Nick Vujicic đến Việt Nam: Ai bảo anh là “trai làng khác”?

Thứ Hai, 10/06/2013, 16:28

Vậy là chàng trai không tay không chân nổi tiếng thế giới cũng đã hoàn thành xong chuyến đi đến Việt Nam, và lại lên máy bay với những cuộc hành trình khác, đến những quốc gia khác. Có lẽ Nick không hoàn toàn khách sáo khi anh nói rằng mặc dù anh đã đi rất nhiều nơi để diễn thuyết, song chưa có nơi nào anh gặp sự đón tiếp nồng nhiệt như ở Việt Nam, và chuyến đi này quả là một điểm sáng trong sự nghiệp của anh. Nhưng, cũng như nhiều ý kiến gần đây trên các trang mạng, thật may mắn khi nhân vật chính Nick Vujicic trong suốt chuyến đi không có cơ hội để nghe những gì người ta nói về anh theo hướng ngược lại…

Lý lịch của chàng thanh niên người Úc Nick Vujicic giờ đây không còn là điều xa lạ với nhiều người Việt Nam. Xét từ góc độ truyền thông, có thể nói là những người tổ chức chuyến đi đến Việt Nam của Nick đã thành công. Những người đã từng biết đến Nick trước đó qua hai cuốn sách của anh được dịch và xuất bản tại Việt Nam là “Cuộc sống không giới hạn” và “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng” cùng những người được trực tiếp tham gia các buổi diễn thuyết – giao lưu của Nick trong thời gian anh ở Việt Nam chắc chắn chỉ là một phần nhỏ so với những người biết đến câu chuyện về Nick qua các kênh truyền thông khác, đặc biệt là qua chương trình truyền hình trực tiếp và các trang mạng.

Nick là một người khuyết tật, một chàng trai bẩm sinh đã không có tay chân, nhưng vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, anh đã sống một cuộc sống thật tuyệt vời. Anh không chỉ vượt qua nhiều khó khăn, đau đớn về thể xác và những khủng hoảng, mặc cảm trong tinh thần để sống một cuộc đời độc lập không ăn bám và phụ thuộc vào người khác, mà thậm chí anh còn trở thành một người thành đạt và hạnh phúc. Hiện tại anh giữ vị trí Chủ tịch và CEO của tổ chức quốc tế Life Without Limbs (Cuộc sống không tay chân), đồng thời là Giám đốc công ty thái độ sống Attitude is Attitude (Thái độ là thái độ), anh có một người vợ xinh đẹp để yêu thương, một cậu con trai bé bỏng để chăm sóc. Anh sống lạc quan và mạnh mẽ từng ngày, và không chỉ giúp bản thân mình, anh còn giúp đỡ được bao người khác.

Bắt đầu diễn thuyết từ năm 19 tuổi, đến nay Nick đã đi khắp thế giới để nói chuyện và truyền cảm hứng, truyền sức mạnh cho hàng triệu triệu người khuyết tật và lành lặn, và nói không quá lời, cuộc đời của anh đã trở thành động lực cho nhiều người thuộc nhiều quốc gia và hoàn cảnh khác nhau. Như chính Nick đã từng nói: “Nếu một gã không tay không chân như tôi còn có thể lướt sóng đầy cảm hứng trên một bãi biển nổi tiếng nhất thế giới hay đóng vai chính của một bộ phim thì bạn có thể thực hiện bất cứ điều gì và tất cả mọi điều được bạn ạ.” Cho nên, chuyến đi của Nick đến Việt Nam lần này cũng chỉ là một điểm dừng chân trên lịch trình dày đặc của Nick mà thôi.

Chuyến đi có một nhà tài trợ chính – tập đoàn Tôn Hoa Sen, và đương nhiên có sự tham gia của nhiều tổ chức khác nữa. Hàng năm, có bao nhiêu lượt người nổi tiếng trên các lĩnh vực từ kinh tế đến giải trí đến Việt Nam tham gia đủ loại đủ kiểu hoạt động, được chào đón nồng nhiệt bởi một bộ phận người Việt này và bị la ó chỉ trích bởi một bộ phận người Việt khác (tất nhiên còn phải kể đến một bộ phận rất lớn nữa là những người không biết đến sự tồn tại của nhân vật nổi tiếng kia). Chuyện của Nick Vujicic ở Việt Nam lần này có lẽ cũng chẳng đi ra ngoài cái “quy luật” đó.

Bên cạnh vô số những ý kiến ủng hộ anh thì ý kiến “phản pháo” anh cũng nhiều vô kể, và nhờ các trang mạng xã hội và báo điện tử, những ý kiến này nhanh chóng lan tỏa khắp nơi, tạo nên những cuộc tranh luận nhiều chiều. Đầu tiên họ chỉ trích anh bị bệnh “ngôi sao”, một chuyến đi của anh đến Việt Nam tiêu tốn mất của người Việt Nam hơn 30 tỷ (dù đây chẳng phải tiền của họ), rằng anh và đoàn tùy tùng đòi hỏi yêu sách này nọ. Vụ tiền bạc này sau đó đã được chính Ban tổ chức sự kiện giải thích, rằng hàng loạt sự kiện được tổ chức trên tinh thần miễn phí như vậy đương nhiên tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng bản thân Nick chỉ nhận khoản thù lao 50 nghìn đô, tức 1 tỉ tiền Việt, và phần lớn khoản tiền này được dùng cho việc làm từ thiện tại châu Phi. Ngoài ra, những đãi ngộ dành cho anh và đoàn tùy tùng đi theo trong thời gian ở Việt Nam là do phía ta tự nguyện sắp xếp, chứ không phải do đòi hỏi của Nick.

