Phạm Minh Giắng - một tấm gương nghị lực Việt

Thứ Hai, 15/12/2014, 15:38
Anh Phạm Minh Giắng nằm một chỗ đã nửa thế kỷ nay và hiện đang sống tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Vũ Thư -Thái Bình. Mỗi cuộc đời đều có những vui - buồn thường nhật, lớn hơn là những may mắn - bất hạnh mà đôi khi chẳng thể so đo. Nhưng với tôi và anh đã có bao điều để cảm thông.

Quê ngoại tôi làng Trình huyện Tiền Hải và Phạm Minh Giắng quê xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, cùng tỉnh Thái Bình. Nhắc thế cho nó gần chứ “một mình tôi có ba quê, nén nhang thắp khói biết về nơi đâu”. Anh Giắng 64 tuổi và như thế chúng tôi cũng cùng trang lứa.

Bố anh Giắng là một chiến sĩ xung kích của Trung đoàn 42, năm 1951 đã hi sinh khi cùng đơn vị tấn công vào một đoàn xe của lính Pháp, mẹ anh mất năm 1952 và anh chỉ có một mình, một mình mồ côi từ tấm bé. “Trước lúc mẹ mất thì anh ở với bà nội. Trước khi vào Trại xã hội thì do gia đình bà bác trông nom”. Những tưởng như thế đã là mất mát quá lớn với một đứa trẻ, vậy mà năm 13 tuổi, học lớp 5 trường làng, anh bị bệnh thấp khớp đa khớp rất nặng.

Làng quê nghèo, gia đình khó khăn nào đâu đủ điều kiện chữa chạy. đến năm 16 tuổi, bệnh đã quật ngã cậu bé này. Anh không kể về những năm tháng ấu thơ và bệnh tật thời nhỏ, nhưng nhìn anh bây giờ tôi chỉ có thể hình dung - đau đớn, khổ cực và cái chính là sự bất lực. Mãi đến năm 1985, anh mới được đến ở Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh Thái Bình. Sinh hoạt hằng ngày của anh rất khó khăn. Nằm không ngồi dậy được. Nằm ngửa để ăn, để thở, để làm thơ và viết truyện cười. Khổ nhất là vệ sinh phải người bê bô đổ vịt. Hơn 40 năm chỉ nằm trong góc nhà, không ra được tới cửa. Giam hãm chặt trong bốn bức tường. Thèm khát được nhìn thấy một khoảng trời xanh.

Phạm Minh Giắng.

Từ năm 2005 trở lại đây, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình đã có điều kiện tốt hơn. Anh đã có được cái giường rộng rãi, bồn cầu lắp ngay vào với giường - vệ sinh thuận tiện, không phải người bê bô đổ vịt nữa. Có được cái xe nằm, anh được đẩy ra ngoài hóng gió, ngắm trời. Với anh, mọi người ở đây sống với nhau khá tốt. Tôi hiểu điều đó trong tình cảm của anh với Trung tâm, với những cán bộ Trung tâm đã ân cần chăm sóc anh không nề vất vả. Anh chắc không nghĩ tới trong bao nhiêu sự đổi thay ở Trung tâm còn có lý do vì anh là Phạm Minh Giắng một người đầy nghị lực - nằm ngửa mà viết văn, làm thơ.

Phạm Minh Giắng viết từ lâu. Trước kia nằm ở quê nhà, sách báo để đọc và giấy viết đều không có. Khi đến Trung tâm như Phạm Minh Giắng tâm sự: Cứ tưởng đến ở cơ sở nuôi dưỡng của nhà nước thì sẽ có sách báo và được giúp đỡ cho việc viết lách. Nhưng Trung tâm khi đó khó khăn, thiếu thốn chẳng có gì. Buồn nhất là khi mình nói đến nguyện vọng làm việc thì người ta lại cho mình là hoang tưởng. Biết là chẳng có thể đòi hỏi gì trong hoàn cảnh khó khăn chung ấy, mình cứ tự vịn lấy mình mà nuôi văn thơ”. Bài thơ đầu tiên của anh được đăng trên Báo Nhân Dân vào năm 2000. Tết năm đó anh mua Báo Văn nghệ. Bìa báo Tết là tranh thiếu nữ. Nhìn thiếu nữ trong tranh, anh cảm hứng viết bài thơ:

THIẾU NỮ TRONG TRANH

Má hường, yếm đ, tht lưng xanh
Cái n
ết nhà ta gi đ dành
Kìa kìa thôn n
như tiên thế
Th
n gì mà ch sng trong tranh.

