Những trang văn từ một phận đời

Thứ Hai, 09/11/2015, 14:56
Chỉ được học hết lớp bốn và có một cuộc đời giông gió nhưng với niềm đam mê viết lách, bà Nguyễn Thị Sáng đã vượt lên hoàn cảnh, trở thành người viết tiểu thuyết được đông đảo bạn đọc và người dân xứ Nghệ cảm phục.

Trang đời lận đận

Nhà văn Nguyễn Thị Sáng sống trong căn phòng nhỏ ở đường Ngư Hải (thành phố Vinh, Nghệ An) - căn phòng chất chứa biết bao kỷ niệm, ký ức và là nơi bà đã chắt ra từ cuộc đời đầy nước mắt, để viết ra những trang sách cảm động. Ngồi tâm sự với tôi, nỗi xúc động vẫn dấy lên từ đáy sâu tâm hồn bà. Bà Sáng vốn là người quê ở Thanh Chương, mảnh đất có truyền thống hiếu học của xứ Nghệ. Gia cảnh khó khăn, bà phải nghỉ học từ năm lớp bốn để giúp mẹ nuôi các em.

Năm 17 tuổi, bà gia nhập đoàn dân công hỏa tuyến, làm nhiệm vụ tại đường 9-Nam Lào. Trong những năm tháng hoạt động tại chiến trường, bà gặp lại ông Lâm, là người đã cứu bà thoát chết trong một trận bom hồi ở quê nhà. Tình yêu của họ bắt đầu từ đó. Một đám cưới nhỏ được tổ chức giữa quê nghèo. Sau thời gian tham gia đội công trình thủy lợi, bà Sáng được cấp trên cử đi học lớp sơ cấp Thương nghiệp rồi về bán hàng tại cửa hàng của Công ty Vật liệu xây dựng Chất đốt Quang Trung (Vinh).

Khi ấy, cạnh cơ quan bà Sáng từng làm việc có một mảnh đất bỏ không, bà đến cuốc đất trồng rau rồi dựng một ngôi nhà nhỏ ở đó để sống tạm. Cuộc sống cứ êm đềm trôi tới tháng 3/1975, bà nhận được tin dữ: ông Lâm hy sinh. Nỗi đau như vít lưng bà còng xuống. Mãi tám năm sau, biết không còn hy vọng vào một phép màu nào khác, là chồng mình trở về, bà quyết định đi bước nữa với mong muốn có được chỗ dựa cho cuộc đời mình. Nhưng cuộc hôn nhân không có hạnh phúc.

Chồng bỏ đi, bà một mình nuôi hai đứa con thơ dại cùng người cha bạo bệnh. Khốn nỗi, khi cô con gái út tròn sáu tháng tuổi, công ty bà đang làm việc bị giải thể. Bà Sáng phút chốc trắng tay, không có việc làm. Đói khổ, con thơ nheo nhóc, cha nằm liệt giường, bà Sáng buộc phải cố gắng gấp đôi để làm chỗ dựa cho người thân. Bà làm một công việc vất vả là gánh nước thuê. Lúc ấy, bà phải gánh hai gánh nước mới đổi được một bó rau. "Dù vất vả, cực nhọc nhưng dù sáng sớm hay đêm khuya khoắt, hễ có người thuê gánh nước tôi đều nhận làm để mẹ con đủ tiền rau cháo qua ngày", bà Sáng trải lòng.

Bà Sáng bên những cuốn sách được xuất bản.

Viết thơ, văn từ cuộc đời nghiệt ngã

Vốn có niềm đam mê viết lách lại ngẫm đến cuộc đời cũng "bảy nổi ba chìm" của mình, bà Sáng dự định viết hồi ký sau này cho con cháu đọc lại. Từ đó, mỗi ngày bà dành khoảng từ hai đến bốn tiếng buổi tối cho việc viết lách. Ngày làm lụng vất vả mưu sinh, đêm về, bà lại viết hồi ký. Không có bàn, bà phải viết trên ghế. Có đêm bà viết, cảm xúc cứ tuôn trào, khi mặt trời lên là lúc bà ngưng tay để bắt đầu công việc của một ngày mới.

