Nữ nghệ nhân bảo tồn nghệ thuật ẩm thực cung đình Huế

Chủ Nhật, 26/01/2020, 15:34
Được mệnh danh "Truyền nhân của ẩm thực cung đình Huế", bà Tôn Nữ Hà được vinh danh là nghệ nhân ẩm thực hàng đầu Việt Nam tại lễ tôn vinh các Danh hiệu Du lịch năm 2017 (diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Hà Nội Vietnam International Travel Mart - VITM) vì đã giữ gìn, phát triển và quảng bá nền ẩm thực cố đô đến với nhiều nơi trên thế giới.


Nghệ nhân "đủ nghề"

Trồng cây, nhiếp ảnh, hành nghề y, vẽ chân dung, đúc chậu, … tất cả những nghề kể trên cũng chỉ là một trong những nghề mà bà Tôn Nữ Hà đã làm và được công nhận. Vào năm 2004, nghệ nhân Tôn Nữ Hà được ghi tên vào sách Guinness Việt Nam là "Người làm nhiều nghề nhất" với 16 nghề, trong đó thành công nhất có lẽ chính là nghề… nấu ăn.

Bà kể, từ nhỏ bà đã được người cô ruột là phu nhân quan Thượng Thư dạy cho kỹ thuật nấu ăn cung đình.  Niềm đam mê mãnh liệt về nấu ăn có lẽ cũng xuất phát từ thủa thơ ấu đó nên nó ăn sâu vào con người bà. Một giai đoạn dài do chiến tranh, bà "đứt đoạn" với những tiệc tùng cung quế lầu son, nhưng khi có cơ hội, niềm đam mê này đã dẫn bà tới những thành công rực rỡ hơn. Bà trở thành truyền nhân duy nhất của ẩm thực cung đình Huế sau năm 1975…

Nghệ nhân Tôn Nữ Hà.

Trò chuyện mới hay, bà Tôn Nữ Hà từng được các trường đại học du lịch tại Tây Ban Nha, Pháp, Iraq… mời sang giảng dạy cách chế biến món ăn cung đình Huế. Bà cũng từng làm giám khảo cho rất nhiều cuộc thi nấu ăn trong và ngoài nước. Bà còn sở hữu hơn 20 đầu sách dạy nấu ăn được Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, các trường đại học Nhật Bản, Trung Quốc, … sử dụng làm tài liệu giảng dạy.

Kể đến các tác phẩm ẩm thực của bà thì không thể không nhắc tới "Phượng Hoàng vũ", tác phẩm được trưng bày tại khách sạn Rex ở TP. Hồ Chí Minh vào tháng 10- 2012 đã đạt kỷ lục châu Á do Hội Kỷ lục châu Á công nhận, khi bà đưa nghệ thuật ẩm thực lên một tầm cao mới: Ngon, đẹp và hoành tráng. Những thực phẩm được cấu thành món ăn vẫn rất quen thuộc với người Huế nói riêng, người Việt nói chung, nhưng qua bàn tay của bà thì tất cả được thăng hoa, trở thành những bức tranh sống động theo tôn chỉ ngon mà đẹp. 

Những thực khách tìm đến quán ăn của bà không chỉ để ăn mà còn để ngắm những tác phẩm được tạo hình thành những bức tranh sống động và thưởng thực mùi vị đã được tinh luyện để lưu giữ trong ký ức về ẩm thực Huế. Cao lương mỹ vị lên hương đã đành, đến món vả trộn dân dã cũng mang hình ảnh của long ly quy phượng. 

Được kết hợp giữa hai yếu tố, hai sắc màu văn hóa là văn hóa cây kiểng và văn hóa ẩm thực, Tịnh Gia Viên của bà đã tự ghi tên mình vào bản đồ du lịch. Cùng với những món ăn tinh tế, khu vườn này còn từng được giải thưởng quốc gia "Cúp vàng phát triển bền vững vì sự nghiệp xanh Việt Nam" và "Cúp vàng du lịch xanh Việt Nam" do Bộ Khoa học - Công nghệ, Tổng cục Du lịch Việt Nam trao tặng.

Không dừng lại ở thành công trong lĩnh vực ẩm thực, nghệ nhân Tôn Nữ Hà còn dịch sách, viết sách, nghiên cứu về nhiều đề tài dinh dưỡng và là một nghệ sĩ nhiếp ảnh có tiếng tăm ở vùng đất cố đô. Bà từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nữ Hải Vân, địa chỉ quy tụ những người phụ nữ cố đô Huế yêu nghệ thuật ánh sáng. Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nữ Hải Vân có hàng chục cuộc triển lãm, hàng trăm tác phẩm tham gia các triển lãm quốc gia và quốc tế đều ít nhiều có công của bà. 

