PGS.TS Trần Ngọc Lương: "Xuất khẩu" kỹ thuật mổ mang tên mình

Thứ Tư, 27/02/2013, 15:26

Là người sáng tạo ra kĩ thuật mổ nội soi tuyến giáp, PGS.TS Trần Ngọc Lương được mệnh danh là một trong những bàn tay vàng trong ngành Y tế Việt Nam. Trong khi các bác sĩ trẻ ở Việt Nam luôn mong muốn xuất ngoại để nâng cao tay nghề thì giáo sư-bác sĩ ở các nước như Úc, Singapore, Malaysia… lại khăn gói sang Việt Nam để mong học được kỹ thuật mổ tuyến giáp mang tên Dr.Lương.

Lịch mổ của Khoa ngoại Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa được thông báo, người phụ nữ đứng cạnh tôi đã reo lên phấn khởi vì sẽ được chính tay PGS.TS Trần Ngọc Lương- PGĐ bệnh viện trực tiếp phẫu thuật. Là người sáng tạo ra kĩ thuật mổ nội soi tuyến giáp, PGS.TS Trần Ngọc Lương được mệnh danh là một trong những bàn tay vàng trong ngành Y tế Việt Nam. Trong khi các bác sĩ trẻ ở Việt Nam luôn mong muốn xuất ngoại để nâng cao tay nghề thì giáo sư-bác sĩ ở các nước như Úc, Singapore, Malaysia… lại khăn gói sang Việt Nam để mong học được kỹ thuật mổ tuyến giáp mang tên Dr.Lương.

Câu chuyện hai người thầy

Bác sĩ Trần Ngọc Lương sinh ra và lớn lên tại Xuân Trường - Nam Định.  Xuất phát là một bác sĩ nội trú ngoại, năm 1987 anh về công tác tại Bệnh viện Bạch Mai với chuyên môn phẫu thuật ổ bụng. Con đường đến với những thùy tuyến giáp là câu chuyện về hai người thầy được bác sĩ Trần Ngọc Lương treo ảnh trang trọng trong căn phòng làm việc chật chội của mình.

Trong thời gian công tác tại BV Bạch Mai, bác sỹ Lương được cử sang Pháp học mổ nội soi ổ bụng của giáo sư Venkemell. Chính trong thời gian sống và học tập tại ĐH Lille, anh đã được tiếp xúc với Giáo sư Charle Proye - Chủ tịch hội Nội tiết Thế giới lúc bấy giờ. Ngoài thời gian học tập chính cùng với giáo sư Venkemell, vào kì nghỉ hè tại Pháp, bác sỹ Trần Ngọc Lương tiếp tục ở lại và say mê với các kiến thức về tuyến giáp của giáo sư Proye. Hai vị giáo sư già ở hai khoa cạnh nhau của trường đại học Lille có chung một sinh viên Việt Nam cần cù làm việc với lòng đam mê và ước mơ trở thành bác sĩ giỏi.

Trở về làm việc tại BV Bạch Mai chuyên mổ nội soi ổ bụng đến năm 2001, bác sĩ Trần Ngọc Lương được mời sang Bệnh viện Nội tiết mở và điều hành Khoa ngoại. Đầu năm 2002, Khoa ngoại - BV Nội tiết Trung ương đi vào hoạt động, lúc này bác sĩ Trần Ngọc Lương bắt đầu mổ tuyến giáp bằng những kỹ thuật truyền thống cùng với sự mày mò sáng tạo đã cho ra đời kỹ thuật riêng về mổ mở (mổ mở không khâu và phẫu thuật nội soi tuyến giáp) cải tiến rất nhiều so với kỹ thuật mổ mở truyền thống mà anh đã được học ở Pháp. Hiện nay Khoa ngoại Bệnh viện Nội tiết đã phẫu thuật nội soi thành công cho gần 2.800 ca bệnh về tuyến giáp với kỹ thuật được mang tên của người sáng tạo ra nó: Dr Lương.