Cách đây 6 năm, với sự hỗ trợ của Trung tâm Bảo trợ xã hội Vũ Thư - Thái Bình và một số bạn bè, anh Giắng đã mua được một bộ máy vi tính. Anh quyết định ký với bưu điện thuê bao Internet, để hòa nhập với cộng đồng mạng và từ đây anh thấy cả thế giới. Quý vị và các bạn hãy hình dung: để sử dụng máy tính, vào mạng, với đôi tay co quắp, anh Giắng phải dùng tay trái để giữ bàn phím giơ lên sát mặt. Tay phải co quắp, cũng may ngón tay còn cử động được gõ chữ  và chiếc màn hình thì để cách xa và chữ thì phải kích to hết cỡ cho dễ đọc.

Từ đây anh có thể viết bài, gửi bài thuận lợi. Rất nhiều bạn trên mạng và mọi người biết đến anh. Các bạn thường xuyên viết thư, nhắn tin và đến thăm anh. Nụ cười đã đến với anh “Cái duyên viết của mình lại là viết truyện cười. Từ năm 2005 đến nay mình đăng thường xuyên ở Báo LÀNG CƯỜI”. Còn gặp nữa Phạm Minh Giắng trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Tuổi trẻ cười… trên nhiều trang báo, trang mạng. Hỏi anh tiền nhuận bút, anh cười: “thì cũng đủ để trả tiền điện, tiền internet và sửa máy tính”. Gặp anh gần đây, biết là anh đã có laptop và vì vậy việc sử dụng đã tiện hơn - để máy trên ngực, tay trái đỡ máy, tay phải cầm cái đũa gõ phím.

Đến nay anh đã in hai tập thơ là Giọt mưa ngâu - 2008 và Mười mắt nhớ - 2009. Sang năm 2015 thì tập Trăng tròn sẽ được xuất bản. Công ty Lim Hà Nội nhận lo toàn diện việc in ấn và phát hành cho anh. Phạm Minh Giắng đã có thể bình tâm hơn để viết những gì mình yêu thích. Được biết, anh đã được nhiều giải thưởng văn chương, hỏi anh về các giải, anh cho hay: “Giải thưởng thì cũng được mấy cái giải nhỏ. Giải nhì thơ Một thế giới một tâm hồn. Giải khuyến khích thơ về Thương binh Liệt sĩ. Giải thưởng truyện cười, Giải ở lucbat.com…

Về quê ngoại mấy lần nhưng cứ vội vàng một ngày, tôi chưa đến được thăm anh. Thật vui khi biết anh về Hà Nội dự chương trình TỎA SÁNG NGHỊ LỰC VIÊåT. Tính theo lịch trình hẹn giờ để đến thăm anh. Muộn rồi mà đoàn vẫn đang không ở đó - đi gặp gỡ hay đến trường quay của truyền hình chưa về. Anh kể tôi nghe: “đêm 23/5 ở trường quay của VTV thì chỉ để nghe Nick nói chuyện. Hôm đó Nick nói chuyện nhạt lắm. Câu mình nhớ được ở Nick là "hãy tin vào Chúa". Ôi, giá mà chỉ cần vậy với những người như anh và cả với chính tôi.

Sớm hôm sau gọi điện cho anh và vội đến ngay vì biết đoàn lại sắp đi.

