Những con ong thợ

Thứ Bảy, 25/08/2012, 16:05
Tiếp tôi tại một biệt thự sang trọng là một người đàn ông trên 50 tuổi, cao ráo, lịch lãm với nụ cười từng trải, nhưng trên đôi mắt và vầng trán nhập nhòa nét chân chim phủ đầy sương gió. Biết tôi có ý định tìm hiểu về cuộc đời “con ong thợ”, ông vui vẻ nhận lời. Nhưng những thuật ngữ mở đầu ông dành cho cuộc chuyện trò hết sức nghiêm túc.

Nuôi ong là nghề đi tìm mật, tìm mùa hoa nở. Đã nhiều năm, tôi lang thang mang ong đi từ Nam chí Bắc như những nhà địa chất và không ít lần bị ong dữ đốt, mặt mũi sưng vù đến nỗi lúc về nhà vợ con nhận không ra. Anh thấy đấy, người trực tiếp nuôi ong không chỉ bán mồ hôi mà còn bán luôn cả hình hài của mình nữa. Nếu anh có ý định viết về nghề này cũng nên đi trải nghiệm, sống lăn lóc như chúng tôi mới cảm nhận được sự gian khó đầy khắc khoải của những mảnh đời trôi theo cơm áo. Ngày mai tôi đi Huế và Buôn Mê để giám sát công việc và thanh toán tiền cho các chủ trại. Nếu được, anh cố gắng sắp xếp đi cùng tôi một chuyến!.

Và đúng theo lịch trình, chúng tôi lên đường. Anh Hoài vừa lái xe vừa rỉ rả kể thời “oanh liệt” của mình.

“Con ong thợ” tên thật là Nguyễn Văn Hoài, sinh ra và lớn lên tại Blao. Anh cho biết, người khởi đầu nghề ong tại xứ sở này là một người Việt gốc Trung Hoa tên là Quách Đại Cương. Ông Cương nuôi ong từ năm 1950 nhưng mãi đến năm 1977 nghề ong mới phát triển mạnh. Vào năm ấy anh Hoài chỉ có 2 đàn, những năm kế tiếp Bảo Lộc bị một trận bão lịch sử, gió cấp 10 đã quật ngã 2 đàn ong của anh xơ xác, sau đó anh gom lại thành 1 đàn mang đi gửi để lo kiếm sống bằng nghề khác. Cho đến bây giờ anh vẫn không quên cái nhìn khinh miệt của một người bạn cho gửi ong nhờ. Những năm sau, nhờ thời tiết thuận lợi, mật được giá cộng với sự quyết tâm lấy lại danh dự vì dư âm ánh mắt một thời, đàn ong của anh phát triển theo cấp số cộng rồi dần dần trở thành một trong những trại ong được liệt kê vào danh sách 10 tấn mật/năm.

Năm 1998, thời tiết thay đổi đột ngột, mưa dầm rả rích kéo dài hàng tháng, giá mật xuống đến mức thê thảm. Hàng trăm ngàn con ong thợ của anh bay đi tìm mật không hẹn ngày về. Chúng đột nhiên chết la liệt, nhìn cảnh đàn ong của mình nằm trơ xác từng gốc cây, hẻm đá, anh sững sờ đến mức không bước đi nổi. Nghề ong có 3 nguy cơ hủy diệt: thứ nhất là mưa dầm ướt cánh không rời tổ được; thứ hai là gặp phải thuốc trừ sâu cực mạnh do nhà vườn phun vào hoa lá và thứ ba là các trạm điện thoại di động chằng chịt, từ trường phóng đi đan xen làm cho ong không định hướng được nên bị lạc. Anh Hoài một lần nữa lâm vào cảnh trắng tay trong lúc nhiều tấn đường cho ong ăn vào mùa tĩnh dưỡng chưa trả xong kể cả tiền vay mượn bạn bè…

Thế là hết! Hàng trăm ngàn con ong thợ của anh đã bỏ chủ ra đi. Để khất 80 triệu tiền nợ thời ấy, hai vợ chồng anh từ dập đầu xin lỗi chuyển sang van nài. Mới ngày nào nhà vang vọng tiếng cười, bạn bè khoác tay nhau nâng cốc với những lời chúc tụng có cánh, thế mà bây giờ trở nên xa lạ, những thuật ngữ dành cho nhau sặc mùi chợ búa. Nhắc lại một thời tuyệt vọng, gai ốc của anh Hoài nổi lên và đôi mắt nhòe đi trong câm lặng. Lúc này xe chúng tôi đang lao vào đường hầm Đèo Cả.

