Tấm lòng của vị bác sĩ già dành nhà ở để làm nơi chữa bệnh miễn phí cho người nghèo

Thứ Ba, 13/10/2015, 14:00
Bác sĩ Nguyễn Văn Chương năm nay đã 80 tuổi. Thế nhưng vị bác sĩ này vẫn tiếp tục công việc chữa bệnh cứu người sau khi nghỉ hưu. Càng cảm phục hơn khi vị bác sĩ già này lại dành ngôi nhà ở 3 tầng của mình để làm nơi chữa bệnh miễn phí cho người dân trong suốt 20 năm qua.

Bác sĩ của nhân dân

Bác sĩ, tiến sĩ Y khoa Nguyễn Văn Chương (ở khu 6, đường Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) có dáng người nhỏ nhắn, ăn mặc giản dị. Mặc dù ở cái tuổi 80 nhưng trông ông rất rắn rỏi và ăn nói linh hoạt. Trước khi tìm được nhà bác sĩ Chương, chúng tôi đã hỏi rất nhiều người dân quanh khu 6, hầu như ai cũng biết đến lòng tốt của vị bác sĩ già. Có người còn tận tình dẫn chúng tôi đến tận nơi. Thấy khách lạ, nhưng ngay lập tức, ông Chương đã tỏ ra rất thân thiện.

Bác sỹ Nguyễn Văn Chương tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội năm 1959, từng bảo vệ luận án tiến sỹ y học thành công tại Viện Hàn lâm Y học Bulgaria. Sau đó, ông làm chuyên gia cho Bộ Y tế Lào. Trong thời gian học tập và công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, bác sĩ Chương luôn nỗ lực hết mình cũng như luôn hoàn thành xuất sắc các công việc được giao. 

Không những thế, vị bác sĩ này khi còn trẻ đã luôn tâm niệm, mình là bác sĩ, muốn chữa bệnh cứu người thì không còn cách nào khác là phải liên tục trau dồi kiến thức, cũng như nâng cao tay nghề trong việc khám và chữa bệnh. Không những thế, với châm ngôn “lương y như từ mẫu”, bác sĩ Chương còn luôn tự răn đe mình phải sống sao, làm việc thế nào để không hổ thẹn với lương tâm. 

Cũng do từ khi đang còn công tác tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên vị bác sĩ này càng thương cho những mảnh đời bất hạnh. Cũng từ đó, tâm niệm hành thiện cứu người đã có trong suy nghĩ của bác sĩ Chương.

Bác sĩ Chương chia sẻ: “Công việc của tôi cũng chỉ đủ sống qua ngày chứ không mang lại giàu sang gì. Nhưng niềm vui giúp mang lại sức khỏe cho mọi người đã khiến tôi ngày càng hứng thú với công việc hơn. Rồi những lần điều trị cho người nghèo, những người bất hạnh, tôi càng hiểu hơn thế nào là thương yêu, nên mặc dù mình không giàu có gì về kinh tế, nhưng tôi sẽ sử dụng những gì mình có, đó là trị bệnh cứu người để hành thiện cho thỏa ước muốn của mình”.

Không phải sau này khi nghỉ hưu, bác sĩ Chương mới bắt đầu công việc thiện nguyện của mình mà trước đó, khi đang còn làm việc trong bệnh viện nhà nước, bác sĩ Chương đã giúp được rất nhiều người. Ở trong khu phố, ai có bệnh gì hay biểu hiện gì về sức khỏe đều sang nghe tư vấn của ông để từ đó biết cách uống thuốc gì, trị bệnh ra sao. Cộng thêm từ những việc nhỏ này đã thôi thúc bác sĩ Chương muốn mở một phòng khám để cứu chữa nhiều người. 

Nhưng với đồng lương ít ỏi, lại một thân một mình, vị bác sĩ già lấy đâu ra tiền để thuê nhà mở phòng khám. Nếu có gom đủ tiền để thuê, thì thuê được mấy tháng, rồi chuyển hết chỗ này chỗ nọ thật là phiền phức. Thế rồi, sau nhiều ngày suy nghĩ cũng như thuyết phục gia đình, cuối cùng bác sĩ Chương cũng có phòng khám riêng bằng ngôi nhà ở 3 tầng của mình. 

Khoảng giữa năm 1994, bác sĩ Chương về hưu, sau đó mở phóng khám với cái tên nghe rất cổ kính “Phòng khám chữa bệnh Đông Hồ”. Không những làm thiện nguyện bằng chuyên môn của mình, bác sĩ Chương còn tham gia làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chữ thập đỏ phường Bưởi, Chi hội trưởng Chi hội Chữ thập đỏ khu dân cư khu 6. 

Nói về tấm lòng tốt của vị bác sĩ già, một người dân tại khu 6 không khỏi xúc động: “Bác sĩ Chương muốn làm điều tốt cho người dân, đặc biệt là dân nghèo, nhưng ông ấy không tỏ ra này nọ, mà vẫn rất khiêm tốn. Ông nói với tôi, công việc của ông có xá gì đâu so với nhiều người có tấm lòng lương thiện khác. Tôi cũng từng được ông sơ cứu trong một trận ốm nặng trước khi được đưa đi cấp cứu. Mà việc này là cần thiết, bởi nếu tôi không được sơ cứu kịp thời mà cứ vội vàng lên xe từ nhà đến bệnh viện mấy cây số thì thật khó kịp thời để chữa trị. Nếu không có ông, chắc gì tôi còn sống đến ngày hôm nay”.

