Tấm lòng của một thầy hiệu trưởng

Thứ Năm, 03/03/2016, 08:04
Khi màn đêm đặc quánh, vạn vật tĩnh lặng cũng là lúc thầy giáo Hà Mạnh Quyết, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Dân (huyện Mai châu, tỉnh Hòa Bình) cùng các đồng nghiệp lại lặng lẽ xuống lòng hồ kéo vó bắt cá. Và đến 5h sáng, các thầy lại cất vó thêm lần nữa. Gần chục năm nay đêm nào cũng đều đặn 2 lần như thế. Khi tiếng trống trường vang lên cũng là lúc những mớ cá tép tươi được đưa vào bếp ăn của học sinh nội trú.


Xót xa nhìn bữa ăn đạm bạc của học trò

Mùa nào cũng vậy, đến được xã Tân Dân (Mai Châu, Hòa Bình) là một thử thách với bất kỳ ai, kể cả người bản địa. Hàng trăm khúc cua tay áo, hàng chục con dốc trơn trượt, rồi chưa kể đá lở chắn ngang đường. Có lẽ vì thế cái nghèo, cái đói vẫn còn bám riết người dân nơi đây.

Chẳng phải nói cũng hiểu, con đường tìm đến cái chữ của học sinh Tân Dân khó khăn thế nào. Cách trở là thế, nhưng câu chuyện về tình người, tình thầy trò của thầy giáo Hà Mạnh Quyết lại được khắp núi rừng truyền tai nhau. Là Hiệu trưởng nhưng thầy Quyết luôn coi học sinh như con của mình.

Năm 2009 thầy được Phòng Giáo dục huyện Mai Châu cử về tiếp quản Trường THCS Tân Dân. Khi ấy trường vẫn còn hoang sơ, lớp học chủ yếu vẫn là những ngôi nhà mái lá do phụ huynh tự dựng, học sinh thưa thớt. Địa bàn lại xa, các em vượt cả chục cây số mới đến được trường, thậm chí có em phải đi thuyền cả tiếng mới sang được lớp. Thầy Quyết còn nhớ như in những ngày đầu ở vị trí mới, thầy phải lặn lội vượt từng con suối, từng quả núi đến tận nhà để động viên các em tới trường. Cứ như thế, trường ngày một đông lên, học sinh ngày dần ham học.

Mong muốn bữa cơm có thịt cá của thầy Hà Mạnh Quyết đang trở thành hiện thực.

Thầy kể: "Do nhà xa các em đa số phải ở bán trú, cuối tuần mới đi bộ về thăm nhà được. Dù được nhà nước hỗ trợ nhưng điều kiện vật chất của các em vẫn còn khó khăn lắm. Dạy chữ các em thôi chưa đủ, phải ăn cùng, ngủ cùng, động viên các em nữa".

Theo quy định hiện hành về hỗ trợ học sinh vùng sâu, các em nhà ở cách trường từ 7km trở lên được ở nội trú và mỗi em được cấp 460.000 đồng/tháng tiền ăn. Số tiền này nhà trường chuyển hết cho phụ huynh, cứ hàng tuần các em lại về nhà lấy gạo và chút đồ mang theo lên trường, tự tổ chức nấu ăn theo từng nhóm. Với mức hỗ trợ đó mỗi em có khoảng 15.000 đồng/ngày tiền ăn. Số tiền này rất khó để đảm bảo cho các em đang tuổi ăn tuổi lớn, chưa kể nhiều trường hợp số trợ cấp ít ỏi đó còn phải cứu đói cho gia đình mùa giáp hạt.

Thầy Quyết buồn buồn chia sẻ: "Cũng nhiều chuyện bất cập lắm. Nhiều em nhà cách trường chưa đầy 7km thì không được hỗ trợ, có khi còn phải đóng học phí. Ngày nào cũng phải cuốc bộ 5-6km". Nhìn vào bữa ăn của học trò, thầy Quyết nhiều lần không kìm được nước mắt. Thầy quyết định đêm xuống sẽ làm "ngư phủ" để cải thiện bữa ăn cho các trò. 23h khuya, khi những trang giáo án gấp lại cũng là lúc thầy Quyết cùng các đồng nghiệp lặng lẽ xuống lòng hồ kéo vó kiếm cá cho học trò.

