“Nữ bác sĩ tâm lý” có nụ cười hồn hậu

Thứ Ba, 16/10/2012, 16:01
Nét cương, nhu hài hoà trong nữ quản giáo, Đại uý Lê Hương Lý dường như là bí quyết giúp cô vững vàng hơn với sự nghiệp “cải tạo” con người của mình.

Gương mặt hiền lành, nụ cười luôn thường trực trên môi, nhìn vẻ bề ngoài sẽ cảm nhận được Lý là hiện thân đầy đủ của tính nữ chân yếu tay mềm. Giọng nói nhỏ nhẹ như gió, vóc dáng mảnh mai, mái tóc dài buộc gọn sau lưng… tất cả đều toát lên sự dịu dàng, hiền hậu. Bởi thế, tôi đã vô cùng bất ngờ khi được biết Lý là nữ quản giáo đang công tác tại trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) và càng ngạc nhiên hơn khi hiểu phía sau vẻ liễu yếu đào tơ kia là một tinh thần thép, ý chí thép của người chiến sĩ Công an nhân dân.

“Bắt mạch” những ca ăn vạ

Trong những giấc mơ vụng dại ngày thơ bé, hình ảnh người chiến sĩ mặc áo xanh cầm chắc cây súng bảo vệ cuộc sống hoà bình của nhân dân đã in đậm trong tâm trí cô. Cô mê đắm những câu chuyện kể của ba về biết bao tình huống khó khăn, nguy nan, thậm chí phải cận kề giữa hai làn sinh – tử trong những lần đối phó với tội phạm nguy hiểm. Điều ấy như động lực thôi thúc Lý dấn thân theo đuổi đam mê từ thuở nhỏ.

Tốt nghiệp Trung cấp Cảnh sát nhân dân 2, về công tác tại trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng), công việc của Lý tuy không phải cầm súng chiến đấu với tội phạm như câu chuyện của ba ngày xưa, nhưng mức độ nguy hiểm với những nguy cơ, khó khăn tiềm ẩn cũng chẳng kém cạnh gì. 12 năm trong nghề, bền bỉ với sự nghiệp “lái đò”, uốn nắn, đưa những con người từng một thời lầm lỡ trở về nẻo thiện, giúp họ rũ bỏ phần CON để trở lại thành NGƯỜI đúng nghĩa, nữ quản giáo, Đại uý Lê Hương Lý dường như chưa từng mệt mỏi với công việc vất vả của mình. 

12 năm trước, tạm biệt bảng đen phấn trắng, Lý được phân công về công tác tại trại giam Xuân Nguyên và gắn bó từ ấy cho tới nay. Cô gái 20 tuổi dường như quá non nớt trước những giang hồ cộm cán cải tạo tại trại giam Xuân Nguyên. Kiến thức lý thuyết được tu bổ trên ghế nhà trường chỉ là hành trang sơ khai để Lý bước vào nghiệp quản giáo. Bản thân Lý thừa nhận, thực tiễn cuộc sống sinh động, bất ngờ mà không sách vở nào giảng dạy.

Ngày ấy, cô quản giáo 20 tuổi thường được phân công tập dượt, làm quen với nghề bằng việc tổ chức sinh hoạt đội cho các phạm nhân. Lần đầu tiên đứng trước đám đông mặc áo kẻ sọc với hàng chục đôi mắt đổ dồn vào Lý, tự dưng toàn thân Lý nóng bừng. Lý phổ biến công tác sinh hoạt đội sản xuất, phổ biến quy chế, nội quy trại giam cho phạm nhân nghe.

Với phạm nhân, bài học về quy chế trại giam họ nằm lòng bàn tay, song họ vẫn chăm chú lắng nghe với mục đích “rình” xem có chỗ nào người nữ quản giáo dùng từ chưa thực sự chuẩn xác, chưa cứng rắn, họ kiếm cớ bắt bẻ. Biết được những chiêu trò của phạm nhân, quản giáo trẻ Lê Hương Lý chăm chỉ rèn giũa khả năng nói dõng dạc, nghiêm nghị, đanh thép, chính xác trong mỗi lần tổ chức sinh hoạt đội sản xuất khiến phạm nhân nữ chỉ biết răm rắp nghe lời, không tìm được bất cứ lỗi diễn đạt nào trong từng câu nói.

