Ông Tây cắm bản

Thứ Ba, 01/04/2014, 16:21

Thật khó tin Frédéric Tiberghien Frédo là người Pháp “xịn” khi nhìn ông quần xắn móng lợn khoanh chân trên nhà sàn uống rượu men lá, nói tiếng Dao, hát những bài dân ca Dao giữa núi rừng Yên Bái… Và cũng khó có thể tin rằng ông đã rời bỏ Paris – kinh đô ánh sáng thế giới để đến với nơi heo hút, hòa vào cuộc sống của người Dao nơi này. Frédo đến “cắm” ở nhiều bản làng để hướng dẫn bà con dân tộc thiểu số xây dựng, phát triển du lịch xanh gắn với văn hóa cộng đồng.

Ông không chỉ mang lại đời sống kinh tế mới cho thôn bản mà còn ngày ngày lặng lẽ quảng bá du lịch và văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Bác phó mộc kiêm kỵ sĩ Paris trên đất Việt

Sinh ra và lớn lên trên đất Pháp, Frédéric Tiberghien Frédo mang trong mình một nửa dòng máu Việt. Cả tuổi trẻ gắn với thủ đô Paris hoa lệ, Frédo vẫn được nghe mẹ kể những câu chuyện về Việt Nam – quê hương bà. Suốt thời gian làm nghề chăm sóc và thuần dưỡng ngựa đua, rồi làm thợ mộc, Frédo vẫn luôn mường tượng về quê mẹ. Ấp iu mãi, đến năm 1994, giấc mơ của chàng kỵ sĩ kiêm… phó mộc mới trở thành hiện thực. Điểm đặt chân đầu tiên của ông là Hà Nội. Suốt những ngày lang thang ở các con ngõ tối om, sâu hun hút của phố cổ, Frédo thấy cuộc sống nơi đây thân thương như thể mình đã gắn bó từ lâu lắm.

Hai chữ “quê mẹ” đã là khao khát bao năm của Frédo nên ông một mình một xe máy rong ruổi đến khắp các vùng miền của Việt Nam. Frédo nhận thấy, cái hồn cốt nghìn năm văn hóa của một đất nước thanh bình, yên ả không chỉ có ở những chốn đô hội phồn hoa, mà kỳ lạ hơn, càng những nơi xa xôi hẻo lánh, cái hồn cốt ấy càng hiện rõ. Ánh mắt Frédo ấm áp và lấp lánh khi nhắc đến Hà Nội: “Không quá hiện đại, xa hoa nhưng Hà Nội lại luôn mới mẻ và hấp dẫn. Hà Nội như bức tranh cuộc sống được ghép từ những mảnh ghép tinh tế, thú vị. Tất cả đều mang nét hoài cổ đan xen với hơi thở hiện đại”.

Cảm nhận về quê mẹ của Frédo ban đầu chỉ đơn giản từ vai trò của một người làm du lịch như thế thôi. Nhưng rồi càng đi, Frédo càng dày thêm những trải nghiệm về văn hóa vùng miền. Từ miền xuôi lên miền ngược, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa, có phong tục khác nhau, thế nhưng Frédo vẫn mơ hồ thấy toát lên nét văn hóa chung của người Việt Nam hồn hậu. Nét văn hóa chung ấy là gì, chính Frédo vẫn chưa thể dùng lý trí để giải thích được, nhưng ông bảo mình cảm nhận rõ ràng lắm, “không biết có phải vì một nửa dòng máu, một nửa trái tim của tôi được chắt chiu từ nghìn năm văn hóa Việt?!”. Và từ cái yên bình của đất, cái hồn hậu của người, Frédo đã lấy tên Bình là tên tiếng Việt cho mình.

Núi rừng nhiệt đới đa dạng, phong phú đã lôi cuốn Frédo Bình. Suốt thời gian dài ở lại Việt Nam, Tây Bắc, Đông Bắc và dải Trường Sơn là nơi ông thường trở đi trở lại. Những nơi ấy, Frédo Bình cảm nhận được sức sống vô tận, thiên nhiên thì đẹp đẽ, cứ thế cuốn ông đi trong mê mải, thích thú. Frédo đã một mình một ngựa (xe Simson) lãng du đến rất nhiều bản làng vùng núi phía Bắc.

Sau 2 năm trở về khám phá quê mẹ, một ngày ông đặt chân đến Ngòi Tu – một bản của xã Vũ Linh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Vẫn nhong nhóc trên chiếc Simson, ông đến khắp mọi con đường lớn nhỏ, xấu đẹp của Ngòi Tu, bấy giờ ông đã phải thốt lên: “Tại sao mảnh đất đẹp như tranh vẽ này lại cứ chìm sâu trong bình lặng như nàng công chúa còn đang say ngủ?”.

Frédo vẫn bảo cuộc gặp gỡ với nàng công chúa ngủ trong rừng ấy như là định mệnh, bởi nó đã thay đổi hoàn toàn mọi dự định và kế hoạch của cuộc đời ông. Frédo đã trở đi trở lại với Ngòi Tu không biết bao nhiêu lần, và lần nào ông cũng trăn trở: “Tại sao tinh hoa văn hóa vùng miền lại bị bó hẹp trong một cộng đồng nhỏ? Và tại sao con người sống giữa chốn thiên nhiên ban tặng đẹp như tiên cảnh mà vẫn khó nhọc, lam lũ?”.

Khi nhìn những cánh rừng hoang sơ, những đồi cọ, đồi chè ngút ngàn tít tắp, rồi những ngôi nhà sàn bình dị, lặng lẽ chấm những nốt nâu trầm vào xanh ngắt núi rừng Vũ Linh; trong đầu Frédo đã nghĩ đến việc phải phát triển du lịch xanh, du lịch cộng đồng bền vững để đánh thức nàng công chúa ngủ trong rừng. Và thế là Frédo Bình quyết định trở thành ông Tây cắm bản.

