Tâm “si-đa" bà tiên của những đứa trẻ nhiễm HIV

Thứ Tư, 11/10/2017, 14:40
Hơn 20 năm nay, Tâm thầm lặng đi vận động, giúp đỡ người nghiện xì ke, gái mại dâm làm lại cuộc đời. Xì ke, mại dâm không khiến chị bị nhiễm HIV mà trong một lần đi tuyên truyền an toàn tình dục, một tai nạn không mong muốn làm chị bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này.


Tự nhận mình là người "nghiện xì ke" và "bán dâm" xuyên hai chế độ, "Tâm “si-đa" lúc nào cũng yêu đời, nói cười bả lả. Trong cách nói chuyện của chị, có một chút thông thái của con nhà nòi, một chút giang hồ, bất cần của dân anh chị và thêm rất nhiều chút yếu lòng, nhân ái rất đàn bà... Hèn chi, thời son trẻ, Tâm đốn tim biết bao chàng trai giàu có với cái tên "Liên hoa khôi".

Hơn 20 năm nay, Tâm thầm lặng đi vận động, giúp đỡ người nghiện xì ke, gái mại dâm làm lại cuộc đời. Xì ke, mại dâm không khiến chị bị nhiễm HIV mà trong một lần đi tuyên truyền an toàn tình dục, một tai nạn không mong muốn làm chị bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này.

Hiện Tâm đang nuôi ba đứa trẻ mồ côi bị nhiễm HIV, chưa kể rất nhiều đứa con nuôi của chị, trước đó, đã ra đi vì căn bệnh này.

Tuổi thơ đầy giông bão

Tâm được sinh ra vào đầu năm 1960, trong một gia đình có bố là sĩ quan của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Những tưởng cuộc sống của cô cũng giống như bao tiểu thư con nhà giàu khác. Nhưng thói trăng hoa, vô trách nhiệm của người cha và bản tính ghen tuông, nông nổi, bồng bột của người mẹ đã đẩy cuộc đời của ba chị em cô vào những chuỗi ngày đen tối, tủi nhục dài đằng đẵng. 

Tuổi thơ đầy giông bão của Tâm chính là minh chứng cho sự thờ ơ, vô cảm đến tàn nhẫn của những ông bố bà mẹ chỉ biết nghĩ cho bản thân mình, bỏ mặc những giọt máu do chính mình khởi tạo.

Tâm “si-đa" bên những đứa con và đồng nghiệp của mình.

“Năm tôi lên bảy, ba tôi có người đàn bà khác, trước đó ba đã có vợ lớn và các con riêng. Má tôi vì ghen tuông đã đánh chửi nhau với ba như cơm bữa. Những lúc như vậy, chị em tôi chính là cái cớ để người lớn trút giận”, Tâm nhớ lại.

Rồi ba má cô cũng chia tay sau thời gian dài đánh cãi, chửi nhau trước mặt các con. Khi ba dọn đồ ra khỏi nhà, mẹ cô trở nên trầm cảm, thẫn thờ. Người quen, người thân mách nước cho một ông thầy có thể chữa khỏi bệnh. Nhưng rồi, người đàn bà ghen tuông đó, bỗng một ngày bỏ đi biệt tích theo ông thầy kia. Ba đứa trẻ thơ dại trở nên bơ vơ, không nơi nương tựa.

“Má đi mất tiêu, bốn chị em tôi đói la liệt, không có ai nấu cơm cho ăn, không còn ai chăm sóc… Mỗi buổi trưa, tôi rình rập nhà hàng xóm để ăn cắp cơm nguội về mấy chị em cùng ăn với muối hột…Tôi không biết ẵm em nên để nó nằm võng suốt ngày. Đái, ỉa, hết ướt rồi khô, trở thành một lớp dày trên võng…”, Tâm viết trong hồi ký, từng ký ức tuổi thơ được lật lại, khiến người đọc đau xé lòng.

Rồi việc ăn trộm cơm nguội cũng bị phát hiện bởi bà chủ nhà trọ, bà gọi điện cho bố Tâm về đón con. Lần này, mấy chị em được đưa về sống với ông bà nội cùng các anh chị em cùng cha khác mẹ khác. Mấy ông cháu đùm bọc nhau trong cảnh bần hàn. Chính những tháng ngày này, chứng kiến đứa em trai vì suy kiệt sức khỏe mà chết ngay trên tay mình, Tâm càng ôm nỗi hận với cuộc đời.

Ở với ông bà nội được 4 năm, chị em Tâm được ba đưa về ở chung với vợ mới của ông. Qua tay biết bao bà dì ghẻ, Tâm bị đánh đập, bị bôi xấu, bị bóc lột sức lao động. Dường như cô sinh ra để trở thành cái cớ cho thiên hạ trút giận. 

Càng căm hận đời đối xử với mình bất công, Tâm càng nung nấu ý định đi tìm mẹ ruột. Nhưng đến khi tìm được, người đàn bà ấy đang ở cùng người chồng thứ tư, không dám để con gái riêng ở cùng nhà, bà gửi Tâm đi ở đợ hết nhà người quen này đến người quen khác. Cô gái hơn 10 tuổi tiếp tục chuỗi ngày bị đánh đập, bóc lột thể xác và tinh thần từ những ông bố nuôi, mẹ nuôi và các anh, chị em nuôi. 

