Tấm lòng từ bi của bà cụ nhận nuôi “quả đắng” của những cô gái lỡ làng

Thứ Tư, 11/09/2013, 14:30

Ngày mùng Bốn Tết Quý Tỵ, một người đàn bà đứng tuổi gõ cửa nhà bà Võ Thị Ba và ấn đứa bé còn đỏ hỏn vào tay bà. Bà từ chối vì trong nhà bà đang nuôi 11 đứa trẻ bị mẹ ruột bỏ rơi rồi. Thế nhưng, người đó (bà ngoại đứa bé) nói dứt khoát, nếu bà không nhận thì vẫn để nó lại. Thế là, bà đành phải nhận. Cái gia đình mà bà cùng người con trai ngoài 50 tuổi vẫn chưa vợ tên là Út Bông lại có thêm đứa con thứ 13. Tấm lòng Bồ Tát của bà cụ dưới chân núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang thêm một lần mở rộng...

1. Bà Võ Thị Ba, tên thường gọi là dì Ba năm nay bước sang tuổi 76. Bà có mái tóc bạc như cước. Bà quê gốc ở Cà Mau, năm lên 10 bà theo gia đình lưu lạc nhiều nơi ở các tỉnh miền Tây rồi đậu lại ở thành phố Cần Thơ. Lớn lên, Võ Thị Ba là một cô gái có nhan sắc. Cô kết hôn rồi sinh 2 con. Cuộc hôn nhân không bền, họ ly hôn. Cô nuôi hai đứa con. Rồi cô lại kết hôn lần thứ hai và sinh thêm hai người con nữa, trong đó có anh Út Bông. Khi con cái trưởng thành cũng là lúc, mái tóc của bà điểm bạc.

Sau khi đi du ngoạn ở núi Cấm, tỉnh biên giới An Giang, bà thấy yêu nơi này. Bà về thành phố bán nhà, chia tiền cho các con và giành một phần lên ngọn núi nơi có cái nắng quanh năm để mua đất, dựng ngôi nhà tạm. Anh Út Bông, người con trai út sau khi rời chiến trường Campuchia đang làm Phó Chỉ huy trưởng Quân sự của phường khi nghe ước vọng của mẹ đã bỏ việc theo lên núi ở cùng. Khi đó, anh mới 26-27 tuổi.

Cuộc sống của hai mẹ con bà Ba những ngày bỏ phố lên núi thật gian khổ. Có lúc, anh Bông phải đi gánh thuê nông sản từ trên núi xuống để lấy tiền đong gạo. Mãi rồi, nhờ sự chịu thương, chịu khó của cả hai mẹ con mà mảnh đất 15ha trên núi Cấm bắt đầu cho thu hoạch. Ban đầu là chuối, sau là sầu riêng, măng, mít… Cây trái bội thu, cuộc sống của hai mẹ con khấm khá dần. Họ có tiền gửi tiết kiệm. Họ dư sức để mua nhà, mua đất dưới chân núi.

Thế nhưng cả hai đều quá yêu phong cảnh thiên nhiên trên đỉnh núi nên không hề có ý định rời bỏ nó. “Khi lên núi sống, tôi thấy cuộc sống khác hẳn. Nghe tiếng chim hót, thấy hay vô cùng. Nếu mà ở dưới đất, có khi mình lại tìm cách để bắt được con chim”, anh Bông chia sẻ. Thế rồi một ngày, mẹ con anh chợt nhận ra, anh Bông cần phải lấy vợ, sinh con. Đấy là lẽ tự nhiên mà. Anh Bông nhắm được một cô, bà Ba chuẩn bị lễ vật. Thế nhưng, số phận không tuân theo sự sắp đặt của họ…

“Khi đó, tôi 64 tuổi. Cái tuổi quá già để bắt đầu làm bất cứ việc gì, chứ đừng nói đến việc gầy dựng cả đại gia đình gồm 13 đứa trẻ. Từ cái duyên với thằng bé Nguyễn Sơn Ngọc ở tuổi 64, đến nay khi ở tuổi 76 cái duyên nợ với những đứa trẻ bị người thân sẵn sàng cho đi của bà vẫn chưa có hồi kết. Bằng chứng là ngày mùng Bốn Tết Quý Tỵ mới bảnh mắt đã có khách lạ gõ cửa. Những đứa trẻ nhanh chân chạy ra, trước mắt chúng là người đàn bà đứng tuổi, lam lũ. Người này đòi gặp bà Ba. Thế là chúng í éo gọi: “Nội ơi! Nội ơi có khách”. Đôi chân gầy yếu lẩy bẩy chạy ra cửa. Mắt bà hết nhìn người đàn bà lạ, lại nhìn đứa bé sơ sinh đang thiêm thiếp ngủ trên tay bà ta. Bà Ba mời người lạ vào nhà.

