Tấm lòng của người phụ nữ đi gom “hơi ấm” gửi về vùng núi Tây Bắc

Thứ Hai, 14/12/2015, 08:11
Dáng người gầy gò, thấp nhỏ nhưng những gì bà Vũ Thị Xuân (SN 1960, thôn Vân Lũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang làm khiến mọi người phải nể phục. Bà Xuân hiện đang đi làm cái việc “trời ơi đất hỡi”, đó là đi đến từng gia đình xin từng manh áo cũ, đôi giầy lâu năm không dùng đến rồi đem về nhà giặt là cẩn thận, đóng vào bao tải gửi đến cho người nghèo ở vùng cao Tây Bắc, để làm sao cho họ kịp nhận được trước khi mùa đông lạnh giá năm nay tràn về.

Nghèo tiền chứ không nghèo lòng từ bi

Về thôn Vân Lũng vào một chiều lạnh, gió se se càng khiến tôi cảm thấy buồn lòng về điều gì đó, như là buồn về những chuyện đã qua mà mình chưa thể làm tốt hơn. Đó là cảm giác dễ khiến con người bất lực trước thực tại, cũng có thể thúc giục ta mạnh mẽ hơn. Tôi mang khuôn mặt có vẻ sầu buồn này đến gặp bà Xuân – người phụ nữ từ lâu đã được ca ngợi tại đây. Những lần trước, có dịp qua nơi này, nhiều người cứ bảo tôi nên đến gặp bà Xuân để viết điều gì đó về bà, bởi những gì bà đang làm có vẻ đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.

Ngôi nhà bà Xuân ở nhỏ nhắn, là ngôi nhà cấp 4, trông rất gọn gàng, đồ đạc tinh tươm. Thấy tôi có vẻ bất an, bà Xuân trấn an, đời người có nhiều thứ quá buồn rồi, nên những gì đã qua thì nên cho qua, sự buồn cũng là xúc tác để ta mạnh mẽ hơn, và hòa hợp với cuộc đời này hơn. Nghe bà Xuân tận lòng chia sẻ nỗi niềm, tôi trở nên khác hẳn. Tuy vậy, khi kể về cuộc đời mình, người phụ nữ này đôi lúc cũng không giấu nổi những biểu hiện buồn trên khuôn mặt, và những cái thở dài hắt ra.

Bà Xuân sinh ra và lớn lên trong gia đình có 8 anh chị em. Bà là người con thứ 4, dưới còn 4 người em kém xa tuổi rất nhiều. Do kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào mấy thửa ruộng, nên cuộc sống của gia đình đông con luôn trong cảnh túng thiếu. Thương bố mẹ, bà Xuân đã dành phần lớn thời gian lo toan cho gia đình. Tuy vậy, bà cũng cố gắng chăm chỉ học hành đến lớp 7 thì nghỉ học.

Bà Xuân chia sẻ với phóng viên về việc làm thiện nguyện.

Sau khi thôi học, bà được Nhà nước phân lên tỉnh Sơn La phát triển vùng nông nghiệp. Thời đó, tỉnh Sơn La còn là một tỉnh nghèo, nên cuộc sống của bà ở đây cũng không khác mấy so với khi ở cùng gia đình. Mặc dù vất vả, nhưng bà đã cố gắng, nỗ lực hết mình để hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Với bản tính lương thiện, chịu khó, bà được rất nhiều người yêu quý.

Sau ba năm công tác tại đây, bà Xuân trở về nhà. Ba năm đi xa là ba năm giúp bà Xuân hiểu rõ hơn về cuộc đời. Đó cũng là ba năm, bà đã có duyên với biết bao người nghèo khổ cực. Thương họ, ngoài những lúc bận bịu công việc, bà còn đi làm giúp không công. Những năm ở đây, cũng như những năm sau đó, bà Xuân đã trải qua vài mối tình, nhưng không hiểu vì nguyên cơ gì, đến nay bà vẫn chưa lập gia đình.

Bà Xuân bảo mình thật thà quá nên người khác cứ hay dối lừa. Nhiều lần cảm giác không còn tin vào tình yêu, cũng do số phận đưa đẩy, nên bà vẫn ở vậy. Tuy nhiên, bà không lấy đó làm buồn, bởi bà hiểu, niềm vui, hạnh phúc là do ở mình. Mình không có cái này, ắt hẳn sẽ có cái kia, ông trời không lấy hết tất cả của ai bao giờ.

Người phụ nữ này cũng chia sẻ, đồng tiền thì có thể kiếm được dễ dàng, nhưng tình cảm thật, muốn lấy được nó, phải cần một trái tim chân thành. Bà Xuân tâm sự: “Tôi nghèo tiền chứ không nghèo lòng từ bi. Tôi nghĩ chúng ta sống với nhau không phải lúc nào cũng chỉ biết đến tiền. Nếu anh có tiền mà không bạn bè, người thân thích, thì có tiền cũng bằng không, sống trên nhung lụa mà không có ai yêu mến thì cuộc đời cũng chán và cô đơn vô cùng”.

