Sinh viên U80 và nàng Châu Long thời nay

Thứ Bảy, 07/06/2014, 09:00

“Hôm nào đó, đi ngoài đường, tôi nghe một nhóm học sinh vừa đạp xe, vừa nghêu ngao hát: “Một ngày, ta có một niềm vui/ Cùng bạn đạp xe đi đến trường/ Lắng nghe thầy dạy nhiều điều mới/ Thấy lòng náo nức với tương lai…”. Sao tôi thấy mình như trẻ lại, tôi muốn đi học quá”. Nghĩ vậy, lão học, học một mạch hết trung cấp rồi liên thông lên Trường Cao đẳng Nông lâm Bắc Giang và Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, mặc tuổi 71 kèm nhèm con mắt, nét chữ vẹo xiên…

“Nếu ông nội thi rớt thì sao?”

Đứa cháu mới học lớp 4 thường hỏi lão Lê Văn Xê như thế mỗi lần thấy lão cặm cụi học bài chuẩn bị cho kỳ thi cao học của Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh sắp tới. Lão cười hiền, xoa đầu cháu: “Thi rớt thì ông thi lại, đến khi nào đậu thì thôi cháu à”. Đó là câu lão tự dặn mình và căn dặn con cháu. Sự kiên trì, ham học đã biến lão nông chân đạp phèn, tay lấm bùn, quanh năm chỉ biết ruộng đồng sông nước kiêm thêm nghề kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật ở xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An trở thành tân cử nhân của Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh.

Nhiều lần, nhìn cụ già hom hem, mái tóc bạc trắng, đeo kính cận, lụ khụ ôm cặp bước vào lớp, các sinh viên cuống quýt đứng dậy chào vì tưởng là thầy giáo. Thấy cụ già không vào ngồi trên bục giảng viên mà chọn một bàn phía dưới lớp, ai cũng té ngửa rồi trố mắt ngạc nhiên: “Hóa ra bác là sinh viên? “Gần đất xa trời” rồi, bác đi học làm gì cho khổ thân?”. Lão cười hiền, kể: Thuở nhỏ, lão rất ham học nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, lão chỉ lấy được bằng tú tài hai (tương đương tốt nghiệp THPT bây giờ). Có bằng tú tài, lão xin đi dạy tiểu học. Năm 1973, lão thi đậu vào trường Quốc gia Hành chánh và ghi danh học ở hai trường đại học khác. Đang học năm thứ 3, đất nước giải phóng, do hoàn cảnh riêng, lão phải nghỉ học. Từ một thầy giáo, lão đành về nhà làm nông rồi bán thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng.

Khoảng năm 2000, nhà nước có thông báo “Cá nhân, đại lý muốn kinh doanh ngành bảo vệ thực vật phải có tối thiểu bằng trung cấp ngành trồng trọt - bảo vệ thực vật”, và thế là lão đi học để chuẩn hóa nghề nghiệp. Từ đó, lão trở thành học sinh của Trường Trung học và dạy nghề nông nghiệp và phát triển nông nghiệp Nam Bộ, nay là trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam Bộ. “Đi học tôi mới thấy biển học mênh mông quá. Càng học, tôi càng thấy mình dốt. Qua nhiều năm lo toan cuộc sống đến khi được đi học, hoài bão, khát vọng thời trẻ của mình lại bùng lên dữ dội”. Con đường từ nhà đến trường ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang cả đi và về gần 70km nhưng lão vẫn một mình trên con ngựa sắt ì ạch, ngày hai buổi đi về. Thấy lão cao tuổi nhất lớp lại đi học chăm chỉ, học đâu hiểu đấy nên mọi người bầu lão làm lớp phó học tập.

Ông lão Lê Văn Xê trong ngày tốt nghiệp đại học.

