Ông lão tật nguyền gần 10 năm gác nút giao tử thần

Thứ Năm, 19/10/2017, 17:18
Mặc gia đình phản đối, ông lão với đôi chân tật nguyền trong gần 10 năm nay vẫn luôn túc trực tại điểm giao cắt của đường sắt với đường bộ trên địa bàn thôn Dụ Nghĩa (xã Lê Thiện, An Dương, Hải Phòng) để làm nhiệm vụ kéo rào chắn barie. Bởi lẽ, điểm giao cắt này từng được gọi là nút giao tử thần và đã tước đi không ít mạng sống của người qua đường.


Lão "gàn" canh tàu

Đó là cách mà nhiều người gọi ông Nguyễn Văn Xá (71 tuổi) khi ông tự nguyện nhận nhiệm vụ canh tàu từ cách đây gần 10 năm. Với dáng người nhỏ thó và đôi chân phải cần đến sự trợ giúp của đôi nạng mới có thể di chuyển dễ dàng, ông Xá vẫn giữ được sự minh mẫn, hào sảng qua những câu chuyện kể.

Ông Xá sinh ra trong một gia đình thuần nông. Từ khi còn nhỏ, ông đã kém may mắn so với các bạn cùng trang lứa. Nhà nghèo, lại đông anh chị em, cuộc sống của ông Xá gắn liền với những bữa cơm ăn không đủ no. Sự đen đủi của cuộc đời ông tiếp tục ập đến khi lên 7 tuổi, trong một lần đi tiêm, ông Xá bị teo mất  bên chân trái. Cũng kể từ đó đến bây giờ, những bước đi của ông phải gắn liền với đôi nạng gỗ.

Ông xá làm công việc kéo barie khi tàu chạy qua.

Cơ duyên khiến ông trở thành người gác tàu bắt nguồn từ việc cách đây nhiều năm, khi đoạn đường giao cắt với đường sắt của thôn Dụ Nghĩa vẫn còn cây cối rậm rạp, không có đèn chiếu sáng hắt ra từ trạm thu phí như bây giờ, hơn nữa đường từ thôn ra vừa nhỏ lại khó đi, không có rào chắn khi đến đoạn đường ray nên từ năm 2009 trở về trước, mỗi năm có ít nhất một người phải bỏ mạng vì tai nạn với tàu hỏa.

Có năm tang thương nhất là bốn người gặp nạn tại đoạn giao cắt này. Thấy cảnh đó, dù tuổi cao, chân bị liệt, sức khỏe lại không tốt như người bình thường nhưng ông Xá vẫn quyết làm đơn ra xã để xin phép được lập chốt canh tàu cho người dân qua lại được an toàn.

"Năm đó tôi cũng đã 60 tuổi, trong một lần tham gia sinh hoạt với các cụ trong Hội Người cao tuổi của thôn, tôi được nghe nhiều người kể về những vụ tai nạn thương tâm trên tuyến đường ngang dân sinh rẽ vào thôn Dụ Nghĩa.

Sau buổi sinh hoạt ngày hôm đó, tôi đã về nhà suy nghĩ nhiều đêm và quyết định làm đơn lên xã để bày tỏ nguyện vọng được ra đó canh gác đường tàu không công để giúp mọi người đi lại được an toàn hơn", ông Xá chia sẻ.

Ban đầu, chính quyền địa phương cũng tỏ ra ái ngại vì sức khỏe của ông Xá như vậy, đoạn đường cũng tối tăm và có nhiều vấn đề phức tạp như nghiện hút nên lãnh đạo xã rất phân vân trước đề nghị của ông. Nhiều người cũng gặp riêng để khuyên ông từ bỏ ý định. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm, ông Xá đã thuyết phục được lãnh đạo địa phương cho ông nhận nhiệm vụ đó.

Ở cái tuổi của ông, lẽ ra là nên nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu để an hưởng những tháng ngày nhàn hạ nhưng lại xung phong "vác tù và hàng tổng" nên gia đình kịch liệt phản đối. Thậm chí, các con của ông Xá còn bảo vợ ông không ra cùng, chỉ để ông ở một mình ngoài túp lều do xã dựng cho, đến khi chán ông sẽ về. Ấy thế mà vài năm trôi qua, ông Xá vẫn bám trụ tại điểm gác, vợ ông biết không thể cản chồng nên cũng chuyển ra ở cùng.

Gần 10 năm vất vả

Ông Xá vẫn còn nhớ như in ngày đầu tiên ông thực hiện "nhiệm vụ", đó là ngày 9-9-2009. Kể từ ngày hôm đó, ông túc trực tại trạm gác 24/24, dậy từ sáng sớm để kéo barie cho chuyến tàu đầu tiên trong ngày chạy qua. Một ngày làm việc của ông kết thúc vào lúc 22 giờ, khi chuyến tàu cuối cùng trong ngày đi qua chốt gác.

Ông Nguyễn Văn Xá.

Ông Xá cho biết: "Mỗi ngày có gần 20 chuyến tàu, cả tàu khách lẫn tàu hàng đi qua trạm gác. Tàu khách thì còn đúng giờ chứ tàu hàng họ đi không có thời gian cụ thể nên thời gian đầu tôi làm rất vất vả".

Thời gian đầu, do không nắm được lịch chạy tàu, không có phương tiện liên lạc với các trạm gác khác nên ông Xá phải canh chừng cả ngày. Như đã nói trên, những chuyến tàu hàng chạy rất thất thường, không theo giờ giấc nên phải theo dõi bằng mắt thường.

