Ông chủ garage chế tạo máy bay trực thăng

Thứ Sáu, 20/04/2012, 10:35

Mấy ngày nay, dư luận xôn xao về chiếc máy bay trực thăng do ông chủ garage Bùi Hiển ở Bình Dương tự mình chế tạo. Có người xuýt xoa khen ngợi, cũng có người hoài nghi về tính thực tiễn của nó. Tuy nhiên, chỉ khi tận mắt chứng kiến sự hoạt động của chiếc máy bay và niềm đam mê cao độ khi ông chủ "phi công" này trình bày về sản phẩm đặc biệt của mình, mới thấy trân quý sự sáng tạo và hết lòng với công việc "chẳng ai tin" này.

Tự tìm tài liệu trên mạng để chế tạo máy bay!

Xuất phát từ việc đam mê chơi máy bay mô hình, ông Nguyễn Bùi Hiển (SN 1954, chủ garage sửa chữa ôtô Bùi Hiển, ngụ phường An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) đã mô phỏng từ nguyên mẫu chiếc máy bay trực thăng đồng trục 51-HJ Nolan Brother, để chế tạo được chiếc máy bay trực thăng có trọng lượng 250kg (chưa tính người ngồi lái), dài 2,95m, rộng 1,2m, cao 2,4m, công suất máy 106 mã lực/6.500 vòng/phút (tối đa 12.000 vòng/phút), hai tầng cánh quay ngược chiều nhau, độ dài sải cánh 4,52m.

Tổng chi phí đầu tư nghiên cứu, chế tạo chiếc máy bay này chỉ hơn 200 triệu đồng. Theo tính toán kỹ thuật của ông Hiển, nếu được phép bay trên bầu trời, chiếc máy bay trực thăng có khả năng bay ở độ cao 200m, tốc độ 150-200km/giờ (?).

"Để chế tạo chiếc máy bay này, tôi đã lên mạng tìm hiểu các tài liệu bằng tiếng Anh, sau đó dịch ra tiếng Việt rồi tự kẻ vẽ mô hình sơ bộ, tính toán các thiết bị,… hầu như tất cả chi tiết phác thảo (bản vẽ) tôi đều suy nghĩ và tính toán trong đầu, nghĩ đến đâu bắt tay thực hiện đến đó. Tôi làm một mình mọi việc và không nhờ bất cứ ai. Đặc biệt tôi lấy cảm hứng từ chiếc trực thăng đơn giản nhất của nước Anh để chế tạo chiếc trực thăng này", ông Hiển nói.

Tuy nhiên, theo ông Hiển dù có tham khảo tài liệu trên mạng rồi nghiên cứu và thực hiện gần giống theo những thông số đã có, thì việc làm theo những tài liệu đó cũng chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa" bởi sách vở vẫn là lý thuyết, khi ứng dụng và lắp ráp thực tế sẽ khác rất nhiều, ngoài ra những bộ phận của máy bay chủ yếu là do ông tự mày mò tạo nên và lắp ráp nên sẽ không đồng bộ và giống như trong tài liệu trên mạng. Hơn nữa, tài liệu thông số trên mạng sẽ có những chi tiết mà người ta không thể bật mí cho người ngoài biết được. Chẳng hạn như trong tài liệu thì hai tầng cánh quạt có góc nghiêng bằng nhau, nhưng trong thực tế nếu làm vậy sẽ không bay được. Vì thế, với máy bay của ông thì góc cánh phía trên là 1204 mà góc cánh ở dưới chỉ có 1007, hai tầng cánh khác nhau... 

Chiếc trực thăng đã bay lên khỏi mặt đất một cách khá thăng bằng.

Ông Hiển cho biết, công đoạn chế tạo khó nhất là chi tiết trục - rôto vì nó đòi hỏi độ cứng, độ chính xác cao, để có thể chịu đựng được sải cánh dài gần 4,6m, nếu hai cánh này (hệ thống chuyển động của hai tầng cánh quạt hoạt động ngược chiều nhau. Trên là thuận chiều, dưới ngược chiều kim đồng hồ) chỉ chênh lệch nhau 100-200gram khi quay tốc độ cao thì nó sẽ ly tâm không thể quay được và đương nhiên sẽ không cân bằng. Trong khi đó ông lại làm chủ yếu bằng mắt thường, tay không, làm sao để nó cân đối, chính xác là điều vô cùng khó.