Duyên nợ với núi rừng

“Quảng bá hình ảnh Việt Nam bằng con đường du lịch bền vững, chậm nhưng hiệu quả lâu dài. Du lịch xanh không chỉ là môi trường bền vững ở nơi làm, mà còn là cách để chuyển tải nét văn hóa cho những con người đến đó”. - Frédo Bình chia sẻ. Ông bảo nghe nói “du lịch xanh” thì tưởng là đơn giản, nhưng sẽ lại là rất khó khăn để thực hiện nếu như chỉ muốn nhanh chóng thu lợi nhuận. Vì làm du lịch mà hoàn toàn dựa vào những gì mà đất và người nơi ấy đang có thì phải là việc làm của cả một hành trình dài chứ không phải chuyện của ngày một ngày hai.

Frédo học cách dệt vải của bà con người Dao

Trái tim Frédo Bình đã thuộc về nàng công chúa ngủ trong rừng – Ngòi Tu. Thế nhưng Ngòi Tu lại chưa phải là nơi đầu tiên Frédo Bình thực hiện dự án “Phát triển du lịch xanh bền vững”. Điểm đầu tiên mà Frédo thực hiện dự án là mảnh đất Nguyên Bình của tỉnh Cao Bằng. Suốt những năm sống cùng đồng bào nơi đây, ông đã sống và lao động như bất cứ đứa con của bản Tày, bản Nùng nào. Ông ra đồng, ra ruộng cấy cày, làm cỏ, rồi lên núi, lên rừng trồng cây.

Song Frédo Bình làm những việc đó với tâm thế của một đứa con được bản làng nuôi dưỡng khôn lớn, được ăn học và nay, đứa con ấy mang tri thức về để báo hiếu đất mẹ. Ông hướng dẫn bà con kỹ thuật ươm cây, trồng rừng, kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, cây trồng của thôn bản. Và những ngôi nhà sàn nép mình bên sườn núi của bà con đã được Frédo đưa vào làm những điểm du lịch. Dần dần bà con có thêm thu nhập từ việc đưa du khách thăm rừng, dã ngoại vào bản, còn du khách quốc tế liên hệ như thế nào thì trước mắt đã có Frédo lo. Ngay cả việc bà con xe sợi, nhuộm chàm cũng vừa mang lại kinh tế từ việc bán sản phẩm cho khách du lịch, lại vừa giữ được kỹ thuật truyền thống của ông cha.

Khi bà con đã quen và biết phát huy những gì mà ông Tây để lại (đón khách du lịch và giữ rừng để làm du lịch) thì Frédo lại tìm đến vùng đất mới. Cứ thế, Frédo Bình mang dự án phát triển du lịch xanh của mình, manh lại đời sống kinh tế khấm khá hơn đến rất nhiều bản làng. Bà con vốn nghèo nhưng không cần đầu tư nhiều mà vẫn có thể thu được lợi nhuận, cảnh quan núi rừng thì chẳng lo bị phá hoại.

Cách làm đó của Frédo Bình rất xứng danh với cách gọi “ngành công nghiệp không khói” mà nhiều quốc gia tiên tiến đang áp dụng để làm du lịch. Ông đã tạo một bảo tàng nhỏ với văn hóa địa phương tại tỉnh Cao Bằng, xây dựng một cây cầu cho học sinh đến trường ở Lào Cai, lập một trang trại cá nhỏ ở Bắc Kạn, giúp người dân xây dựng toa-lét tự hoại tại nhiều địa phương khác nhau…

Năm 2009, Frédo Bình trở lại và gắn bó với Ngòi Tu, lại bắt đầu xây dựng du lịch xanh cho bà con người Dao quần trắng nơi này. 5 năm qua, Frédo không chỉ giúp bà con làm du lịch mà ông còn học bà con cách dệt vải, tìm hiểu văn hóa và sống theo tục lệ của người Dao, giống như một người Dao thực thụ. Ngày Frédo động thổ để xây dựng khu nhà toàn bằng tre nứa của mình, ông đã thịt một gà trống, mời thầy mo trong bản đến để làm lễ xin phép và báo cáo với các vị thần của núi rừng. Frédo còn đưa cả cậu con trai đến sống ở Ngòi Tu, cậu bé từ Paris sang đã cùng đám trẻ vùng cao bay nhảy lên rừng, đi nghịch đất, cầm dao chặt gỗ đẽo đồ chơi... Cũng như bố, cậu bé người Pháp 11 tuổi đã nói sõi cả tiếng Việt và tiếng Dao.

Không biết tự bao giờ họ đã là một phần của đất rừng Vũ Linh, là con của mẹ núi. Frédo bảo cứ có một lý do khiến ông muốn về Paris thì lại có hai lý do khiến ông muốn ở lại và gắn bó với nơi này.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Yên Bái - ông Nguyễn Hữu Thắng khẳng định: “Dự án của ông Fredo Bình đã phát triển được du lịch nông thôn, thân thiện với môi trường, làm kinh tế cho người dân tộc thiểu số. Trước đây đời sống kinh tế của bà con Dao quần trắng còn rất khó khăn, dự án này của Frédo đã giúp đời sống nhân dân nơi đây tăng cao. Ngoài ra, ông Fredo Bình đã cùng bạn bè mở lớp dạy nghề, dạy ngoại ngữ cho con trẻ, hướng dẫn chúng vừa học, vừa làm, cùng nhau phát triển du lịch bền vững, phát triển kinh tế lâu dài. Quan trọng hơn là giúp đồng bào dân tộc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống và bảo vệ môi trường”.

Minh Nguyên
.
.
.