Không biết vi tính nên hễ làm luận văn, lão Lê Văn Xê phải viết tay rồi nhờ bạn bè đánh máy giùm. Lê Văn Xê nổi tiếng là “cụ sinh viên” chẳng bao giờ sử dụng “phao”  hoặc giở chiêu “quay cóp” trong giờ thi như nhiều sinh viên khác. Lão sẵn sàng thi rớt kệ ai đó nói ra nói vào. Đến kỳ thi, già cả, sức khỏe yếu nhưng lão luôn thức đến 11 giờ đêm, học đâu vào đấy mới đi ngủ. Cho nên khi nghe tin lớp phó bị kỷ luật, trừ 50% số điểm vì sử dụng tài liệu trong giờ thi học kỳ môn Kỹ thuật nông nghiệp, cả trường một phen chấn động.

“Cái bàn lúc đó rất khó viết mà tôi lại không đem theo cuốn tập trắng nào để kê cả. Vậy là mượn cô bạn bên cạnh tập vở để kê chứ không biết đó là tập vở chép môn này. Ai dè giám thị đi kiểm tra. Tôi đứng lên xin nhận kỷ luật nhưng giám thị  quyết định phạt cô sinh viên vì tội sử dụng tài liệu trong lớp. Cô này phản đối vì không dùng tài liệu, chỉ là cho người khác mượn. Tôi thấy cô nói đúng nên nói với giám thị cho tôi nhận lãnh trách nhiệm” – lão Xê kể nỗi oan của mình. Bài làm của lão được 8 điểm, bị trừ 50% còn 4 điểm, nhưng cộng với điểm số trước đó và chia đôi thì lão vẫn đủ điểm qua môn. Sau lần “nhận tội thay” ấy, cả trường ai cũng thầm nể phục lão. Gặp lão sau buổi tan lớp luyện thi cao học, la cà hàng quán mới thấy “cụ sinh viên” này hãy còn trẻ trung và ra chất sinh viên lắm: cũng nhà trọ, cũng cơm bụi, cũng xe buýt, cũng karaoke mỗi lần lớp liên hoan…

70 tuổi, lão tốt nghiệp đại học. Ngày lão mũ mão chỉnh tề, lên bục nhận bằng kỹ sư nông học Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, vắng mặt bà, vắng những lẵng hoa mừng chồng vinh quy bái tổ. Còn giờ này, người vợ tảo tần ấy vẫn tất bật với xe nước mía trước nhà, gom góp từng đồng cho “chàng sinh viên” của mình nuôi giấc mơ lên cao học…

Nàng Châu Long thời nay

Hôm chúng tôi ghé thăm, chỉ có một mình bà Nguyễn Thị Bê (70 tuổi) ở nhà. 13 năm chồng đi học, cảnh nhà quạnh quẽ. Năm đứa con tốt nghiệp cử nhân, đều có sự nghiệp thành đạt trên thành phố. Thương vợ thui thủi một mình nên dù đường sá xa xôi, lão vẫn đều đều hai lượt sớm tối đến trường – về nhà. Như chiều nay trời đang đổ cơn giông, lão vẫn sốt ruột bắt xe buýt từ TP Hồ Chí Minh về quê. Lão biết, có lão, bà vui, bà đỡ khóc thầm. Về với bà, lão ba hoa kể đủ chuyện trên lớp, hôm nay đề khó như thế nào, thầy dạy có dễ hiểu không... Bà ngồi nghe, thích thú với những điều mới mà chồng mình học. “Mấy bữa nay, ổng hay than: “Chuyến này chắc tôi rớt bà ơi. Mấy môn Xác suất thống kê và Tiếng Anh khó quá”. Tui hỏi nếu rớt thì sao, ổng liền cười xòa: “Thi lại chớ sao. Khó thì ôn tập lại, mình tự học là chính rồi nhờ mấy đứa sinh viên kèm giùm cho. Học đến khi nào không còn sức nữa mới thôi”. Tui nghe mà lo quá, sức khỏe ổng dạo này yếu nhiều rồi” – bà Bê tâm sự.

“Cụ sinh viên” Lê Văn Xê và các học viên ôn thi lớp cao học.