Hơn 10 năm gắn bó với câu lạc bộ, bà luôn là một người chị mẫu mực và có trách nhiệm với nghệ thuật ánh sáng mà câu lạc bộ theo đuổi. Những buổi thực tế leo đèo lội suối vất vả của câu lạc bộ Hải Vân không bao giờ thiếu mặt bà. Để có một bức ảnh vừa ý, bà có thể lội bộ hàng chục cây số đường rừng, cheo leo trên đỉnh cao. Nói về bà, những thành viên Câu lạc bộ Nhiếp ảnh nữ Hải Vân đều rất khâm phục sức lao động bền bỉ và quyết tâm của người chị cả...

Đã sắp bước vào tuổi "bát tuần" nhưng Tôn Nữ Hà chưa hề dừng bước. Trong cuộc trò chuyện đầu Xuân, bà cho biết đang thực hiện cuốn sách viết về gần 350 món ăn được làm bằng ớt. Khi nhắc tới công trình tương lai, bà say sưa: "Được coi là một trong những gia vị chính trong bữa ăn hàng ngày, ớt có rất nhiều công dụng tốt kích thích vị giác, giúp chữa bệnh đau nhức, cảm cúm, giúp con người ta ngủ ngon giấc…". 

Để chuẩn bị cho tập sách, trong 5 năm gần đây bà đi rất nhiều nơi trên thế giới, học hỏi, tìm tòi về các loại ớt và những món ăn được làm bằng ớt. Bà tự mình nếm thử, xin hoặc mua các loại hạt giống ớt về gieo trồng tại ngôi nhà Tịnh Gia Viên.

Khi hỏi về những chuyến đi ra nước ngoài sưu tầm nguyên liệu, bà nói "Tôi không đi du lịch mà là đi vào cuộc sống đời thường. Ở mỗi nơi có loại ớt mà mình chưa gặp bao giờ thì đầu tiên tôi sẽ xin nếm thử, không được thì sẽ mua. Ngoài ớt ra còn là sách nữa, lần nào về nước trong hành lý của tôi nặng nhất đều là sách. 

Do thời tiết năm nay khắc nghiệt, các giống ớt không sống được nhiều chứ như năm ngoái, cả khu vườn Tịnh Gia Viên đều tràn đầy những bông hoa ớt muôn hình vạn trạng". Bà Hà cho biết hiện cuốn sách độc đáo này đã cơ bản là hoàn chỉnh, nội dung đã cô đọng với hơn 200 thực đơn, sẽ hoàn thành trong vòng nửa năm tới.

Nghệ nhân Tôn Nữ Hà cắt tỉa cây cảnh trong vườn.

Những nuối tiếc còn lại…

Với bà Tôn Nữ Thị Hà, tuy đã làm được rất nhiều điều, đạt được rất nhiều mục tiêu trong cuộc sống, nhưng  bà cũng có rất nhiều nuối tiếc. Bà cho biết từng có dự định thành lập trường dạy về Nghệ thuật Ẩm thực, chăm sóc cây cảnh... 

Tuy nhiên do nhiều lý do mà ước mơ đó đã không thành hiện thực. Nhưng dù vậy, mong muốn được đóng góp sức lực mình cho một cuộc sống đẹp, văn minh hơn qua ngôi trường không thành thì bà vẫn âm thầm làm những việc trong tầm tay. Đó là tìm truyền nhân cho các món ăn cung đình; viết sách… để những bữa ăn của người Huế không mất đi hơi hướng sáng trọng của ẩm thực cung đình xưa.

Tuổi tác đã cao nhưng bà Tôn Nữ Hà dường như không có ý định "về hưu". Với bà, bây giờ không phải làm vì kinh tế mà chính là vì niềm tin. Tin món ăn cung đình chính hiệu sẽ được công nhận và sẽ có một được một công thức chứ không phải bị lai căng như hiện nay. 

Là người đã bảo tồn và "cứu sống" nghệ thuật ẩm thực Cung đình, bà Tôn Nữ Hà bây giờ chỉ mong đôi mắt khỏe để có thể viết sách nhanh hơn, diễn đạt khúc chiết, dễ hiểu hơn, đó là tâm huyết cuối cùng của bà. "Tôi viết sách với mong muốn chia sẻ kiến thức của mình cho mọi người. Tôi muốn người Việt khi ăn những món như món ớt sẽ không bị ngỡ ngàng vì sự thất truyền", bà chia sẻ.

Phước Châu
.
.
.