Phần cánh quạt cũng vậy, đúng ra ông đã chế tạo xong chiếc máy bay này từ một năm trước nhưng việc chế tạo cánh quạt đã khiến ông mất rất nhiều công sức. Theo lẽ thường cánh quạt máy bay được chế tạo bằng chất liệu nhôm đúc, nhưng với điều kiện của ông lại không đúc được.

Theo ông Hiển, lúc đầu ông lấy nhôm dập rồi ghép lại thành cánh quạt hình giọt nước vì như thế mới có sức nâng, nhưng đến khi ông ráp vào trục, thử khởi động và tăng ga cánh quạt quay với cường độ cao thì nó không chịu đựng được và bị cong. Sau đó ông đã dùng chất liệu inox để làm cánh quạt - một việc mà trước đó chưa có ai trên thế giới sử dụng. "Tôi nghĩ chỉ có inox mới đủ độ cứng vì những loại thép, nhôm bình thường sẽ không chịu đựng nổi khi cánh quạt quay cường độ mạnh. Nhưng inox khi hàn rất khó, tiếp đó công đoạn chỉnh sửa cánh cho cân đối, chính xác cũng rất vất vả vì inox dày vô cùng cứng", ông lý giải.

Bên cạnh đó, động cơ cũng vô cùng quan trọng, ông Hiển đã tìm mua và nhập về nguyên chiếc động cơ Yamaha của một chiếc môtô nước 106 mã lực, nặng 56kg (đã qua sử dụng). Động cơ này khi lắp ráp trên môtô nước thì theo phương nằm ngang nhưng khi ráp ở máy bay của ông thì phải để dựng đứng lên. Ông bảo, động cơ chỉ cần nhẹ và đủ mã lực, số vòng quay cao. "Tôi mua môtô nước bởi vì với máy bay phải dùng máy hai thì chứ không thể sử dụng máy bốn thì được, hơn nữa máy bốn thì rất nặng, trong khi máy hai thì lại nhẹ, có số vòng quay rất cao khoảng 6.500 vòng, nếu đạp hết ga có thể lên đến 11.000-12.000 vòng quay".

Nguyên mẫu chiếc trực thăng mà ông Hiển mô phỏng chế tạo.

Nhắc lại chiếc máy trực thăng mà hai người nông dân ở Tây Ninh đã chế tạo mấy năm trước, ông cười bảo: "Hồi đó tôi nhìn là biết không được rồi bởi công suất máy của chiếc máy bay ấy quá thấp mà nó lại là máy bốn thì nên rất nặng, tính sơ cũng phải hơn 300kg, nó còn nặng hơn toàn bộ cái máy bay của tôi nữa. Nhưng cái sai lớn nhất của hai ông này khi chế tạo cánh quạt quay không được là do họ gắn trực tiếp cái máy vào rôto khiến cánh quạt không quay được ở cường độ cao''.

Có được động cơ phù hợp, ông tiếp tục mày mò tìm bộ vi sai của ôtô để cải tạo lại làm sao đưa lực từ một động cơ ra cả hai tầng cánh quạt cho phù hợp. Các bộ phận còn lại như bình đựng nhiên liệu được ông Hiển lấy một chiếc can nhựa cũ làm thùng đựng xăng. Pô, két nước tản nhiệt cho động cơ, đồng hồ xăng, nhớt... đều được lấy từ phụ tùng của xe ôtô.