Sự ra đời kỹ thuật mổ nội soi đã đưa ngành ngoại khoa nước ta đến những bước tiến mới trong việc điều trị bệnh ở các cơ quan khác nhau như lồng ngực, ổ bụng… Theo thống kê số người mắc bướu cổ chiếm từ 7% đến 10% dân số, trong đó nữ giới mắc bệnh cao gấp 4-7 lần nam giới. Mỗi lần phẫu thuật tuyến giáp, các bệnh nhân nữ lại khổ sở với các vết sẹo dài ở cổ. Với trăn trở rằng: tại sao lại không áp dụng kỹ thuật mổ nội soi trong việc điều trị các bệnh tuyến giáp, bác sỹ Trần Ngọc Lương vận dụng những kiến thức y học đã được tiếp thu từ hai người thầy của mình, bắt đầu tìm ra con đường mới trong phẫu thuật tuyến giáp.

"Xuất khẩu" mổ nội soi

Các bệnh nhân mắc bệnh về tuyến giáp thường có tâm lý sính ngoại khi nghĩ rằng việc điều trị hay phẫu thuật ở Singapore tốt hơn ở Việt Nam nhưng nghịch lý ở chỗ cho đến nay đã có nhiều giáo sư, bác sỹ Singapore trong số 154 giáo sư, bác sĩ ở các nước Đông Nam Á, Úc, Ấn độ, Syri, Pakistan  khăn gói sang Việt Nam học kỹ thuật mổ của Dr Lương. Bác sĩ Trần Ngọc Lương cho biết: Để cắt một thùy tuyến giáp ở Bệnh viện Elisabeth của Singapore mất từ 6 ngàn đến 10 ngàn USD nhanh nhất trong vòng 2 tiếng, trong khi đó phẫu thuật tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương mất khoảng 300 USD trong thời gian ngắn.

Khẳng định được tất cả những mặt ưu việt nhất của kỹ thuật mới là hơn mười năm làm việc không biết mệt mỏi của PGS.TS Trần Ngọc Lương với những quan sát, nhận xét diễn biến bệnh tật và mối lo âu của người bệnh. Sáng tạo của vị bác sĩ giải quyết hết tất cả những vấn đề khó khăn xung quanh việc phẫu thuật tuyến giáp: an toàn, hiệu quả, nhanh gọn và thẩm mỹ. Điều đáng nói hơn chính là kỹ thuật của Dr Lương đã được khẳng định với các nước châu Á có nền y học phát triển như Singapore, Thái lan, Malaysia…

Chỉ bằng những dụng cụ đơn giản, không cần đến những thiết bị mổ nội soi phức tạp, thời gian nhanh chóng lại hiệu quả về thẩm mỹ giúp các bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp vượt qua những mối lo và di chứng sau khi phẫu thuật. Trong khi ở Hàn Quốc phẫu thuật tuyến giáp bằng robot mất gần 2 giờ đồng hồ thì kỹ thuật của Dr Lương chỉ mất 20 - 30 phút nhưng vẫn đảm bảo được an toàn, sau đó chỉ cần 2 đến 3 ngày là bệnh nhân có thể xuất viện được.

Một bài dạy thực hành cho các bác sĩ ở Indonesia.

Hiện tại, ngoài công việc quản lý bệnh viện, tham gia điều trị cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Nội tiết, PGS.TS Trần Ngọc Lương còn thường xuyên giảng dạy tại các khóa học chuyển giao kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của mình ở khắp các nước Thái Lan, Malaysia, Úc, Singapore, Ấn Độ, Inđônêxia… Có những lần được các bệnh viện ở khắp nơi trên đất nước Malaysia mời giảng dạy, anh đã phải di chuyển bằng máy bay tới 6 lần trong 3 ngày liên tục. Vừa giảng dạy vừa tiến hành mổ mẫu cho học viên xem, kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của Dr Lương được các giáo sư đánh giá rất cao về tính hiệu quả và ưu việt của nó.

Việc "xuất ngoại" kỹ thuật mổ tuyến giáp của mình vừa khẳng định tên tuổi Dr Lương đồng thời đối với anh cũng là một niềm tự hào cho Tổ quốc và con người Việt Nam. Thời gian đầu tiên khi vốn tiếng Anh còn chưa được trau chuốt, mỗi lần đứng trước một hội thảo hay một khóa học quốc tế anh phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng để có thể nói một cách lưu loát, dễ hiểu nhất. Đến bây giờ khi việc giảng dạy quốc tế đã trở thành một phần công việc thì anh lại cố gắng giao lưu, học hỏi thật nhiều để tiếp xúc được với nền y học tiên tiến của các nước. Kể về dịp sang Thái Lan giảng dạy, PGS.TS Trần Ngọc Lương được mời sang giảng dạy trực tiếp thông qua việc mổ biểu diễn trên xác tươi mới thấy được cách đào tạo bài bản về y học của các nước.