Nhìn thấy tàu từ xa, ông vội vàng thổi còi ngăn  người đi đường vượt qua rồi kéo vội barie xuống. Sau này, ông nhờ được người dân ở bên đường gọi điện báo khi tàu chạy qua nên cũng đỡ vất vả hơn. Thêm nữa, do chưa quen với cuộc sống gần quốc lộ nên ba năm đầu tiên làm công việc này ông Xá gầy rộc người do không thể ngủ nổi bởi tiếng ồn của xe cộ qua lại.

Như đã nói ở trên, vào thời điểm đó, khu vực gác tàu hoang vu, bốn bề ngập toàn cỏ sậy cao quá đầu người. Chiếc lều của ông Xá được dựng lên bằng bốn cọc tre cắm làm cột rồi giăng bạt xung quanh. Ngày mưa thì gió thổi tung lều, ngày nắng thì bên trong nóng bức vô cùng. Ấy vậy mà ông Xá vẫn chịu đựng được 4 năm cho đến khi được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng xây cho một ngôi nhà tử tế làm trạm gác năm 2013.

Những tấm bằng khen được treo đầy trạm gác.

"Khu vực đó có nhiều nhóm nghiện ngập tụ tập chích hút. Có những đêm họ gõ cửa để xin tiền tôi. Nhưng khi biết tôi không có tiền, lại đang làm việc không công vì bà con thì họ tỏ ra rất ủng hộ và không làm phiền tôi nữa", ông Xá chia sẻ.

Việc làm của ông mặc dù là việc tốt những vẫn có người lời ra tiếng vào. Người thì nói ông gàn dở, người thì mắng vì kéo barie xuống sớm, người thì trách vì kéo barie lên chậm. Thế nhưng phần lớn người dân nơi đây đều tỏ ra ủng hộ. Họ ủng hộ bằng lời động viên, đôi khi bằng gói mỳ, bát cơm từ những ngày đầu để ông Xá càng có động lực hơn để làm công việc "vác tù và hàng tổng" này.

Nhớ về những vụ tai nạn giao thông tại nút giao tử thần này, ông Xá cho biết: "Từ ngày tôi ra đây gác thì đã không còn ai phải chết vì tai nạn giao thông nhưng vẫn còn những người rất bất cẩn. Tôi nhớ nhất là sự việc cách đây cũng đã khá lâu rồi. Đó là vào năm 2013, người được tôi cứu là một phụ nữ quê mãi tận Lạng Sơn xuống đây làm công nhân.

Khoảng 8 giờ tối hôm đó, khi đi kiểm tra đường tàu, tôi thấy cô ấy đang đứng trên đường ray nghe điện thoại. Do không để ý nên cô ấy không thấy tàu đang tới gần. Mặc dù tôi ra sức hét to nhưng cô ấy vẫn không nghe thấy. Thấy vậy, tôi cố gắng chống nạng lao đến vừa kịp xô cô gái ngã khỏi đường ray cũng là lúc đoàn tàu băng băng chạy qua".

Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp khác khi tàu gần đến vẫn cố gắng lao qua, không chấp hành hiệu lệnh của người gác tàu. Vì thế mà có một số vụ tai nạn nhẹ xảy ra, chỉ gây hỏng phương tiện chứ không có thiệt hại về người.

Ý thức chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông của người dân đôi khi cũng chính là nỗi trăn trở của ông lão tật nguyền này. Nếu một ngày không có ai thay ông gác tàu, với ý thức tham gia giao thông tệ như vậy, liệu nút giao này sẽ tiếp tục trở thành nút giao tử thần như trước.

Liên lạc với các trạm gác khác.

Nhắc đến tương lai, ông Xá cười và nói: "Giờ các con của tôi đã lớn, đã có gia đình riêng. Chòi gác này, công việc này cũng trở thành việc của hai vợ chồng già. Chúng tôi sinh sống, làm việc tại đây chỉ mong sao giao thông qua khu vực này an toàn. Tôi cũng rất vui vì vợ tôi đã đồng cảm và thấu hiểu cho công việc này. Nhiều hôm tôi có việc bận, chính bà ấy là người thay tôi canh gác tàu. Những việc ấy bây giờ có khi bà ấy còn thực hiện thành thạo hơn cả tôi. Nhưng tuổi tôi đã cao, không biết làm được thêm bao nhiêu năm nữa. Tôi sẽ cố gắng cho đến khi có người thay hoặc không còn sức khỏe để làm nữa".

Nhờ những cống hiến không biết mệt mỏi của mình ròng rã gần 10 năm qua, ông Xá đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ban ngành như: UBND thành phố Hải Phòng; Bộ Giao thông vận tải; Đường sắt Việt Nam; Toyota Việt Nam tặng bằng khen Hiệp sĩ giao thông và mới đây nhất là giấy khen của Công an thành phố Hải Phòng.

Công việc của ông cũng dễ dàng hơn khi ngành đường sắt đã cấp cho ông điện thoại để ông liên lạc được với các chốt gác tàu khác. Tiếp tục công việc với mong muốn góp sức mình vào việc giảm bớt tai nạn giao thông, hy vọng rằng trong tương lai tinh thần sống vì người khác của ông Xá sẽ được truyền tải rộng rãi. Từ đó giúp cho ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân được nâng cao hơn nữa.

Việt An
.
.
.