Chỉ học xong lớp bốn, vốn từ vựng bị hạn chế nên nhiều khi viết, bà rất bí từ, có khi cả đêm bà không sao tìm được chữ phù hợp để dùng trong câu văn và phải "cầu cứu" con gái đầu mách nước hay chạy ra đường gặp bất cứ ai có thể giải đáp. Song bằng những nỗ lực của bản thân, và trong chính nỗi khó khăn, vất vả của cuộc sống, cuốn hồi ký "Cuộc đời của mẹ" dày tới 300 trang đã ra đời. Bà Sáng cho biết: "Để hoàn thành "đứa con tinh thần" này, tôi dùng hết gần chục lít dầu mazút. Để tiết kiệm, tôi chỉ vặn ngọn đèn dầu vừa đủ sáng có thể nhìn thấy con chữ mà viết".

Sau khi đưa bản thảo thuê người đánh máy, các nhân viên của hiệu đánh máy chữ đã đọc trước và khen hay. Họ khuyên bà nên gửi cho nhà xuất bản để in sách. Được nhiều người động viên, bà "liều" gửi bản thảo cho NXB Thanh niên. Một thời gian sau, một biên tập viên NXB Thanh niên báo tin bản thảo sẽ được in sách, đề nghị đổi tên cuốn hồi ký thành tiểu thuyết "Tình yêu thầm lặng".

Năm 1996, cuốn sách đã đến tay bạn đọc và trở thành cuốn sách bán chạy ở tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ. "Ngày đó tôi vừa bán vé số trên vỉa hè, vừa kê thêm chiếc bàn để bán sách của mình được in. Rồi người nọ rỉ tai người kia, kéo tới mua ngày một đông và tôi bỗng dưng thành "người nổi tiếng". Nhìn thấy sách mình được nhiều người quan tâm, tôi mừng đến phát khóc. Đó là động lực cho tôi tiếp tục sáng tác sau này", bà Sáng xúc động hồi tưởng lại.

Và niềm vui tiếp tục đến với bà, năm 1997, cuốn tiểu thuyết được đạo diễn Trần Mạnh Cường ở Hãng phim truyện Đài Truyền hình Việt Nam chuyển thể thành hai tập phim "Thầm lặng", được trả một khoản nhuận bút đáng kể, giúp bà có thêm tiền trang trải cuộc sống.

Chưa chịu dừng lại, người đàn bà với khuôn mặt gầy khô bán ốc, bán vé số vỉa hè lại tiếp tục sáng tác. Năm 2007, cuốn "Cuộc đời của mẹ" của bà được NXB Phụ nữ ấn hành. Đồng thời, bà còn là tác giả tiểu phẩm kịch, thơ pha hài "Lão nông tri điền" do các nghệ sỹ đoàn dân ca Nghệ An dàn dựng nhân kỉ niệm ngày thành lập Bộ đội Biên phòng Nghệ An 3/3/2009.

Bà Sáng cho biết, bà còn viết báo, là cộng tác viên của một số báo trung ương và địa phương. Thơ văn bà Sáng viết ra rất thực, rất đời thường như chính cuộc đời vốn nhiều tủi cực của bà vậy. Ngồi nhìn xa xăm, bà Sáng bày tỏ: "Tôi ít học nên chữ nghĩa không nhiều, không được như các nhà văn khác. Những câu văn, vần thơ tôi viết ra đều xuất phát từ cuộc sống thực tế, từ những trải nghiệm trong cuộc đời của bản thân mình. Phải chăng điều đó mà văn thơ tôi viết được nhiều người chú ý".

Nhiều người nhận xét, tuy câu chữ của bà Sáng thô mộc, nhưng chất chứa cái tình, cái thực tế dân dã. Và quan trọng hơn, là nó được chưng cất từ một phận đời, cuộc đời lầm lụi đầy hy vọng và vươn tới tương lai của bà. Phải chăng, chính điều đó đã khiến văn bà hồn hậu hơn, đời hơn?

Năm nay bà Sáng đã bước sang tuổi 63. Mặc dù cuộc sống hiện tại còn khó khăn, song bà vẫn tự tin yêu đời. Niềm hạnh phúc nhất của bà là hai cô con gái thành đạt, giờ đã yên bề gia thất và những trang văn, thơ của mình viết ra được mọi người đón nhận. "Tôi vẫn tiếp tục làm thơ, viết văn, chưng cất cuộc sống sôi động với nhiều thân phận, để làm thành tác phẩm", bà Sáng thổ lộ.

Duy Ngợi
.
.
.