Thầy kể, đêm nào cũng 2 lần, khoảng 23h và 5 giờ sáng là các thầy đi cất vó kiếm cá. Cá kiếm được dù to hay nhỏ sẽ được chuyển về bếp của nhà trường, sau đó chia cho các em học sinh cải thiện bữa ăn hằng ngày. Thầy giáo dạy sử, Vi Văn Kiểu (sinh năm 1965), thường ngày là tay dao tay thớt, hướng dẫn các em nhỏ mổ cá, chế biến. Thầy được mệnh danh là "trợ lý bếp núc" và "thư ký kéo vó" cho thầy Hiệu trưởng.

Đêm nào các thầy tại trường cũng hai lần đi kéo cá cải thiện cho các em học sinh.

Thầy Kiểu cười hiền hậu: "Thời tiết lạnh, lại có gió thường được rất ít cá. Được nhiều hay được ít chúng tôi vẫn làm, cũng chỉ mong các em có thêm món tươi cải thiện bữa ăn hằng ngày". Chiếc vó mà thầy trò dùng để bắt cá được mua lại của dân chài lưới bên kia hồ, thuộc xã Tiền Phong (huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) với giá 6 triệu đồng. Vó này được làm từ thân luồng ghép dọc theo khung sắt với tấm lưới rộng được kéo bằng tời tay, phía trên mắc bóng đèn để dụ cá. Gần đây, để tăng thêm đồ tươi cho các em nhà trường đã quyết định đầu tư thêm một chiếc vó bè nữa.

"Vó bè này được đầu tư từ tiền bán cá. Những con cá lớn, hoặc cá đánh được nhiều chúng tôi bán đi tích cóp lại và mua" - thầy Quyết nói. Để ổn định và chủ động nguồn thức ăn cho trường, nhà trường đang triển khai nuôi cá lồng, bên cạnh việc phát triển đàn gà, đàn lợn. Thực tế người dân khu vực lòng hồ thuộc xã Tân Dân đã có nhiều hộ đóng lồng tre, luồng để nuôi trê lai, trắm cỏ… Thầy Quyết cho biết: "Chi phí cho mỗi lồng cá khoảng 2 đến 3 triệu đồng. Khó nhất là mỗi năm 2 lần theo mùa mưa nắng, mỗi khi nước lòng hồ chuyển từ đục sang trong, hoặc ngược lại, cá nuôi trong lồng rất dễ chết. Chính vì thế chúng tôi đang nghiên cứu kỹ để nuôi sao cho hiệu quả".

Bếp ăn của Trường THCS Tân Dân được nổi lửa từ khi đêm đen còn chưa loãng, để kịp nấu mớ cá vừa bắt còn tươi rói xong trước giờ vào lớp. Ngồi bên bếp than hồng cô Hiệu phó Vi Thị Hương Giang nghẹn ngào: "Các em ở đây người bé lắm, ăn uống thiếu chất làm sao mà lớn được. Học cấp 2 còn đỡ, nay mai lên cấp 3 rồi sao mà có sức học! Lên lớp 10 các em phải qua đò sang bên kia lòng hồ, sau đó vượt tiếp gần 10 cây số đường núi để đến học nhờ trường của huyện Đà Bắc. Nếu học đúng tuyến các em phải đi đường núi vòng vèo gần 60km".

Ao ước có thể cho học trò nhiều hơn thế

Đến ngôi trường miền núi này điều khiến chúng tôi bất ngờ không phải vì hoàn cảnh khó khăn, mà là sự lễ phép và sự tự giác của các em. Nơi đây thực sự trở thành ngôi nhà thứ 2 của chúng, thầy và trò sống với nhau như những người ruột thịt. Họ cùng nấu cơm, cùng lên lớp rồi ngủ cùng một giường. Thầy Quyết kể, vất nhất là mỗi lần tiếp nhận các em vừa từ cấp 1 lên cấp 2.

Ở trường các em sống như một gia đình.

