Về cái chết của người thanh niên dũng cảm bắt cướp:

Tấm gương phản chiếu qua nhiều mặt

Thứ Bảy, 26/11/2011, 15:40

Đang uống cà phê chiều, tôi và mấy anh bạn lặng mình đi, có hai cô gái còn dùng khăn thấm nước mắt, buổi chiều thu mưa dầm gió bấc như sa xuống đè lên những mái nhà và cả đường phố vẫn đang còn ướt đẫm, buồn da diết… nhưng không phải vậy, hôm qua và cả chiều hôm kia nữa chúng tôi uống cà phê ngắm trời mưa buồn bã như một liên tưởng như người ta vẫn bảo, mùa thu là buổi chiều của cuộc đời, nhưng đúng một buổi chiều thu không có nắng mặt trời, cái chữ "chiều" đó vang lên nghe như hai lần "chiều" sao mà chạnh lòng.

Nhưng cái tin anh Phạm Văn Chính, người dũng cảm (26 tuổi) sống tại tổ dân phố Quyết Tiến, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội cách đây mấy ngày, chính xác 20h ngày 2/10/2011, trong khi quyết đuổi theo hai tên trộm đi xe Attila, anh đã đạp vào chiếc xe máy làm nó mất lái lao vào bãi cát, bị dồn vào đường cùng, tên ngồi sau xe liền rút súng bắn vào giữa trán anh Chính, sau đó mọi người liền đưa anh vào bệnh viện cấp cứu…

Nhiều người bạn và tôi đã thầm mừng rằng dù anh bị bắn vào giữa trán nghĩa là vào não mà không chết ngay, biết đâu đó chính là phép lạ, còn mở màn kéo dài thêm phép lạ tiếp diễn để anh được cứu sống… chúng tôi đã cầu nguyện mong Thượng Đế hãy cứu lấy anh… Nhưng cái tin "do vết thương quá nặng, anh Chính đã tử vong vào hồi 14h30 ngày 3/10" đăng tải trên báo mạng Dân Trí, làm cho hy vọng về phép lạ trong tim và trong óc của chúng tôi đã bị đóng sập cửa tuyệt đối và bất lực như một dấu chấm than cay nghiệt không cách nào thay đổi. Một dấu than nặng nề bất khả cưỡng như một hố đen địa ngục đè lên ngực.

Khuôn mặt ngây thơ của con trai anh Chính khiến chúng ta vô cùng đau xót.

Chúng tôi ngồi lặng đi, nỗi buồn chiều nay khác hẳn những chiều đã đi qua trước đó, bởi vì nỗi buồn trước chỉ là một nỗi buồn bảng lảng vô định về hình ảnh mưa giông tê buốt của buổi chiều thu đang lồng vào buổi chiều tuổi tác của cuộc đời, nó vô địa chỉ, nhưng buổi chiều nay với cái tin anh Chính chết trên giường bệnh là một nỗi buồn đau có địa chỉ, một địa chỉ rõ ràng kéo lê thê như một dãy xe tang dài dằng dặc mặc cho những vòng hoa xum xuê trên đó cũng không thể cứu vãn tâm hồn người ta khỏi nỗi buồn chết chóc và nỗi ám ảnh về sự thất bại tuyệt đối của đời người, đó là cái chết xóa sạch sành sanh sự hiện diện của con người trên mặt đất.

Nhưng nỗi buồn lo chết đó chẳng thấm thía vào đâu với cái chết của anh Chính hôm nay. Một cái chết không phải cái chết tự nhiên của sinh - lão - bệnh - tử, người ta có sinh thì có tử, mà đó là cái chết "cắt ngang" cuộc đời. Ai ? Cái gì? Thượng Đế toàn năng đã quyết định cái chết đó hay một tai nạn vô ý? Không, kẻ quyết định cắt ngang cuộc sống của anh Chính lại là thứ trộm gà trộm chó, những kẻ thật không có tư cách gì để quyết định vận mệnh của người khác.

Nỗi buồn có gánh nặng địa chỉ quá nặng nề ngang trái này làm chúng tôi suy sụp nhiều phút như không thể nào gượng dậy. Chính sự im lặng đó đã thổi bùng lên những lời thông điệp sau đó.

- Mình tưởng, sau phát súng vào giữa trán, anh Chính vẫn còn thở, đưa đến bệnh viện vẫn còn sống, là phép lạ đã mở màn rồi. Người ở hiền, người quên thân mình vì người khác, thì người đó khải gặp may chứ, ở hiền gặp lành mà?! Nhưng mà than ôi… - một anh bạn lên tiếng.

