“Ông giáo làng” tật nguyền và chuyện hàng trăm học sinh vào ĐH

Chủ Nhật, 31/03/2013, 16:22

Gọi ông giáo, bởi “người thầy đặc biệt” này chưa từng trải qua bất cứ một lớp nghiệp vụ sư phạm nào, thậm chí đến tấm bằng tốt nghiệp cấp 3 cũng không có nốt. Ấy thế nhưng, không chỉ dạy cho 5 đứa con của mình lần lượt vào đại học với thành tích đáng nể, hơn 20 năm qua, ông giáo làng này đã nức tiếng cả một vùng đất hiếu học, mỗi năm có hàng trăm học sinh đến xin được thọ giáo, điều đó cũng đồng nghĩa với việc có thêm từng ấy em tự hào bước chân vào cánh cửa giảng đường đại học.

Ông giáo ấy là Đặng Tiến Dũng, ở xóm 5 xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng trăm, hàng ngàn em đã qua sự chỉ giáo, đều trìu mến gọi người thầy của mình bằng danh xưng “ông” một cách kính mến. Mang tấm thân dặt dẹo vì tật nguyền từ thuở hàn vi, không chỉ nghị lực vươn lên, vượt qua mặc cảm mà ông Đặng Tiến Dũng còn là niềm tự hào của người dân nơi đây khi giúp cho con em họ có thêm niềm tin trước ngưỡng cửa cuộc đời mình.

Mấy chục năm thầm lặng cống hiến, thành quả của ông là rất nhiều trò đã thành danh, nhiều trong số họ hiện đang là cán bộ, công chức của một số cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Năm 2010, ông Đặng Tiến Dũng cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tất cả những điều ấy là niềm khích lệ, động viên ông tiếp tục đam mê với công việc gieo chữ của mình.

Nghị lực của một người tật nguyền

Đặng Tiến Dũng sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 5 anh chị em. Lúc chào đời, cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng bi kịch bắt đầu ập đến khi cậu bé Dũng được một tuổi, sau cơn sốt vi rút ác tính, tứ chi bất động hoàn toàn. Chạy chữa khắp nơi, sau cùng chỉ cứu được hai tay, còn đôi chân hoàn toàn mất cảm giác.

Dù không lành lặn như mọi người, nhưng với niềm đam mê học chữ, Dũng vẫn được bố mẹ thay nhau cõng đến trường. Đến năm lớp 7, bất ngờ sau một trận sốt, một bên chân của Dũng lại cử động được. Nhưng đó là tất cả những gì có thể làm được, bởi sau tia hi vọng nhỏ nhoi đó lóe lên, gia đình lại đưa đi chữa khắp nơi song không mang lại kết quả.

Trong thời gian nằm điều trị dài ngày tại Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội, được các anh chị thương bệnh binh giúp đỡ, Đặng Tiến Dũng đã xuất sắc tự học và hoàn thành xong chương trình cấp ba trung học.

Năm 1985, lối rẽ cuộc đời đến với chàng trai tật nguyền Đặng Tiến Dũng khi có cô gái làng khâm phục trước ý chí, nghị lực và đã đem lòng yêu thương. Cùng năm đó, ông tổ chức kết hôn, cuốn sách cuộc đời được lật sang một trang mới. Lấy vợ, ông lần lượt sinh hạ được 5 người con. Quần quật mưu sinh với đủ thứ nghề, từ sửa xe, làm ruộng đến đan lát, viết sớ thuê, làm mộc… ai kêu gì ông làm nấy, để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Cũng bởi nghèo nên các con của vợ chồng ông đều không được đi học thêm, thương con, ngày làm lụng, tối về chong đèn dạy con học chữ. Ấy vậy mà 5 đứa con, đứa nào cũng học sinh giỏi tỉnh, đều đỗ đạt cao. Đến lúc cô con gái đầu Đặng Thị Phương đậu vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mà không qua bất cứ lớp học thêm nào, tiếng lành về ông mới bắt đầu được biết đến.

