Thảm hoạ hàng hải nghiêm trọng ở Hàn Quốc:

Những người hùng cao cả hi sinh thân mình cứu người

Thứ Sáu, 25/04/2014, 09:30

Giữa những tiếng la hét và sự sợ hãi về cái chết trong vụ đắm phà ở Hàn Quốc mới đây, đã có những người hùng thầm lặng dũng cảm trợ giúp những người khác thoát khỏi thảm họa hàng hải nghiêm trọng nhất tại nước này kể từ năm 1993.

Chỉ rời khỏi tàu khi là người cuối cùng

Cô Park Ji Young, 22 tuổi, một thành viên thủy thủ đoàn, là một trong số những người hùng trên chiếc phà định mệnh Sewol. Park đã mất mạng trong khi cố gắng đảm bảo rằng, tất cả các hành khách trên tầng thứ 3 và 4 của còn tàu đều mặc áo phao và tìm được lối thoát.

"Tôi đã hỏi đi hỏi lại cô ấy rằng, tại sao cô không phải là người đầu tiên mặc áo phao. Park chỉ trả lời rằng, cô ấy chỉ ra khỏi tàu sau khi chắc chắn rằng, mọi hành khách đã thoát ra ngoài. Park nói thủy thủ đoàn, trong đó có cô ấy, sẽ là những người cuối cùng ra khỏi phà"- một người sống sót kể lại với báo chí.

"Park đẩy các hành khách đang bị sốc về phía cửa thoát khi nước đã ngập đến ngực cô ấy"- hành khách trên nói thêm.

Ông Kim Jong Hwang, 58 tuổi, một người sống sót, cũng nhớ các nỗ lực cứu hộ của cô Park.

"Khi con tàu bị lật nghiêng, các hành khách đã bị đẩy tới một cánh cửa và một người trong số họ đã bị ngã xuống đó. Park đã kéo hành khách ra khỏi đó và đẩy những người khác ra ngoài"- ông Kim kể lại.

Cô Park vào làm việc tại công ty phà vào năm 2012 để kiếm tiền trợ giúp gia đình nghèo mặc dù cô đã đỗ vào một trường đại học ở tỉnh Nam Chungcheong năm đó. Khi thi thể của Park được đưa về một bệnh viện, mẹ cô đã òa khóc.

"Mẹ không tin là con đã bỏ lại chúng ta"- người mẹ nói trong nước mắt nghẹn ngào.

Jeong Cha Woong, một sinh viên 17 tuổi, cũng được xem là người hùng trong vụ đắm phà. Cậu đã thiệt mạng sau khi trợ giúp các bạn bè thoát khỏi con tàu.

Jeong được cho là đã tử nạn sau khi đưa áo phao cho người bạn đang bị ngập nước và lao xuống nước để giải cứu những người khác.

Ông Kim Hong Gyeong, một người sống sót 59 tuổi, cũng đã liều mình để cứu những người khác.

Ông Kim đã sử dụng rèm của phà để tạo một chiếc dây dài 10m và dùng nó để kéo các hành khách. Mặc dù nước đã ngập đến gối nhưng ông Kim vẫn tiếp tục nỗ lực cứu hộ và cứu được khoảng 20 người. Sau đó, ông Kim còn lên một tàu cá của tình nguyện tham gia chiến dịch giải cứu.

Hàng trăm binh sĩ, cảnh sát và nhân viên dân sự đã được huy động cho chiến dịch cứu hộ quy mô lớn. Nhiều ngư dân tại các vùng biển lân cận cũng tình nguyện tham gia việc tìm kiếm những người sống sót.

Các hoạt động cứu hộ dưới nước đã bị cản trở do tầm nhìn thấp và các dòng chảy mạnh.

Bộ quốc phòng Hàn Quốc đã bổ nhiệm Đô đốc Hwang Ki Chul, người đứng đầu các hoạt động hải quân, làm trưởng nhóm trợ giúp cứu hộ. Tàu đổ bộ Dokdo 14.000 tấn, 3 máy bay quân sự và hàng trăm đặc công đã được huy động cho chiến dịch cứu hộ.

Phà Sewol đã gặp nạn vào khoảng 9 h sáng giờ địa phương ngày 16-4 khi đang di chuyển từ cảng Incheon tại tây bắc Hàn Quốc tới hòn đảo nghỉ dưỡng Jeju ở miền nam.

Giới chức Hàn Quốc cho biết, 475 người đã có mặt trên phà, trong số đó gần 300 người hiện vẫn đang mất tích. 179 người đã được cứu sống và 9 người được xác nhận đã thiệt mạng.

Thân nhân hành khách ném chai nước vào Thủ tướng

Theo Yonhap, Thủ tướng Chung Hong-won đã bị ném chai nước khi đến đảo Jindo gặp các gia đình của hành khách trên phà Sewol. Nhiều gia đình giận dữ cho rằng, các hoạt động tìm kiếm chậm trễ. Họ xô đẩy nhau, một số người hét lên rằng, chính phủ đáng lẽ phải cử thêm nhiều thợ lặn lùng sục xác phà.

Thủ tướng Chung cho biết "không được lãng phí một phút một giây nào" trong cuộc tìm kiếm những người sống sót, và hối thúc những bên tham gia cứu hộ làm tất cả có thể để cứu mạng người.

Những người sống sót trên phà Sewol cho rằng, việc thuyền trưởng tàu yêu cầu hành khách không di chuyển là nguyên nhân khiến tình hình trầm trọng hơn và có nhiều người mất tích như vậy.

"Tôi chạy vào phòng sau khi nghe thấy thông báo. Nhưng tình hình dường như không ổn"- Korea Times dẫn lời một nữ sinh thoát nạn nhờ nhảy xuống nước, cho biết.

Báo này cũng nhận định, các hành khách ở bên trái phà, những người tuân theo hướng dẫn của thuyền trưởng, có thể đã bị kẹt trong chiếc phà chìm khi nó nghiêng sang trái, trong khi những người ở bên phải có thể nhảy xuống biển

Trường Vân (tổng hợp)
.
.
.