Ông lão gàn dở dành cả cuộc đời đi thu gom hài nhi xấu số về để hương khói

Thứ Hai, 28/05/2012, 16:19
Rất nhiều người dân trong làng, xã, thậm chí cả những anh em thân thích đã nhiều lần chì chiết lão là đồ gàn dở, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Mọi người nặng lời như vậy cũng có cái lý riêng của họ. Bởi bao năm nay, ông cụ gàn dở này đi xin các hài nhi xấu số về để chôn cất rồi hương khói. Công việc này chẳng ai phân công cho lão, cũng chẳng có một đồng tiền thù lao. Lão lặng lẽ bỏ tiền mua bát hương, tiểu sành, mua hương hoa như cách lão gọi: “an ủi những tiểu sinh linh xấu số”. Đó là công việc của ông lão Vũ Ngọc Bao, một người dân thật sự đặc biệt sống ở xã Nghĩa Thắng (Nghĩa Hưng-Nam Định).

4.000 hài nhi và một cuộc đời chìm nổi

Gặp lão Bao không khó vì ngày nào lão cũng xuất hiện ở khu vực nghĩa trang Quần Vinh thuộc xã Nghĩa Thắng. Người dân xung quanh vẫn gọi con người này là “Lão quản trang” vì vài chục năm nay, cuộc sống ông lão này gắn liền với nơi nghĩa địa. Công việc của lão hàng ngày là dọn dẹp các khu mộ, hương khói để khu nghĩa địa bớt lạnh lẽo và ghê rợn.

Tuy nhiên, ngoài những công việc coi như nhiệm vụ đó ra, lão Bao còn gánh trách nhiệm trông coi cho “khu chung cư mộ hài nhi”. Khu mộ tập trung này là hai căn nhà được dựng khá khang trang, bên trong chứa khoảng 4.000 bộ hài nhi. Bất kể mưa hay nắng, ngày lễ tết, chỉ cần sức khỏe bình thường lão Bao lại ra khu mộ tập trung này để hương khói, trông coi. Điều đặc biệt là ngôi mộ tập trung này do chính lão Bao bỏ tiền túi của mình dựng lên, rồi cũng tự mình đi “xin” những hài nhi mang về đây để lo việc hậu sự…

Việc lão làm thật lạ và thật đặc biệt, với những người không hiểu thì bảo lão hâm hâm, gàn dở, nhưng cũng không ít người cảm nhận được thành ý và tấm lòng tốt bụng đến… kì quặc của lão.

Nói về công việc của mình, lão Bao chỉ cười xòa và nói rằng “Cũng chẳng có gì to tát cả, thấy mấy hài nhi bị bỏ lăn lóc ngoài sông, ngoài hồ, thương xót thì mang về mai táng rồi hương khói cho đỡ tội”. Câu nói thật đơn giản, nhưng biết bao nhiêu năm nay, lão Bao cứ âm thầm làm theo suy nghĩ của mình bất chấp sự can ngăn của rất nhiều người. Động lực khiến lão Bao nảy sinh ra suy nghĩ này chính là việc bản thân lão đã chứng kiến rất nhiều cảnh tượng thương tâm, những hài nhi có hình hài con người bị vứt bỏ một cách không thương xót.

“Dạo đó nhà tôi ở gần khu y tế của xã, thi thoảng lại thấy người ta vứt bỏ hài nhi ra sông. Lúc đó mình làm công việc quản trang nên nghĩ ra việc mang những hài nhi đó ra nghĩa trang để mai táng cho đỡ tội. Dù chúng chưa thực sự được chào đời nhưng vẫn là một kiếp người. Chúng đã không được sống, chết rồi cũng phải được an nghỉ đàng hoàng một chút”.

Ban đầu chỉ là một vài hài nhi bị vứt bỏ trong khu vực xã, sau, lão đi khắp các nơi để xin những hài nhi bị vứt bỏ mang về chôn cốt. Thi thoảng lại thu gom được một hài nhi, thời gian cứ nhấm nhẳn trôi đi, sau vài chục năm, số lượng sinh linh lão Bao mang về để mai tang đã lên đến con số hơn 4.000. Mỗi khi tìm được một hài nhi nào đó, lão Bao sẽ mang về chính ngôi nhà của mình làm lễ mai táng rồi làm một bát hương nhỏ cho chúng.

Đặc biệt hơn, lão Bao sẽ nghĩ ra một cái tên để đặt cho những hài nhi xấu số đó. Lão lấy họ của mình rồi cố tìm những cái tên thật đẹp rồi viết lên bia tưởng niệm. Lão Bao nghĩ rằng, “chúng là những số phận khổ đau, mình nghĩ cố đặt cho chúng một cái tên đẹp coi như là một sự an ủi”. Lão Bao nghĩ ra rất nhiều tên, nào là Vũ Văn Trọng, Vũ Cẩm Linh, Vũ Hoài Thu, Vũ Văn Dũng… Tất cả chúng đều có tên, có tuổi và được lão Bao ghi chép một cách cẩn thận trong cuốn nhật ký riêng của mình.

Công việc của lão Bao diễn ra bền bỉ, lặng thầm và nhận được sự đồng cảm từ người bạn thân của ông là bà Phạm Thị Hương. Hai ông bà cùng lên kế hoạch cho những chuyến đi “xin hài nhi”, rồi tự bảo nhau cùng lo liệu công việc hậu sự cho chúng. Thời điểm này, khu nhà mồ hài nhi của lão Bao đã có những em nhỏ đến từ rất xa, không chỉ ở xã Nghĩa Thắng hay huyện Nghĩa Hưng mà chúng có thể đến từ rất nhiều nơi ở tỉnh Nam Định, thậm chí là cả một số các tỉnh lân cận.