Một khách sạn nhìn ngoài sang trọng song khi vào thì thấy căn phòng 2 người quá hẹp. Nhưng với anh, lần đầu tiên đi xa, lần đầu tiên đến Hà Nội và chắc cũng  lần  đầu ở khách sạn thì khác: “Cảm ơn Ban tổ chức đã giúp mình rất chu đáo. Lần đầu tiên được đến Hà Nội choáng ngợp. Ở khách sạn bốn  sao. Các bạn ở Hà Nội đến khách sạn thăm. Mình rất vui và xúc động”. Đến giờ xuống đi thăm Lăng Bác rồi. Chiếc giường đẩy cho bệnh nhân nằm được chuyển từ tầng 3 xuống. Ba người đi cùng anh từ Thái Bình lên nhẹ nhàng và thành thạo nhấc anh chuyển sang xe.

Góc làm việc của Phạm Minh Giắng.

Rồi này cặp máy tính đặt trên lòng Phạm Minh Giắng, này chai, này cả bô để phòng bị, nào đủ thứ cho một người bệnh nặng. Vừa chuẩn bị vừa đùa vui. Tôi loay xoay vì chẳng biết có thể giúp gì. Các anh đã tính toán cẩn thận rồi. Một nhân viên khách sạn được điều đến giúp đỡ. Thang máy khách sạn chỉ dùng cho người đi bộ nên từ tầng cao các anh phải khênh xe giường đẩy theo đường cầu thang bộ. Từ các căn phòng khác, các đại biểu về dự Tỏa sáng nghị lực Việt cũng xuống tầng ra xe. Các bạn còn trẻ, nhiều bạn đi nạng, ngồi xe lăn, có người giúp đỡ. Anh Phạm Minh Giắng đặc biệt nhất - anh nằm trên chiếc xe giường. Anh được đi dạo bờ hồ Hoàn Kiếm, phố xưa Hà Nội. Hai bạn trẻ đẩy, một bạn cầm ô che nắng. Một cuộc dạo chơi có một không ai giữa Thủ đô thu hút bao người qua đường. Được vào thăm Lăng Bác là mơ ước của bao người không thể về Thủ đô.

Hỏi về cảm xúc khi vào thăm Lăng Bác, anh Giắng tâm sự: “Được thăm Lăng Bác nhưng niềm vui không được trọn vẹn. Hôm đó lại vào ngày Lăng không mở cửa. Mình không được vào Lăng viếng Bác. Khi đi cùng đoàn đến gần khu vực Lăng thì xe của mình bị bảo vệ chặn lại vì lý do an ninh. Người nằm trên xe thì máy soi không quét được. Mấy chục năm mình không khóc. Hôm đó khi bị chặn lại ở ngoài khu vực Lăng Bác thì nước mắt mình tràn ra. Anh Phạm Hùng đi cùng xin được nói chuyện với lãnh đạo kíp trực bảo vệ. Mình đã được đi vào khu vực Lăng và thăm nhà sàn của Bác”.

Buổi gặp mặt do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện. Bao chờ đợi và cả mệt, rất mệt vì thay đổi nếp sinh hoạt, nhất là với những người bệnh nặng như anh. Đêm gala với tên gọi “Tỏa sáng nghị lực Việt” tổ chức tại sân vận động Mỹ Đình. Từ náo nức chuyển sang thất vọng. Anh tâm sự:  “Nội dung chẳng ăn nhập gì với tên gọi “Tỏa sáng nghị lực Việt” chị ạ. 21 tấm gương nghị lực bị đạo diễn hạ thấp thay vì tôn vinh”. Là thế đấy, chúng ta cứ sùng bái, cứ thần tượng những gì xa vời mà lại rất xa cách, thậm chí không hiểu gì, không thấy hết những sự việc, những người quanh ta.

Đang vào đông. Cái thời tiết một ngày mấy mùa chắc anh và những người như anh lại đau nhức, lại vật vã. Mong anh cố gắng tĩnh dưỡng, anh Phạm Minh Giắng. Thơ văn đâu có thể đem đến cho ta lợi ích vật chất - chúng ta đều hiểu. Nhưng phải viết thôi. Viết để sống có niềm say mê, có động lực, có chỗ dựa tinh thần… có thêm bao bè bạn.

Bùi Kim Anh
.
.
.