Những "ngọn lửa" Blouse trắng

Thứ Tư, 01/03/2017, 07:16
Những cuộc gọi trong đêm, cái siết tay, giọt nước mắt… giữa bác sĩ và bệnh nhân là một nốt nhạc không lời phía sau tấm áo blouse. Họ đã sống trọn vẹn với những điều bình dị nhất trong nghề nghiệp của mình.


1. Dáng người nhỏ nhắn, đôi chân nhanh nhẹn, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hà Phương xuất hiện trên sân khấu khiến ai cũng phải trầm trồ bởi sự trẻ trung, thư sinh toát trên gương mặt, dáng đi và nụ cười của anh.

Anh bảo, mình trông vậy thôi nhưng đã 6 năm trải nghiệm "trường đời" rồi. Tốt nghiệp đại học, Nguyễn Hà Phương về đầu quân cho Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh. Những bỡ ngỡ, mới mẻ ban đầu nhanh chóng bị công việc xóa nhòa.

Nhận việc ở Khoa chăm sóc giảm nhẹ, nơi người bệnh mang một tâm thế đặc biệt trước khi xa rời cõi trần, bác sĩ trẻ như anh ngoài công việc chuyên môn còn luôn "dự trữ" trong tâm hồn mình một luồng "sinh khí", bởi bác sĩ ở đây không chỉ phải trị để bệnh nhân hết bệnh, mà là chăm sóc để họ có những ngày cuối cùng ý nghĩa nhất.

Bệnh nhân đầu tiên bác sĩ Phương tiếp xúc là một phạm nhân, đang chấp hành án tù thì chẩn đoán bị ung thư, sau đó phạm nhân được cán bộ trại giam đưa vào Bệnh viện Ung Bướu điều trị tại Khoa chăm sóc giảm nhẹ. Bệnh đã vào giai đoạn cuối, người bệnh nhân gầy đét, da vàng, bụng trương và trên mình thì đầy hình xăm.

Bác sĩ Nguyễn Hà Phương.

Việc khám điều trị và dùng thuốc chỉ có tác dụng hạn chế những cơn đau cho anh. Mỗi ngày đến khám, lúc nào cũng có hai cán bộ Công an túc trực, bác sĩ Phương cũng có chút e dè. Anh không dám lại gần, tiếp xúc bệnh nhân cũng hạn chế. Anh tâm sự với người thầy của mình, thầy chỉ nói ngắn gọn: "Bệnh nhân ở đây không cần chúng ta phải điều trị khỏi bệnh đâu. Do vậy thời gian sống của họ chính là chất lượng sống như thế nào. Và chúng ta phải chăm sóc họ không chỉ về thể xác mà còn cả tinh thần".

Câu nói của thầy như làn gió mát lành đánh tan những rụt rè, e sợ trước đây. Sau mỗi buổi thăm khám cho bệnh nhân, bác sĩ Phương không quay về phòng làm việc  mà nán lại bên giường bệnh nói chuyện, hỏi han tâm sự. Vài ngày sau, Phương nhận được cuộc gọi từ điều dưỡng phòng bệnh, nói rằng có người muốn gặp anh. Chạy thật nhanh đến phòng, đã thấy ánh mắt chất đầy tâm sự của bệnh nhân chờ đợi.

Bệnh nhân nắm tay bác sĩ Phương nói: "Tôi có một mong muốn cuối cùng trước khi chết. Bác sĩ hãy giúp tôi gặp được hai đứa con của mình". Trước lời nhắn gửi quá bất ngờ, bác sĩ Phương thoáng bối rối. Nắm tay bàn tay gầy rộc, lạnh giá của bệnh nhân, tự nhiên trong lòng anh dậy lên một cảm xúc khó tả.

Anh hỏi bệnh nhân: "Tại sao anh không nói việc này với người nhà của mình?". Bệnh nhân trả lời: "Tôi vẫn đang giấu tất cả người nhà. Tôi vẫn còn xấu hổ, mặc cảm với tội lỗi đã gây ra với gia đình của mình".

Vậy là lần đầu tiên trong đời làm bác sĩ của mình, Hà Phương làm cái việc ngoài chuyên môn. Anh đứng ra nói chuyện, làm việc với vai trò người đại diện cho bệnh nhân. Anh liên hệ với người thân của bệnh nhân, nói thẳng, nói thật cho họ hiểu rằng, tiên lượng của bệnh nhân là như thế đó và mong muốn cuối đời của anh là gặp hai người con. Ước nguyện của bệnh nhân đã được thực hiện. Ba ngày sau, anh ra đi nhẹ nhàng và thanh thản.