- Mình cũng nghĩ như cậu… - một người khác lên tiếng. - Nhưng trời ơi, định mệnh khắc nghiệt vẫn diễn ra thật bất khả kháng, con người nhỏ bé chúng ta làm sao xoay vần được…

Người đời vẫn nói: "Làm việc nghĩa chớ kể lợi hại, luận anh hùng chớ kể nên thua!" Đúng vậy, người còn suy nghĩ thiệt hơn thì làm sao có thể làm được việc từ thiện, tính toán có lãi ư đấy mới chỉ là người kinh doanh buôn bán, còn người làm từ thiện thì phải dốc túi của mình ra đem cho người khốn khó chứ.

Còn anh hùng? Anh hùng đâu phải chỉ có trong cuộc đấu tay đôi một - một, chiến thắng mang vòng nguyệt quế mới là anh hùng, trong khi đó anh hùng trượng nghĩa, thấy việc phải làm là làm bất kể tương quan lực lượng hay rủi ro thế nào, một người đánh trả cả một lũ cướp để cứu mọi người, anh đã ngã xuống để cho những người khác kịp thời chạy thoát, rồi một người bất kể rủi ro của đám cháy chạy vào cứu đứa trẻ đang nằm trong nôi, hay một cặp ông bà già từ chối hai chỗ trên xuồng bơi khỏi tầu Titanic nhường chỗ cho bất kỳ ai… họ đều là những anh hùng.

Xưa nay, đã có rất nhiều giấy bút luận về anh hùng. Người ta bàn rằng, anh hùng trong chiến trận ư, rất đáng được tôn vinh, trân trọng, đội vành nguyệt quế hay gắn huân chương, nhưng vẫn không bằng anh hùng trong phòng thí nghiệm và trong hòa bình. Tại sao? Vì con số anh hùng trong phòng thí nghiệm hay hòa bình không bằng một phần nghìn anh hùng trong chiến trận. Anh hùng trong chiến trận có cả một đội ngũ, có cả một dân tộc yểm trợ phía sau, họ xông lên nếu không hạ gục đối phương thì nó sẽ hạ gục mình, và tương quan thường chỉ là một chọi một, một chọi một rưỡi, còn khi tương quan một chọi hai là người ta đã tìm cách hòa đàm.

Nhưng anh hùng trong hòa bình thì một chọi khoảng một nghìn hay hơn nữa. Một người làm chứng trước tòa chẳng hạn, anh phải đối mặt với những ai? Kẻ cướp mafia ư? Không, liệu quan tòa có đứng về phía anh, nếu quan tòa bị kẻ xấu mua chuộc rồi thì sao? Rồi bọn mafia cử cả toán giết người chuyên nghiệp với súng, mã tấu, dao đến tìm giết anh, tương quan lực lượng sẽ là bao nhiêu? Còn phía quan tòa một khi đã bị mua chuộc, ông ta vận hành cả hệ thống nhà nước ra để chống lại một cá nhân, tương quan lực lượng là bao nhiêu?

Trong chiến tranh chiến hào hay đồn bốt của bên này chỉ là mục tiêu của phía bên kia, nhưng trong hòa bình, ngôi nhà của anh là hướng bắn từ bao nhiêu phía? Một khi ngay cả hệ thống thông tin bị sai lệch chĩa mũi dùi về phía anh, những người hàng xóm gần gũi nhất nghi kỵ anh, bạn bè, đồng nghiệp, ngay cả gia đình cũng nghi kỵ anh, như vậy mình anh phải đấu với bao nhiêu? Một cuộc chiến không tiếng súng mà ngay cả những con người đầy bản lĩnh như nữ nhà thơ, nhà văn nổi tiếng khắp nước Nga Tsvetaeva, bà đã tự tử sau khi không xin nổi một chân đầu bếp vì bị Tổ quốc nghi ngờ tội làm gián điệp…

Trong chiến tranh, lúc chiến đấu, khi hăng và khi căm giận cùng với sự say máu bất cần thăng hoa, không chém nó thì nó chém mình, người lính đôi khi quên cả sợ… nhưng trong hòa bình, không có bao giờ là lúc hăng hoặc say máu cả, thậm chí đối nghịch với cảnh dao súng, đâm chém, bắn giết, người khác vẫn đang ăn nhậu, vẫn người đẹp "cắp nách" kè kè bên cạnh, một bên là sự sống phù hoa, một bên là chết chóc… làm sao để quên sợ và quên chết đây?

Và vẫn có những con người hiếm hoi như anh Phạm Văn Chính, đang sống bình yên bên vợ con, đang hưởng chén trà tại hiên nhà người bạn, nghe tiếng tri hô đuổi bắt trộm, anh Chính đã lao ra đuổi bắt. Tại sao anh có thể bất chấp hiểm nguy, không cần nấn ná dù chỉ một giây, lao vào công việc nguy hiểm như vậy?

