Nữ giáo viên khổ hạnh và tấm lòng luôn hướng thiện, từ bi

Thứ Hai, 28/11/2011, 16:31

Ở nơi cô sống, dân làng thường dành cho nữ giáo viên này những lời khen ngợi từ đáy lòng. Hoàn cảnh nghèo khó, số phận thăng trầm nhưng cô đã biết tự mình vượt qua tất cả giông bão để đứng vững cho đến ngày hôm nay. Khi nói về cô, người ta vẫn thường nhắc đến câu chuyện của một cô gái đã hy sinh cả tuổi thanh xuân lấy anh rể để nuôi những đứa cháu khi chị gái qua đời. Và rồi câu chuyện đó sau gần 3 thập kỷ đã có một kết thúc đẹp khi những đứa con trong gia đình cô đều đã trưởng thành và có được cuộc sống riêng tư của mình.

Và bây giờ, những người sống xung quanh lại nói về cô với những lời ngọt ngào về người phụ nữ nhân hậu có tấm lòng từ bi. Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng cô vẫn dành thời gian đến giảng dạy tại lớp học tình thương tại chùa Hương Lan. Và trong 5 năm qua, cô là một trong số ít những giáo viên bám trụ lâu nhất với lớp học này.

Câu chuyện cuộc đời của nữ giáo viên khổ hạnh

Cô tên Trần Thị Thoa ở xã Đông Sơn (Chương Mỹ-Hà Nội), là một giáo viên đã nghỉ hưu nhưng hiện tại cô vẫn đảm nhiệm giảng dạy tại lớp học tình thương. Công việc từ thiện đó cũng lấy của cô khá nhiều thời gian, việc giảng bài cũng có nhiều thử thách ghê gớm nhưng nữ giáo viên này vẫn đứng vững để dạy chữ cho những em học sinh có số phận bất hạnh. Nhiều người khen là có tấm lòng từ bi nhưng cô chỉ nghĩ đơn giản rằng, đó là nhiệm vụ của những người giáo viên. Mình được mọi người gọi là cô giáo thì phải dạy chữ cho học sinh, bất kể đó là ở trường lớp đàng hoàng hay chỉ là một phòng học nhỏ ở trong chùa.

Nhắc đến cô giáo Thoa, những người dân ở địa phương còn khâm phục ở sự hy sinh cao cả của người đàn bà này. Câu chuyện cách đây đã vài chục năm nhưng mỗi khi ai kể về nó vẫn dành cho cô Thoa những sự khâm phục từ đáy lòng. Cô Thoa sinh ra trong một gia đình nghèo khó của một xã thuần nông của tỉnh Hà Tây cũ. Là một người thông minh sáng dạ nên cô Thoa nổi bật hơn các chị em trong gia đình về mặt học tập. Hoàn thành chương trình học phổ thông, cô Thoa tiếp tục được cha mẹ cho đi học lớp trung cấp sư phạm. Kết thúc khóa học, Trần Thị Thoa trở về làng quê và nhận công việc dạy học tại trường cấp I của xã.

Thời điểm đó, tuy cô Thoa không phải là một người có nhan sắc nhưng cũng là sự ước mơ của nhiều người đàn ông với danh dự của một người giáo viên. Rất nhiều người đã đến tìm hiểu nhưng cô Thoa vẫn không vội tính đến chuyện chồng con vì còn muốn giúp đỡ cha mẹ công việc gia đình thêm chút ít thời gian. Rất nhiều dự định tương lai hiện ra trong suy nghĩ của cô giáo viên trẻ tuổi. Nhìn vào cô, rất nhiều người đã nghĩ đến một tương lai sáng láng, cuộc sống an nhàn.

Tuy nhiên, khi mọi thứ mới chỉ bắt đầu thì cuộc đời của cô Thoa đã chuyển sang một ngã rẽ mới. Năm 1986, người chị gái của cô giáo Thoa bỗng nhiên đổ bệnh và qua đời một cách đột ngột để lại người chồng thương binh ốm yếu cùng 3 đứa con nhỏ. Không để những đứa con của chị mình phải bơ vơ, cô Thoa đã lo toan cáng đáng cuộc sống cho bốn bố con.

Xót xa những đứa cháu nhỏ, bố mẹ đã nói với cô Thoa rằng hãy thay thế vào chỗ chị gái của mình, về nhà anh rể sống để nuôi dạy những đứa cháu. Ông bà không muốn tụi nhỏ phải sống cảnh dì ghẻ con chồng nên đã nghĩ ra cách như vậy… Lúc đầu khi mới bố mẹ nói như vậy, cô Thoa phản đổi rất kịch liệt. Dù rất thường những đứa cháu nhỏ nhưng cô cũng có cuộc sống riêng tư của mình. Trước mắt cô còn có rất nhiều dự định lớn lao, rồi cả hạnh phúc riêng tư… Nếu như chấp nhận làm theo lời cha mẹ sẽ phải từ bỏ tất cả tương lai, tuổi thanh xuân, tình yêu…

Nhưng rồi, khi nhìn vào ba đứa cháu nhỏ, lòng cô lại quặn đau vì chúng đang phải bơ vơ vì đã mất mẹ. Rồi cô nghĩ đến câu nói: "Còn mẹ ăn cơm với cá; Hết mẹ liếm lá gặm xương", cô lại cảm thấy sợ hãi khi nghĩ về viễn cảnh những đứa cháu của mình lỡ may phải chịu đựng cảnh đó. Vậy là cô đã chiều theo lòng cha mẹ, chấp nhận hy sinh hạnh phúc cá nhân để nuôi đảm đương gánh nặng gia đình thay cho chị gái đã quá cố. Ngày cô về nhà ở với anh rể, nhiều người đã cảm thấy tiếc thương cho số phận của cô. Cũng có nhiều người bảo rằng cô đã bị "điên" khi quyết định như vậy. Đang tuổi thanh xuân lại là một giáo viên mà lại đi làm vợ lẽ… Nhưng cô đã chấp nhận tất cả để bước qua thử thách lớn lao đó.

