Cựu tù binh Phú Quốc - 40 năm chiến thắng trở về:

Sáng ngời nhân cách

Thứ Sáu, 06/12/2013, 16:04

Rất nhiều khán giả đã rơi nước mắt xúc động khi nghe những câu chuyện cảm động về tinh thần quả cảm, ý chí sắt đá, lòng yêu nước thiết tha của những người tù Cộng sản từng bị địch bắt, giam cầm, tù đày trong nhà lao Phú Quốc. Họ đã sống những ngày tháng đớn đau về thân xác nhưng "kiêu hãnh làm người cách mạng" ở nơi được mệnh danh là "địa ngục trần gian", nơi mà những đòn tra tấn của kẻ thù còn dã man, kinh khủng hơn cả thời trung cổ. Ý chí quật cường của những người tù Cộng sản thêm một lần minh chứng vì sao nhân dân Việt Nam có thể chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh nhất thế giới.

Cầu truyền hình "Cựu tù binh Phú Quốc - 40 năm chiến thắng trở về" do Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình ANTV phối hợp thực hiện. Chương trình cũng được truyền sóng trên nhiều đài truyền hình địa phương để nhân dân cả nước có thể lắng nghe những câu chuyện lay động lòng người của những người tù Cộng sản.

Ở hai điểm cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, có nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội... tới tham dự: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; Thượng tướng Bùi Văn Nam, ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Mai Quang Phấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; TS Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Chuẩn đô đốc Võ Văn Sở, Tư lệnh Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân; Chuẩn đô đốc Ngô Văn Phát, Chính ủy Bộ tư lệnh vùng 5 Hải quân; Trung tướng Trần Bá Thiều, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Bộ Công an; ông Phạm Bá Lữ, Trưởng ban liên lạc tù binh Việt Nam; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng, Tổng biên tập Truyền hình Công an nhân dân, đồng Trưởng ban tổ chức cầu truyền hình: "Cựu tù binh Phú Quốc - 40 năm chiến thắng trở về"...

Cũng tại hai điểm cầu, đông đảo các cựu tù binh Phú Quốc đã tới tham dự buổi giao lưu. Họ gặp lại sau nhiều tháng năm, cùng ôn lại những kỷ niệm những ngày kề vai sát cánh bên nhau cùng chiến đấu để đòi quyền được sống, quyền được tự do trong lao tù. Những câu chuyện tiếp nối những câu chuyện, những giọt nước mắt tiếp nối những giọt nước mắt.

Mừng vui ngày gặp lại, mừng vui được sống, chiến thắng và ngạo nghễ trở về, nhưng cũng ngậm ngùi khi nhắc đến những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại với đất đai, cây cỏ, cho quê hương có ngày độc lập, hòa bình. Những người lính trở về thời bình, ngực đỏ huy chương, nhưng họ cất huy chương dưới đáy ba lô và trở thành những con người bình dị nhất trong đời thường, tham gia kiến thiết, dựng xây đất nước với nhiều vai trò khác nhau. Họ viết tiếp những trang vẻ vang, kiêu hãnh về hình ảnh người Cộng sản kiên trung, sẵn sàng đương đầu và vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Khán phòng ở hai điểm cầu đã lặng đi xúc động khi nghe lại những câu chuyện từ chính những người tù Phú Quốc, những nhân chứng lịch sử kể lại. Đó là câu chuyện của cựu tù binh Nguyễn Trọng Lượng, từng bị kẻ thù giam cầm, đày đọa nhiều tháng năm trong nhà giam Phú Quốc. Ông đã chịu đựng những cực hình đau đớn nhất của kẻ thù.

Chúng tra tấn ông bằng roi, làm rách nát thịt da, chết đi sống lại nhiều lần. Ông đã tự tay xát muối ớt vào cơ thể bị đánh bầm dập của mình, tự tay cắm đinh vào đầu ngón tay, hơ trên ngọn đèn cồn mà "những chiếc đinh đỏ đến đâu thì thịt da trắng đến đó". Ông đã tự hành động như vậy thay vì để kẻ thù tra tấn ông, chỉ để nói rằng, những đớn đau về mặt thể xác không là gì so với tinh thần kiên trung, bất khuất của người cách mạng. Kẻ thù đã run sợ trước "ý chí thép" của những người tù yêu nước như ông. Hay một câu chuyện khác của cựu tù binh Vũ Văn Kim, người tự dùng dao rạch nhiều lần vào bụng mình để phản đối đế quốc Mỹ và yêu cầu chúng phải thực hiện những cam kết về tù binh.

Ký ức tiếp nối ký ức dội về trong tâm trí người tù Cộng sản năm nào: "Những ngày tháng đó ở Phú Quốc, anh em tù binh chúng tôi quằn quại trong đớn đau xác thịt. Kẻ thù có tới 40 kiểu tra tấn khác nhau, với nhiều nhục hình man rợ như thời trung cổ, chỉ để bắt chúng tôi khai ra những thông tin về cách mạng. Có đồng chí bị chúng trói rồi đưa vào bao tải, sau đó chúng từ từ giội nước sôi lên suốt hai tiếng đồng hồ. Có đồng chí bị đóng 9 chiếc đinh trên người, từ chân tới sọ não. Nhưng chúng tôi có thể chết, chứ không bao giờ run sợ. Những đòn roi tra tấn của kẻ thù chỉ làm chúng tôi thêm sức mạnh ý chí, phải sống và chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, vì ngày hòa bình trên quê hương. Trong tù chúng tôi vẫn tổ chức các lớp học để nâng cao trình độ văn hóa của anh em tù binh. Có người trình độ chỉ học hết cấp 2, nhưng sau này trở về trình độ có thể thi đỗ đại học, thi đỗ ngành Y và trở thành y tá, bác sĩ. Ngoài ra chúng tôi bí mật đào hầm để vượt ngục. Nhiều đồng chí đã thoát khỏi lao tù bởi những đường hầm bí mật như vậy".

