Ông trưởng thôn và câu chuyện tự cai nghiện

Thứ Năm, 24/11/2016, 14:54
11 lần tự cai nghiện và đi trại cai nghiện không thành, tưởng rằng tương lai cuộc đời đã khép lại trước mắt ông khi mọi của cải trong nhà đều đội nón ra đi, vợ con, mẹ già nheo nhóc. Thế nhưng, nghĩ đến 4 cô con gái đến tuổi lấy chồng mà không có ai dám đến hỏi vì có bố nghiện ngập, ông quyết tâm tự cai nghiện ở nhà bằng cái cách có một không hai: uống thuốc ngủ. Không những đoạn tuyệt được với “nàng tiên nâu”, mà ông còn trở thành một vị trưởng thôn mẫn cán, một Phó Trưởng công an xã tận tuỵ, hết lòng với công việc.


Dù đã thôi giữ chức vụ Phó Trưởng công an xã hơn 2 năm nay, nhưng ông Bùi Đình Hảo, thôn Phong Cốc, xã Minh Đức, Mỹ Hào, Hưng Yên vẫn tự hào khi được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn 15 năm liền và 12 năm liền làm Phó Trưởng công an xã. Đó là phần thưởng lớn nhất cho những nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi của chính ông sau khi cai nghiện thành công trở về với đời thường. 

Cuộc sống của gia đình ông Hảo giờ đây đã khác xưa nhiều lắm, con cái đề huề, đều có công ăn việc làm ổn định. Cậu con trai út cũng theo nghiệp bố đang là Công an nghĩa vụ ngoài Hà Nội. Ông bà chẳng còn phải bươn chải lo cái ăn, cái mặc như ngày xưa bởi ngoài sự giúp đỡ của các cô con gái  lớn đang đi xuất khẩu lao động, ông còn nhận đấu thầu cả cái ao lớn ngay ở đình Phong Cốc để vừa trông coi đình, vừa tranh thủ nuôi cá, thả mấy con vịt cho vui.

Ông Hảo tâm sự: “Có thể với nhiều người, tôi chẳng phải là tấm gương đáng học tập, nhưng quan điểm của tôi thứ nhất là phải cứu lấy mình, thứ hai là phải cứu lấy chính vợ con, gia đình của mình. Lúc lên cơn nghiện, có thuốc thì thoả mãn được cơn nghiện của mình nhưng sau đó mình sẽ khổ và kéo theo bao nhiêu người khổ theo. Nếu cai được là sống, không cai được là chết”. Chính quan điểm ấy đã giúp ông tự vượt qua được những tháng ngày vật vã cùng những cơn nghiện nặng.

Nhớ lại thời điểm năm 1983, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông bươn chải đủ nghề để lo cho kinh tế gia đình. Năm 1988, thấy trai tráng trong làng ngược lên Na Rì, Bắc Kạn tìm vàng, nhiều người nhanh chóng trở nên giàu có, lại thêm lời dụ dỗ ngon ngọt của bạn bè đi Na Rì trở về, rằng trên đó nhiều vàng lắm, dễ đổi đời hơn đi buôn, ông cũng ngược lên đó mong vận may sẽ đến với mình.

Những năm còn đi bộ đội, đóng quân ở Na Rì, ông Hảo đã quá quen với những người dân bản xứ nơi đây nên có nhiều mối quan hệ để làm ăn. Nhờ thế mà ông nhanh chóng trở thành kẻ máu mặt trong giới đào vàng. 

Hằng ngày, “anh cả” Hảo tự mình đi kiểm tra các điểm khai thác vàng của các nhóm, nếu có tranh chấp gì sẽ đứng ra giải quyết. Ông còn tập hợp hẳn một đội quân riêng chuyên đi khai thác vàng. Nếu phát hiện điểm nào có vàng hoặc có trữ lượng nhiều là nhóm của “anh cả” nhảy vào đánh chiếm. “Anh cả” Hảo trở thành kẻ có nhiều mỏ “ngon” nhất trong tay ở đất Na Rì.