Lớp học đặc biệt của “ông giáo” tật nguyền

“Ông giáo” Đặng Tiến Dũng cho hay, ông bắt đầu được biết đến là vào thời điểm của năm 1990. Lúc ấy, có khoảng 30 em học sinh thi lớp 9 lên lớp 10 không đậu, ông đã cho tập hợp lại, dạy kèm ngay tại nhà một cách miễn phí. Kết quả là lần thi năm tiếp theo, tất cả đều đậu vào cấp 3, thậm chí có nhiều em thi lần đầu môn toán được 1 hoặc 2 điểm, nhưng thi lần hai đã đạt điểm 7, điểm 8. Từ đấy, nhiều phụ huynh trong vùng mới bắt đầu tìm đến, nhờ vả cho con em họ được học.

Ban đầu, ông chỉ nhận những em học dốt, những trò bị lưu ban hoặc thi không đậu, nhưng về sau do nhu cầu của các em quá nhiều nên ông đã chia ra thành những lớp khác nhau, dùng chính căn nhà tranh vách đất của mình để làm lớp học. Để ông toàn tâm toàn ý vào việc dạy, không phải làm thêm những việc khác, phụ huynh có con em học tại nhà ông đã góp tiền trả cho ông. Trăn trở mãi, sau cùng, ông nhận của mỗi em 5.000 đồng cho mỗi buổi dạy.

Đối tượng học của ông giáo làng này là từ lớp 6 đến lớp 12, với các cháu cấp 1 cần bổ trợ kiến thức, ông cũng sẵn sàng sắp xếp thời gian để giúp đỡ mà không quản công hay nề hà. Môn chính của ông Dũng là toán, bởi từ nhỏ ông đã có một niềm đam mê toán mãnh liệt. Ngoài ra, ông cũng phụ trợ thêm các môn vật lý, hóa học và ngữ văn.

“Ông giáo làng” Đặng Tiến Dũng.

Hiện tại, tại nhà ông giáo Dũng có 3 lớp, chia làm ba ca học. Buổi sáng, dành trọn thời gian ôn lại kiến thức cho những em thi tốt nghiệp không đậu. Buổi chiều bổ trợ kiến thức cho các em có học lực trung bình và buổi tối bồi dưỡng học sinh giỏi. Thời điểm này, lớp đông nhất của ông là 72 em học sinh, còn số lượng học sinh ông đang dạy kèm là khoảng 170 em.

Ban đầu chỉ là học sinh ở xã Phúc Đồng, nơi có Trường THPT Hàm Nghi đóng chân, nhưng về sau, nghe tiếng ông giáo Dũng, các em học sinh cấp 2, cấp 3 ở các xã như Phương Điền, Hòa Hải, Hương Vĩnh… cũng đạp xe ngót nghét 20 cây số để đến học. Nhiều bữa, cả thầy và trò đều miệt mài đến độ quên mất thời gian, tan ca thì trời đã tối mịt, những em ở xa lại được ông bố trí cho ở lại nhà, cùng quây quần thổi cơm ăn như thể người trong gia đình vậy.

Một trời kỷ niệm

Ông giáo Đặng Tiến Dũng xúc động nhớ lại, hơn 20 năm gắn bó với học trò nghèo vùng biên này, ông rất thương và quý cái tình đối với từng đứa. Là người sinh ra vốn đã khốn khó, nên học trò của mình, ông luôn chịu khó tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em, để biết cách giúp đỡ kịp thời. Tiếng là thu mỗi trò 5.000 đồng cho mỗi buổi học, nhưng với học trò nghèo và con em gia đình chính sách, ông tuyệt nhiên không lấy nửa xu. Thậm chí, có trường hợp ông còn cho tiền, cho cả xe đạp để các em đi học.

Đó là chuyện của em Nguyễn Thị Giang, học sinh lớp 8 Trường THCS Phương Điền, đến xin ông học nhưng ngày đi ngày nghỉ. Hỏi ra được biết, nhà cách chỗ học 15 cây số, không có xe đạp nên hôm nào xin được đi nhờ xe thì đến học, còn không phải ở nhà. Thấy vậy, ông mang hẳn chiếc xe đạp của cô con gái thứ 4 vừa đậu đại học mang đến cho Giang để em đi học được đều đặn.

