Những chàng trai giúp cao nguyên đá nở hoa

Thứ Ba, 17/07/2018, 08:36
Với mong muốn góp phần nhỏ bé để xây dựng quê hương, nơi sinh ra và lớn lên của mình. Hai chàng trai người dân tộc Tày đã khởi nghiệp bằng những việc làm táo bạo. Lúc đầu ai cũng nghĩ là thật “điên rồ” nhưng bằng ý chí và nghị lực họ đã chứng minh cho gia đình và người thân tin rằng: “Giúp cho cao nguyên đá nở hoa” là một bước khởi nghiệp hoàn toàn đúng.


“Liều lĩnh” trồng hoa trên núi đá

Đầu tư hàng 100 triệu đồng thuê quả đồi cằn cỗi trên đỉnh Mã Pì Lèng (cung đèo nằm trên con đường Hạnh Phúc, nối huyện Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) để trồng hoa, chàng trai dân tộc Tày Ma Hoàng Sơn (SN 1989) đã khiến nhiều người ngỡ ngàng với quyết định của mình. Với sự liều lĩnh ấy, đến nay vườn hoa của Hoàng Sơn đã trở thành một điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến với Hà Giang.

Sinh ra và lớn lên ở Hà Giang, Ma Hoàng Sơn từng có kinh nghiệm 10 năm làm lữ hành. Sau mỗi chuyến dẫn khách thăm quan qua điểm dừng chân trên đỉnh Mã Pì Lèng, Hoàng Sơn nhận thấy ở đây có nhiều cảnh đẹp nhưng chưa khai thác hết. 

“Hơn nữa, với công việc dẫn khách, mình có nhiều điều muốn giới thiệu, nhưng nếu bản thân cao nguyên đá không đẹp hơn sẽ khiến điều mình nói trở nên đơn điệu, nhàm chán” - Hoàng Sơn chia sẻ. 

Với suy nghĩ ấy, Ma Hoàng Sơn đã quyết định thuê quả đồi bỏ hoang để trồng hoa. Từ đó, du khách có thêm một địa điểm mới ngắm cảnh và mang lại một góc nhìn khác về cao nguyên đá. Không chỉ thế Ma Hoàng Sơn còn cho rằng: “Người dân Hà Giang rất ham học hỏi nhau nên tôi là người đầu tiên dám trồng hoa trên đó, hy vọng mọi người thấy đẹp sẽ bắt chước để làm đẹp cho mảnh đất Hà Giang”.

Ma Hoàng Sơn, chăm sóc kỹ lưỡng từng bông hoa trong khu vườn của mình.

Đến đầu năm 2017, Ma Hoàng Sơn bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình. Ban đầu, Hoàng Sơn đầu tư hơn 200 triệu đồng, số tiền được anh vay mượn từ gia đình, bạn bè và một phần của bản thân để "thử thách" mình với quả đồi rộng gần 1.000m2. Những ngày đầu triển khai dự án, Sơn từng bị nhiều người chê cười vì ý tưởng trồng hoa trên mảnh đồi cằn cỗi. Nhưng động lực giúp anh vượt qua đó chính là gia đình. 

“Vài người chê cười tôi hành động “điên rồ” nhưng gia đình lại ra sức động viên. Có thể 5-7 năm nữa mới thành công nhưng điều quý nhất là tôi đã vượt qua được chính bản thân mình, theo đuổi đam mê và cống hiến một chút cho du lịch cao nguyên đá” - Sơn tâm sự.

Trước khi thực hiện dự án, Ma Hoàng Sơn đã dành 3 tháng để nghiên cứu đặc điểm địa hình, thổ nhưỡng, lựa chọn những loại hoa như: hoa hồng, tulip, hướng dương, dạ yến thảo, phong lữ thảo… trồng thử nghiệm. Để có thể trồng hoa trên mảnh đồi cằn cỗi, anh Hoàng Sơn phải mua hơn 30 khối đất, vận chuyển lên độ cao 20m bằng chiếc gùi của người Mông. Công đoạn phát quang, làm cỏ cũng tốn nhiều sức người bởi trước đó nơi đây bạt ngàn cây dại. Đến bây giờ, Hoàng Sơn vẫn không quên những ngày “ăn, ngủ” cùng vườn hoa, làm việc trên đồi đá từ sáng sớm tới chiều muộn.

Địa hình ở cao nguyên đá, giống hoa được Hoàng Sơn lựa chọn trồng chủ đạo là hoa hồng cổ Sapa và hoa tulip, vì đây là giống hoa ưa khí hậu ôn hòa. Những ngày đầu, Hoàng Sơn gặp không ít khó khăn, khi trồng 1.000 củ hoa tulip nhưng chỉ khoảng 300 củ phát triển tốt, 500 củ hỏng do nấm và 200 củ không nở gây thiệt hại hơn 10 triệu đồng.

 Sau đó, Hoàng Sơn phải đều đặn mỗi ngày theo dõi sự phát triển của cây để đưa ra chế độ chăm sóc phù hợp. Những ngày trời quá nắng, phải lấy đá xốp trong tủ lạnh rắc lên vườn làm mát, hoặc sử dụng nước ấm tưới cho hoa khi tiết trời giá lạnh.