Nới rộng vòng tay yêu thương đến nhiều người

Sau khi ổn định về vị trí mở phòng khám, bác sĩ Chương làm việc chuyên cần và chịu khó như khi ông còn làm trong các bệnh viện, mặc dù ông không có thêm một đồng lương nào. Mặt khác, ông còn phải tự bỏ tiền ra mua thuốc rồi tự đầu tư trang thiết bị. 

Do bệnh nhân ngày một đến đông, nên một mình bác sĩ Chương khó lòng đảm trách được. Phòng khám đã mở, người dân cũng đã quen với địa chỉ nhà ông nên mặc dù có khó nhọc hay trắc trở mấy, bác sĩ Chương cũng không muốn bỏ cuộc. Để tiếp tục duy trì phòng khám, ông Chương đã thuyết phục được nhiều người bạn là bác sĩ đã nghỉ hưu, cũng như những người đang làm trong các bệnh viện nhà nước thay nhau theo lịch đến phòng khám nhà bác sĩ Chương để điều trị bệnh cho bệnh nhân. 

Những bệnh mà bác sĩ Chương và đồng nghiệp có thể điều trị được là trị khối u lành, sỏi tiết niệu, gan mật, viêm loét dạ dày, huyết áp cao, mỡ máu… Đặc biệt, điều trị thành công được các chứng liệt mặt, chi, di chứng sau tai biến, chấn thương, mổ bằng vật lý trị liệu. Đây là những bệnh mà rất nhiều bệnh nhân đã được chữa trị khỏi sau khi đến phòng khám của bác sĩ Chương. 

Bệnh nhân Đinh Xuân Cương chữa bệnh tại Phòng khám Đông Hồ chia sẻ với PV.

Khi chúng tôi đến đây, bắt gặp ông Đinh Xuân Cương (73 tuổi, ở tại ngõ 84, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình). Ông Cương cho biết, ông bị thoát vị đĩa đệm cột sống, đi chữa trị nhiều nơi tại các bệnh viện cũng như uống nhiều loại thuốc mà không khỏi. Nghe danh tiếng bác sĩ Chương và Phòng khám Đông Hồ nên ông đã đến đây điều trị. 

Ông Cương vui mừng: “Tôi đến điều trị tại nhà bác sĩ Chương mà cứ như đến nhà người thân. Bác sĩ Chương rất tốt bụng và hết mình với bệnh nhân. Tôi không thể tin nổi, chỉ sau 4 ngày điều trị tại đây mà bệnh tình tôi thuyên giảm rõ rệt, từ chỗ rất khó đi lại mà tôi đã bước những bước vững chãi như người bình thường”.

Được biết, tính cả những người đồng nghiệp của bác sĩ Chương thì có tất cả 19 người, liên tục làm việc hăng say, vô điều kiện. Không những trực tiếp trị bệnh cho người dân mà các bác sĩ ở Phòng khám Đông Hồ còn thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện về sức khỏe. 

Các buổi nói chuyện này, bác sĩ Chương còn mời những bác sĩ rất nổi tiếng như Giáo sư Hoàng Bảo Châu, Giáo sư Hoàng Tích Huyền. Để hỗ trợ thêm phần nào chi phí trong việc mua thuốc, bác sĩ Chương đã đi vận động nhiều công ty dược mà ông và bạn ông biết để tài trợ thuốc thận, hoạt huyết dưỡng não, bổ tim, gan, chống mỡ máu, tiểu đường… 

Không những làm thiện nguyện tại nơi mình sinh sống, bác sĩ Chương còn hành thiện ở nhiều nơi khác, tiêu biểu như trung tâm xây dựng “Phòng điều trị nghĩa tình” tại xã Thụy Hưng (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Phòng khám này thường xuyên được bác sĩ Chương và đồng nghiệp về thăm khám. “Phòng điều trị nghĩa tình” còn có trang thiết bị y tế hiện đại, đầy đủ như tủ thuốc, máy vật lý trị liệu, máy tạo ô-xy, giường bệnh… Ngoài những việc trên, bác sĩ Chương còn huy động các nhà hảo tâm, cùng những sinh viên nấu cháo từ thiện tại sân chùa Mật Dụng, phố Thụy Khuê, rồi chuyển cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Lao Phổi Trung ương.

Khi chúng tôi hỏi khi nào thì vị bác sĩ già sẽ thôi làm việc thiện nguyện, bác sĩ Chương quả quyết: “Tôi sẽ làm đến khi mình nhắm mắt xuôi tay mới thôi”. Nói thêm về lòng tốt của bác sĩ Chương, ông Nguyễn Tiến (Bí thư Chi bộ 6, phường Bưởi) cho biết: “Bác sĩ Chương tuổi đã cao nhưng đã làm được công việc mà không phải ai cũng có thể làm được. Từ khi có Phòng khám Đông Hồ cũng như những buổi nói chuyện của các chuyên gia, người dân nơi đây hiểu hơn về sức khỏe, qua đó chăm sóc tốt hơn cho bản thân và gia đình. Không kể đêm hôm, mưa gió, hễ có bệnh nhân nào cần thì bác sĩ Chương đều có mặt chữa trị”.

Nguyễn Thiển
.
.
.