Sự lạc quan của ông lão sống trong căn nhà 2m2

Thứ Hai, 14/05/2018, 07:00
Hà Nội vào hè, nắng nóng, bụi bặm càng khiến cuộc sống của thành phố trở nên xô bồ hơn trước. Cũng trong cuộc chạy đua với thời gian, với cơm áo gạo tiền ấy của những con người Thủ đô, có một ông già 70 tuổi vẫn sống lạc quan một cách kì lạ. 

Chỉ cần nhìn vào căn nhà rộng 2m2, sâu trong ngõ nhỏ, không cửa, không nước và thiếu thốn ánh sáng là đủ thấy được sự… lạc quan của ông. Bởi lẽ, cuộc sống như vậy đã kéo dài được 20 năm…

Bé nhỏ đến khó tin

Căn nhà của ông Chu Văn Cao (71 tuổi) nằm trên phố Thuốc Bắc (phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Với diện tích 2m2, có lẽ nên xếp căn nhà này vào danh sách những căn nhà nhỏ nhất Hà Nội. Với diện tích đó, lẽ dĩ nhiên tiện ích đi kèm cũng không có bao nhiêu. 

Như đã nói, căn nhà này không có cửa, không có nước, không có chỗ nấu ăn, không nhà vệ sinh và ánh sáng luôn trong tình trạng le lói. Chiều dài căn nhà chỉ khoảng 2m, rộng 1m và chiều cao chưa đầy 1,4m. Với những người bình thường, muốn vào nhà ông Cao chỉ còn cách đi lom khom, cúi đầu và cũng không thể vào trong bởi căn nhà này như chỉ để cho mình ông sinh sống.

Ông Cao đọc báo trong căn phòng 2m2.

Thế nhưng khi nghe ông Cao kể, quả thật vô cùng bất ngờ khi được biết cách đây không lâu, căn nhà này là nơi sinh hoạt của 2 người đàn ông trưởng thành. Ông Cao cười, nói: “Căn nhà này không có chỗ thông gió, như cái hầm được xây bằng xi măng, nhưng toàn bộ tường gạch nhà tôi đã cũ lắm rồi. Mùa hè đến, nóng không chịu được nhưng mùa đông thì lại lạnh co ro. Ngoài tôi ra thì còn đứa con sống cùng, như vậy là mỗi người được 1m2 đất”.

Quả thực, nghe giọng nói hết sức lạc quan của ông cụ 70 này, chúng tôi vẫn không thể hiểu nổi sao có thể sống ở một nơi tồi tàn, thiếu tiện nghi sinh hoạt như thế này trong suốt 20 năm trời. Ông Cao nói rằng, ở đâu quen đó, thiếu thốn đến mấy rồi cũng thành quen, tự con người có thể thích nghi được. Điều đó như nói lên sức mạnh sinh tồn của con người, khi bị đẩy vào một hoàn cảnh sống vô cùng khắc nghiệt nhưng vẫn có thể chống chọi một cách vô tư. 

Ông Cao nói tiếp: “Do nhà không có cửa sổ, chẳng thông được đi đâu ngoài cái ngõ đi ra đi vào nên tôi nối dây điện từ nhà khác sang để cắm đèn lấy ánh sáng. Có điện, tôi sắm thêm cái quạt cho mát, nhà vệ sinh thì dùng tạm ở nhà vệ sinh công cộng ngoài đường. Ăn uống thì ăn cơm bụi, ăn đồ linh tinh ngoài đường. Như thế cũng đủ sống qua ngày, còn căn nhà này cũng chỉ là một chỗ ngủ thôi”.

Con đường nhỏ hẹp vào nhà ông Cao.

Ông Cao còn cho biết, do hay đi làm xa nên thi thoảng con trai ông mới trở về nhà. Dù căn nhà bé như vậy, con trai ông Cao vẫn không hề ngại ngùng, chê trách bởi đã sống với bố ở căn nhà này từ khi còn bé. Phía bên trong của căn nhà siêu nhỏ được được bày biện, sắp xếp hết sức ngăn nắp. 

Bởi lẽ, đâu thể bừa bộn được với căn nhà diện tích chỉ 2m2. Trên tường, quần áo được treo cẩn thận, phân biệt rõ ràng, ở “giữa nhà” có một chiếc chiếu ngủ và các đồ vật linh tinh để xung quanh. Và rồi chúng tôi tưởng tượng được cảnh, hai cha con nằm nghiêng, co ro trong căn nhà cũ kĩ để ngủ giấc ngủ êm đềm sau một ngày làm việc mệt mỏi.

Sống được nhờ lạc quan

Trong căn nhà nhỏ, ông Cao chậm rãi kể về cuộc đời mình, có thăng trầm, mất mát nhưng giọng kể của ông luôn chất chứa sự lạc quan. Theo lời kể, ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là con của một gia đình khá giả, có của ăn của để. Thuở nhỏ, ông từng được đi học và là một người giỏi tiếng Pháp, giống như bao nhiêu con em của các hộ gia đình giàu có. 

Đến thời kháng chiến, ông Cao xin làm công nhân tại các xí nghiệp của Nhà nước, được đi công tác ở nhiều tỉnh, thành và bén duyên với nghề giáo viên. Có lẽ vì thế, trong căn nhà này, ngoài những vật dụng cá nhân thì thứ có nhiều nhất đó chính là sách. 70 tuổi, ông Cao vẫn giữ cho mình một thói quen hết sức văn minh, đó là thường xuyên đọc sách, báo và tiếp nhận thông tin mới. 

