Ông Khánh "xe ngựa"

Thứ Năm, 18/08/2016, 13:18
Chứng kiến cảnh các cháu nhỏ cấp 1 trong xã hàng ngày đội nắng mưa tới trường, rồi ẩn chứa bao nguy hiểm, ông Đoàn Thế Khánh một cựu binh đã nảy ra ý tưởng làm xe ngựa đón các cháu tới trường.

Bước qua cái tuổi "cổ lai hi" nhưng ông Đoàn Thế Khánh một cựu binh của thôn Đại Duy, xã Đoàn Đào (huyện Phù Cừ, Hưng Yên) chưa khi nào muốn ngừng chân tay, "vẽ" ra chuyện để làm. 

Chứng kiến cảnh các cháu nhỏ cấp 1 trong xã hàng ngày đội nắng mưa tới trường, rồi ẩn chứa bao nguy hiểm, ông đã nảy ra ý tưởng làm xe ngựa đón các cháu tới trường. 

Với người cựu chiến binh ấy, niềm vui, niềm hạnh phúc khi tuổi già chính là nụ cười của các em nhỏ khi đến trường. Hành động rất đỗi bình dị ấy nhưng thật cao quý trong xã hội hiện đại ngày nay.

Về Đoàn Đào, hỏi thăm ông Khánh, ai nấy đều vui vẻ chỉ đường cho chúng tôi. Họ cười bảo: "Ông Khánh xe ngựa" chứ gì. Ông ấy tốt lắm, mấy năm nay cứ đưa đón học sinh miễn phí bằng xe ngựa cho cả thôn này đấy". 

Căn nhà cấp bốn của ông là nơi sáng sáng những đứa trẻ trong thôn sẽ tụ tập ở đây đợi được đưa chúng đến trường. Với ông, tiếng cười đùa vui vẻ của bọn trẻ đã trở thành thứ âm thanh quen thuộc mỗi sáng. 

Từ khi có chiếc xe ngựa tự chế, mỗi ngày ông Khánh đưa đón ít nhất 8 lần cho cả học sinh mầm non và tiểu học. Từ nhà cách trường chừng 5km, vậy tính sơ sơ ông Khánh phải đi một quãng đường dài 40km mỗi ngày.

Sinh năm 1945 trong một gia đình nông dân nghèo, cả cha, anh và chị gái ông đều là liệt sĩ. Học xong cấp 3, như bao thanh niên khác ông Khánh tình nguyện nhập ngũ lên đường vào Nam chiến đấu. Ở trong môi trường quân đội, tố chất thông minh, nhanh nhẹn của ông sớm được lãnh đạo đơn vị nhận ra. Ông được giữ lại trong Quân đội và được cử đi đào tạo ở nước ngoài về chuyên ngành kỹ sư. 

Năm 1964, ông Khánh tiếp tục được cử đi học Trường Thiếu sinh quân tại Nam Ninh (Trung Quốc). Sau 5 năm chuyên cần học tập, ông trở về nước tiếp tục phục vụ trong quân ngũ với nhiệm vụ chính là sửa chữa, bảo dưỡng xe tăng. Năm 1993, sau gần 30 năm cống hiến cho đất nước, ông Khánh giải ngũ trở về quê sống những ngày tháng bình yên bên vợ con. 

Song, hình như phẩm chất của một người lính Cụ Hồ đã ngấm vào từng mạch máu con người ông khiến ông không cho phép mình được nghỉ ngơi. Ông nghĩ ra đủ thứ việc để làm, từ làm vườn, chăn nuôi, buôn bán… Nhưng rồi ông Khánh lại nghĩ, những việc ông đang làm chỉ là giúp cho bản thân, cho gia đình chứ không giúp gì được cho xã hội. Điều đó cũng khiến ông nhiều đêm trăn trở khôn nguôi.

Người dân xã Đoàn Đào đã quen với tiếng vó ngựa, tiếng còi bim bim mỗi khi chiếc xe ngựa của ông Khánh đi qua. 

"Bao nhiêu năm trong Quân đội, khi trở về quê hương, tôi cũng muốn làm được điều gì đó có ích. Thực lòng, những việc chung của địa phương việc gì có thể làm được tôi đều không nề hà nhưng vẫn cảm thấy như thế là chưa đủ. Mãi tới cái lần khi đưa cháu mình đi học, tôi mới nhận ra việc đi lại của các cháu khó khăn quá. 

Khoảng cách từ nhà tới trường rất xa, không phải nhà nào cũng có điều kiện đưa đón con em của mình. Thế nên dù là bậc tiểu học nhưng nhiều cháu cũng phải tự đạp xe đi một đoạn đường dài, rất nguy hiểm. Thấy thế nên tôi nghĩ mình phải làm việc gì đó giúp các cháu đến trường được an toàn và cũng là để cho phụ huynh yên tâm làm ăn" - ông Khánh chia sẻ.

Nụ cười trẻ là niềm hạnh phúc

Việc ông Khánh chế tạo xe đưa đón học sinh miễn phí khiến không ít những lời bàn ra tán vào. Người thì cho rằng ông Khánh "dở hơi" đi làm việc không đâu vào đâu, kẻ thì nói đưa đón bằng chiếc xe như vậy không đảm bao an toàn cho con em họ. Tuy nhiên, đa phần các bậc phụ huynh đều hưởng ứng và ủng hộ ý tưởng của ông Khánh. 

"Tôi thấy các cháu chưa đầy 10 tuổi giữa trưa nắng nhễ nhại đi bộ từ trường về nhà mà thấy xót xa. Có cháu đi bộ tới vài km, mà có đi xe đạp thì cũng rất nguy hiểm. Ở đây đa phần các cháu phải tự túc đi học, bố mẹ đi làm thuê, làm công nhân bận tối ngày" - ông Khánh tâm sự.