Sau lần đó, bác sĩ Phương nhận ra nhiều điều, học hỏi được nhiều điều và quan trọng nhất, anh nhận ra, cái cách mà bệnh nhân tin tưởng người bác sĩ, chính là niềm tin giữa con người với con người.

Bẵng đi gần hai năm, vào dịp gần Tết, bác sĩ Phương nhận được cuộc gọi từ Khoa chăm sóc giảm nhẹ thông báo, có người nhà bệnh nhân gửi quà. Anh nghĩ mãi không ra ai tặng quà cho mình, vì tất cả những bệnh nhân ở đây khi xuất viện đều không còn gì lưu luyến trên thế gian và người nhà của họ cũng chuẩn bị tâm thế mất mát rất lớn, nên bệnh viện đối với họ là nơi chẳng mặn mà gì. Suy nghĩ ấy khiến Hà Phương hoang mang, rối bời.

Anh chạy lên khoa nhưng người ta đã đi rồi, và gửi lại món quà. Đó là một chậu lan thật đẹp. Lần đầu tiên, cảm giác vui sướng, hạnh phúc len lỏi trong lòng, Hà Phương mang chậu lan về để ở nơi trang trọng nhất trong phòng làm việc.

Bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh chúc mừng bác sĩ trẻ được nhận giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần thứ 5.

2. Tốt nghiệp bác sĩ năm 2006, Phan Minh Hoàng lên đường du học nước ngoài. Trở về nước, anh nhận công tác tại Bộ môn Tạo hình thẩm mỹ Trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ, nghe lời khuyên của các thầy: "Bác sĩ trẻ thì nên về cơ sở", Tiến sĩ trẻ Phan Minh Hoàng quyết định về công tác tại Bệnh viện quận 2.

Là một bác sĩ vững chuyên môn, giỏi tay nghề, Minh Hoàng đã điều trị cho rất nhiều bệnh nhân lấy lại được "hình hài" thật, để  họ tự tin bước ra đời và không còn mặc cảm với nỗi đau bệnh tật. Trong số những bệnh nhân anh điều trị, có muôn hình vạn trạng thể loại nhưng chung quy lại đều bị mất mát, lệch lạc đi một phần nào đó trên cơ thể.

Có một câu chuyện mà anh nhớ mãi. Đó là lần đi khám bệnh từ thiện xã Đắc Ha (huyện Đắk G'Long, tỉnh Đắk Nông), có một người phụ nữ kham khổ tới gặp anh. Chị dè dặt hồi lâu mới dám nói là đang có chồng mắc phải căn bệnh nguy kịch, chữa mãi không khỏi.

Sau buổi khám từ thiện, bác sĩ Hoàng không quay về thành phố ngay mà theo người phụ nữ tới nhà xem tình trạng bệnh của chồng chị. Trải qua những cung đường đất đỏ khúc khuỷu, gập ghềnh, chiếc xe lao vào cơn mưa phùn rét mướt, gió đại ngàn rít qua khung cửa khiến lòng bác sĩ có cảm giác thật đặc biệt.

Căn nhà của vợ chồng bệnh nhân Phùng Thanh Liêm là cái chòi trống trước hở sau, hoang vắng đến chạnh lòng. Người đàn ông nằm co quắp, đơn độc trên chiếc giường hoen gỉ mồ hôi, rên rỉ từng tiếng yếu ớt.

Trước đó, vì cố lao vào nhà để dập lửa nên anh Liêm bị bỏng đến gần 90%. Anh Liêm có đi điều trị ở nhiều nơi nhưng vẫn không thuyên giảm. Toàn bộ tứ chi bị co rút, các khớp tay khớp chân không thể hoạt động, người anh như con lật đật.

Vật lộn để di chuyển khiến anh Liêm té ngã như đập bị, mặt mũi anh lúc nào cũng trầy xước, sẹo mới chồng lên sẹo cũ. Buồn bã, đau khổ, tuyệt vọng, anh Liêm lúc nào cũng muốn tự kết thúc cuộc sống của mình.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Minh Hoàng.