“Rồi anh giải quyết bằng cách nào, trong lúc gần như khánh kiệt?” - Tôi hỏi, nhằm để anh lấy lại bình tĩnh trong lúc lái xe. “Làm được gì trong lúc tay trắng hả anh! Lúc ấy, chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi đã dành tiền mua từng vỉ thuốc ngủ gom lại chờ đủ liều để kết thúc chuỗi ngày ô nhục. Lúc cầm vốc thuốc trên tay, tôi mơ hồ nghe tiếng kêu khóc xé lòng của vợ. Trong khoảnh khắc ấy, tôi ngẫm nghĩ mình chọn cái chết là thoát rồi, nhưng còn lại vợ và các con.

Yến là người vợ cũng là người bạn đời thân yêu nhất của tôi sẽ tồn tại như thế nào với nợ nần và các con nhỏ dại. Chả nhẽ sự thất bại vì “sự cố” nghề nghiệp trong một gia đình mà người chồng lại có thể nhẫn tâm dồn hết lên vai vợ. Đó là hành động nhu nhược và vô trách nhiệm của một đời người. Tôi nhớ hôm ấy là ngày mưa dầm, tôi kể cho vợ tôi nghe sự tuyệt vọng đến liều lĩnh của mình, lúc ấy hai vợ chồng ôm nhau khóc, những giọt nước mắt nóng hổi của Yến rơi trên cánh tay trần đen đúa của tôi, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ và có lẽ sẽ không bao giờ nhạt nhòa trong ký ức của mình.

Năm 2000, là năm gia đình tôi không còn gì để mất. Tài sản duy nhất còn lại là chiếc xe đạp, hằng ngày tôi đạp xe đi mua chè tươi về đạp rồi bán từng ký.” - Anh Hoài tiếp tục lái xe với đôi mắt đỏ hoe.

Năm 2002, biết được hoàn cảnh của anh, bà Trịnh Thị Hương - Giám đốc Công ty nuôi ong Phương Nam cho anh khoanh nợ và tiếp tục cho mượn tiền và ứng đường cát để anh khôi phục lại nghề.

Nghề nuôi ong được tính bằng xe, mỗi xe là một trại, mỗi trại có khoảng 250 thùng, mỗi thùng là một đàn, mỗi đàn có khoảng 20.000 con. Tổng cộng một trại có khoảng năm triệu con. Với số quân đông như vậy, nên các chủ trại thường sử dụng những thuật ngữ quân sự như: điều quân, rải quân, ém quân, dưỡng quân, đánh cấp tập, rút quân.

Những năm kế tiếp giá mật lên cao, anh Hoài tiếp tục nhân đàn rồi chuyển quân ra Hưng Yên để đón mùa mật nhãn. Sau đó, anh tập kết quân về Nghệ An nghỉ dưỡng.

Nhân lúc lái xe vào Nam, đến tuyến đường huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế, anh dừng tại khu rừng keo lá tràm bạt ngàn rồi tình cờ phát hiện một vài giọt nước bóng vàng còn đọng dưới cuống lá non. Nghề nghiệp đã dạy cho anh biết đó không phải là nước. Anh nếm thử, đúng là mật keo tiết ra trong mùa nắng ráo. Anh quay lại liên hệ với địa phương xin được cho lập trại bảo dưỡng ong dưới tán rừng keo và ngay lập tức điều 50 triệu quân từ Nghệ An về. Chỉ trong vòng 3 ngày hạ trại rải quân, các cầu ong đầy ắp mật.

Những năm ấy anh trúng đậm, với số vốn tăng cấp số nhân. Khai thác mật từ keo lá tràm được vài năm, anh nhận thấy dân địa phương ở ngay tại rừng vàng, nhưng mức sống quá thấp. Vì vậy, anh đề xuất Công ty Phương Nam lập dự án nuôi ong theo kiểu gia đình và trực tiếp đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên - Huế xin được đầu tư diện rộng. Theo số liệu của địa phương, anh được biết có trên 80.000ha rừng trồng keo lai và 10.000ha cây cao su. Nếu chỉ khai thác 1/3 diện tích rừng trồng phục vụ cho việc nuôi ong, toàn tỉnh sẽ thu được 1.000 tấn mật/năm, với giá xuất khẩu 30.000 đồng/kg, cộng với sáp và cầu ong sau mật, tổng thu nhập sẽ mang về cho địa phương trên 2 triệu đô la.