Một đứa trẻ mới 11 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, xa bố mẹ, có khi quần áo còn chưa biết đường gấp nay lại phải sống tự lập. Khi đó thầy cô chủ nhiệm đóng vai trò là những người cha, người mẹ thực sự. Các thầy uốn nắn từng li từng tí để các em có thể sống tự lập, nào là giặt quần áo, nào gấp quần áo, rồi đến nấu cơm, mổ cá. Đặc biệt hơn, gần như 100% các em từ núi cao xuống trường học nên đều không em nào biết bơi, trong khi trường lại gần hồ. Công việc đầu tiên của các thầy cô chủ nhiệm là phải dạy cho các em bơi thuần thục để tránh nguy hiểm.

Thầy Quyết kể: "Vào đầu năm học, chúng tôi thường bớt ra 2 tháng để dạy các cháu bơi. Cứ cho các em vào vó kéo cá, nâng vó lên sau đó hướng dẫn từng động tác một. Không kể cô hay thầy, tất cả đều phải dạy các em tập bơi hết". Cứ như vậy, 100% học sinh của trường THCS Tân Dân đều biết bơi. Bên cạnh thành tích học tập của các em, điều khiến các thầy cô ở đây vui nhất là khi các em trở về nhà bố mẹ thấy được sự tiến bộ, thấy được tính tự lập của các em.

Cô Giang vui vẻ kể: "Các em trở về nhà đã biết nấu cơm, giặt quần áo, tự lo cho bản thân được rồi. Nhiều phụ huynh chia sẻ với chúng tôi, các em không chỉ biết nấu cơm thông thường mà còn biết kho cá, nấu cá sao cho ngon, cho thơm".

Không chỉ lo cho các em từ cái ăn cái mặc, thầy Quyết còn rất quan tâm đến hoàn cảnh gia đình từng em. Như trường hợp của em Đinh Văn An, học sinh lớp 8 của trường. An là cậu bé thuộc diện còi cọc nhất trường nhưng lại là một trong những học sinh giỏi nhất. An sống trên một quả núi cách trường khoảng 6km, bố mất sớm do ung thư. Hai mẹ con phải dựa vào nhau mà sống, đã có lúc vì hoàn cảnh tưởng như An phải bỏ học để giúp mẹ ruộng nương. Nhưng được sự động viên và hỗ trợ hết lòng của các thầy cô, An đã cố gắng theo học.

Một giờ ra chơi của các học sinh Trường THCS Tân Dân.

An là học sinh giỏi toàn diện, mỗi khi có đợt thi học sinh giỏi cấp huyện thầy cô nào cũng muốn An vào đội tuyển của mình đi dự thi. Thầy Quyết kể: "Tôi động viên em rất nhiều, tôi bảo em thích môn toán nhất thì cứ theo môn toán. Năm vừa rồi em đạt học sinh giỏi môn toán cấp huyện đấy. Đây là niềm tự hào cho cả trường".

Để động viên An, thầy Quyết đã nảy ra ý tưởng tặng em 1 con lợn giống sau khi đạt học sinh giỏi cấp huyện. Khi tặng lợn, thầy Quyết có nói: "Thầy tặng em con lợn giống này, em mang về nuôi, còn 1 năm nữa thôi là em lên lớp 10 rồi, lúc đó cần nhiều tiền để học hơn. Nếu em thương mẹ và quyết tâm học thì hãy nuôi con lợn này nhé". Khi cho An con lợn, thầy Quyết ra một điều kiện, khi lợn đẻ phải trả lại thầy một con. Từ con lợn của An, thầy Quyết sẽ trao cho một em học sinh khác học giỏi… Cứ như vậy mô hình này sẽ nhân rộng ra.

Mặt trời đã lặn sau núi, sau giờ học vất vả, thầy trò lại cùng nhau vào bếp. Những niêu cá nhỏ chứa chất bao nghĩa tình thơm nghi ngút bên nồi cơm mới chín. Rồi chúng sẽ khôn lớn, những thế hệ học trò khác lại đến đây, nhưng chắc hẳn không ai quên được những người thầy "ngư phủ" để bữa cơm các em được đầy hơn.

Phong Anh
.
.
.