụng hệ thống tời kéo giãn phần máy bị dồn lại phía người nạn nhân sau đó sử dụng các phương tiện nghiệp vụ banh cắt các hệ thống lái, các vị trí kẹt vào chân của nạn nhân, đưa nạn nhân ra ngoài. Sau gần 1 giờ đồng hồ, với sự chuyên nghiệp của lực lượng CNCH, tài xế được đưa ra ngoài an toàn.

Sau ngày hôm đó, người nhà của tài xế từ Hậu Giang ra chăm con đã viết thư cảm ơn những "ân nhân" cứu mạng con trai mình. Đó chỉ là một trong hàng trăm vụ cứu nạn cứu hộ mà Trung tá Tĩnh và đồng đội tham gia cứu sống người bị nạn. Mỗi vụ cứu nạn cứu hộ là những tình huống khác nhau với những đặc điểm riêng biệt đòi hỏi người chỉ huy phải đưa ra sự phán quyết nhanh để xử lý tình huống một cách nhanh nhất.

Và thật kỳ diệu khi những vụ cứu nạn cứu hộ mà các anh tham gia khi nạn nhân còn bị mắc kẹt dưới hố sâu, dưới nước hay trên cạn như các vụ tai nạn giao thông thì nạn nhân đều được cứu sống và bình phục. Đó tất nhiên không phải là sự may mắn mà là kết quả của những kinh nghiệm xương máu rút ra từ những năm tháng rèn luyện trên thao trường cũng như kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu đầy mồ hôi và cả nước mắt.

Chỉ tính riêng trong năm 2016 lực lượng Cảnh sát PC&CC đã tổ chức cứu nạn cứu hộ 11 vụ tai nạn trong đó cứu sống được 7 nạn nhân, trục vớt 7 thi thể. Vụ tai nạn gần đây nhất vào tháng 2-2017 lực lượng cứu nạn cứu hộ đã kịp thời cứu sống 5 nạn nhân bị mắc kẹt trong xe, trong đó có 2 trẻ em.

Vụ tai nạn xảy ra gần trạm thu phí xã Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai (Nghệ An), chiếc xe ô-tô 7 chỗ bị mất lái đâm vào dải phân cách, biến dạng. Lực lượng CNCH Phòng Cảnh sát PC&CC số 4 đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường sử dụng các phương tiện chuyên dụng để tổ chức cắt phá cửa ô-tô đưa những người mắc kẹt ra ngoài, đồng thời triển khai đội hình phun nước làm mát cho xe đề phòng phương tiện bốc cháy.

Tổ chức cứu hộ, cứu nạn trong một vụ tai nạn giao thông.

Muôn kiểu cứu nạn

Cũng như chữa cháy, công việc CNCH đối mặt với nhiều hiểm nguy tùy vào tính chất phức tạp của mỗi vụ việc. Và tất nhiên những người lính làm công tác CNCH luôn phải đối mặt với áp lực thời gian, đó là bằng mọi cách để trong thời gian ngắn nhất lính CNCH phải có phương án vẹn toàn để cứu người, cứu tài sản.

Làm việc trong môi trường phức tạp, khó khăn không chỉ trong mịt mùng khỏi lửa, mà ngay cả trong hang sâu, hầm tối cho đến những khi giữa mênh mông biển nước nên nếu như sơ hở và chỉ cần một sai sót nhỏ thôi thì không những không cứu được tính mạng của nạn nhân mà chính bản thân mình cũng khó bảo toàn.

Lần các anh nhảy xuống cầu Bến Thủy để cứu một phụ nữ tự tử vào một ngày cuối năm 2016 cũng vậy. Khi đến hiện trường, người phụ nữ đang chới với giữa dòng nước xiết. Bất chấp cái lạnh cắt da cắt thịt, những người lính mang áo phao, dây cứu hộ quăng mình xuống dòng nước để giành giật với "hà bá" đưa người phụ nữ lên bờ an toàn. Đó là bà P.T.T đã ngoài 60 tuổi do buồn bực chuyện gia đình nên nghĩ quẩn. Sau khi đưa nạn nhân lên bờ, bà T. được sơ cứu và đưa vào bệnh viện điều trị. Gặp lại những người ân nhân vào thăm mình ở bệnh viện, bà T. vô cùng hối hận về hành động dại dột của mình. Bà bày tỏ tấm lòng biết ơn, cảm kích đối với những người đã cứu mạng mình.