Chuyện tiền bạc vậy là tạm yên. Nhưng chưa hết, sau đó, họ lại chỉ trích Nick như một kẻ lợi dụng truyền thông để nổi tiếng, rằng những điều “phi thường” anh làm được thực ra chẳng có gì hơn bình thường cả, cả trăm người khuyết tật Việt Nam cũng làm được như thế, thậm chí là hơn thế, nhưng vì không có cái bệ đỡ truyền thông cho nên họ không nổi tiếng, chẳng ai biết đến họ. Thậm chí, có người còn phát biểu rằng giả thử cho Nick đánh đổi thành một người lành lặn nhưng không nổi tiếng, liệu anh có làm không?

Cứ theo cách nghĩ của những người này thì những đau đớn mà Nick phải trải qua cùng với nghị lực, quyết tâm của anh vượt qua những đau đớn đó hoàn toàn bằng không, anh nổi tiếng chỉ bởi anh không tay không chân mà thôi, và tất cả những gì anh cần làm chỉ là ngồi yên chờ “sức mạnh truyền thông” đến làm bệ đỡ cho mình bay đến đỉnh cao của sự nổi tiếng. Những ý kiến kiểu này, vô tình hay cố ý, bên ngoài thì có vẻ như nhân danh những người khuyết tật Việt Nam, nhưng bên trong lại thể hiện sự kỳ thị và thiếu tôn trọng họ.

Trước những phản ứng của nhiều người Việt chúng ta trong chuyến đi của Nick đến Việt Nam vừa rồi, tôi chợt liên tưởng đến câu chuyện về “trai làng khác” mà thế hệ ông bà cha mẹ thường kể lại. Ở nông thôn Việt Nam trước đây, đơn vị làng xã có vị trí vô cùng quan trọng, mỗi “làng” như một thế giới thu nhỏ và khép kín, có luật lệ riêng (cho nên mới có chuyện “phép vua thua lệ làng”). Nhiều người cả đời chỉ sống quanh quẩn sau lũy tre làng mình, không đi sang làng khác. Cũng để bảo tồn cái thế giới nhỏ bé và khép kín đó, cho nên lệ bất thành văn của làng là con trai con gái trong làng chỉ nên lấy lẫn nhau. Lại nữa, bởi thời đó chỉ có “trâu đi tìm cọc” chứ không có chuyện “cọc đi tìm trâu”, khiến cho lỡ có đôi trai gái khác làng nào yêu nhau thì chàng trai là người phải đi sang “làng lạ” để tìm cô gái. “Trai làng khác” sang tìm hiểu “gái làng mình”, mà để “trai làng mình” bắt được, thì quả là to chuyện, thậm chí thực tế đã có những anh trai làng khác bị hành hung đến mất mạng.

Cái tâm lý không ưa, kì thị, thù hằn “trai làng khác” không chỉ chi phối đến chuyện trai gái tìm hiểu, mà còn sai khiến cách người ta suy nghĩ, hành xử mọi việc từ nhỏ đến to. Dù đi đâu, làm gì thì “Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Còn trong chuyện đánh giá nhìn nhận một con người thì tâm lý phổ biến là không cần biết người ta tài giỏi ra sao, cứ phải xem đó là “trai làng mình” hay “trai làng khác” đã. Và rủi thay nếu cái sự giỏi giang của “trai làng khác” hơn hẳn “trai làng mình” đến nỗi không dại dột khiêu chiến được, thì ít nhất cũng phải buông ra một câu trước khi quay về làng: “Thế này thì có gì mà ghê gớm? Trai làng ta còn giỏi hơn gấp vạn lần!”. Cái tâm lý tiểu nông, địa phương cục bộ, hay chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi như sau này người ta gọi, có thể diễn giải ra một cách đơn giản thế này: “chúng ta giỏi hơn chúng nó” – nếu “chúng nó” giỏi hơn “chúng ta”, đó là do ăn may – nếu “chúng nó” sống tốt hơn, hạnh phúc hơn “chúng ta”, thì ắt hẳn bên trong phải có điều gì khuất tất, vậy thôi!

Vâng, Nick rất giỏi, Nick rất tuyệt vời. Nhưng thật không may cho anh, ở Việt Nam anh trở thành đối tượng bị chỉ trích của một số người, lý do sâu xa nhất chính là: anh là “trai làng khác”! Và như một lẽ tất nhiên, anh trở thành đối tượng cho cái tâm lý nói trên, cái thứ tâm lý từng ngự trị bao đời sau lũy tre làng khép kín của nông thôn Việt Nam, và đáng buồn thay, cho đến tận hôm nay vẫn còn để lại dấu ấn trong đầu óc của một bộ phận không nhỏ người Việt. Cũng phải nói thật rằng, Nick vẫn còn may chán vì anh là một người Úc gốc Serbia, chứ nếu anh lại còn là “trai” của một cái “làng khác” hơn nữa, thì những lời ong tiếng ve xung quanh chuyến đi của anh chắc chắn không chỉ “nhẹ nhàng” như thế!

Nhật Linh
.
.
.