Gom “hơi ấm” gửi về vùng núi Tây Bắc

Do từ nhỏ được bố mẹ dạy bảo cẩn thận, cũng như bản tính lương thiện, thương người, nên khi mới học lớp 6, bà Xuân đã có ý định giúp đỡ người khác. Mỗi khi thấy người nào đó nghèo khổ, bà lại không cầm lòng được. Mỗi lần đi học, hay đi công việc, cứ thấy những người ăn xin, trong người có đồng nào, bà lại đem cho hoặc mua quà cho họ. Hay khi thấy những người già gánh nặng, vất vả, bà lại tất tả đi lại giúp đỡ.

Trong nhiều việc làm cho người nghèo, người ăn xin dù không lớn lao gì nhưng đã để lại trong bà nhiều kỷ niệm không bao giờ quên được. Một lần, bà Xuân đi làm đồng thấy một người ăn xin đang nhặt từng miếng vỏ dưa dưới đất để ăn, bà cảm thấy nhói lòng nên đi lại hỏi thăm thì được biết người này ở tỉnh xa khác, do gia cảnh khó khăn nên mới phải đi làm cái việc “hạ thấp” mình.

Bà Xuân bên những bao tải quần áo sắp được chuyển lên vùng cao Tây Bắc.

Mặc dù không có nhiều tiền, nhưng bà đã đi lại quán mua bánh mì, nước uống cũng như dành ít tiền cho người ăn xin. Mỗi lần như vậy, bà lại cảm thấy thật vui khi mình đem lại niềm vui cho ai đó. Cũng có lần gặp một người già ăn xin, mặc dù không có tiền, nhưng bà Xuân đã đi lại quán mua chịu ít đồ ăn cho người này. Những việc làm như vậy tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được.

Lần gần đây nhất, khi thấy một người ăn xin trung tuổi, dáng vẻ yếu ớt ngồi vạ vật bên vệ đường, bà đã dẫn về nhà lấy cơm cho người này ăn. Do lúc này là mùa hè, nên trời oi bức nóng. Nhìn người ăn xin đi xa một quãng, bà Xuân mới ngớ ra, người này đang “đầu trần đội nắng”, nên bà đã vào nhà lấy chiếc mũ của mình rồi chạy theo tặng lại người ăn xin.

Hiện tại, bà Xuân đang làm việc tại Viện Giống cây trồng nông nghiệp. Do nơi làm không xa, nên hằng ngày bà lại lọc cọc trên chiếc xe đạp đi làm. Trên hết những công việc thiện nguyện mà bà đang giúp đời, người dân địa phương luôn nhắc đến là công việc “lá lành đùm lá rách” của bà với bà con vùng cao. Thời gian ở Tây Bắc đã khiến lòng bà đau nhói khi chứng kiến cảnh sống nghèo nàn của người dân nơi đây, không có một manh áo lành để mặc, nhất là vào mùa đông, cái rét càng làm cho họ thêm khổ sở hơn.

Vì vậy, khi về lại quê nhà, bà Xuân đã âm thầm làm công việc mà nhiều người cho là “dở hơi”. Ai lại đi xin áo cũ, giày dép cũ không dùng đến, rồi đem về nhà giặt là sạch sẽ, đóng thùng chuyển lên vùng cao Tây Bắc. Công việc “rỗi hơi” này ban đầu còn khiến cho mọi người nghi ngờ này nọ. Nhưng lâu dần, mọi người đã phải “ngả mũ” trước tấm lòng nhân ái của người phụ nữ gầy gò.

Bà Xuân đang kể về công việc thiện nguyện thì một người hàng xóm đi đến, trên tay cầm mấy đôi giày thể thao cũ, rồi nói: “Em gửi lại chị mấy món đồ này, nhờ chị đem lên vùng cao cho các cháu giúp em”. Bà Xuân ngừng nói chuyện với tôi, vui vẻ: “Chị thay mặt các cháu, cám ơn em rất nhiều. Em để đấy, lát nữa chị đem giặt lại, rồi sẽ chuyển lên cho các cháu sau”. Bà Xuân kể, ban đầu, bà phải thường xuyên đi đến từng nhà ở nhiều nơi để xin từng cái áo, cái quần, đôi giày cũ. Nhưng lâu dần, có nhiều người tự mang đến cho bà.

Cứ như vậy, công việc thiện nguyện từ lâu đã trở thành một phần trong cuộc sống của bà Xuân. Bà cho biết, sắp tới mấy bao tải quần áo, giày mùa đông được bà phơi phóng cẩn thận sẽ được bàn giao lại cho sinh viên tình nguyện Hà Nội đem lên vùng cao Tây Bắc. Đó là món quà hết sức ý nghĩa mà một người phụ nữ không hề giàu có gì đã làm được. Bà đã âm thầm đi gom từng “hơi ấm” của người miền xuôi để gửi đến người miền ngược xua tan đi cái lạnh giá mùa đông đang đến, mà hơn hết đó là sự kết nối từ trái tim đến trái tim. Bà ước nguyện, chỉ mong sao mình có sức khỏe để làm công việc có ích này.

Nguyễn Thiểu
.
.
.