Nikki Haley: Người phụ nữ của thời đại

Thứ Năm, 12/07/2018, 10:06
Đó là tựa đề của một bài viết đăng trên tờ Thời báo Washington khi viết về bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ).


Việc Tổng thống Mỹ Ronald Reagan chỉ định bà Jeane Kirkpatrick làm Đại sứ Mỹ tại LHQ năm 1981 đã bị thế giới không hài lòng, vì chưa bao giờ có một người phụ nữ nào giữ vị trí đó. 

Bà Kirkpatrick còn là người thuộc đảng đối lập. Tuy nhiên, ông Reagan đã chọn bà Kirkpatrick làm đại sứ cho tổ chức toàn cầu và đưa bà vào nội các của ông. Và Tổng thống Reagan đã không phải mất nhiều thời gian để Đại sứ Kirkpatrick chứng minh sự đảm lược của bà.

Việc bổ nhiệm Nikki Haley của Tổng thống Donald Trump làm Đại sứ Mỹ ở LHQ cũng “không chính thống”. Không phải vì bà là một phụ nữ, nhưng vì bà là một thống đốc miền Nam không có kinh nghiệm  đối ngoại hay ngoại giao quốc tế, và vì bà không phải là người ủng hộ ông Trump trong thời kỳ bầu cử, và bà cũng là người Mỹ gốc Ấn Độ đầu tiên làm đại sứ và thành viên nội các.

Và bà Nikki Haley cũng đã nhanh chóng chứng tỏ sự đảm lược của mình. Điều đó đã được hiển thị một cách sinh động vào tháng trước khi tuyên bố rút Mỹ khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, một tổ chức mà bà Nikki Haley cáo buộc đã trở thành “nơi bảo vệ những kẻ lạm dụng nhân quyền”.

Trong hơn một năm từ khi làm Đại sứ, bà Nikki Haley đã như một làn gió mới, không nao núng, có nguyên tắc và hiểu biết. Giới quan sát nhận định một trong những thất bại của chính quyền Tổng thống Barack Obama ở những tuần lễ cuối cùng là việc từ chối phủ quyết một nghị quyết có xu hướng chống Israel - đồng minh thân thiết nhất của Washington ở Trung Đông - do HĐBA  LHQ áp đặt.

Ngay khi Nikki Haley tham dự phiên họp HĐBA đầu tiên trên cương vị tân Đại sứ Mỹ thời Tổng thống Donald Trump, bà đã đảo ngược ngoạn mục “thế cờ”, tờ Boston Globe viết. “Tôi ở đây để nhấn mạnh”, bà phát biểu với báo giới, “rằng Mỹ quyết tâm chống lại định kiến chống Israel của LHQ”.

Bà Haley đã giữ vững lời hứa đó đến tận ngày 19-12 khi bà bỏ phiếu bác bỏ nghị quyết của Ai Cập yêu cầu Mỹ rút lại quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển đại sứ quán đến đây. Cùng với hành động phủ quyết, bà gọi nghị quyết là “một nỗi xấu hổ” đối với LHQ; đồng thời chỉ trích những người “dám chỉ định Mỹ phải đặt đại sứ quán ở đâu”. 

Ngày hôm sau trên Twitter, bà lại đánh tiếng cảnh báo về cuộc bỏ phiếu tại HĐBA: “Khi chúng tôi đưa ra quyết định về nơi đặt đại sứ quán, chúng tôi không hy vọng những người mà chúng tôi đã giúp đỡ sẽ nhắm vào mình. Ngày 21-12 sẽ có một cuộc bỏ phiếu lên án lựa chọn của chúng tôi. Mỹ sẽ ghi lại từng cái tên”.

Liều lĩnh và phản tác dụng? Khó để nhận xét song sự thể hiện của nữ chính trị gia 45 tuổi tại LHQ thực sự là điều thú vị để quan sát. Cựu Thống đốc bang Nam Carolina - người bước đến vị trí này mà không hề có kinh nghiệm về chính sách đối ngoại - hóa ra lại là một tài năng bẩm sinh. 

Mùa thu năm ngoái, bà Haley đã thành công trong việc thúc đẩy HĐBA bổ sung các lệnh trừng phạt kinh tế lên CHDCND Triều Tiên nhằm đáp trả hàng loạt vụ thử tên lửa của nước này. Ban đầu, bà Haley đề xuất một gói trừng phạt nghiêm khắc đến nỗi Nga và Trung Quốc chắc chắn sẽ bỏ phiếu phản đối. Sau đó, bà thương lượng một yêu cầu thỏa hiệp - giảm lệnh cấm vận dầu toàn diện, song lại đào sâu vào các hạn chế khác.

“Điều đó giúp cả Trung Quốc và Nga đồng thuận tham gia”, tạp chí The Nation viết, “bà Haley đã có một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ đồng ý 15-0 chống lại Triều Tiên, một kết quả gửi đi thông điệp đoàn kết” đến Bình Nhưỡng. Tuần trước, bà lại làm được điều này: giành được sự nhất trí tuyệt đối của HĐBA thông qua một loạt trừng phạt mới đối với Triều Tiên.

Có thể nói, bà Nikki Haley là một trong những quan chức nổi tiếng nhất trong chính quyền Trump. “Một ngôi sao đột phá của nội các Trump”, kênh CNN đã gọi bà như vậy.

Bảo Anh
.
.
.