Tấm lòng với người nghèo của ông giám đốc khuyết tật

Thứ Ba, 24/11/2015, 10:09
Sinh ra khỏe mạnh, bụ bẫm như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng khi lên 3 tuổi, một cơn co giật khiến cho đôi chân của ông bị liệt, rồi dần dần teo tóp. Trải qua những tháng ngày sóng gió, bươn chải mưu sinh đầy gian khó khi không có được đôi chân lành lặn, ông càng hiểu và đồng cảm với những số phận người khuyết tật như mình. Điều đó càng thôi thúc ông làm điều gì có nghĩa và ý tưởng thành lập Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề nhân đạo miễn phí dành cho những người khuyết tật và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cũng ra đời từ đó.

Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề nhân đạo của ông Bùi Văn Chính nằm khuất dưới những tán cây um tùm, ngay cạnh đê Phương Trạch của xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội. Gọi là Trung tâm nhưng đơn giản chỉ là một dãy nhà cấp 4 là nơi làm việc của giám đốc, nhân viên Trung tâm và một khu nhà xưởng cũ kĩ được lợp bằng mái tôn, trần nhà bong tróc, cột chống cũng đã mối mọt.

Hiện tại, các học viên đều phải gửi về các xưởng tư nhân để tiếp tục học tập, hoàn thiện tay nghề và làm việc để kiếm thêm thu nhập. Số ít thì tạm thời nghỉ ở nhà vì cơ sơ vật chất của Trung tâm không đảm bảo an toàn cho việc học tập và sinh hoạt của học viên, chỉ còn lại người quản lý và ông giám đốc lúc nào cũng thường trực ở đó.

Dù đi lại khó khăn nhưng ngày nào ông Giám đốc Bùi Văn Chính cũng nhờ nhân viên đón lên Trung tâm để trực, bởi từ nhà ông ra đến nơi làm việc cách khá xa, lại phải đi xuống một con dốc thẳng đứng, lởm chởm đất, đá. Sốt ruột vì chưa có điều kiện tu sửa lại cơ sở vật chất để Trung tâm hoạt động trở lại, trong khi nhiều học viên nghỉ ở nhà lâu đang giục ông ời ời, nhiều người thì gọi điện muốn đến xin học nhưng ông Chính cũng chẳng thể làm được gì vì Trung tâm hoạt động độc lập tài chính, phụ thuộc nhiều vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và các tổ chức từ thiện.

Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề nhân đạo do ông Chính thành lập cách đây 9 năm, khi Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và Trung ương Hội Chữ thập đỏ phát động chương trình "Vì người nghèo". Năm ấy, ông đã đứng ra vận động, quyên góp và tự bỏ tiền túi ra xây dựng, với mong muốn giúp đỡ những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn. Đó cũng là ước mơ từ thời trẻ của ông. Để thành lập được Trung tâm ấy, ông Chính đã mất cả thời gian tuổi trẻ để bươn chải, mưu sinh, kiếm tiền thực hiện lý tưởng của mình.

Học viên được học nghề tùy theo tình trạng sức khỏe của mình.

Hơn 60 năm trước, cậu bé Bùi Văn Chính chào đời bình thường như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, lên 3 tuổi, ông bị liệt hai chân sau một cơn co giật. 6 tuổi, nhìn bạn bè được cắp sách đến trường, ông Chính thèm khát lắm nhưng chỉ dám ngóng từ xa. Thương con, bố mẹ cũng xin cho ông đi học cho bằng bạn bằng bè. Thế nhưng, cuộc sống gia đình khó khăn khiến ông nhanh chóng phải từ bỏ giấc mơ học hành.

Năm 14 tuổi, ông Chính bỏ học, xa nhà lên tận Lai Châu học nghề bốc thuốc đông y nhưng không thành. Rồi duyên phận lại đưa đẩy ông gặp gỡ một thầy địa lý Trung Quốc và rong ruổi khắp nơi theo thầy học nghề. Nhưng rồi sự nghiệp học hành cũng không đi đến đâu, ông Chính lại phiêu bạt các tỉnh, làm đủ nghề để kiếm sống. Những lúc ấy ông càng thấm thía những vất vả, thiệt thòi mà những người khuyết tật như mình phải đối mặt và ông càng khao khát thành lập được một trung tâm hướng nghiệp và dạy nghề cho những người thiếu may mắn như mình. Suốt những năm tháng trời tuổi trẻ, ông bươn chải đủ các nghề chỉ để nuôi mộng thực hiện giấc mơ ấy.

Ông Giám đốc vì người nghèo Bùi Văn Chính.

Năm 1975, sau nhiều năm bôn ba, ông Chính trở về quê hương. Nhận thấy nghề thêu ren có tiềm năng kiếm lời khá lớn, ông Chính mời giáo viên về dạy nghề cho công nhân, rồi đi tìm mối xuất khẩu. Ban đầu, hàng làm ra không xuất được, ônglại cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng. Dần dần hàng thêu ren của ông tìm được chỗ đứng trên thị trường và cơ sở sản xuất cũng phất lên.