 Ngày ấy, cô giáo Bê nổi tiếng xinh đẹp nhất làng. Để lọt vào mắt xanh của Bê, thầy giáo Xê phải vượt qua hàng tá anh chàng đẹp trai vây quanh cô. Những vần thơ, cánh thư tình đầy mộc mạc của anh giáo nghèo vẽ nên một chuyện tình như mộng. Rồi họ nên duyên vợ chồng. Ngày lão học xong trung cấp, đòi học lên nữa, bà đâm hoảng. Tiền đâu mà học, sức đâu mà học? Nhưng thương chồng, bà không nỡ bắt lão ở nhà. Bán nước mía, nước ngọt, áo mưa… dầm dề dưới cái nắng cái mưa với xe đẩy ngoài đường, mỗi ngày, bà chỉ lời khoảng 50-100 nghìn đồng. Kiếm được bao nhiêu bà gom góp cho chồng ăn học rồi tất tả quán xuyến việc nhà. Kỳ thi, bà dậy thật sớm để đồ xôi, nấu chè đỗ rồi cẩn thận bỏ vào ba lô cho chồng, mong chồng đỗ đạt.

Một đêm mưa, gió tạt tơi bời. Kim đồng hồ chỉ 9 giờ tối. Lão đi học chưa về. Bà cứ vô ra ngóng trông, lòng nóng như lửa đốt. Rồi ánh đèn Honda rọi trước ngõ. Bà ào ra, mặc kệ mưa thốc trên đầu. Thấy khuôn mặt tái nhợt của chồng ướt mèm dưới tấm áo mưa tả tơi, bà òa khóc, nước mắt hòa lẫn trong mưa. Sau đận ấy, bà ốm liệt giường.

Có lần lão bị té, đầu gối sưng to, không đi lại được. Bà Bê lặn lội vượt 35km đến trường gặp lớp trưởng để… xin phép cho chồng nghỉ học. Thấy vậy, ai cũng lắc đầu chê bà gàn dở. Bà cười: “Tui biết chỉ cần gọi điện thoại cho lớp trưởng để xin phép nghỉ học là xong. Nhưng làm vậy đâu có được, ổng biểu với tui làm vậy là không tôn trọng người ta”. Nghỉ học được vài hôm, lão nằng nặc đòi đi học lại. Thấy lão tập tễnh, bà quýnh quáng tìm chỗ cho lão ở trọ gần trường. Rồi ngày ngày bắt xe ôm mang cơm lên cho lão. Ở được dăm hôm, thấy chân đỡ đỡ là lão lại đòi chạy xe máy đi đi về về. Bà nghe mà ứa nước mắt, bởi biết lão thương vợ ở nhà cun cút một mình. Những câu hát mà lão ngẫu hứng sáng tác tặng bà vẫn được lưu giữ trong cuốn sổ nhỏ: “Về đến nhà/ Vợ đứng chờ/ Nơi ngưỡng cửa/ Tay cầm búa/ Đang chẻ củi/ Rơi xuống đất/ Đặt nụ hôn/ Trên đôi môi/ Đặt nụ hôn/ Vào bờ môi/ Bao nhọc nhằn/ Của một ngày/ Tan biến đi/ Hạnh phúc ta/ Có ai hơn?...”.

Nhìn bà Bê tất bật với xe nước mía đầu đường, tôi cứ ngỡ đó là hình ảnh của nàng Châu Long năm xưa bên quán gấm đầu làng nuôi chồng ăn học. “Không biết ngày xưa nàng Châu Long nuôi Lưu Bình ăn học ra sao. Nhưng không có sự hy sinh của “nàng Châu Long của tôi” thì tôi không có như ngày hôm nay” – nói rồi, lão ôm ba lô lò dò lên xe buýt theo tay dìu của người lơ xe. Chiếc xe lăn bánh hướng về nơi có người vợ đang tảo tần sớm hôm…

Sơn Mai
.
.
.