Phở gà miễn phí cho người nghèo còn bán phở miễn phí?

Thứ Tư, 27/03/2013, 16:00

“Những ngày trước Tết, thông tin một quán phở gà tại Hà Nội có phát phiếu bán phở miễn phí cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã được rất nhiều người truyền tay nhau. Hành động đó như là tia nắng ấm áp của mùa xuân, của tình người, chiếm được nhiều tình cảm của những người biết tới. Nhưng bên cạnh đó không ít người cũng cho rằng đây chỉ là một hình thức quảng cáo kinh doanh trong thời buổi kinh tế khó khăn. Bẵng đi một thời gian, chúng tôi tìm tới quán phở ấy để xem thực hư câu chuyện bát phở miễn phí ra sao...”

Kinh doanh mà không kinh doanh

Dọc con đường mới mở tại Khương Trung, vô số quán phở và đồ ăn sáng nằm san sát nhau càng khiến cho chúng tôi tin rằng mở một quán kinh doanh phở ở trên con phố này không phải là điều dễ dàng. Lúc đó phương thức quảng cáo là điều quan trọng nhất. Dành một vài chục bát phở miễn phí trong một ngày cuối tuần liệu cũng giống như những chiếc voucher các cửa hàng mới mở để thu hút khách, hay một chiêu thức quảng cáo đánh trúng vào tình thương con người đã từng gây ra nhiều tranh luận trong xã hội?

Điều đầu tiên mà quán phở “Ơ... phở gà” gây ấn tượng cho chúng tôi là một quán ăn khá rộng rãi và khang trang. Trong quán chỉ có hai người đang làm việc: một người phục vụ và một người đàn ông dù đã hết giờ vãn khách ăn buổi sáng vẫn luôn tay chuẩn bị gà, các loại rau... mà chúng tôi đoán rằng để đợi lượt khách buổi trưa sẽ ghé qua. Thấy vãn khách, tôi bắt chuyện thì anh có chút ngập ngừng nhưng cũng đồng ý dành thời gian trò chuyện với vị khách từ nơi khác tới.

Anh giới thiệu mình tên là Trung. Quán phở gà là quán của gia đình, mà người có công mở ra và quản lý là vợ chồng Khánh – My, em của anh. Anh Trung nói thực ra nhắc đến báo chí anh cũng ngại lắm. Nhiều người không hiểu lại cho rằng gia đình anh quảng cáo rùm beng.

Anh kể trong gia đình ai cũng có những nghề riêng, kiếm ra đủ sống sung túc. Ngay bản thân cửa hàng làm quán phở là cửa hàng của gia đình, sau một thời gian cho thuê đã lấy lại. Một cửa hàng khá rộng rãi ở mặt con phố mới giá thuê lên tới hàng chục triệu mà mở quán phở kinh doanh đã khó, nói gì đến việc làm phở miễn phí.

Anh Trung cho biết quả thực gia đình anh gặp nhiều điều kiện thuận lợi để có thể thực hiện được những tâm nguyện của mình. Anh biết có rất nhiều người mong muốn được làm điều gì đó cho người khác nhưng không biết bắt đầu từ đâu và còn phải vướng bận nhiều điều trong cuộc sống.

Gia đình anh là gia đình theo đạo Phật. Bản thân anh cũng thường xuyên đi theo các chùa làm từ thiện ở vùng sâu vùng xa, đặc biệt là những vùng hay chịu nhiều bão lũ. Lúc ấy, cửa hàng tại mặt phố Trung Kính của gia đình vốn dĩ cho người khác thuê để kinh doanh hết hạn hợp đồng, vợ chồng anh Khánh, chị My và anh Trung bàn nhau giữ lại cửa hàng.

Trước đây anh chị đi nhiều nơi để làm việc thiện, “vậy tại sao mình không thử làm việc gì đó ở ngay tại nơi đây, vừa giúp được cho những người có hoàn cảnh khó khăn, vừa tạo được công ăn việc làm cho chính người nhà và những người cần việc?”. Nêu ý tưởng của mình, ngay lập tức tất cả mọi người trong gia đình đều ủng hộ và đồng thuận với quyết định của các con mình. Ý tưởng phát phiếu ăn phở miễn phí xuất hiện ngay khi chưa bắt tay vào xây dựng quán.

Một tuần sau khi đi vào hoạt động, tấm biển thông báo dành phở miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn đã được dựng lên ngay chính giữa bên ngoài cửa hàng, gây rất nhiều sự chú ý của những người qua đường.

Tấm biển thông báo phở miễn phí bên ngoài cửa hàng.

Mỗi tuần quán phở gà đặc biệt ấy lại in 100 phiếu, vào ngày thứ 6, 7 hàng tuần, tranh thủ thời gian vắng khách, từ nhân viên tới chủ trong quán lại chia nhau ra phân phát các phiếu ăn phở miễn phí.