Để đảm bảo trọng lượng siêu nhẹ, bộ khung được ông dùng ống thép mỏng để nối kết với nhau, trong khoang lái, ông chỉ đặt một chiếc ghế nhựa để ngồi… Theo tính toán của ông, trọng lượng chiếc trực thăng khi cất cánh có thể đạt 375 kg. Tiêu hao nhiên liệu của trực thăng khi bay khoảng 15 lít xăng/giờ…

Chế tạo máy bay xong mới đi học lái 

Ngồi nghe ông thích thú trình bày về chiếc máy bay của mình, về từng chi tiết và những khó khăn của các công đoạn chế tạo mới thấy kỳ công và sự đam mê cao độ của ông. Vậy nhưng ông bảo ông chỉ chăm chút cho "đứa con" của mình vào những lúc rảnh rỗi, ít việc vì ông còn công việc chính ở garage của mình. Vì thế cũng không nhiều người biết chuyện ông đang làm một công việc "hoang tưởng" - đó là chế tạo máy bay.

"Tôi cứ lặng lẽ thực hiện từng công đoạn mà không cho ai biết và thậm chí khi chế tạo sắp xong tôi cũng không vội cho ai xem vì sợ người ta sẽ nói rùm beng lên rồi mình sẽ khó hoàn thành được. Hơn nữa tôi nghĩ làm gì thì làm cũng phải cho nó bay được cái đã, nếu chưa gì đã nói um lên, nếu không bay được thì chắc xấu hổ lắm. Do đó, tôi chủ trương cứ làm trước rồi khi nào hoàn thành nói cũng chưa muộn", ông cười chia sẻ.

Góc xưởng nhỏ nơi ông Hiển mày mò chế tạo trực thăng.

Chính sự âm thầm làm việc của ông và phần nào đó cũng do không ai nghĩ một người sửa xe ôtô lại có thể chế tạo máy bay.

Điều lạ lùng là chỉ sau khi chế tạo xong máy bay, ông mới đi tìm hiểu để lái máy bay.

Theo ông Hiển thì chắc chắn phải biết kỹ thuật, biết lái cơ bản và nhất là phải có gan mới dám ngồi vào lái chiếc máy bay của ông.

Để kiểm chứng những lời mình nói, ông đã khởi động chiếc trực thăng và rồ ga cho nó bay lên khỏi mặt đất một cách khá thăng bằng trong một nhà xưởng lớn ước chừng cũng phải hơn 1.000m2 khiến nhiều người chứng kiến trầm trồ thích thú và ngạc nhiên. Tuy nhiên, khi bay ông Hiển phải cố gắng giữ cho trực thăng không bay cao kẻo đụng trần, không tiến xa có thể đụng vách nhà kho sẽ nguy hiểm cho người bay và cả người đang đứng xem phía dưới.

Ngày 30/3 vừa qua, đoàn cán bộ kỹ thuật thuộc Sư đoàn không quân 370 quản lý sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương do Thượng tá Nguyễn Văn Dũng dẫn đầu đã đến thị sát "máy bay trực thăng tự chế" của ông Hiển. Sau khi kiểm tra các chi tiết, đoàn thị sát đã đưa ra nhận định bước đầu rằng "máy bay trực thăng tự chế" này chỉ mới được gọi là "phương tiện bay". Để phát triển thành một chiếc máy bay hoàn chỉnh còn cần có một quá trình nghiên cứu, chế tạo để đạt các điều kiện, thông số kỹ thuật khắt khe.

Tuy vậy, đoàn đã ghi nhận sự đam mê nghiên cứu và lao động sáng tạo của ông Hiển, sau gần 3 năm đã lắp ráp thành công "phương tiện bay" này. Bên cạnh đó, đoàn cũng lưu ý việc bay thử chỉ nên diễn ra trong nhà xưởng, không nên tiến hành ngoài trời bởi "phương tiện bay" của ông Hiển chưa đảm bảo các thông số kỹ thuật cần thiết về độ an toàn.

Một điều cũng khiến chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe ông khẳng định ngoài máy bay trực thăng, ông còn có thể dễ dàng chế tạo máy bay cánh bằng chỉ trong vòng nửa năm với một động cơ 50 mã lực là chở được hai người (?) "Tôi đã nghiên cứu rất kỹ, thậm chí tôi đã bay mô hình nhiều lần, vì thế tôi thấy nó rất dễ làm. Nhưng với máy bay này lại có khó khăn khác tương đối nhiêu khê, như phải có đường băng và phải xin phép mới được bay thử nghiệm...".

Phú Lữ
.
.
.