Hay như trường hợp của em Phạm Thị Nhã ở xã Hòa Hải, ra ông học nhưng mỗi tuần cứ đều đặn nghỉ một buổi. Hỏi qua ban bè, ông được biết Nhã nghỉ học để đi gặt. Nghĩ nhà trò này lắm ruộng, một buổi ông quyết định cho cả lớp nghỉ học kéo nhau vào gặt giúp gia đình để Nhã được đi học đều đặn. Vào đến mới vỡ lẽ, cô bé đi gặt thuê để lấy tiền đóng tiền học thêm. Quá xúc động, ông đạp xe vào tận nhà, thấy hoàn cảnh cũng rất đáng thương. Bố thì bệnh tật quanh năm, một mình mẹ nuôi 4 đứa con ăn học, ông quyết định không thu tiền học của Nhã và động viên em đi học đều đặn. Hiện, Phạm Thị Nhã đang là sinh viên năm thứ 3 trường Đại học Quốc gia TP HCM.

Dịp 20/11/2011, có đứa học trò bị tai nạn trên đường mòn Hồ Chí Minh. Người đầu tiên nó nhớ đến và gọi trước khi ngất lịm là ông Dũng chứ không phải ai khác. Bố mẹ ở xa, ông đến hiện trường, đưa trò đi cấp cứu tại bệnh viện.

Đó là một vụ tai nạn rất thương tâm, trò tên là Đặng Thị Nga, học lớp 12 Trường THPT Hàm Nghi, bị gãy hai chân, trong đó có một chân gãy hai khúc. Hiện tại vẫn đang phải bó bột, riêng kẻ gây ra tai nạn thì đã tử nạn ngay lúc ấy. Gia đình nghèo, ông Dũng thương tình nên vét tiền túi, thuê xe chờ đi viện rồi lại cho tiền thuê xe chở từ viện về nhà.

Lại một lần khác, ông giáo Dũng nhận được điện thoại của thầy cô giáo trong Trường THPT Hàm Nghi, có học trò bị đau bụng, đang nằm bệnh xá, bố mẹ thì không liên lạc được, trong khi trò này cứ nằng nặc đòi gọi cho ông Dũng. Tất tả chạy ra, thì đúng là trò mình đang dạy tại nhà, ông xin nhà trường cho phép đưa trò lên bệnh viện huyện. Đến lúc buộc phải đưa lên tuyến tỉnh để mổ, ông quyết định thuê xe chở đi, tự mình làm thủ tục cho học trò. Đến lúc qua cơn nguy kịch bố mẹ các em mới bắt chuyến xe muộn đến.

“Ông giáo” Đặng Tiến Dũng tự hào, năm rồi, đưa cô con gái thứ 4 vào nhập học tại TP HCM, khi vừa bước chân xuống sân bay có hơn 40 học trò đang học tập và công tác tại đây ùa ra đón làm ông không khỏi xúc động.

5 người con của ông, ngoại trừ cô con gái đầu đã lập gia đình, là cán bộ nhà nước của một cơ quan tại TP HCM, thì 4 đứa sau đang học. Trong đó, hai đứa học tại Trường Đại học Vinh, một đứa là tân sinh viên của Trường Đại học Quốc gia TP HCM, còn cậu út đang học lớp 10, là thành viên đội tuyển học sinh giỏi tỉnh của Trường THPT Hàm Nghi.

Cuộc đời của ông Đặng Tiến Dũng hồi sinh được là nhờ vin vào con chữ. Vậy nên, ông muốn dùng chính bảng đen phấn trắng để tiếp thêm nghị lực, niềm tin cho các em học sinh nghèo quê ông thêm tự tin trước ngưỡng cửa cuộc đời. Còn sức lực còn cống hiến, với ông, mỗi ngày được nghe tiếng trò trìu mến gọi “ông” và được quây quần vui vẻ bên chúng là hạnh phúc lại ngập tràn

Trang Trần
.
.
.