Ông đọc vào tất cả những lúc rảnh rỗi, dưới ánh đèn lờ mờ của bóng đèn và sự khắc nghiệt của thời tiết. Ông tâm sự, có lẽ chẳng có gì trong căn nhà này khiến ông quý trọng hơn những quyển sách, đó cũng là một cách khiến cuộc sống của ông có thêm gia vị, thêm lạc quan.

Tiếp tục câu chuyện về cuộc đời, ông Cao kể rằng, do đam mê với công việc nên không đoái hoài chuyện gia đình. Chính vì thế mà đến tận năm 40 tuổi, ông về hưu trong một đợt tinh giản biên chế của cơ quan và kết hôn với bà Sinh. 5 năm hôn nhân, 5 năm cãi vã và mâu thuẫn. 

Ly dị, đó là sự tất yếu của cuộc hôn nhân này và vợ ông cùng con gái về quê sinh sống, ông Cao cùng con trai ở lại Hà Nội, tiếp tục chịu đựng sóng gió cuộc đời. Với số nợ đang dồn lên vai, ông  đành phải bán đi căn nhà nhỏ gắn bó với ông biết bao nhiêu năm trời và chuyển đến căn nhà 2m2 được nhắc đến ở trên.

Khi chuyển đến căn nhà này ở, ông Cao cũng nhận được nhiều câu hỏi, thắc mắc bởi không ai có thể tưởng tượng được, cuộc sống sẽ diễn ra như thế nào. Nói đến chuyện này, ông Cao cho biết: “Nhiều người hỏi lắm chứ, hỏi ở thế này thì ở thế nào, một người ở không xong đây còn hai bố con, nhà đấy vừa bí, vừa nóng ở sao được… 

Nghe họ hỏi, tôi cũng chỉ cười và trả lời thành thật với lòng mình, đó là ở đâu quen đó, đầy người còn không có nhà, khổ hơn cả bố con tôi nhưng họ vẫn sống được. Vậy có lí gì chúng tôi không sống được trong căn nhà này, do tâm lý mỗi người thôi”.

Ông nói rằng, lúc còn trẻ, nuôi nhiều hoài bão nên cũng không nghĩ đến khi về già mình sẽ lâm vào hoàn cảnh này. Nếu có thể giải thích thì chỉ có thể nhắc đến nhân – quả, không phải kiếp này thì là kiếp trước, đó là những gì ông ngẫm được trong những ngày sống một mình trong căn nhà nhỏ này. 

Đồ đạc trong căn phòng rất gọn gàng.

Và đó có lẽ cũng là cách giải thích duy nhất cho cuộc đời người đàn ông khốn khổ này. Bởi cuộc đời ông chỉ biết làm ăn lương thiện, không buôn bán lừa lọc, không bia rượu cờ bạc nhưng cuối cùng lại nợ nần tới nỗi khuynh gia bại sản. Nếu hoàn cảnh của ông rơi vào người khác, có thể kết quả cũng đã khác đi. Có thể buồn chán, đau khổ hay thậm chí là kết thúc cuộc đời, nhưng với ông Cao thì không. 

Bởi ông sống với sự lạc quan, biết chấp nhận hiện thực và không kêu ca số phận. Dù đã 70 tuổi, nhưng ông vẫn luôn nghĩ rằng, rồi tương lai sẽ khác, nếu không phải tương lai của ông thì là của cậu con trai, đó cũng là nhân – quả.

Nói về tương lai của con trai, ông Cao cười, bảo: “Mỗi người có một cuộc sống riêng, tôi giúp được con đến đâu thì giúp và tôi cảm thấy sống thật tốt, là một người tốt cũng giúp cho con rồi. Từ nhỏ, con tôi cũng hiểu rõ điều này nên ít khi đòi hỏi gì ở bố. Việc vươn lên, thoát khỏi cảnh nghèo khó này do chính đôi bàn tay, do cách sống của nó quyết định”.

Suy nghĩ như thế nên trong cuộc sống đầy khó khăn và thiếu thốn của mình, ông không mong nhận được sự giúp đỡ của bất kì ai mà tự mình vật lộn với cuộc đời. Những con người như thế, lại khiến người ta thương cảm hơn là những người chỉ biết ngửa tay cầu xin. 

Chính vì thế, trên con phố này, không ai mà không biết đến ông cụ 70 tuổi này và luôn tìm cách để giúp đỡ ông. Cách đây hơn chục năm, thương cho hoàn cảnh gà trống nuôi con của ông Cao, người dân phố Thuốc Bắc đã tự vận động nhau để quyên góp tiền giúp ông phẫu thuật thủy tinh thể.

Để có cái ăn sống qua ngày, ông Cao làm việc không lương cho một số quán cà phê trên phố Hàng Phèn. Tuổi đã cao, lại được mọi người quý mến nên các chủ quán thường giao cho ông Cao làm những công việc lặt vặt như giao hàng, mua đồ. 

Chủ một quán cà phê cho biết: “Ông Cao làm ở đây lâu rồi nhưng không bao giờ đòi hỏi lương, khi nào ông ấy cần thì chúng tôi giúp, bằng tiền hoặc bằng hiện vật. Ngoài cửa hàng của tôi, ông Cao thi thoảng phụ giúp một số quán khác, ai cũng quý cũng thương vì tính tình ông vui vẻ hòa nhã, sống lạc quan yêu đời”.

Ông Cao nói, mình sống đơn giản, bằng lòng với cuộc sống của mình nên khó khăn mấy cũng không nản. Nhưng quan trọng nhất đó là phải sống thật tốt, không làm điều gì sai trái, cảm thấy vui và hạnh phúc với những việc mình làm.

Phong Trâm
.
.
.