Tưởng rằng cuộc sống sẽ khấm khá hơn thì năm 1985, việc xuất khẩu bị ngừng, nghề thêu ren không tồn tại được nữa, ông Chính lại lên Bắc Ninh mở lò làm gạch, rồi mở công ty kinh doanh thiết bị khoa học, sau đó là công ty tư vấn đầu tư tài chính… Nhưng rồi công việc nào cũng khiến ông phải thất bại cay đắng và trong ông càng nung nấu quyết tâm thành lập một trung tâm hướng nghiệp cho người khuyết tật.

Năm 2006, Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề nhân đạo ra đời nhưng ông Chính và các cộng sự phải khá gian nan, vất vả tìm thuê địa điểm, xây dựng cơ sở vật chất tại Vân Trì, Vân Nội, Đông Anh. Những ngày đầu, Trung tâm có 70 cán bộ, nhân viên, học viên làm việc trong môi trường học tập khó khăn, thiếu thốn đủ bề, trong đó có 40 suất ăn nội trú.

Dãy nhà xưởng, khu trọ của Trung tâm đã xuống cấp nghiêm trọng.

Do địa điểm ở Vân Trì chật hẹp, không đáp ứng được nhu cầu học tập, sinh hoạt của học viên, năm 2008, ông lại xin Trung ương Hội Chữ thập đỏ được di dời địa điểm về xã Xuân Canh. Dù đi lại khó khăn nhưng ông Chính vẫn không ngại khó, ngại khổ đi vận động, quyên góp từ các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện để có kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm máy móc thiết bị cho học viên học tập, sinh hoạt.

Học viên của Trung tâm hầu hết là những người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Khi đến với Trung tâm, họ sẽ được dạy nghề miễn phí, chủ yếu là may mặc, làm vàng mã, đồ thủ công mỹ nghệ… Đây là những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với người khuyết tật, không đòi hỏi nhiều sức và dễ học. Tuỳ vào sức khỏe, tình trạng của từng học viên mà họ được dạy các nghề khác nhau. Giáo viên của Trung tâm đều là những tình nguyện viên có trình độ cao, nhiệt tình, tâm huyết, vì đồng cảm với số phận của người khuyết tật mà đến đây dạy nghề miễn phí.

Để tiêu thụ sản phẩm do học viên làm ra, ông Chính lại chạy vạy tìm đầu ra. Giá cả được thỏa thuận, niêm yết và hoàn toàn thuộc về các học viên. Học viên nào quá khó khăn còn được hỗ trợ tiền ăn uống, chỗ ở, thậm chí cả tiền khám chữa bệnh. 

9 năm qua, trung tâm dạy nghề của ông đã đào tạo được hơn 500 người, đang nuôi dưỡng và tạo việc làm thường xuyên chonhiều người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ tạo công ăn việc làm, ông Chính còn vận động xin được 30 xe lăn cho những trường hợp bị liệt hai chân, không thể đi lại, vận động các tổ chức phi chính phủ tài trợ được 6 suất phẫu thuật chỉnh hình cho người khuyết tật, mỗi suất có chi phí hơn 100 triệu đồng.

Nhiều học viên sau khi học nghề xong đã tự lập được cơ sở sản xuất riêng. Những người muốn ở lại sẽ được tạo việc làm, làm bao nhiêu sản phẩm thì hưởng bấy nhiêu. Hằng tháng, Trung tâm sẽ có đội ngũ thầy thuốc đông y vào thăm khám sức khỏe cho các học viên. Các thầy thuốc cũng là các tình nguyện viên được ông Chính mời về nên việc khám bệnh là hoàn toàn miễn phí.

Dãy nhà điều hành của Trung tâm.

Cũng chính tại trung tâm này, nhiều cặp vợ chồng đã nên duyên từ sự giúp đỡ của ông giám đốc và các cán bộ nhân viên trong Trung tâm. Như trường hợp anh Nguyễn Anh Điện (Bắc Giang) và chị Nguyễn Thị Lan (Từ Liêm - Hà Nội) là một điển hình. Anh Điện bị liệt một chân, đến đây học nghề thủ công mỹ nghệ và quen chị Lan, một cô gái xinh xắn nhưng khiếm thị bẩm sinh. Được gia đình ủng hộ, anh chị quyết định đến với nhau và đám cưới được tổ chức ngay tại Trung tâm trong niềm vui và sự chúc phúc của cả gia đình và các giáo viên, học viên.

Vì những nỗ lực không mệt mỏi với người khuyết tật, ông Bùi Văn Chính đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của UBND thành phố Hà Nội, UBND huyện Đông Anh, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam. Nhưng điều ông Chính trăn trở nhất hiện nay vẫn là làm sao có đủ kinh phí để sửa chữa lại cơ sở vật chất, nhà xưởng đã xuống cấp để học viên sớm trở lại học tập trong thời gian sớm nhất.

Còn mơ ước về một trung tâm dạy nghề tồn tại lâu dài, khang trang, đầy đủ tiện nghi cho người khuyết tật đến học tập và sinh hoạt vẫn là mơ ước lớn nhất mà ông đã, đang và sẽ theo đuổi đến suốt đời.

Ngọc Mai
.
.
.