Anh Trung cho biết chẳng có tiêu chí nào để đánh giá hoàn cảnh khó khăn, chẳng cần một tờ giấy chứng nhận nào để được ăn một bát phở. Đó là những cậu bé bán giầy hay những cụ già phải vật lộn mưu sinh ngoài phố, những người lao động tích góp từng đồng để gửi về quê cho gia đình... Thậm chí sáng chủ nhật, có những người tìm đến hỏi, chẳng cần phiếu cũng được mời ăn một bát phở gà đậm đà nóng hổi. Có những người lần đầu tiên được nếm mùi vị của bát phở, vừa ăn vừa rưng rưng nước mắt. Có những người tới ăn phở lại được phát thêm phiếu để lần sau lại tới ăn.

Nghe tin về phở miễn phí, cũng có nhiều người từ nơi khác tìm đến. Một bát phở ở đây được bán ra 25 nghìn đồng, nhưng khi ăn xong họ trả 100, thậm chí 500 nghìn đồng mà không chịu lấy lại tiền thừa. Những khách hàng có lòng hảo tâm như vậy đều được quán xin ghi lại đầy đủ tên. Số tiền thừa cũng được gom lại thành một quỹ chung. Số tiền kinh doanh và từ những người có lòng hảo tâm đều được dự định mang ra để dùng cho hoạt động từ thiện. Tết Quý Tỵ vừa qua, gia đình đã dùng số tiền có được gói bánh chưng và phân phát tới các nhà còn khó khăn để góp thêm phần mâm cỗ Tết đầy đủ hơn.

Không phải mời ăn phở miễn phí là dễ

Cũng như chúng tôi khi chưa tới tận nơi trò chuyện và quan sát, bên cạnh những người đồng cảm, có rất nhiều người nhìn quán phở gà với con mắt hoài nghi. Nhiều người tới ăn phở bình thường cũng ngập ngừng trước tấm biển đề phở miễn phí ngay trước cửa mặc dù trên biển có ghi rõ nội dung. Họ e ngại bởi “nhỡ ai thấy mình vào quán lại tưởng là khó khăn phải đi ăn phở miễn phí”.

Ngay cả những người có hoàn cảnh khó khăn có những người đã nhận phiếu nhưng không tới bởi tâm lý “ngại phải đi xin người khác”. Anh Trung nhìn xa xăm và nói những bát phở gà miễn phí là một hình thức chia sẻ chứ không phải ban ơn. Anh mong muốn có nhiều người hiểu hơn và không phải e ngại bất cứ điều gì nếu muốn ăn một bát phở miễn phí.

Nói về công việc kinh doanh tại quán phở, anh cho biết hiện tại công việc cũng tạm ổn, đủ để duy trì công việc chia sẻ phở miễn phí vào ngày chủ nhật một cách lâu dài. Nếu sau này càng nhiều khách ủng hộ chắc chắn những bát phở miễn phí sẽ càng được nhiều hơn. Khi đó phiếu ăn phở miễn phí không chỉ là 100 phiếu mà có thể làm 150-200 phiếu đi phát hoặc mở thêm 1 ngày ăn phở miễn phí khác trong tuần.  

Ngay giữa buổi trò chuyện của chúng tôi, có một cụ bà bước vào quán với chiếc phiếu trên tay. Chúng tôi không tới hỏi thăm cụ bà bởi sợ rằng mình sẽ vô tình khơi dậy tâm lý “đi xin” mà trong cuộc trò chuyện vừa nhắc tới. Chúng tôi chỉ im lặng và khẽ nhìn về phía cụ. Cụ bà ngồi nhìn bát phở còn bốc khói nghi ngút một lúc rồi mới cầm đũa thìa lên.

Nhìn cụ ăn mà ngay cả những người khách qua đường như chúng tôi còn cảm thấy ấm lòng. Lúc ấy tôi mới hiểu tại sao những người như anh Trung, anh Khánh, chị My lại mong muốn cửa hàng ngày một đông khách, không phải cho bản thân mình, mà còn dành cho những người khác xung quanh.

Khi biết về quán phở có bán phở miễn phí cho người nghèo, rất nhiều người cảm động. Anh Trọng Hùng (Cầu Giấy) nói: “Tôi rất xúc động khi biết tới những hành động tốt đẹp của quán phở ở Khương Trung. Đó là những hành động rất thiết thực. Kể cả nó là một chiêu PR trong kinh doanh thì nó cũng thực sự có tính nhân văn và tốt đẹp”.

Thậm chí có những người còn rơm rớm nước mắt như chị Ngọc Lan (Trung Hòa-Nhân Chính): “Đó thực sự là những tấm lòng đáng trân trọng. Mong rằng càng ngày càng có nhiều người có điều kiện làm được những việc tuyệt vời như thế.” Và cũng mượn lời chị, “xin chúc gia đình anh Trung, anh Khánh, chị My có thật nhiều sức khỏe, gặp nhiều may mắn và vững bước trên con đường mình đang đi”

Việt Linh
.
.
.