Kể về tình huống khó xử nhất đã từng gặp phải trong những ngày đầu chập chững bước vào nghề, quản giáo Lý nhấp ngụm trà xanh, cười hiền: “Đó là một nữ phạm nhân tên K., hiện tại chị ấy đã hết án và trở về hoà nhập với cộng đồng. Nhưng, câu chuyện về K. vẫn luôn là kỉ niệm khó quên trong cuộc đời làm quản giáo của tôi. Ngày còn cải tạo, K. vốn là một phạm nhân không có ý thức chấp hành nội quy của trại, đặc biệt trong lao động sản xuất, K. thường xuyên chống đối lao động bằng cách viện đủ mọi lý do. Hôm thì kêu đau đầu, chóng mặt, hôm lại ôm bụng kêu đau dạ dày, nhưng ai cũng biết K. vờ ốm đau để trốn lao động.

Sự lười nhác đương nhiên dẫn tới việc năng suất lao động của K. không đạt chỉ tiêu, cuối tháng bình xét không đạt yêu cầu. Thấy cán bộ chỉ chấm bình xét mức trung bình, K. tỏ thái độ không hài lòng. Chị ta thản nhiên cởi phăng tất cả quần áo đang mặc trên người ném xuống đất và…ăn vạ. Trong khi đang là thời điểm nhập phạm trở về sau giờ lao động, có rất nhiều nam phạm nhân đi ngang qua chứng kiến đều ồ cười, chỉ trỏ cũng không làm K. ngượng ngùng hay xấu hổ.

Chứng kiến cảnh tượng và thái độ cư xử của phạm nhân K., quản giáo Lý nghiêm giọng yêu cầu K. khẩn trương mặc quần áo, chỉnh đốn trang phục. K. vênh mặt lên thách thức nhưng trước ánh nhìn nghiêm khắc của Lý, sau vài phút hách dịch, K. lầm lụi mặc lại áo quần, dù trong lòng rất hậm hực. Quản giáo Lý bình tĩnh cho các phạm nhân khác trở về buồng giam, và vẫn giữ thái độ bình tĩnh đối với K. Quản giáo Lý biết K. vốn là một người sống thiếu thốn tình cảm gia đình, tính tình ngang ngược, thiếu suy nghĩ thấu đáo trong mọi hành động. Ngay cả hành vi cởi quần áo ăn vạ cán bộ quản giáo cũng là hành động tự phát không suy nghĩ. Lý mềm mỏng phối hợp với cán bộ trinh sát tư vấn, giảng giải cho K. hiểu hành động của chị ta là sai, trái với nội quy trại giam.

Ngày hôm sau tiếp tục gọi K. lên nói chuyện, K. thừa nhận do tức giận nhất thời nên mới có hành động phản cảm như thế, đồng thời hứa sẽ không bao giờ tái phạm. Từ sau lần đó, K. hiểu cán bộ Lý là người công tâm, mức độ lao động của phạm nhân như thế nào sẽ được phản ánh đúng trong bảng bình xét cuối tháng, đặc biệt K. từ bỏ hẳn thói vờ vịt ốm đau để trốn làm việc.

Tới “bác sĩ tâm lý” của những phạm nhân lầm lỗi

Phạm nhân, đặc biệt là phạm nhân nữ có diễn biến tâm lý rất phức tạp. Tâm lý của họ thường thiếu ổn định, dễ dao động, đặc biệt nhận được tin gia đình có biến động, họ rất dễ suy sụp, quỵ ngã. Như trường hợp của phạm nhân tên Thía, đi tù vì tội mua bán trái phép chất ma tuý. Chị Thía đi tù chưa lâu thì người con gái tên Nga cũng theo gót mẹ vào trại giam, cũng với tội danh giống mẹ và cùng cải tạo tại trại giam Xuân Nguyên. Cú sốc chưa kịp nguôi ngoai thì phạm nhân Thía nhận được tin con trai ở ngoài xã hội mới bị bắt khi tham gia một đường dây ma tuý cực kỳ lớn và bị kết án tử hình.

Mặc dù biết mua bán trái phép chất ma tuý là cách kiếm tiền siêu lợi nhuận, nhưng đó cũng là con đường phạm pháp, là lối tắt đi tới địa ngục, nhưng thay vì việc quản lý, dạy bảo các con làm ăn lương thiện, Thía lại dẫn dụ, đào tạo các con đi lên vết xe đổ của mình. Kết cục là cái chết tất yếu dành cho đứa con trai duy nhất. Đối với một gia đình ma tuý như gia đình Thía, khi tham gia mua bán ma tuý, ắt đã có lúc nghĩ tới kết cục bi đát trong hiện tại, nhưng thực tế sự việc xảy ra, sốc là điều khó tránh khỏi. Bản thân phạm nhân Thía bỏ bữa, tuyệt thực 2 ngày liên tiếp, dù ai động viên, khuyên giải cũng không chịu. Trong đầu phạm nhân Thía chỉ nghĩ tới cái chết để thoát khỏi nỗi đau mất con và sự ân hận tột cùng của người mẹ thiếu đứng đắn.