Tính đến nay vườn hoa của Ma Hoàng Sơn đã mở cửa cho du khách thăm quan được gần 1 năm, theo Sơn chia sẻ thời gian đông khách nhất là từ tháng 9 đến tháng 4, với vài trăm lượt khách mỗi ngày. 

Trong thời gian này, Hoàng Sơn còn thuê một số người dân địa phương về làm vườn, bón phân… tạo ra thu nhập thời vụ cho bà con. 

Hoàng Sơn cũng bật mí, số tiền đầu tư vào vườn hoa giờ đã lên đến tiền tỷ, tuy đã có lãi nhưng Sơn lại dùng số tiền đó để đầu tư, cải tạo tiếp khu vườn. 

Trong thời gian tới, Hoàng Sơn dự định sẽ trồng thêm nhiều loại hoa để phủ kín vườn đồi; đồng thời xây dựng thêm các dịch vụ hứa hẹn là nơi thăm quan lý tưởng cho du khách gần xa. 

Hiện nay, vườn hoa của Ma Hoàng Sơn, dường như đã trở thành một điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến với Hà Giang.

"Hoa men say" một mô hình du lịch độc đáo

Mô hình du lịch mang tên “Hoa men say” đặt tại thôn Chúa Tở Vá, xã Ma Lé (Đồng Văn) thu hút đông đảo du khách đến tham quan khi ghé thăm Cao nguyên đá Đồng Văn; đó chính là kết quả của niềm đam mê khởi nghiệp và hành trình đầy gian nan của chàng trai trẻ sinh năm 1992 Sùng Mạnh Hùng.

Vườn hoa của Ma Hoàng Sơn đã trở thành điểm dừng chân không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến Cao nguyên đá..

“Liều lĩnh” khởi nghiệp với mô hình du lịch và rất thành công có thể khẳng định Hùng là một thanh niên trẻ, dám nghĩ, dám làm và đã tạo động lực cho rất nhiều thanh niên khác trên mảnh đất biên cương vượt qua khó khăn để làm giàu chính đáng. 

Chia sẻ với chúng tôi, Hùng cho biết Đồng Văn là vùng lõi của Cao nguyên đá, hằng năm, thu hút lượng lớn khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên, những địa điểm trước đây không còn mới mẻ với nhiều du khách. Vì vậy, Hùng quyết định đầu tư xây dựng một địa điểm mới mang tên “Hoa men say”, nằm trên trục đường từ trung tâm thị trấn Đồng Văn đến Khu di tích Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, để du khách có thêm một địa điểm để khám phá và tìm hiểu về văn hóa, con người vùng cao nguyên. 

Tháng 10-2017, Hùng bắt tay vào xây dựng “Hoa men say”. Với số vốn hơn 300 triệu đồng, bước vào thực hiện, Hùng gặp không ít khó khăn khi phải cùng lúc cạnh tranh với rất nhiều điểm du lịch khác. Tuy nhiên, vốn là nhân viên của Trung tâm Văn hóa huyện Đồng Văn, Hùng có nhiều ý tưởng cho việc quảng bá văn hóa vùng cao đến khách du lịch, nên đã tạo cho “Hoa men say” một không gian cực kỳ đặc biệt và thu hút. 

Khi xây dựng “Hoa men say”, Hùng đã lựa chọn sử dụng tất cả những vật dụng của người dân đã hỏng, không sử dụng nữa để trang trí như: quẩy tấu, máng lợn cũ,... dùng để trồng hoa, làm vật dụng trang trí cho không gian nơi đây. Một mặt, muốn giới thiệu đến đông đảo du khách về văn hóa đồng bào dân tộc trên Cao nguyên đá, mặt khác có thể giúp người dân có thêm thu nhập từ những đồ thủ công đã cũ. Nhờ thế, du khách khi ghé thăm đều rất ấn tượng với cách bài trí và sắp xếp của “Hoa men say”.

Dù mới đi vào hoạt động, nhưng chỉ trong mùa hoa Tam giác mạch vừa qua, “Hoa men say” đã thu hút hàng ngàn lượt khách đến thăm quan và trải nghiệm. Với giá vé vào thăm quan khá hợp lý là 20.000 đồng/người và “Hoa men say” đã thu được hàng chục triệu đồng chỉ tính riêng trong mùa lễ hội. 

Hiện tại, Hùng đang tiến hành mở rộng các dịch vụ tại điểm du lịch như các dịch vụ ăn, ngủ nghỉ, tổ chức sự kiện sinh nhật... Du khách đến đây có thể cùng với người dân trải nghiệm những hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc Mông trên Cao nguyên đá như: hát, múa các làn điệu dân gian đặc trưng; cùng đốt lửa trại, ăn thắng cố, mèn mén, uống rượu ngô,...

Chia sẻ với chúng tôi, Hùng cho biết thời gian tới sẽ tiến hành mở rộng các dịch vụ trong khu “Hoa men say” như tiến hành ươm, trồng thêm các giống hoa, vừa để tạo không gian cho du khách tham quan, vừa có thể bán cho các trường học, các đơn vị trên địa bàn huyện. Đồng thời xây dựng thêm bãi đỗ xe ôtô cho du khách đến tham quan nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách du lịch đến với “Hoa men say” nói riêng và Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung.

Tuấn Hà
.
.
.