Không rào trước đón sau, người đàn bà tự giới thiệu là bà ngoại đứa bé. Bà ta muốn cho bà Ba đứa bé này. Quá ngạc nhiên trước lời đề nghị sỗ sàng, bà Ba hỏi chuyện thì được biết, đứa bé sinh đúng vào ngày Tết. Mẹ nó chở dạ ở nhà nên bà ngoại phải gọi bà đỡ đến. Trớ trêu ở chỗ, nó là đứa trẻ sinh ra không ai mong đợi nên cả mẹ, cả bà ngoại... đều nhìn nó như... cục nợ. Nó là kết quả của mối tình giữa hai người bán vé số. Khi cô bán vé số có thai, “đồng nghiệp” của cô phủi bỏ. Kết quả là cô ôm mối hận trong lòng và cái thai mỗi ngày một lớn...

“Bà nhìn thấy gia cảnh của chúng tôi rồi đấy. 12 cháu, một cháu bệnh đã mất. Nay còn 11 đứa đang tuổi ăn, tuổi lớn, tôi thì đã già, ba chúng nó vì nuôi dạy lũ trẻ mà không thể lên núi chăm bẵm vườn cây được, thu nhập giảm sút. Chúng tôi khó lòng mà cáng đáng thêm được nữa...”, bà Ba nói. Thế nhưng, bà ngoại của đứa bé sơ sinh vẫn kiên quyết, “bà không nhận nuôi tôi vẫn để đây”. Đến lúc này, bà Ba không từ chối được nữa. Bà bế đứa bé vào lòng, ngắm nhìn khuôn mặt trong trẻo của nó, nước mắt lăn dài... Bà bảo anh Bông mời đại diện chính quyền địa phương đến nhà để chứng kiến và làm thủ tục cho nhận con. Cậu bé được đặt tên Nguyễn Sơn Phú.

2. “Toàn là những cô gái lỡ làng con à. Mà đa số chúng nó được tôi nuôi từ trong bụng mẹ”, bà Ba nói. Nghe bà kể về lai lịch những đứa trẻ, tôi thấy buồn vô hạn. Có cháu bé, mẹ mới 17 tuổi. Cái tuổi mới biết yêu và rất dại khờ trong tình yêu. Có cháu bé, mẹ lại là người quá lứa lỡ thì, gặp khách qua đường nên trót dại... 13 đứa trẻ, 13 thân phận mẹ. Những người mẹ đủ lứa tuổi, nghề nghiệp. Người phụ hồ, bán vé số, sinh viên, giúp việc... Khi những đứa trẻ được hoài thai, bố chúng đều “cao chạy xa bay”. Để lại những người phụ nữ bụng mang dạ chửa với nỗi cay đắng, tủi cực.

Khi tôi nghe bà Ba nói rằng, bà nuôi nhiều đứa trẻ từ trong bụng mẹ, tôi thấy khó hiểu. Nhưng khi nghe chuyện của bà rồi, tôi mới thấy hết tấm lòng Bồ Tát của bà. Hầu hết các trường hợp, nhân viên y tế gọi điện cho bà bảo rằng, có cô này, cô kia sắp đến ngày sinh đang tìm người cho con. Có cô, do không có tiền ăn nên phải năn nỉ bệnh viện cho làm những việc phụ giúp để chờ ngày sinh. Có cô, phải khất tiền chủ nhà trọ với lời hứa, bao giờ sinh con xong sẽ trả nợ... Gặp họ, bà Ba càng cám cảnh cho những thân phận phụ nữ nhẹ dạ. Thế nhưng, bà đã không trách cứ họ mà động viên, khích lệ để họ vượt cạn an toàn, để còn làm lại cuộc đời.

Là đàn ông, lại chứng kiến quá nhiều cảnh đời trái ngang của chính những người mà mẹ mình cưu mang, anh Bông cũng xót xa lắm. Cùng với mẹ mình, tấm lòng bao dung, độ lượng của anh đã nâng đỡ nhiều người phụ nữ nhẹ dạ vượt qua khúc gian nan của cuộc đời mình... Mẹ con anh là cứu cánh không chỉ cho những đứa trẻ bị ruồng rẫy mà còn cả mẹ của chúng...

Không chỉ có những người phụ nữ một mình vượt cạn mới bỏ con, có những đứa trẻ được sinh ra có cả bố, cả mẹ cũng rơi vào hoàn cảnh này. Đó là cháu bé được anh Bông đặt tên là Nguyễn Sơn Thành... Bé Thành sinh ra bị tật nguyền – cháu bị não úng thủy. Bố mẹ cháu vì “sợ hãi” đứa con tật nguyền đã bỏ cháu lại bệnh viện. Bà Ba nghe tin hối hả chạy đến. Nhìn đứa bé, bà thương đứt ruột. Nhưng nó bị bệnh, nuôi dưỡng nó làm sao đây? Khi nghe nhân viên bệnh viện nói sau khi bị bố mẹ bỏ rơi, người ta đã đưa đến một số địa chỉ nhân đạo nhưng họ từ chối nhận, bà Ba quyết định nuôi. Anh Bông đặt tên đứa bé là Nguyễn Sơn Thành.