Với ông Khánh, tiếng cười của lũ trẻ là niềm hạnh phúc của ông.

Dù là việc làm thiện nguyện nhưng ông Khánh cũng phải nếm trải những thất bại. Ban đầu chiếc xe do ông Khánh tạo ra như xe ba gác, được kéo bởi một xe máy, khá rộng rãi và chắc chắn. Dù vậy chiếc xe này không được nhiều cha mẹ học sinh chấp nhận bởi họ còn e ngại về độ an toàn. Cơ quan chức năng cũng cấm, không cho lưu thông để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. Vậy là chiếc xe đầu tiên của ông Khánh đã phải bỏ xó trong một thời gian dài. 

Những ngày này, người cựu binh già ăn cũng chẳng ngon, ngủ cũng không tròn giấc. Ông trăn trở, quyết tâm tìm ra cho kỳ được phương án tối ưu nhất. Trong một lần xem tivi, ông Khánh thấy ở Huế có dịch vụ chở khách bằng xe ngựa, mỗi chuyến cũng được 20 người, lại đảm bảo an toàn. 

"Với địa hình đường làng ngõ xóm nhỏ, dùng xe ngựa là cơ động nhất. Hơn nữa xe ngựa di chuyển không quá nhanh, có thể đảm bảo được cho các cháu. Thế rồi còn đảm bảo môi trường nữa chứ"- ông Khánh phân tích.

Để thực hiện ý tưởng ấy, ngay trong đêm, ông bàn bạc với bà, gom góp được hơn hai mươi triệu. Bà ngạc nhiên với hành động của ông nhưng cũng rất ủng hộ ý tưởng mua ngựa để kéo xe đưa đón học sinh. 

Sáng sớm hôm sau, một mình ông bắt xe ngược Tây Bắc tìm ngựa tốt. Đi cả ngày đường rừng, qua rất nhiều bản làng nhưng vẫn không kiếm được chú ngựa ưng ý. Trong lúc mệt mỏi, tưởng như muốn bỏ cuộc, ông Khánh nhớ ra một người bạn cùng đơn vị trước đây. Bạn ông Khánh là người bản địa, rất am hiểu về ngựa đã dắt ông lên các bản người Mông để tìm. Cuối cùng ông Khánh cũng kiếm được chú hồng mã khỏe mạnh, ưng ý với giá 25 triệu đồng.

Những tưởng mua được ngựa tốt là có thể thực hiện ngay được kế hoạch đưa các em nhỏ tới trường. Ông Khánh còn phải vất vả chăm, rồi thuần ngựa. 

Ông kể: "Tôi vốn không hiểu biết gì về ngựa, cũng chưa từng nuôi ngựa bao giờ. Chính vì thế mang được chú ngựa tốt này về còn phải chăm sóc sao cho nó quen với thời tiết, địa hình đồng bằng, rồi còn phải huấn luyện cho nó thuần để kéo xe nữa chứ. Nhiều lần tôi bị nó đá, rồi cắn vào vai, dứt tóc đau lắm". 

Sau 2 tháng chăm như chăm con mọn, chú hồng mã mới thuần phục và chịu kéo xe. Khi thuần được ngựa, dựa vào sức kéo, ông Khánh mới chế được thùng phía sau. Thùng được làm bằng vật liệu chắc chắn, rộng 2m, dài 4m, nền bằng thép lá, xung quanh có chốt khóa an toàn, bậc lên xuống thuận tiện cho trẻ nhỏ, mái che kín đáo. Chiếc xe ngựa này của ông Khánh mỗi chuyến chở được từ 25 đến 30 người. 

"Chiếc xe này tôi độ thêm cả đèn xi nhan, còi báo hiệu, phanh tay gắn vào xe. Chi phí cho chiếc thùng lên tới 20 triệu đồng, tổng chi phía cả ngựa cả thùng là gần 50 triệu đồng. Đây không phải là khoản tiền nhỏ, nhưng giúp được các cháu là tôi vui lắm rồi"- ông Khánh nói.

Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước đó, sau khi hoàn thành mọi công đoạn, ông Khánh đường hoàng đem trình diễn với bà con nhân dân. Chiếc xe ngựa chắc chắn, rộng rãi, chú ngựa hiền lành, khỏe mạnh khiến cho phụ huynh các cháu vô cùng thích thú và yên tâm. Thế là ông "Khánh xe ngựa" đã thỏa được tâm nguyện của mình. Người dân xã Đoàn Đào bắt đầu quen với tiếng lộc cộc của vó ngựa, tiếng bim bim của chiếc còi xe tự chế. 

Chị Nguyễn Hồng Thắm chia sẻ: "Đúng là hiếm có người nào tốt như bác Khánh. Nhờ có chiếc xe ngựa của bác mà chúng tôi rất yên tâm mỗi khi đi làm. Các cháu được bác Khánh đưa đón như vậy sẽ được an toàn tuyệt đối".

Công việc đưa đón học sinh của vị cựu binh đã được gần 2 năm, ban đầu ông không có ý định thu phí của các cháu nhưng sau được phụ huynh động viên nên ông mới thu. Thế nhưng việc thu phí cũng chỉ là tượng trưng, đủ tiền mua cỏ chăm ngựa. Mỗi ngày ông thu 2 nghìn đồng của mỗi cháu, các cháu có hoàn cảnh khó khăn ông nhất định không thu tiền. 

"Với tôi niềm vui, niềm hạnh phúc là hàng ngày được nhìn, được nghe các cháu nhỏ cười. Tôi sẽ làm đến khi nào còn sức lực".

Phong Anh
.
.
.