Nữ cảnh sát trưởng đầu tiên ở đất nước trọng nam khinh nữ

Thứ Bảy, 22/03/2014, 08:00

Vào thời điểm mà có rất nhiều người đang lo ngại bởi sự trở lại của Taliban thì một người phụ nữ như Jamila Bayaz lại trở thành một người phụ nữ kiên cường hơn bao giờ hết. Không chỉ là một người dám vượt lên nỗi lo sợ mà bà còn đảm nhận một vai trò mà không chỉ khó khăn cho những người đàn ông. Jamila Bayaz lạnh lùng, sắt đá, quyết tâm và đã mang lại niềm tự hào cho những người phụ nữ Afghanistan khi bà trở thành nữ cảnh sát trưởng đầu tiên ở đất nước này.

Quyết định đúng đắn

Nhiều người đã tỏ ra rất ngạc nhiên và lấy làm lạ khi thấy Jamila Bayaz trở thành một nữ cảnh sát trưởng. Jamila Bayaz thì luôn tự tin rằng mình chưa bao giờ cảm thấy hối tiếc trước sự lựa chọn của mình. Jamila Bayaz là một người phụ nữ quyết đoán, thông minh và nhiều tham vọng. Hơn 30 năm trước, từ khi còn là một cô sinh viên của Trường Đại học Kỹ thuật Kabul, Jamila Bayaz đã thể hiện mình bản lĩnh và quyết đoán không thua kém gì những người đàn ông. Mặc dù là một sinh viên xuất sắc và tốt nghiệp loại ưu nhưng Jamila Bayaz lại có suy nghĩ và định hướng khác cho tương lai của mình.

Hai tháng sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Kabul, Jamila Bayaz đã quyết định bỏ thuốc lá và ghi danh vào học viện cảnh sát của thành phố. Vì cha cô là một sĩ quan cảnh sát ở Kabul nên Jamila Bayaz đã luôn mơ ước mình được nối nghiệp cha mặc dù cô biết rất rõ những khó khăn và thử thách đối với một chiến sĩ cảnh sát. Tất cả những gì mà Jamila Bayaz phải đối diện trước mắt không làm suy suyển niềm đam mê của cô. Bên cạnh đó việc một phụ nữ ghi danh vào trường cảnh sát là chuyện không bình thường ở đất nước Afghanistan nhưng Jamila Bayaz vẫn bất chấp và vượt qua mọi lời dị nghị, mọi sự cấm đoán của gia đình cũng như xã hội. Jamila Bayaz quyết định đi theo bước chân của cha với đầy sự tự tin và thích thú với con đường mà cô đã chọn.

“Nhiều người thân của tôi đã thực sự bất ngờ và kinh ngạc khi biết được quyết định của tôi, nhưng tôi biết rất rõ những việc mình đang làm”, Jamila Bayaz chia sẻ trong phấn khích.

Con đường Jamila Bayaz đã chọn đầy rẫy những chông gai, một người phụ nữ phải vượt qua bao nhiêu thử thách ở đất nước mà sự trọng nam khinh nữ vẫn đang còn ngự trị. Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng thành công vẫn đến với Jamila Bayaz khi cô tốt nghiệp học viện cảnh sát và trở thành một sĩ quan cảnh sát. Trong suốt thời gian đứng trong hàng ngũ lực lượng cảnh sát quốc gia, Jamila Bayaz luôn ý thức được trách nhiệm cũng như những khó khăn của mình nên cô đã được cấp trên cũng như đồng nghiệp kính nể.

Có những thành tích đáng nể trong sự nghiệp, Jamila Bayaz đã được tín nhiệm giao cho trọng trách chỉ huy lực lượng cảnh sát quận Nhất thành phố Kabul khi cô bước vào tuổi 50. Đại tá Jamila Bayaz đã trở thành nữ Cảnh sát trưởng đầu tiên của đất nước Afghanistan. Trước khi nhậm chức cảnh sát trưởng, Jamila Bayaz đã nhận được lá thư do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mohammad Omer Daudzai.

Trong thư, ngài bộ trưởng đã viết rằng cần phải nhìn nhận lại tất cả những vấn đề mà trước đây trong suốt một thời gian dài được thống trị bởi nam giới. Cả nước Afghanistan sẽ phải có một cái nhìn nhận mới và cam kết tôn trọng quyền bình đẳng đối với phụ nữ. Đất nước Afghanistan đã phải trải qua một thời gian dài ngập chìm trong chiến tranh, đạn lửa và chết chóc. Chính vì vậy mà những quan niệm cũ vẫn không thể mất đi khi họ cho rằng chỉ có nam giới mới có thể làm được những công việc xã hội, chỉ có nam giới mới đủ khả năng để gánh vác những trọng trách của đất nước. Đối với nữ sĩ quan cảnh sát Jamila Bayaz thì lại hoàn toàn khác, bà cho rằng giới tính nào không quan trọng, chỉ cần lòng yêu nước và sự quyết tâm thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Nữ cảnh sát trưởng Jamila Bayaz.

Chiến tranh đã khiến đất nước Afghanistan trở nên hỗn loạn nên để bình ổn được đất nước không phải là một điều dễ dàng. Nhiều người đã lo ngại rằng liệu một nữ cảnh sát trưởng có đủ khả năng để chỉ huy lực lượng cảnh sát bảo vệ sự bình an cho đất nước. Một người phụ nữ làm công tác xã hội đã khó trong khi Jamila Bayaz lại là một nữ cảnh sát trưởng. Những người đồng nghiệp trong sở cảnh sát quốc gia thì tuyệt đối tin tưởng rằng lựa chọn của Jamila Bayaz là một quyết định tuyệt vời và họ chưa bao giờ bị thất vọng bởi quyết định của Jamila Bayaz.