Chiến tranh là một sự kiện đau thương nhất mà dân tộc Việt Nam phải đối mặt trong suốt thế kỷ 20. Để có được hòa bình, độc lập, rất nhiều máu xương của nhiều thế hệ đã đổ xuống. Những người tù Cộng sản Phú Quốc, họ chính là biểu tượng đẹp cho sức mạnh Việt Nam, ý chí Việt Nam. Không một nhục hình nào có thể làm tắt ngọn lửa sục sôi yêu nước thương nòi trong trái tim họ - những con người bình dị ra đi từ những làng quê nghèo khó nhưng tinh thần và ý chí luôn vững như thành đồng. Truyền thông thế giới khi viết về chiến tranh Việt Nam đã từng nhắc nhiều đến "địa ngục trần gian" Phú Quốc - nơi giam hãm những người tù Cộng sản, nơi những người tù vẫn đấu tranh không ngừng, dù không có súng đạn trong tay. Đó là cuộc đấu tranh bằng ý chí, bằng sự bền gan và tinh thần quả cảm vô song của mỗi người cách mạng. Nơi giam cầm thân xác ấy cũng chính là nơi mà khát vọng sống, khát vọng tự do, khát vọng hòa bình được thể hiện mạnh mẽ nhất. Những người tù không ngồi tù theo một nghĩa nào đó, họ vẫn luôn đoàn kết, tìm cách liên lạc với nhau, đấu tranh không ngừng, và tìm cách vượt ngục trở về sát cánh chiến đấu bên đồng đội thân yêu.

Những tù binh xúc động gặp lại nhau sau 40 năm.

Trở về đời thường, những người tù binh nay trở thành những nhà làm kinh tế giỏi, những giám đốc doanh nghiệp, những bác sĩ, kỹ sư, hay người tổ trưởng tổ dân phố, người gác nghĩa trang canh giấc ngủ bình yên cho đồng đội của mình. Cựu tù binh Trần Thanh Hải, nay là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc một doanh nghiệp có 500 công nhân chia sẻ, doanh nghiệp của ông là nơi đón nhận lao động là các con em cựu tù binh năm xưa và những người lao động nghèo để tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống cho họ. Ông hạnh phúc khi mình giúp đỡ được họ. Hay cựu tù binh Trần Huy Tánh, hơn 20 năm làm tổ trưởng tổ dân phố chỉ để hòa giải những khúc mắc trong đời sống thường nhật của bà con nơi mình sinh sống. Ông nói, hạnh phúc là khi được mang tâm huyết của mình cống hiến cho một công việc nào đó, dù nhỏ, để làm cho cuộc sống bình yên, tươi đẹp hơn...

Những người cựu tù binh đã nhiều lần đối mặt với cái chết, vượt qua cái chết để trở về. Họ là những người thấm thía hơn ai hết giá trị của tự do, của hòa bình. Họ chuyên cần như con ong mỗi ngày, trong những công việc thầm lặng, để làm đẹp hơn cho cuộc đời này, mà không cần phải được ai biết tới. Và, một cuộc gặp gỡ để cùng nghe lại những câu chuyện của ký ức, là cách để những người hôm nay tri ân và tôn vinh những người đã không tiếc xương máu, tuổi trẻ cho hòa bình của dân tộc. Có mặt trong buổi giao lưu ấm cúng và xúc động, rất nhiều bạn trẻ đã nghẹn ngào khi hình dung lại những đau thương tột bậc mà cha anh mình đã trải qua, đã trả giá cho hôm nay. Những người cựu tù binh, những người Cộng sản can trường sẵn sàng chết cho hòa bình trên quê hương sẽ truyền ngọn lửa ấm của mình cho tuổi trẻ hôm nay. Với tinh thần ấy, thế hệ trẻ sẽ tiếp nối những bước đi xứng đáng, để đóng góp công sức của mình vào công cuộc dựng xây, kiến thiết đất nước...

Trong thư của Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an gửi các cựu tù binh Phú Quốc có viết: "Nhà tù Phú Quốc là nơi giam cầm, đọa đầy, tra tấn vô cùng dã man và tàn độc hơn cả thời trung cổ đối với hơn 40.000 chiến sĩ cách mạng. Đây được coi là "địa ngục khiếp đảm chốn trần gian", gây ra cái chết thảm khốc của hơn 4.000 đồng chí và hàng chục nghìn đồng chí bị thương tật, tàn phế vĩnh viễn.

Trong những năm tháng bị giam cầm tại nhà tù Phúc Quốc, với ý chí kiên cường, đoàn kết, mưu trí và dũng cảm, các đồng chí tù binh Phú Quốc luôn một lòng một dạ kiên trung, bất khuất, giữ vững khí tiết cách mạng, vượt lên mọi hy sinh, đau đớn về thể xác và tinh thần, kiên quyết đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Hiện nay, trong số các cựu tù binh Phú Quốc, nhiều đồng chí là thương bệnh binh mang trong người đầy thương tật, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng vẫn luôn phát huy ý chí, nghị lực và phẩm chất cách mạng trong sáng, tích cực tham gia hoạt động xã hội và công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở địa phương.

Lực lượng Công an nhân dân bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú trên mọi miền đất nước đã gửi trọn tuổi thanh xuân vào đất mẹ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tôn vinh tinh thần kiên trung, bất khuất và những đóng góp to lớn của những cựu tù binh Việt Nam, trong đó có các cựu tù binh Phú Quốc đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc...".

Vũ Quỳnh
.
.
.