Ông già Việt 62 tuổi chế tạo tàu ngầm

Thứ Năm, 08/12/2011, 16:33

"Tôi có thể chế tạo tàu ngầm với điều kiện kỹ thuật của Việt Nam" - đó là câu khẳng định chắc nịch của ông Phan Bội Trân, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM. Có lẽ nhiều người sẽ không khỏi nghi ngờ về tính khả thi của lời khẳng định này, tuy nhiên khi tận mắt thấy chiếc tàu ngầm do chính tay ông Trân chế tạo chắc chắn họ sẽ phải suy nghĩ lại…

Thực hư về chiếc tàu ngầm đặc biệt

Năm nay 62 tuổi, dáng người thấp, đeo đôi kính cận dày cộm, mái tóc đã bạc màu, lúc nào cũng chỉ mặc bộ áo thun quần jeans, trông ông không giống như một nhà khoa học theo đúng khuôn mẫu xưa nay mọi người từng thấy. Sau khi tốt nghiệp ngành hóa học tại Đức, ông từng làm việc tại nhiều công ty ở nước ngoài, trong đó có thời gian hai năm ông làm việc cho một công ty sản xuất vỏ tàu ngầm của Đức, tiếp đó ông có thời gian nghiên cứu và thiết kế tàu ngầm cho một nước ở Bắc Phi… Về Việt Nam năm 1996, ông tiếp tục công việc sáng chế của mình.

Trước đây khá lâu mấy lần tôi đến nhà ông chơi, nghe ông nói về việc sẽ chế tạo tàu ngầm bằng vật liệu nhựa kỹ thuật thực sự tôi hoàn toàn không tin những điều ông nói, thậm chí còn cho là ông bị ảo tưởng, hay thần kinh có vấn đề, đại loại thế. Nhưng điều nổi bật gây ấn tượng nhất với tôi là căn nhà của ông được ông biến thành một công xưởng, khắp nhà bề bộn, phòng làm việc của ông gần như không còn một chỗ trống với rất nhiều những dụng cụ, những bản vẽ, những chi tiết máy móc…

Bẵng đi một thời gian, tôi được ông thông báo là đã thử nghiệm thành công chiếc tàu ngầm do chính tay ông thiết kế và chế tạo. Điều này khiến tôi vô cùng tò mò và nó đã thôi thúc tôi phải tìm hiểu thực hư về chiếc tàu ngầm đặc biệt này.

Quả thực khi nhìn thấy chiếc tàu ngầm, tôi đã không tin vào mắt mình. Phải thừa nhận là một số chi tiết của tàu vẫn còn chưa hoàn thiện và tinh xảo như những chiếc tàu ngầm mà nhiều người đã thấy trên tivi hay qua phim ảnh, tuy nhiên nó vẫn có đầy đủ những chức năng cơ bản của một chiếc tàu ngầm như lặn xuống, chạy ngầm dưới nước rồi nổi lên… Ông hào hứng mô tả về chiếc tàu của mình: "Chiếc tàu này dài 3,2m, bề ngang 1m, cao 1,5m, nặng gần 1 tấn, chở được 1 người. Toàn bộ vỏ tàu được chế tạo bằng vật liệu nhựa kỹ thuật, theo thiết kế nó có thể lặn được 30m (muốn lặn sâu hơn tàu sẽ được thiết kế khác), tốc độ chừng 15 hải lý.

Ông Phan Bội Trân.

Hiện chiếc tàu này sử dụng động cơ điện từ bình ắc quy. Chưa lắp ráp động cơ diesel vì đây chỉ là chiếc tàu để nhằm biện chứng cho khả năng tôi có thể làm được chiếc tàu ngầm lặn được nổi được… Sau này có thể lắp động cơ diesel hay gắn thêm bình nhiên liệu ở bên ngoài vỏ tàu nếu muốn tầm hoạt động xa hơn, lớn hơn.

Với động cơ điện từ bình ắc quy, dòng điện qua một hộp điện tử và hộp này tự chế cho tàu dòng điện ba pha xoay chiều, khi muốn tăng giảm tốc thì không sử dụng như động cơ thường - tức là giảm cường độ hoặc là giảm hiệu thế - mà động cơ này vẫn giữ cường độ, vẫn giữ hiệu thế, nghĩa là công suất của động cơ không giảm mà chỉ thay đổi tần số, khi đó động cơ sẽ chạy nhanh hoặc chạy chậm mà công suất của động cơ vẫn không giảm, có thể chạy nhanh hoặc chạy chậm hay có thể chạy lùi được.

