“Siêu thủ lĩnh” Nguyễn Thủy Tiên và những dự án Mạng lưới ung thư vú ở Việt Nam

Thứ Sáu, 09/01/2015, 08:00
Có lẽ câu chuyện chị Nguyễn Khánh Thương, một nữ giảng viên đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, sau khi đi du học về, chuẩn bị làm lễ cưới đã phát hiện ra mình bị mắc căn bệnh ung thư vú không còn xa lạ gì với độc giả. Sau khi biết mình bị mắc căn bệnh này, chị Nguyễn Khánh Thương đã không hề bế tắc, buồn nản, mà ngược lại, chị luôn luôn sống lạc quan và cũng từ đó, chị tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh và có những hoạt động tích cực cho nhiều người hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Chị đã lập ra "Mạng lưới ung thư vú Việt Nam" - Breast Cancer Network Vietnam (BCNV), là nơi để mọi người có thể tìm hiểu, chia sẻ về căn bệnh nan y này. 

Nguyễn Thủy Tiên có khuôn mặt giống hệt chị gái mình, mà nếu ai không tinh mắt sẽ rất dễ nhầm lẫn hai chị em. Trong cuộc thi chung kết “Siêu thủ lĩnh”, một chương trình của những người trẻ trên VTV6, Thủy Tiên đã nói về dự án của mình: "Tôi đến đây không kỳ vọng để chiến thắng, mà tôi muốn nhiều người biết đến dự án của mình hơn". Đó là những dấu hiệu, những khó khăn khi một người mắc bệnh ung thư vú phải trải qua. Và Thủy Tiên muốn mọi người biết đến dự án này, họ sẽ không gặp phải những khó khăn như chị gái Khánh Thương của Thủy Tiên đã gặp phải ở giai đoạn đầu tiên, khi hai chị em phải đi đến các bệnh viện khám và tìm hiểu về căn bệnh của mình.

Lý giải về sự ra đời của dự án, chị Nguyễn Thủy Tiên cho biết, do sự quá tải của các bệnh viện, cộng với sự tiếp nhận thông tin, hiểu biết về căn bệnh ung thư vú còn hạn chế, vì vậy người bệnh sẽ rất khó khăn khi chia sẻ, gặp gỡ và tìm kiếm sự giúp đỡ. Tổ chức ra đời để kết nối bệnh nhân với các chuyên gia và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về căn bệnh ung thư vú.

Đối với người phụ nữ, bộ ngực là một niềm kiêu hãnh, đó là phần đáng tự hào của phái đẹp. Rất không may cho những ai mắc căn bệnh nan y này. Vậy nên, đối với họ, điều đó thực sự là một sự bi quan và hụt hẫng. Hiểu được điều đó, chính chị Nguyễn Khánh Thương đã tạo ra một môi trường để những người mắc bệnh có thể trao đổi, chia sẻ và tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh mà mình mắc phải, giúp họ sống tốt hơn, lạc quan hơn.

Để giúp những người mắc bệnh có thêm sự tự tin, Tổ chức đã lập ra cho những người mắc bệnh nơi chia sẻ cũng như những sự trợ giúp từ phía tổ chức như Thư viện tóc giả (cho người bệnh mượn hoàn toàn miễn phí trong thời gian hóa trị); hay Thư viện ngực giả. Những bộ vú giả (bằng bông và len) được tặng miễn phí cho những người phẫu thuật đoản một hoặc hai bên, để chạy thử nghiệm. Ngoài ra còn có những lớp yoga dành riêng cho bệnh nhân ung thư vú để người bệnh nâng cao thể chất và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Các tình nguyện viên trong một chuyến phát động ngoài trời.

Một bệnh nhân khi được học yoga thường xuyên và miễn phí của chương trình đã viết như sau: "Yoga đã giúp cho chị cảm thấy tâm tĩnh lặng hơn trong mỗi động tác, cảm giác như tâm hồn được bay bổng mỗi khi hít thở sâu và thấy yêu cuộc sống đời thường này biết bao, như vứt bỏ được tất cả những phiền muộn để sống thật có ý nghĩa, yêu đời, hạnh phúc sau cơn bệnh ngặt nghèo đã quật ngã tâm hồn những bệnh nhân ung thư. Rất cảm ơn cô Như Ý, Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV), em Thủy Tiên - điều phối chương trình đã tổ chức một lớp học rất có ý nghĩa giúp cho chúng tôi vượt qua sự sợ hãi, hoang mang để tìm lại được chính mình. Mong sẽ có nhiều chương trình mới trong tương lai".