Người Mỹ có một câu nói rất đặc trưng và rất phổ biến, đến mức nó trở thành một thứ phương ngôn xuyên suốt cho quá trình lập hiến: Nếu bạn nhìn thấy ai bị hà hiếp mà bạn bỏ qua, thì sẽ đến ngày chính bạn bị hà hiếp. Nếu suy diễn thì câu nói đó còn có thể nói thêm thế này: Đến ngày bạn bị hà hiếp cũng sẽ bị người khác mặc kệ bỏ qua.

Người Việt cũng có một cách nói tương tự phê phán những kẻ theo chủ nghĩa "mắc kê nô" như "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" hoặc "đèn nhà ai nhà ấy rạng". Đấy là kiểu ích kỷ chỉ bo bo cho bản thân, còn việc khác không đụng đến mình thì mặc kệ. Nhưng tưởng mặc kệ mà nhàn thân ư, sẽ đến lúc những kẻ xấu thấy quá dễ dàng dọa nạt và tấn công người tốt, chúng sẽ tấn công cái người vô trách nhiệm cứ tưởng bở rằng mình được chúng chừa ra.

Qua sự kiện này, đã có rất nhiều ý kiến bình luận cho, nên thành lập những đội xung kích săn bắt cướp kể cả của từng phường hay khu phố, chớ để người dân phải tự giác nghiệp dư tay không xông vào bắt trộm cướp sẽ gặp rủi ro cao. Nghĩ thế là không đúng, vì không có sự nghiệp nào trọn vẹn và đầy đủ bằng sự nghiệp của toàn dân. Nghe tiếng kêu cứu, không có lực lượng nào nhanh bằng quần chúng tại chỗ tham gia trực tiếp vào. Quần chúng là một lực lượng mà bọn tội phạm hay kẻ xấu sợ nhất trên đời, một khi quần chúng không tham gia trực tiếp vào việc gìn giữ an ninh chung thử hỏi những tên tội phạm sẽ gối cao ngủ kỹ đến mức nào?!

Có một nhà văn Pháp đã nói: phiêu lưu không bao giờ là thừa hay sai cả. Chẳng hạn, người phiêu lưu chinh phục đỉnh núi hay vượt biển, ngay cả khi anh ta không thành công thì cuộc phiêu lưu đó vẫn mang giá trị anh hùng ca như thường bởi vì chính nó là một hành động băng qua những gì bình thường, vượt tới bất bình thường và đạt đến phi thường.

Trường hợp của anh Phạm Văn Chính cũng vậy, cho dù anh không còn sống sót nhưng chính anh là cối giã vỡ quẻ hạt thóc sự kiện ra, làm cho hai tên trộm đã từng ăn trộm của mọi người phải đi đến kết cục, từ tội ăn trộm để kiếm miếng ăn chúng đã phải đối đầu trước án giết người, đổi mạng sống mình lấy miếng ăn. Thêm nữa hành động anh hùng đó sẽ là tấm gương sáng cho tất cả mọi người. Có những cuộc sống dài nhưng đó là sự kéo dài kiểu thực vật, tuy sống lâu nhưng chết là hết. Có những cuộc sống ngắn ngủi nhưng lại kéo theo ý nghĩa của vĩnh cửu, người ta vẫn còn tồn tại lưu danh sau khi chết.

Cái chết anh hùng của anh Phạm Văn Chính trong hòa bình là một tấm gương sáng xả thân vì mọi người, vì lý tưởng bảo vệ con người, dù người đó không phải ruột dà máu thịt của mình, là một tình cảm vị tha (vì người khác) thật là đẹp. Những người hàng xóm phường anh sống rồi quận Hà Đông đã tổ chức quyên góp cho gia đình khó khăn của anh để đền ơn anh.

"Ngày 4/10, trao đổi với phóng viên Dân Việt, Đại tá Nguyễn Đức Chung - Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, sẽ tập trung lực lượng các quận, huyện lân cận để tham gia truy tìm thủ phạm. Công an Hà Nội sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho anh Phạm Văn Chính. Những tấm gương như anh Chính cần phải được tuyên dương. Cần phải có khích lệ và động viên tinh thần đối với những người dũng cảm, dám xả thân vì cộng đồng (H.P)".

Còn rất nhiều người cảm phục và tiếc thương anh nữa… Đó có phải bằng chứng cho một cuộc sống của anh vẫn tồn tại mãi mãi. Văn hào Dostoievski của Nga từng nói, cuộc sống có ý nghĩa nhất là sống trong tim trong óc mọi người. Anh Phạm Văn Chính không chỉ sống mà còn khắc sâu tấm gương anh hùng kiểu mẫu của mình trong lòng đồng bào của quê hương, đặc biệt với những ai luôn coi cuộc sống là sự hiệp thông ràng buộc lẫn nhau giữa cuộc đời

Hoàng – Đức
.
.
.