Ở mẫu thử nghiệm này, cửa vào bên trong tàu là cửa dưới, nhưng nếu sản xuất tàu lớn hơn sẽ có thể thiết kế cửa trên. Nhưng cửa dưới có rất nhiều điểm thuận lợi, hiệu quả, như khi lặn người lái vẫn có thể ra khỏi tàu được, vì lúc này tàu giống như một cái chuông úp ngược, khi khóa tất cả các van lại, người lái có thể mở cửa chui ra được, trong trường hợp tàu có sự cố thì không cần tàu cứu hộ vì khi đó người lái có thể mở cửa ra được.

Tàu có ống kính tiềm vọng, hệ thống bánh lái trước, bánh lái sau, bánh lái nằm ngang… Ngoài ra tàu còn có máy hút hơi cung cấp dưỡng khí cho người lái bên trong, có máy khí nén sử dụng động cơ một chiều cung cấp khí nén trong trường hợp lặn sâu…

Đưa tàu xuống hồ để thử nghiệm.

Do vỏ tàu được làm bằng nhựa kỹ thuật nên khả năng sản xuất ở trong nước rất cao, với gần 95% linh kiện là của trong nước. Khi lặn ở chế độ sử dụng kính tiềm vọng, tàu bằng vật liệu nhựa kỹ thuật có ưu điểm là không phản xạ tia từ điện, như thế rada sẽ không phát hiện được ra tàu từ xa. Trong thiết kế của tôi, bề dài tàu ngầm tối đa là 6m (nhưng vẫn có thể thực hiện những phiên bản khác), còn bề ngang khoảng 1,5m, chở được 2 người (chỉ chở ít người là có lý do của nó: tàu kích thước nhỏ sẽ chạy nhanh hơn, cơ động hơn, đỡ tốn kém hơn...)".

Cho đến nay chiếc tàu đã qua hai lần chạy thử nghiệm và đã có một số chỉnh sửa, cải tiến trong lần thử nghiệm thứ hai so với lần thử nghiệm đầu. Ông thừa nhận lần thử nghiệm đầu tiên chưa thành công lắm, do thiết kế ban đầu để tàu chạy ngoài biển, nên khi thử nghiệm trong hồ nước diện tích nhỏ thì khả năng ngừng và cua quẹo trong hồ chưa đạt như mong muốn…, vì thế ông tiếp tục cải tiến và bổ sung thêm một số thiết bị mới để tàu có thể linh hoạt hơn, như gắn thêm kính tiềm vọng, động cơ quạt ngang thân tàu để có thể cua quẹo được…

"Nhiều người vẫn chưa tin những việc tôi làm"

"Một trong những đặc điểm của người Việt Nam mình khi đứng trước một công việc khó khăn nào đó là luôn lo sợ không làm được, nhiều người quen bị gò bó trong khuôn khổ nên hay có câu nói đầu môi là "thôi, làm không nổi đâu", "cái đó sao mình làm được"… Vì thế, thời gian đầu khi tôi nói về kế hoạch chế tạo tàu ngầm hầu như không ai tin đó là sự thật, ngay cả một số nhà khoa học trong nước cũng không tin tưởng, một số người vì ngại nói thẳng ra là tôi… hoang tưởng nhưng cũng cười cười cho vui thế thôi.

Chiếc tàu đang vận hành dưới hồ trong hai lần thử nghiệm.

Thời gian đầu chế tạo, tôi thực hiện mọi việc trong một căn nhà có diện tích khá nhỏ, ngoài ra còn làm một cái hồ nước bằng gỗ trong khuôn viên nhà mình để thử nghiệm bước đầu. Khi thấy thế, nhiều người lắc đầu không tin, nhất là khi cho tàu xuống thử nghiệm trong hồ ở nhà có người đã nửa đùa nửa thật nói rằng "nó lặn được mà không biết nó có nổi lên được không nữa"!

Sau đó đến buổi thử nghiệm chạy tàu ở hồ bơi của Trường kỹ thuật Hải quân (TP.HCM), tôi cũng thấy ái ngại vì phải mời một số người có vai vế hay có chuyên môn tới tham dự, vì lo rằng có thể họ nghĩ mình làm chuyện trời ơi… Nhưng quả thật chuyện người ta không tin cũng là điều dễ hiểu, vì ở trong nước các ngành các cấp sản xuất chiếc tàu đã khó khăn rồi, mà đây một cá nhân lại dám tuyên bố làm được chiếc tàu như vậy đương nhiên sẽ rất khó để cho người ta tin.