Một người dân xúc động cảm ơn lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH trong vụ cứu 6 người thoát nạn vụ cháy trong đêm ở TP Vinh vào ngày 17-1-2017.

Trước đó vào hồi 9h 40, ngày 10-6-2015, Cảnh sát PCCC Nghệ An nhận được tin báo có vụ tai nạn xảy tại khu vực đồi núi thuộc địa phận xóm 16, xã Trù Sơn, huyện Đô Lương làm 1 người bị rơi xuống hố sâu khoảng 70m, gãy xương nhiều chỗ và bị bất tỉnh.

Ngay sau đó, bất chấp địa hình trong hang hiểm trở, hẹp và tối, lực lượng cứu nạn, cứu hộ PCCC Nghệ An đã cử 10 cán bộ chiến sỹ, vượt hơn 70km đến hiện trường và sau khoảng 40 phút triển khai CNCH, nạn nhân là anh Đào Văn Tâm (46 tuổi), trú tại xóm 9, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương đã được giải cứu an toàn, nhờ được chuyển đi cấp cứu kịp thời nên đã giữ lại được mạng sống.

Nhớ lại chuyện này, Thượng sĩ Đoàn Khánh Linh, Đội Chữa cháy, Cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp, thuộc Phòng Cảnh sát PCCC số 5 Nghệ An, là người trực tiếp xuống tận hang sâu để đưa nạn nhân rời khỏi hiện trường, chia sẻ: "Sau khi kiểm tra hang núi, tôi được trang bị đai bảo hộ và bình dưỡng khí trực tiếp xuống cứu người bị nạn. Càng xuống sâu, miệng hang càng hẹp, thành hang núi đá lởm chởm, thiếu ánh sáng. Hang đá sâu khoảng 70m, nạn nhân bị rơi ở độ sâu 30m lúc này đã bị ngất xỉu, thở dốc, vùng đầu mất nhiều máu, gãy xương, đa chấn thương. Do đáy hang nhỏ, thành hang có nhiều vỉa đá nhô, không có chỗ bám ra nên tôi phải buộc nạn nhân vào đai bảo hộ rồi buộc vào người mình, vừa đu dây, ở những đoạn hang hẹp, một tay vừa chống đẩy, còn tay kia đỡ lấy nạn nhân để dùng hết sức nâng người và đẩy nạn nhân lên".

Hầu hết những người lính ở Đội Chữa cháy và CNCH chuyên nghiệp tuổi đời còn rất trẻ, trong số 33 đồng chí có những chàng lính trẻ tuổi 18, đôi mươi vừa rời khỏi ghế nhà trường, rời xa vòng tay gia đình thế nhưng khi đã vào, vào cuộc chiến thì ai cũng đầy sục sôi ý chí chiến đấu và đầy "máu lửa".

Để đào tạo và huấn luyện được những "lò" chiến sỹ đầy gan dạ, mưu trí và chuyên nghiệp này công tác giáo dục chính trị tư tưởng, sự động viên của người chỉ huy là vô cùng quan trọng bởi đa số họ chưa va chạm nhiều nên khi mới vào nghề sẽ không tránh được nỗi sợ hãi và những ám ảnh của công việc.

Trung tá Nguyễn Hữu Tĩnh cho biết thêm: Đối với người làm công tác CNCH, ngoài việc tinh thông nghiệp vụ, thì phải sử dụng các phương tiện đúng lúc, đúng thời điểm để phát huy hiệu quả cao nhất. Điều quan trọng nhất trong quá trình triển khai cứu nạn không chỉ đòi hỏi sự nhanh chóng, chính xác, kịp thời mà còn phải đảm bảo cho người bị nạn an tâm tư tưởng để CBCS thực hiện nhiệm vụ, tuyệt đối trong quá trình cứu nạn không được làm cho nạn nhân bị nặng thêm do công tác CNCH.

Huyền Thương-Thiện Thành
.
.
.