Thủy Tiên cho biết, BCNV trước tiên giúp bệnh nhân kết nối với các chuyên gia là bác sĩ, là những người có chuyên môn về y khoa, để họ có cơ hội trao đổi với bác sĩ những thông tin mà họ không có thời gian chia sẻ và đề cập khi điều trị tại bệnh viện. BCNV giúp bệnh nhân hiểu ra sự cần thiết của việc phải biết rõ tình trạng bệnh của mình, các chỉ số trong hồ sơ bệnh án. Nếu như họ không biết họ bị bệnh như thế nào, ở giai đoạn nào, phải sống như thế nào, chuẩn bị ra sao để đối mặt với ung thư vú, thì mãi mãi họ sẽ cứ sống trong sự sợ hãi. Nhưng nếu trang bị thông tin rõ ràng và đầy đủ, được hỗ trợ để cải thiện thể trạng (ví dụ như hoạt động yoga, bài tập phục hồi chức năng), được hỗ trợ làm đẹp như tóc giả, vú giả… người bệnh sẽ không thấy cánh cửa cuộc đời đóng sầm trước mặt mà sẽ tự tin, thấy yêu đời, thấy được cảm thông và thấy cuộc sống màu hồng, sống có ích. Đó chính là liều thuốc đi theo họ cả phần đời còn lại, chứ không phải viên thuốc tạm thời dứt cơn đau.

Năm 2013, BCNV mời được các nghệ sĩ tham gia làm đại sứ cho chương trình ''Ngày hội nơ hồng'', gồm: NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Hoàng Cúc (cũng từng là bệnh nhân ung thư vú đã điều trị thành công), Hoa hậu Ngô Phương Lan, Hoa hậu biển Nguyễn Thị Loan, nghệ sĩ piano Trang Trịnh và ca sĩ Thái Thùy Linh. Ở dự án này, các nghệ sĩ nổi tiếng tự nguyện chụp ảnh để tuyên truyền về căn bệnh ung thư vú và gửi đến một thông điệp cho mọi người: bộ ngực là tài sản quý giá của người phụ nữ. Mỗi chúng ta hãy hằng ngày lắng nghe cơ thể và chăm sóc bộ ngực của mình. Các nghệ sĩ, họ đều là những người nổi tiếng, có nhiều hoạt động hướng tới cộng đồng, trong đó cũng có những cá nhân không mệt mỏi đóng góp cho công việc này như chị Thái Thùy Linh, Hoa hậu Nguyễn Thị Loan, chị Trang Trịnh, NSƯT Chiều Xuân, bạn trẻ Quỳnh Trân. Họ giành được nhiều sự yêu mến và có sức ảnh hưởng tới các nhóm cộng đồng nhất định. Và khi tham gia làm đại sứ cho các chương trình của BCNV, đồng nghĩa với việc họ đều hiểu được sứ mệnh mà BCNV hướng tới và muốn chia sẻ, truyền tải những thông điệp ý nghĩa của mình tới cộng đồng để mọi người hiểu và quan tâm tới căn bệnh này hơn và tham gia để giúp đỡ những người đang phải đối mặt giành giật sự sống với căn bệnh này.

Sau 1 năm phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư vú, chị Khánh Thương đã không ngừng nỗ lực làm việc và tổ chức một sự kiện mang tên "Ngày hội nơ hồng", triển lãm những bức ảnh nhằm đưa đến thông điệp về căn bệnh ung thư vú ở Việt Nam. Khánh Thương tâm sự: "Nếu chiến dịch nơ hồng và ''Ngày hội nơ hồng'' của Mạng lưới ung thư vú Việt Nam ngày hôm nay, trong tháng này có thể chỉ giúp đỡ được 1 phụ nữ Việt Nam được phát hiện sớm ung thư vú, giúp cô ấy hiểu rằng cô ấy không đơn độc trong hành trình chiến đấu với ung thư, tôi có thể tự nói với mình rằng như vậy là chiến dịch đã thành công. Nhưng tôi là một phụ nữ, một bệnh nhân ung thư vú vô cùng tham vọng. Tôi muốn tổ chức của mình có khả năng giúp đỡ tất cả phụ nữ Việt Nam, giúp họ sống lâu hơn và có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi sẽ dành trọn thời gian còn lại của đời mình để làm việc đó và đặc biệt sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng"…

Phát biểu trong buổi triển lãm ảnh, chị Khánh Thương đã không giấu được sự xúc động của mình, và sự xúc động cũng biểu hiện ở tất cả những người tham dự chương trình, trong đó có mẹ đẻ của chị và người chồng ngoại quốc của chị.