Vì thế, sau khi thử nghiệm thành công tôi mới dám nói, chứ trước kia tôi không dám cho nhiều người biết về công việc của mình. Thời gian qua vừa làm việc để kiếm tiền lo cho cuộc sống vừa dành thời gian cho việc chế tạo tàu ngầm nên để hoàn thành chiếc tàu thử nghiệm này tôi cũng mất cả năm trời, tuy nhiên khi có điều kiện và mọi thứ đã theo một quy trình nhất định thì việc sản xuất tàu ngầm rất nhanh, chỉ mất mấy ngày là đã hoàn thành một chiếc rồi(?) Giá thành sản xuất một chiếc chỉ khoảng 10 ngàn đô la Mỹ. Tùy theo nhu cầu và mong muốn của mình, chúng ta có thể sản xuất các loại tàu ngầm khác nhau. Nguyên lý hoạt động của tàu ngầm không có gì khó, cái khó là phải ứng dụng vào công nghệ của tàu.

Tôi nghĩ với sự thành công của hai lần thử nghiệm tàu, giai đoạn làm cho người ta tin mình có thể làm được đã hoàn thành. Giờ tôi chỉ mong tiếp tục đề tài của mình cho tới mục đích cuối cùng là xây dựng được một số lượng tàu ngầm nhất định góp phần vào việc cứu hộ cho cư dân các vùng biển đảo của Tổ quốc, chứ không hề nghĩ tới chuyện đãi ngộ này kia.

Đồng thời, nói ra sợ nhiều người không tin, nhưng hiện tôi vẫn đang tiến hành nghiên cứu, thiết kế một số đề án khác như chế tạo trực thăng một người bay bằng vật liệu carbon (theo ông thì đây là loại trực thăng giống như một chiếc ba lô đeo trên người, nó có tất cả những linh kiện của một chiếc trực thăng bình thường, chỉ có khác là nó xếp lại được vì nó cực nhỏ...) ; cải tiến lại vị trí băng đạn trên khẩu súng AK (khẩu AK truyền thống băng đạn nằm trước vị trí tay cầm, khi bắn sẽ khiến cân bằng không vững, vì thế một số nước đã cải tiến đưa băng đạn về sau vị trí tay cầm)…", ông say sưa bộc bạch về những dự án đặc biệt của mình.

Ngồi gần cả ngày nghe ông kể chuyện xung quanh chiếc tàu ngầm và một số sáng chế khác mới thấy hết được sự đam mê sáng chế của ông, thực sự nơi ông ở từ lâu đã trở thành một công xưởng với khá nhiều sản phẩm hàng ngày ông cứ mày mò sáng chế, ngoài tàu ngầm còn có xe đạp, xe đạp điện được ông cải tiến nhiều kiểu dáng lạ mắt, độc đáo…

"Tôi thấy mình như có món nợ tinh thần với đất nước vì tôi thấy rằng mình có khả năng để làm điều gì đó cho đất nước, nhất là mong muốn làm sao để góp phần chế tạo ra những sản phẩm công nghệ phục vụ cho lực lượng hải quân để cứu hộ và nhiều mục đích khác nữa", ông nói như một lời chia sẻ chân thành.

Có lẽ nhiều người vẫn chưa thể tin những việc ông đã làm vì nghe như có điều gì đó… hơi hoang đường nhưng chắc chắn khi tận mắt nhìn thấy những sản phẩm ông đã tạo nên họ sẽ có cái nhìn khác về ông. Bài viết này tôi hoàn toàn không có ý định "PR" cho ông, nhưng thực sự những sản phẩm do ông tạo ra đã khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Hy vọng ông sẽ được ủng hộ về mặt tinh thần hay hơn nữa là sự quan tâm nhiệt tình của các ngành các cấp để những công trình của ông có thêm nhiều điều kiện thuận lợi đi vào thực tế, có hiệu quả, nhất là đối với các vùng biển đảo của Tổ quốc, hoặc ít nhất cũng có những thẩm định về mặt khoa học để xác minh tính hiệu quả của chiếc tàu ngầm này.

Thiếu tướng PGS.TS. Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và Kinh tế biển TP HCM, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, cho biết: "Tôi đã chứng kiến các buổi thử nghiệm thành công của chiếc tàu ngầm này, phải thừa nhận đây là thành công rất đáng kể, nhưng để thành sản phẩm hiện thực đòi hỏi nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia vào thêm. Tôi được biết anh Phan Bội Trân là chuyên gia trong lĩnh vực chế tạo tàu ngầm ở nước ngoài, do đó tôi nghĩ chúng ta nên động viên và hoan nghênh anh Trân, nhưng chỉ một mình anh ấy thì khó mà thành công trọn vẹn. Tôi nghĩ anh Trân nên liên hệ và đặt vấn đề này với Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM để có thêm sự hỗ trợ về mặt khoa học… như vậy khả năng thành công sẽ cao hơn rất nhiều, đóng góp vào sự phát triển khoa học công nghệ, đồng thời có thêm phương tiện hiện đại cho hải quân…".

Phạm Phú Lữ
.
.
.