Đối với trường hợp của phạm nhân Thía, Đại uý Lê Hương Lý đã rất kỳ công đánh thức bản năng sống, khát vọng sống thoi thóp trong con người này. Mỗi ngày, quản giáo Lý đều tới thăm, trò chuyện thân tình với Thía, chia sẻ nỗi đau của người mẹ mất con, đồng thời để Thía thấy được đó là luật nhân – quả ứng nghiệm ở đời. Cuộc đời vốn rất công bằng, những kẻ gieo rắc cái chết trắng cho đồng loại như Thía, Nga và con trai chị ta, chắc chắn sẽ bị trừng trị thích đáng. Kiếm tiền bằng cách tiêu huỷ cuộc sống của người khác là đi ngược đạo đức, quy tắc làm người và vi phạm nghiêm trọng luật pháp.

Nghe những lời thấu tình đạt lý của cán bộ Lý, phạm nhân Thía chấm dứt tình trạng tuyệt thực. Cho tới ngày mãn hạn tù, trước khi trở về, Thía có tìm gặp cán bộ Lý và cảm ơn cán bộ: “Nếu không có cán bộ, chắc ngày đó tôi đã chết vì đau khổ. Tôi sẽ cố gắng làm ăn lương thiện, làm lại cuộc đời. Tự do của tôi, con gái và án tử của đứa con trai là cái giá quá đắt để tôi giác ngộ, nhận ra sai lầm của mình”.

Bản thân cũng là một người phụ nữ, là một người mẹ, Đại uý Lê Hương Lý đặc biệt cảm thấy xót thương cho những bà mẹ  - phạm nhân sinh con trong cảnh tù tội. Như trường hợp của phạm nhân Mai, người dân tộc Thái, quê mãi tận Điện Biên là một trong số những trường hợp phạm nhân sinh con trong tù. Khi bị bắt vì tội danh buôn bán trái phép chất ma tuý, Ly Thị Mai đang mang bầu và đứa trẻ chào đời nơi phía sau song sắt. Với 3 bánh heroin, về luật, Mai bị tuyên án tử, nhưng vì đang mang thai nên Mai được giảm xuống mức án chung thân. Đứa trẻ là cứu cánh sự sống cho Mai, nhưng đồng thời cũng là nỗi xót xa của người mẹ trẻ sinh con ra giữa bộn bề thiếu thốn và mất tự do sau cánh cửa trại giam.

Sau này tìm hiểu, cán bộ Lý biết hoàn cảnh khó khăn của Mai. 16 tuổi Mai quen một anh kỹ sư làm công trình đi qua bản Mai sống. Tin, yêu và dâng hiến trọn vẹn cho người đàn ông kia, nhưng kết thúc công trình anh ta biến mất cùng lời hẹn quay trở lại đón Mai. Đến địa chỉ của anh ta Mai cũng vô vọng không biết. Chấp nhận cuộc đời là bà mẹ đơn thân, Mai muốn kiếm tiền để lo liệu cho tương lai của đứa con sắp chào đời. Nghe lời bạn bè rủ rê về mối hàng lớn, siêu lời trong khi không tốn nhiều công sức, Mai gật gù nghe theo. Vụ đầu tiên trót lọt, tới vụ thứ hai thì Mai bị bắt gọn.

Vào trại cải tạo, Mai thể hiện là một nữ phạm nhân cứng cỏi, chăm chỉ, chịu khó lao động nhưng vô cùng ít giao tiếp với mọi người, sống khép kín, cô độc. Cán bộ Lý đã trò chuyện, chia sẻ với Mai rất nhiều và sự bền bỉ hàng tháng trời của Lý đã được đền đáp bằng thái độ cởi mở, hoà nhã, vui vẻ của Mai đối với mọi người xung quanh.

Với cái tình, cái tâm của người gắn bó với nghiệp quản giáo, tôi tin Đại uý Lê Hương Lý sẽ còn giúp nhiều số phận lầm lỡ trở lại làm người lương thiện

PV
.
.
.