Đây là dự án vừa huy động được lực lượng lao động nhàn rỗi vừa góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong phương án này, Công ty Phương Nam sẽ tổ chức tập huấn, cung cấp ong giống, trang thiết bị và dụng cụ kèm theo đồng thời bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thỏa thuận. Đối với Thừa Thiên - Huế, thời điểm ấy là dự án lạ. Biết không thể tạo được niềm tin ban đầu đối với ngành Nông nghiệp, anh đã mời lãnh đạo Sở đi tham quan các trại ong của anh đang đặt tại huyện Phú Lộc, Hương Trà, Phong Điền…

Rồi từ những hình ảnh sống động có kết quả, ngành Nông nghiệp địa phương đã phát động và tổ chức nuôi ong rộng rãi. Đến nay, toàn diện tích rừng trồng có hàng tỷ con ong Ý đã “tỏ đường đi lối về”. Trong vài năm gần đây, mô hình nuôi ong nhân dân từ ý tưởng của anh Hoài đã mang về cho tỉnh hàng triệu đô la từ những khu rừng vàng, một thời yên lặng ngủ say này.

Khi tôi và anh Hoài đến các huyện Hương Trà, Nam Đồng, Phú Lộc đang vào mùa thu mật từ nguồn keo lá tràm. Tiếng cười nói râm ran của những người quay mật hòa với tiếng ong bay phủ kín vùng trời lâu nay yên tĩnh. Người và ong đang lặng lẽ mang phấn hoa và mật từ 80.000ha rừng trồng về phục vụ cho đời. Hiện nay, anh Hoài đã trở thành một trong những nhà nuôi ong thành đạt ở Tây Nguyên với số quân hàng tỷ. Tuy nhiên, anh vẫn trăn trở về nghề nghiệp của mình. Anh chia sẻ đời mình từ những hình ảnh con ong thợ trong suốt 30 năm lăn lộn với nghề.        

Trong thế giới động vật, có lẽ con ong là loại sinh vật sống có tổ chức nhất, công việc được phân công rõ ràng. Chúng bắt đầu làm việc từ 5h sáng đến 7h tối, ban đêm về quạt cánh để hong và đảo mật. Gần như loại ong lao động miệt mài không có ngày nghỉ. Chúng chỉ hiền lành đáng yêu đối với những con ong siêng năng, có trách nhiệm và có hình thức kỷ luật nặng đối với những đồng loại lười biếng. Đối với người lười lao động chỉ thích ăn chơi áo quần lòe lẹt sặc mùi nước hoa hay thở ra mùi rượu bia là đối tượng để chúng tấn công tập thể.

Tôi nghỉ trên đời này, nếu tất cả chúng ta ai cũng lao động cần cù và có trách nhiệm như ong chắc chắn sẽ không mang gánh nặng cho xã hội để nhà nước phải cấp sổ xóa đói giảm nghèo. Những vùng quê hay thành phố, nơi tôi từng đi qua đã chứng kiến nhiều người không chịu khó lao động để tồn tại, họ tiêu phí thời gian cả ban ngày lẫn ban đêm một cách vô bổ. Bài học từ thế giới động vật này đã dạy cho tôi nhiều điều và tôi cũng đã chia sẻ với các con tôi từ hình ảnh có thật này. Trong cõi người ta, chúng ta thường nhầm tưởng con người là sinh vật hoàn thiện mà khinh thường động vật cấp thấp.

Các cháu trai của tôi đều tốt nghiệp đại học, cháu gái đầu cũng tốt nghiệp ở nước ngoài. Chúng nó đều làm việc cật lực để tồn tại từ những bài học vỡ lòng về sự lao động nghiêm túc của những con ong thợ. Hy vọng các con tôi sẽ thừa kế những năm tháng đầy nước mắt của tôi để trở thành những con ong thợ tương lai trong việc phát triển nghề ong công nghiệp tại Nam Tây Nguyên này”

Trần Đại
.
.
.