Tiếp nhận ca bệnh lạ, bác sĩ Hoàng gọi điện về cho thầy của mình là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quang Hùng để xin ý kiến. Thầy bảo hãy đưa bệnh nhân đến TP Hồ Chí Minh điều trị. Do vào thời điểm giáp Tết nên đi không kịp, bác sĩ Hoàng vận động bạn bè, y bác sĩ trong đoàn được một số tiền gửi lại để gia đình anh Liêm đón Tết. Trước khi tạm biệt, bác sĩ Hoàng dặn dò: "Hãy dùng số tiền đó vào việc ăn uống, lấy lại sức. Nếu anh không có đủ sức khỏe, bệnh tật trong người anh càng nặng, sẽ quật ngã anh ngay".

Vợ chồng anh Liêm rưng rưng cảm kích. Trong lúc tuyệt vọng nhất, họ đã gặp được người bác sĩ trẻ mang trong mình một ngọn lửa lớn, thắp sáng đốm lửa tưởng như sắp tàn của họ. Giữ đúng lời hứa với bác sĩ, sau Tết vợ chồng anh Liêm bắt xe vào Bệnh viện quận 2.

Ngay sau đó, một cuộc hội chẩn giữa các bác sĩ đầu ngành về phẫu thuật tạo hình diễn ra, tìm phương pháp điều trị tối ưu cho anh Liêm. Bác sĩ Hoàng cùng các đồng nghiệp đã thực hiện liên tiếp nhiều lần phẫu thuật cho bệnh nhân Liêm. Sau phẫu thuật, bệnh nhân thực hiện liệu pháp điều trị bền bỉ trong vòng một năm ba tháng.

Thời gian đầu phải nẹp chân để tập đi, vì quá đau đớn, quá mệt mỏi, anh Liêm đã đòi bỏ về. Vợ anh không thể khuyên nhủ được chồng, chỉ biết gọi điện cho bác sĩ Hoàng. Những cuộc điện thoại giữa đêm, luôn làm vị bác sĩ trẻ tỉnh giấc. Anh lại làm cái việc đương nhiên, đó là khuyên nhủ bệnh nhân rất nhiều, dùng tình cảm của mình động viên, dùng trái tim hóa giải nỗi đau.

Tiến sĩ, bác sĩ Phan Minh Hoàng (ngoài cùng bên trái) và bác sĩ Nguyễn Hà Phương (giữa) giao lưu với khán giả.

Anh nói với bệnh nhân: "Để có được thành công như hôm nay, chỉ có 50% của bác sĩ, nửa còn lại thuộc về anh, do chính anh quyết định". Vì gia đình anh Liêm thuộc diện đặc biệt khó khăn, nên toàn bộ chi phí phẫu thuật, điều trị bác sĩ Hoàng đã vận động bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ.

Ngày xuất viện, vợ chồng anh Liêm nghẹn ngào trong nụ cười hạnh phúc của bác sĩ Hoàng. Anh chị còn được tặng một số tiền để về quê làm ăn. Bây giờ thì anh Liêm đã có thể đi lại và lao động như người bình thường. Thỉnh thoảng anh Liêm gọi điện cho bác sĩ Hoàng "khoe" thành quả công việc.

* Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Hà Phương hiện là Bí thư đoàn Bệnh viện Ung - Bướu TP Hồ Chí Minh. Anh đã hoàn thành đề tài "Đặc điểm giải phẫu bệnh và hóa mô miễn dịch trong ung thư biểu mô tuyến của phổi". Đây là nghiên cứu giúp mang lại hiệu quả kinh tế cho các bệnh viện, đặc biệt là khoa Giải phẫu bệnh, giúp bác sĩ lựa chọn có hiệu quả các dấu ấn hóa mô miễn dịch trong ung thư biểu mô tuyến của phổi, rút ngắn thời gian chẩn đoán và tiết kiệm chi phí xét nghiệm cho bệnh nhân.

* Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Minh Hoàng là Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bí thư Đoàn Bệnh viện quận 2, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP Hồ Chí Minh và là giảng viên bộ môn Tạo hình thẩm mỹ của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Anh là tác giả để tài: "Đánh giá tác dụng điều trị của tấm vật liệu tương đương trung bì trên vết bỏng nhiệt thực nghiệm. Đánh giá tác dụng ghép tế bào gốc trung mô người trên quá trình liền vết thương  bỏng nhiệt thực nghiệm. Qua đó giúp mau lành vết thương, giảm thời gian điều trị bỏng và tiết kiệm chi phí điều trị bỏng.

*Bác sĩ Nguyễn Hà Phương và Tiến sĩ, bác sĩ Phan Minh Hoàng là hai trong số 27 thầy thuốc trẻ được tuyên dương và trao Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch lần thứ 5 năm 2017.

Ngọc Thiện
.
.
.