Gần 30 năm đã trôi qua, gia đình nhỏ của cô Thoa vẫn sống với nhau yên ấm. Cô có thêm hai người con, tất cả năm anh chị em sống hòa thuận với nhau trong vòng tay của cô giáo Thoa. Giờ đây, người thì đã dựng vợ gả chồng, người thì đã có công ăn việc làm, tất cả đều đã trở trở thành những con người lớn khôn. Nhìn vào những đứa con của mình, cô Thoa cảm thấy rất hạnh phúc bởi lẽ, thành quả sau vài thập kỷ cô đằng đẵng vất vả lao tâm khổ tứ đã đạt được kết hòa viên mãn.

Người đàn bà có tấm lòng từ bi

Cuộc sống của gia đình cô Thoa trôi qua trong sự hài lòng của tất cả các thành viên. Chồng cô vẫn thường xuyên đau ốm vì những vết thương do chiến tranh phát tác. Hai vợ chồng của cô sống dựa hoàn toàn vào thu nhập từ lương hưu. Tuy số tiền đó không nhiều nhưng vợ chồng cô vẫn gắng gượng sống qua ngày. Cô Thoa bảo rằng, ngày xưa điều kiện còn khó khăn hơn cả vạn lần bây giờ những vẫn vượt qua, cuộc sống hiện tại đối với cô đã là quá no đủ. Người đàn bà này hài lòng với cuộc sống khó khăn về vật chất nhưng hạnh phúc về tinh thần.

Tuy bản thân không phải thừa thãi về vật chất nhưng cô Thoa luôn có một lòng cảm thương sâu sắc đối với những con người có hoàn cảnh có khăn. Từ chính bản thân mình, những năm tháng khó khăn trước kia đã giúp cô hiểu được sự bất hạnh của những người có số phận hẩm hiu. Và cũng suy nghĩ đó đã trở thành động lực khiến cô Thoa đến với lớp học tình thương ở chùa Hương Lan.

Là những giáo viên đầu tiên đến với lớp học và cũng là một trong những người gắn bó lâu nhất, với cô những em nhỏ khuyết tật học tập ở trong chùa luôn khiến cô đau đáu mỗi ngày. Cô cảm thấy thương cảm cho những em nhỏ này vì chúng đã bị ông trời bắt tội phải mang di tật trên người, nên việc dạy chữ cho các em cũng là các để mọi người chia sẻ nỗi đau. Suy nghĩ đó luôn ở trong tâm khảm cô và giúp cô vượt qua rất nhiều khó khăn trong suốt hơn 5 năm giảng bài tại lớp học.

Gắn bó với lớp học, với những em nhỏ tàn tật, cô Thoa cũng ắp đầy cho mình kỷ niềm về những em học sinh đặc biệt. Cô bảo rằng, làm giáo viên ở lớp không đơn giản chỉ là dạy kiến thức mà còn giúp các em hòa nhập với cuộc sống hơn. Cô kể về lần chính tay mình đã giúp một em nhỏ vệ sinh cá nhân. Ngày đó, trong lớp có một em nhỏ tuy mới chỉ học chương trình lớp 1 nhưng đã ở lứa tuổi con gái. Khi đến "ngày con gái", chính tay cô Thoa đã phải đưa em đi vệ sinh và hướng dẫn em cách tự chăm sóc mình.

Rồi tự nhiên có em đang ngồi học bỗng nhiên lên cơn động kinh nằm vật ra đất, sủi bọt miệng. Lần đầu tiên cô cảm thấy rất choáng đã kêu cứu mọi người đến giúp đỡ. Nhưng sau khi đã đối diện một vài lần thì cô đã tự mình chăm sóc cho những em nhỏ gặp trường hợp như vậy. Cô Thoa bảo rằng, làm giáo viên ở lớp học này mỗi người giáo viên phải tự trang bị cho mình những kiến thức về y học. Nếu như gặp trường hợp những em bị mắc bệnh đơn giản có thể khắc phục ngay tại lớp học.

Đã có rất nhiều học sinh đến với lớp học ở chùa Hương Lan và cũng có rất nhiều trong số đó đã kiếm tìm được cuộc sống mới. Vẻ mặt hạnh phúc cô Thoa kể về trường hợp hai học sinh từng được cô dạy chữ giờ đã xin được công ăn việc làm. Đó là hai em học sinh tên Hà và An nhà ở làng bên cạnh chùa Hương Lan. Gia đình rất khó khăn nên cả hai em nhỏ đều không được đến trường và trở thành mù chữ. Khi đã đến tuổi dậy thì, vì bạn bè cùng trang lứa đều được học văn hóa và có công ăn việc làm, bản thân hai em cảm thấy rất tủi thân. Khi đến với lớp học, các em phải học từ chương trình lớp 1 dù lúc đó cả hai đã 13-14 tuổi.

Tuy nhiên, được sự kèm cặp tận tình của các giáo viên, Hà và An đã nhanh chóng học hết chương trình cấp 1 và trở thành lứa học sinh đầu tiên "ra trường". Một thời gian ngắn sau đó cả Hà và An đã xin vào làm công nhân tại một khu công nghiệp. Cả hai em đều đã có thể tự nuôi sống bản thân của mình trong sự vui mừng của rất nhiều người xung quanh. Mỗi khi nói về hai cô học trò này, cô Thoa cùng những giáo viên ở lớp học tình thương luôn cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào vì công việc của họ đã mang lại nhiều ý nghĩa…

Nam Linh
.
.
.