“Đầu, mắt Thành mỗi ngày một to ra. Ngủ mà mắt nó vẫn mở. Hằng ngày chăm bẵm, bế ẵm nó mà nhiều lúc tôi còn phát hoảng khi nhìn bộ dạng thằng nhỏ”, bà Ba tâm sự. Thương thằng bé, hốt hoảng với bộ dạng của nó, mẹ con bà Ba đưa nó đến bệnh viện. Họ gặp bác sỹ, nghe họ bảo nó không thọ nhưng bà vẫn đề nghị điều trị để đầu thằng bé bớt to, mắt bớt mở trừng trừng. Bác sỹ đã can thiệp bằng kỹ thuật hút nước ở trên đầu thằng bé, điều trị cho đôi con mắt nhỏ đi... Mất cả tuần ở bệnh viện và mấy chục triệu, nhưng khi thằng bé dần trở lại hình hài của đứa bé bình thường, mẹ con bà ấm lòng. Thế nhưng, thằng bé không thọ lâu. Khi được 33 tháng tuổi, nó vĩnh biệt những người cưu mang mình ra đi. Lúc đó, bà Ba đang điều trị lao lực ở bệnh viện, chỉ có anh Út Bông ở nhà. Khi bà về, bé Thành đã nằm yên dưới nấm mộ nhỏ...

Bà Ba bị lao lực vào năm Quý Mùi, khi họ liên tiếp nhận 5 đứa trẻ bị bỏ rơi về nuôi. Thức đêm triền miên, làm việc quá sức khiến cho sức khỏe bà suy kiệt. Những người con ở thành phố Cần Thơ tha thiết mời bà về nhà dưỡng sức nhưng bà không chịu. Đến mức không đừng được nữa, bà vào bệnh viện. Các bác sỹ hết thử đờm lại kiểm tra phổi nhưng không tìm được vi khuẩn lao. Thế nhưng, nhìn thể trạng gầy yếu của bà Ba, họ không tin vào kết quả xét nghiệm nên cứ thử đi, thử lại. Đến khi nghe bà nói về những việc mình làm hằng ngày thì họ kết luận, bà bị lao lực.

Những người ruột thịt của 13 đứa trẻ mà mẹ con bà Ba nhận về nuôi nghĩ gì khi biết, chẳng phải “giọt máu đào” mà mẹ con họ phải lao tâm, khổ tứ để chăm bẵm, nuôi dạy? Theo bà Ba, chưa có một người mẹ nào tìm đến nhà bà chỉ để thăm con chứ đừng nói là xin nhận lại. Có những trường hợp là người giàu có, nhưng vẫn đang tâm vứt bỏ giọt máu của mình. Vì sĩ diện? Vì danh gia vọng tộc? Cậu bé Nguyễn Sơn Nhã là kết quả mối tình giữa người làm công và cậu chủ. Cậu chủ lại là con lai nên đứa bé con của cậu chủ và cô người làm mới nhìn qua đã thấy sự khác biệt. Nó có vẻ xinh trai rất Tây. Ấy vậy mà bà nội nó khi biết mối tình giữa con trai mình và cô gái giúp việc đã thẳng tay đuổi đi dù biết, giọt máu của mình đang lớn dần trong người cô gái. Trong tủi nhục, cô gái phải tìm người để cho con trước khi nó chào đời. Mẹ con bà Ba là người đón ẵm đứa bé trai khôi ngô và đặt cho nó cái tên Nhã.

13 đứa bé. 13 người mẹ có thân phận khác nhau. Cái chung của họ là đã trao thân gửi phận cho những người đàn ông họ Sở. Họ đã trút mối lo về đứa trẻ cho mẹ con bà Ba, còn mối hận tình thì không biết bao giờ nguôi ngoai. Vượt qua mọi trái ngang, ân oán ở đời, bà Ba đã xuất hiện và giang tay đón nhận “hậu quả” nếm trái cấm. Bà là cứu cánh, là chỗ dựa tinh thần cho những người phụ nữ nhẹ dạ. Bà cũng là cái cây vững chãi của anh Út Bông và những đứa trẻ.

“Mai này tôi khuất núi, điều tôi lo nhất là ba chúng nó sẽ nuôi dạy lũ con thế nào. Cây trái trồng trên núi Cấm đủ mua gạo, muối nhưng còn tiền học, tiền quần áo, thuốc men... Người ở xa thương tình thỉnh thoảng gửi cho chút đỉnh phụ đỡ nhưng chỉ được phần nào. Chúng tôi đã hứa là sẽ nuôi chúng nó trưởng thành nên cứ nghĩ đến ngày mình về với tiên tổ, tôi lại thấy lo. Tôi khóc không phải vì sợ tuổi già, sức yếu mà khóc vì nghĩ đến tương lai chúng nó đấy cô”, bà Ba giãi bày.

Mẹ con bà Ba như bà Tiên, ông Bụt đã xuất hiện khi những người phụ nữ đang chới với giữa dòng. Họ đã cưu mang, nâng đỡ, dạy dỗ những đứa trẻ không phải máu mủ của mình và hiện đang canh cánh nỗi lo cơm áo, gạo tiền. Nỗi lo mà bất kỳ ai làm bố, làm mẹ cũng đều vướng phải. Chỉ có điều, nỗi lo này lớn hơn vì họ đang nuôi 12 trẻ...

Phạm Hồng Nghĩa
.
.
.