Không chịu đầu hàng

Mặc dù công việc không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, Jamila Bayaz cũng thường xuyên gặp khó khăn trong công việc chỉ vì quan niệm trọng nam khinh nữ. Có nhiều cấp dưới của cô là nam giới đã thường xuyên tránh mặt, có khi còn vội vã trốn vào nhà vệ sinh chỉ để tránh phải chào cô. Đúng là có những câu chuyện hết sức nực cười nhưng không gì có thể khiến Jamila Bayaz mất tự tin hay chán nản với công việc. Jamila Bayaz đã chứng minh cho mọi người thấy rằng cô luôn đảm nhiệm tốt mọi công việc kể cả bổn phận của một người phụ nữ trong gia đình. Jamila Bayaz không phải là một người dễ dàng đầu hàng.

Niềm đam mê và ước mơ lớn nhất của nữ Cảnh sát trưởng Jamila Bayaz là làm cách nào để có thể khôi phục lại thành phố nơi cô sinh ra và lớn lên. Mặc dù thành phố này bị đắm chìm trong chiến tranh suốt hơn ba thập kỉ qua nhưng Jamila Bayaz vẫn tin rằng thành phố sẽ được khôi phục, được phát triển và bắt kịp với thời đại. Jamila Bayaz đã phát biểu trước nhân dân rằng: “Ngành cảnh sát và những binh sĩ của chúng tôi có thể giành lại đất nước từ tay những kẻ khủng bố, quân Taliban và bất kỳ những thế lực thù địch nào khác”.

Jamila Bayaz kể lại rằng từ khi sự nghiệp cảnh sát của bà bắt đầu, khó khăn chồng chất khó khăn. Tiếp theo đó là sự hỗn loạn kéo dài của những năm 90. Ngày 26 tháng 9 năm 1996, máy bay chiến đấu của Taliban đã xâm chiếm thủ đô. Đó là một ngày mà Jamila Bayaz không bao giờ quên trong suốt thời gian làm cảnh sát của mình. “Khi tôi đi bộ về đến nhà, tôi đã phải thay đổi mọi thứ từ trang phục đến phong cách, từ một sĩ quan cảnh sát trở thành một người phụ nữ bình thường trong gia đình và quan trọng là tôi thực sự choáng váng khi Taliban yêu cầu dừng tất cả mọi công việc của phụ nữ”.

Sức ép của quân Taliban ngày càng lớn, phụ nữ không được đi xe buýt chung với nam giới, tất cả những công việc xã hội không cho phép nữ giới tham gia. Jamila Bayaz kể rằng một hôm khi cô đang cố tình leo lên xe buýt thành phố thì bất ngờ một cảnh sát tôn giáo của Taliban đã dùng gậy đánh vào chân cô bởi ông ta phát hiện ra cô là phụ nữ. Một lần khác, khi Jamila Bayaz từ sở cảnh sát trở về nhà, vừa mới cởi bỏ khăn che mặt cùng quần áo khoác thì bất ngờ một nhóm người ập đến và xông vào đánh đập cô, yêu cầu cô không được ra đường và tham gia vào các hoạt động xã hội.

Năm 2001, sự sụp đổ của chế độ Hồi giáo tại đất nước Afghanistan đã giúp cho giấc mơ của cô được thực hiện, đó là cô lại được tiếp tục công việc cảnh sát của mình. Kể từ thời gian đó, Jamila Bayaz đã cống hiến toàn tâm toàn lực cho ngành cảnh sát. Jamila Bayaz đã đi khắp nơi trên thế giới để học hỏi những kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nói về gia đình riêng của mình, Jamila Bayaz cũng không khỏi tự hào khi cô vẫn hoàn thành được trọng trách của người phụ nữ trong gia đình. Là mẹ của 5 người con, 3 con trai đã tốt nghiệp đại học và 2 con gái nối theo sự nghiệp của mẹ càng khiến Jamila Bayaz nói riêng và những người phụ nữ ở đất nước này tự tin hơn và có thể yên tâm rằng phụ nữ đã có một chỗ đứng nhất định trong xã hội.

“Vẫn biết công việc cảnh sát nguy hiểm, nhiều nữ cảnh sát đã bị giết trong khi làm nhiệm vụ nhưng tôi yêu công việc của tôi nhiều hơn hơi thở của tôi. Nếu như tôi thành công, các con gái tôi thành công thì chắc chắn đó sẽ là cánh cửa mở ra cho những người phụ nữ khác”, Jamila Bayaz nói.

Jamila Bayaz vẫn muốn gửi thông điệp của mình với Taliban rằng: “Hãy bỏ vũ khí xuống. Hợp tác với chúng tôi trong hòa bình để xây dựng đất nước hùng mạnh hơn”. Nhưng thực tế thì Taliban dường như đã không lắng nghe và quan tâm đến khát khao của Jamila Bayaz bởi đối với họ cô chỉ là một người phụ nữ. Biết vậy nhưng Jamila Bayaz vẫn luôn khẳng định vị thế cũng như trách nhiệm của mình. Là phụ nữ hay nam giới thì cũng vậy, có lòng tin, có quyết tâm thì sẽ có những quyết định đúng đắn

Nam Phong
.
.
.