Tiền nhiều nhưng chẳng có chỗ để ăn chơi bởi bãi vàng ở tít rừng sâu, ông nhanh chóng sa vào nghiện hút như một điều tất yếu của dân đào vàng hồi đó. Mà khi ấy, mua thuốc phiện dễ dàng như mua một mớ rau ngoài chợ. Sau 4 năm làm “anh cả” nơi mỏ vàng, có được một số vốn tương đối lớn trong tay, ông Hảo quyết định rời bỏ mỏ vàng quay trở lại quê hương năm 1990.

Về quê, sẵn vốn, ông Hảo nhanh chóng trở thành ông chủ chuyên đi nhận công trình san lấp mặt bằng về cho công nhân của mình làm. Bên cạnh đó, ông còn đứng ra nhận thầu công trình sau đó bán lại ăn phần trăm. Có được sự quen biết rộng, ông Hảo còn trở thành đầu mối cung cấp gỗ cho hàng trăm cơ sở gỗ trong vùng. Tiếng tăm về đại gia Bùi Đình Hảo càng nổi như cồn. Tiền nhiều, ông vung tay không thương tiếc cho những lần bài bạc và hút thuốc phiện thâu đêm suốt sáng.

Ông Hảo nhận được nhiều bằng khen, giấy khen khi làm trưởng thôn và phó Trưởng công an xã.

Ngày ngày, ông tìm đến xới bạc Tịnh Lai, ở Đuôi Cá (đầu cầu Long Biên) rồi tới xới Minh Xăng ở tận tỉnh Hà Bắc cũ để giải những cơn khát bạc. Càng chơi càng hăng máu. Mỗi lần thua đau, để giải xui “anh cả” Hảo lại lao vào thuốc phiện mà theo như mọi người trong thôn ngày ấy nói về ông là “kẻ hút thủng cả bàn đèn”. Và rồi tiền bạc trong nhà cứ đội nón ra đi theo những làn khói thuốc và những cơn nghiện bài bạc. 

Đến khi ông bừng tỉnh nhìn lại thì đã quá muộn màng. Tài sản mất hết, bao nhiêu vốn liếng dành dụm của hai vợ chồng giờ thành trắng tay. Nhìn cảnh mẹ già khổ sở, tiều tụy cùng vợ và đàn con nheo nhóc, lam lũ, ông ân hận nhiều lắm. 

Nghĩ đến cảnh 4 đứa con gái đến tuổi cập kê mà chẳng có người đến hỏi vì có bố mắc nghiện, ông quyết tâm phải cai nghiện cho bằng được. Nhưng cai nghiện ma tuý đâu phải dễ dàng gì. Dù đã bao lần tự trói tay, xích chân tự cai, rồi đi cai tư nhân, cai ở trại nhưng khi trở về, ông đều tái nghiện, bởi làng ông hồi đó số người nghiện quá nhiều.

Cho đến năm 1995, khi đó còn hơn một tháng nữa là đến ngày giỗ bố, ông tuyên bố với mọi người trong gia đình rằng, nếu lần này ông không tự cai nghiện được thì đến ngày giỗ bố cũng sẽ là ngày giỗ của ông. Nghe lời ấy, vợ con ông chẳng dám tin chỉ biết ôm chồng mà khóc. 

Thế rồi từ hôm ấy, ông Hảo bắt đầu “chiến dịch” tự cai nghiện cho chính mình. Lần này, ông tự cai theo cách chẳng giống ai. Ông đi mua 10 vỉ thuốc ngủ, đến lúc chuẩn bị lên cơn vật, ông uống liền 8 viên. Nếu là người bình thường, uống 8 viên có thể chết, còn ông uống vào thì ngủ li bì gần hai ngày. Tỉnh dậy không thấy vật thuốc mà chỉ thấy đói, khát. Ông ăn uống bình thường. 

Và cứ thế mỗi lần sắp lên cơn, ông lại uống thuốc ngủ, liều lượng giảm dần để ngủ cho qua cơn vật. Chỉ một thời gian ngắn, ông đã dứt được cơn nghiện. Khi cắt cơn, ông lại hăng say lao động. Cứ giữa trời nắng, ông lại ra giúp vợ phơi thóc cho vã mồ hôi. Sau đó vào xả thẳng nước vào đầu. Cuối cùng sau 11 lần, ông đã tự cai được, sau đó ông ở nhà một năm trời giúp vợ, không giao du với bên ngoài.