Ông Bao cùng với bà Hương đã kiên trì sống theo  lương tâm của mình bất chấp cái nhìn khắc nghiệt của nhiều người. Có nhiều thời điểm, lão Bao và bà Hương bị mọi người xung quanh coi như yêu tà, nhất là những phụ nữ đang mang thai vì người ta cho rằng, bàn tay của lão có ma tà, nhìn thấy lão là rất có thể thai nhi sẽ bị giết… Mặc kệ những điều đó, lão Bao và bà Hương vẫn sống với suy nghĩ riêng của mình và làm theo sự mách bảo của lương tâm. Cũng nhờ đó mà có biết bao nhiêu hài nhi xấu số được họ giúp đỡ.

Những câu chuyện đau đớn của ông lão gàn dở

Vài chục năm làm công việc thu gom hài nhi, phía sau hơn 4.000 bộ hài nhi là biết bao nhiêu câu chuyện đau đớn mà lão Bao đã từng chứng kiến. Trong số tất cả các bộ hài nhi được thu gom, lão Bao nhớ nhất trường hợp của một em nhỏ được lão đặt tên Vũ Văn Thắng.

Đó là một ngày vào tháng 6/2011, lão tìm thấy Thắng khi bé vứt bỏ bên vệ sông ở xã. Khác với những hài nhi trước, khi được ông Bao cất bế lên tay, bé Thắng vẫn còn thở thoi thóp. Hình hài của bé lúc đó đã đến được khoảng hơn 7 tháng tuổi nên đầy đủ tất cả các bộ phận cơ thể. Thấy bé Thắng vẫn còn thở, lão Bao tức tốc chạy thật nhanh đến bệnh viện tìm y, bác sĩ để cứu chữa. Tuy nhiên, do người mang thai bé Thắng đã uống thuốc ép sinh nên không thể cứu được mạng sống.

Bị các bác sĩ chối từ, lão Bao vô cùng đau xót thất thểu bế bé Thắng về nhà mình. Thấy thằng bé thoi thóp thở, lão ôm chặt vào lòng để giữ ầm và chua xót lắng nghe nhịp tim dần yếu đi. 6 tiếng sau bé Thắng tắt thở. Trong làn nước mắt dàn dùa lão Bao lại làm công việc quen thuộc, mai táng cho bé trong màn đêm cô quạnh.

Mỗi một hài nhi khi tìm được là một kỷ niệm đau buồn của lão Bao. Câu chuyện này chồng chất lên câu chuyện khác, nó như in hằn vào tâm trí của lão những ký ức đau lòng không thể phai mờ. Chứng kiến những hài nhi bị vứt bỏ, lão Bao cũng tận mắt nhìn thấy rất nhiều những trường hợp người phụ nữ, vì rất nhiều lý do khác nhau phải vứt bỏ đi đứa con trong bụng của mình.

Lão kể về trường hợp của cô gái tên Nguyệt (tên nhân vật đã được thay đổi), người cùng xã với lão. Nguyệt vốn là một cô gái nổi tiếng thông minh và ngoan ngoãn trong làng xã. Học hết phổ thông, Nguyệt thi đỗ một trường đại học lớn ở Hà Nội. Lên Hà Nội sinh sống và học tập, cô bé hiền lành và thật thà nhanh chóng vướng vào lưới tình của một người đàn ông hơn cô gần chục tuổi là người thành phố. Cuộc tình của Nguyệt nhanh chóng phát triển và kết quả là cô sinh viên đã có thai khi đang học đến năm thứ 2.

Khi có thai Nguyệt rất buồn nhưng cô quyết tâm xin bảo lưu kết quả để sinh con. Tuy nhiên, một điều lạ là người đàn ông kia không muốn kết hôn với cô và thường tìm sự lảng tránh mỗi khi đề cập đến chuyện này. Cho đến khi cái thai trong bụng đến tháng thứ 6, Nguyệt thúc ép quyết liệt thì gã đàn ông kia đã thú nhận rằng mình là người đã có gia đình.

Quá đau xót vì mình đã gặp phải một gã sở khanh, Nguyệt quyết định về quê rồi tìm cách bỏ cái thai. Đứa bé trong bụng Nguyệt đã phải ra ngoài khi chưa đầy 7 tháng. Điều chua xót là lúc Nguyệt vứt bỏ đứa con, lão Bao cũng có mặt ở đó. Và lão thật sự choáng váng khi bế đứa bé lên tay mà mắt nó vẫn còn nhấp nháy. Phải vài tiếng sau hài nhi đó mới tắt thở và lão Bao lại an táng cho nó như bao trường hợp khác.

Những câu chuyện đau lòng cứ chồng chất trong tâm trí của lão Bao. Đối với ông Bao và bà Hương lúc này, công việc thì tìm và thu gom hài nhi đã trở thành “cái nghiệp” và là trách nhiệm. Đối với hai con người này, giờ đây suy nghĩ của họ chẳng còn vướng bận nhiều với những vụ lợi, mưu toan cho cuộc sống mà đơn giản chỉ là “làm những việc gì mà lương tâm cảm thấy thanh thản”.

Nói theo cách của ông Bao thì, đôi khi trong cuộc sống mình có thể chẳng thể nào làm được việc gì đó thật sự lớn lao thì nên biết xử sự đúng với lương tâm bản thân mách bảo

Nhật Nguyệt
.
.
.