Các nghệ sĩ tham gia chiến dịch tuyên truyền về căn bệnh ung thư vú, được tổ chức tháng 10/2014 tại TP HCM.

Tuy tổ chức đã hoạt động tích cực và mang lại rất nhiều hiệu quả, nhưng theo Thủy Tiên tâm sự, đã có nhiều lần cô đã muốn bỏ cuộc, đó là những khó khăn cô gặp phải mà nếu tự mình thì khó mà khắc phục. Đó là khi cô nhận thấy chị gái của mình đã phải chống chọi, chạy đua với thời gian. Nhưng vẫn gặp quá nhiều nghi kỵ và những lời bàn tán ác ý, thậm chí công khai lên tiếng chống đối. Cả những bạn tình nguyện viên cũng bị nghi kỵ, gièm pha… Và không phải người phụ nữ nào cũng sẵn sàng lộ diện, sẵn sàng chia sẻ câu chuyện của mình tới cộng đồng. Một phần họ gặp phải quá nhiều cái nhìn khắc nghiệt, gièm pha từ cộng đồng. Một phần vì người thân trong gia đình của họ không muốn thế. Một phần vì chính bản thân họ phải đối diện với quá nhiều nỗi sợ hãi trước khi có đủ sự tự tin để chia sẻ với cộng đồng.

Về trường hợp mình, Thủy Tiên tâm sự: "Từ lúc mà em cắt tóc để chuẩn bị cho chiến dịch, thì đi ra ngoài đường có nhiều người nghĩ em là người hư hỏng và ăn chơi lắm. Đi ra chợ, nhiều người đi qua nói vu vơ và bàn tán không hay về em. Hoặc khi em đi xe buýt, có bạn gái thấy em đang ngồi, ngước nhìn với ánh mắt có chút e dè và cố gắng ngồi ra thật xa… Em nghĩ nếu những người mắc ung thư vú nghe và gặp phải những tình huống như vậy, họ sẽ bị tổn thương ghê gớm lắm. Thế thì dễ gì mà họ chia sẻ, dễ gì mà họ công khai đầu tóc họ trông xấu xí để phải chịu những lời lẽ tổn thương thế…”.

Nói về cuộc thi "Siêu thủ lĩnh", một cuộc thi mà Thủy Tiên tham gia và được giải, cũng không ngoài mục đích quảng bá rộng rãi. ''Tham gia chương trình này, mới thấy các bạn trẻ đi làm cộng đồng nhiều lắm, ai cũng đầy ắp niềm tin yêu vào cuộc sống và những điều tốt đẹp và đặc biệt là toàn những bạn có "chiến tích" làm cộng đồng dày cả vài trang giấy. Còn em khi bắt đầu làm BCNV chỉ khi chị gái mình không may mắc ung thư vú, mà không hề gắn liền với niềm đam mê và máu lửa nào với hoạt động cộng đồng cả. Cuộc thi này giúp em học hỏi được nhiều từ phía các dự án tham gia, là cơ hội cho em gặp được nghệ sĩ piano Trang Trịnh (cũng là người em mời tham gia bộ ảnh năm 2013), một người chị cho em thấy sự thuần khiết và tinh thần cao đẹp của một nghệ sĩ làm cộng đồng - Thủy Tiên tâm sự.

Tháng 10/2014, BCNV lại tổ chức một chiến dịch mới mang tên ''Mạnh hơn nỗi sợ hãi'', lần này địa bàn là TP Hồ Chí Minh, cũng với sự tham gia của các nghệ sĩ tên tuổi và người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên Thanh Duy, Phương Anh Idol, Quỳnh Trân… Đồng thời còn trưng bày bộ ảnh của những phụ nữ đang chiến đấu với căn bệnh, gây sự xúc động cho người xem. Không ngoài mục đích, nâng cao sự hiểu biết, trong chiến dịch còn có hội thảo với các chuyên gia thời trang và các bác sĩ chuyên khoa về chọn và sử dụng áo ngực đúng cỡ, đúng kích thước. Đó thực sự là những kiến thức rất bổ ích, mà có phần đóng góp cả tâm và sức của cả hai chị em Nguyễn Khánh Thương và Nguyễn Thủy Tiên.

Khánh Linh
.
.
.