Cai nghiện được với ông đã khó, nhưng hoà nhập được với cộng đồng còn khó hơn gấp nhiều lần, bởi người nghiện luôn bị xã hội kì thị, coi thường. Cai được nghiện nhưng ông Hảo vẫn không thể tìm được việc làm thì đúng lúc ấy, ông nhận được sự giúp đỡ của trưởng thôn Phong Cốc lúc bấy giờ là ông Đỗ Xuân Tằng. 

Ông Hảo tâm sự, người mà ông biết ơn nhất chính là ông Tằng, bởi nếu không có ông Tằng đứng ra bảo lãnh và cử ông làm tổ trưởng tổ bảo vệ trị an ở thôn thì có lẽ ông không bao giờ có được như ngày hôm nay. Từ đó, ông nhiệt tình tham gia các công tác xã hội. 

Cũng vì từng là đàn anh “máu mặt” nên việc quản lý trật tự trị an dẹp các xới bạc với ông không có gì là khó. Bên cạnh đó, ông còn đi vận động các con nghiện từ bỏ ma túy. 

Thấy ông làm tốt công việc của mình, từ năm 2001, người dân trong thôn tin tưởng bầu ông làm trưởng thôn với số phiếu gần như tuyệt đối. Suốt từ đó tới nay, ông đã liên tiếp trúng cử làm trưởng thôn Phong Cốc 15 năm liền, rồi Phó Công an xã phụ trách an ninh với nhiều giấy khen, bằng khen các loại.

Bằng những kinh nghiệm và bài học về chính cuộc đời mình, ông Hảo còn giúp đỡ tư vấn cho những người mắc nghiện muốn cai nghiện như trường hợp cậu sinh viên tên T. quê Thái Bình. Vì con nhà giàu, có chức có quyền nên đang học đại học ở Thái Nguyên thì T. mắc vào ma túy. 

Nhà ông Hảo có gần 3 mẫu ao đấu thầu nuôi cá và một khu vườn rộng trồng cây cảnh và rau nên ông cho T. ra đó nhặt cỏ. Hằng ngày, ông và vợ thay nhau ra kiểm tra. Nhờ ý chí quyết tâm cai nghiện và được sự quan tâm chăm sóc của vợ chồng ông nên chỉ 1 năm sau T. cũng cai được nghiện. Đến nay dù T. đã đi nước ngoài nhưng vẫn hay gọi điện về hỏi thăm gia đình ông.

Ông Hảo chia sẻ, giờ đây ông đang cố gắng trả nợ với quê hương, bởi ngày xưa nghiện ngập, ông đã làm ảnh hưởng đến quê hương, làng xóm nhiều lắm, nên ngoài công việc làm trưởng thôn, ông Hảo còn bận rộn với nhiệm vụ là Phó Ban quản lý di tích đình Phong Cốc, một di tích lịch sử cấp quốc gia tồn tại gần 500 năm nay của xã Minh Đức. 

Ngoài thời gian công tác xã hội, ông còn dành thời gian chãm sóc ngýời vợ ốm đau, bệnh tật của mình. Đó cũng là cách ông bù đắp cho bà những tháng năm vất vả, cay đắng mà bà phải chịu đựng một người chồng nghiện ngập như ông.

Ông Nguyễn Phụng Huy, Trưởng Công an xã Minh Ðức cho biết: Ông Bùi Ðình Hảo cai nghiện được là do nỗ lực của ông ấy. Ngày xưa chưa có trung tâm cai nghiện như bây giờ nên ông ấy đã tự cai ở nhà. 

Thấy ông Hảo có nhiều tiến bộ nên thôn đã đề nghị để ông ấy làm bảo vệ thôn Phong Cấp, sau đó tuyển dụng vào lực lượng bảo vệ xã làm dân quân thường trực rồi Phó Công an xã 12 năm liền. Tuy không có bằng cấp nhưng ông ấy đã làm rất tốt và nhiều năm liền được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, đại biểu Hội đồng nhân dân.  

Minh Khôi
.
.
.