Làm việc không ngừng

PGS.TS Trần Ngọc Lương chụp ảnh cùng các học viên ở lớp dạy kỹ thuật mổ ở Philippin.

Những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, mồng 1 Tết người ta vẫn thấy bác sĩ Lương làm việc ở bệnh viện theo dõi các bệnh nhân ở lại điều trị. Ân cần thăm hỏi, gửi những lời chúc sớm lành bệnh của anh mới hiểu được rằng: Để làm được những điều cao đẹp, để sáng tạo được những cách chữa bệnh hiệu quả, vị bác sĩ bắt đầu từ việc nhỏ nhất là chăm sóc những người bệnh của mình với tất cả lương y. Mười năm công tác ở Bệnh viện Nội tiết, vị bác sĩ đến cơ quan từ sáng sớm, có khi đến tối mịt các đồng nghiệp vẫn thấy anh mày mò, say mê với công việc nghiên cứu.

Năm 2013 PGS.TS Trần Ngọc Lương tiếp tục muốn khẳng định tên tuổi của mình với kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp vượt ra ngoài châu Á để kỹ thuật này có thể đến được với tất cả những bệnh nhân mắc bệnh tuyến giáp ở khắp nơi. Đầu tiên là những lợi ích cho các bệnh nhân của mình, sau đó có thể khẳng định được vị trí của Bệnh viện Nội tiết là bệnh viện đầu ngành về phẫu thuật tuyến giáp.

Ngoài ra PGS.TS Trần Ngọc Lương đang tiến hành nghiên cứu về phẫu thuật mạch máu bàn chân cho người tiểu đường giảm thiểu các trường hợp cắt cụt chi đối với các bệnh nhân tiểu đường, nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân. Đây cũng là một vấn đề quan trọng trong điều trị tại Bệnh viện Nội tiết. Chúc cho những dự định của PGS.TS Trần Ngọc Lương sẽ thành công để góp phần cho người bệnh có được nhiều cách điều trị bệnh hiệu quả nhất.

Ưu điểm của mổ nội soi là không để lại sẹo trên cổ. Mặt khác, khi mổ nội soi, đường rạch da nhỏ, chỉ khoảng 0,5-1cm (lồng từ nách và lồng ngực lên cổ) nên bệnh nhân không cảm thấy khó chịu khi nuốt, thở, thời gian phục hồi ngắn hơn nhiều so với mổ mở cổ điển…

Theo PGS. TS Lương, tuyến giáp nằm ở cổ không có khoang sẵn như khoang ngực, khoang bụng, vì thế để lấy được các khối u, bác sỹ phải tạo ra được "khoang làm việc" ở vùng cổ. Tuy nhiên, do tuyến giáp có liên quan mật thiết đến dây thần kinh nói và tuyến cận giáp (tuyến điều hòa canxi trong cơ thể) nên việc mổ cắt tuyến giáp bằng nội soi không đơn giản.

Để khắc phục, anh sáng tạo kỹ thuật dùng khí CO2 để tạo khoang làm việc sau khi bóc tách các thành phần dưới da; đồng thời bộc lộ tuyến giáp theo cách riêng của chính mình đã làm cho việc xử lý thương tổn bên trong cũng an toàn và thuận lợi hơn.

PGS. TS Trần Ngọc Lương còn cho biết, ung thư tuyến giáp (thể nhú), nếu được mổ sớm và dùng i ốt phóng xạ hỗ trợ, thì tỷ lệ sống thêm 15-20 năm hoặc khỏi hẳn lên đến hơn 80%. Chi phí cho một ca mổ nội soi tuyến giáp, so với mổ thường thì sẽ đắt hơn khoảng 500 - 1 triệu đồng/ca mổ; nếu dùng dao siêu âm mổ cắt 1 thùy thì so với nội soi thường sẽ đắt thêm 1,5 triệu đồng.

Cẩm Huyền
.
.
.