Tâm trốn ra vỉa hè, công viên, chợ tạm sống đời trẻ đường phố, chịu đựng cảnh đói ăn, rét mướt, bị chửi rủa, đánh đập… Trong một lần may mắn được các cô gái nhảy cho tá túc chung phòng trọ, Tâm lại bị người yêu của một chị trong nhóm cưỡng hiếp… Từ đây trong cô càng dấy lên tâm lý muốn trả thù đời, trả thù đàn ông…

Tâm bắt đầu vẽ ra đủ thứ tiền để bố chu cấp. Cô dùng tiền đó để đi vũ trường, đua xe, hút xì ke… cùng những người bạn có thân phận giống mình. Mới 14 tuổi, Tâm đã sành sỏi khắp chốn giang hồ, với tài ăn nói và nhan sắc có thừa, Tâm được nhiều đại ca giang hồ các “thánh địa” khác nhau của Sài Gòn bảo kê. Từ đây, Tâm trượt dài vào con đường nghiện ngập...

Với nhan sắc trời phú, Tâm lấy tên “Liên hoa khôi” dụ dỗ tiền bạc của những gã đàn ông si mê mình để có tiền hút xì ke. “Tôi không quan tâm khuôn mặt người đó đẹp ra sao. Chỉ cần nhìn từ đầu đến chân, đi giày hiệu, mặc quần áo hiệu là tôi tiếp cận. Mà những người đó chưa có ai động vào người tôi được nhưng tiền thì vẫn rút ra đều đều…”, Tâm kể.

Nhưng rồi những tháng ngày “tạm gọi là tươi đẹp” cũng không kéo dài. Sau ngày giải phóng, Tâm không di tản ra nước ngoài mà ở lại Việt Nam với quan niệm sống ở Việt Nam đã đủ khổ sở, sang nước ngoài, không người thân thích biết khổ hay sướng.

Rồi Tâm được chứng kiến cảnh các em cùng cha khác mẹ với mình - đang là những cô chiêu, cậu ấm, bỗng chốc rơi vào cảnh đói ăn, trong khi bà dì ghẻ quen thói đánh bạc và uống rượu - đã bán đi mọi gia sản để nướng vào sòng bài.

“Có khi về thăm các em, tôi cho ít tiền mua vài ký bo bo. Các em đem bo bo nấu loãng với rau muống để ăn. Nhìn các em húp lấy húp để thứ thức ăn đáng lẽ chỉ dành cho heo, tôi thật sự đau lòng”, Tâm nhớ lại. Để có tiền lo cho các em, Tâm đã “hành nghề” móc túi, trộm cắp vặt và cả môi giới gái mại dâm….

Nhưng cơn nghiền ma túy ngày càng “nặng đô”, cộng thêm ao ước muốn có thật nhiều tiền, cô đã bán đi cái quý giá nhất của đời con gái.

Trong nhiều năm làm gái mại dâm, không ít lần cô bị đưa vào trại phục hồi nhân phẩm, bị đưa đi lao động, cải tạo trong các trại cai nghiện. Tại đây, Tâm tìm mọi cách trốn thoát, từ chọc sưng mắt đến mưng mủ, uống nước thải, kết hôn giả… để có cớ đi viện. Sau này Tâm kể lại trong hồi ký những tháng ngày cô lên rừng khai hoang theo diện cải tạo lao động, hành trình trốn chạy đầy nguy hiểm trong những cánh rừng già đầy muỗi, vắt, gai nhọn… khiến người đọc không khỏi rùng mình.

Rủ bùn đứng dậy

Trở lại thành phố, Tâm lại “ngựa quen đường cũ”, ra công viên, vỉa hè bán dâm mỗi đêm. Cô trải qua hai cuộc hôn nhân cay đắng khi mà mọi sự đã rồi, Tâm mới biết mình chỉ là phận làm lẽ. Một trong hai người chồng cô kết hôn trong những tháng ngày lang bạt trên vỉa hè, còn bắt cô đi bán dâm để nuôi hắn và gia đình…

Tâm sẽ còn trượt dài trong bi kịch quẩn quanh của cuộc đời mình nếu như không có những ngày ế khách, cô gặp một “nhóm thanh niên lạ mặt” đến lân la làm quen và bắt chuyện. Sau này, chính những thanh niên trẻ này, đã thuyết phục được Tâm từ bỏ mại dâm, trở thành tình nguyện viên đồng đẳng, xâm nhập vào những ổ xì ke, động mại dâm để tuyên truyền về an toàn tình dục và cách bảo vệ sức khỏe khỏi những căn bệnh truyền nhiễm.

Làm công tác xã hội với đồng lương ít ỏi nhưng chị vẫn ngày ngày cọc cạch trên chiếc xe đạp cà tàng, thâm nhập vào khắp các điểm nóng trong thành phố, vừa vận động, vừa phát triển đội ngũ cộng tác viên, vừa đưa nhiều bé gái thoát khỏi nhà chứa, tạo cơ hội đổi đời cho nhiều gái mại dâm.

Làm công tác xã hội gian nan, nguy hiểm, có khi bị nghi ngờ, bị lợi dụng... có lúc Tâm “si-đa” có ý muốn quay trở lại con đường cũ… Nhưng rồi, nghị lực và lòng biết ơn với những con người từng dang tay nâng đỡ mình, khiến chị lại vực mình dậy để “giúp đỡ những mảnh đời khác, trả ơn đời”.

Thấm thoắt, chị đã đi được một  hành trình hơn 20 năm, đưa hàng trăm mảnh đời bất hạnh về với cuộc đời, biết lao động chân chính và có cuộc sống yên ấm.

Cuối những năm 1990, Tâm được giao trọng trách chăm sóc trẻ em mồ côi bị nhiễm HIV trong một dự án có tên Hy Vọng. Chị hàng ngày ăn ở, phục vụ, chăm sóc hơn chục đứa trẻ bị xã hội xa lánh, chối bỏ. Cũng tại đây, chị gặp tình yêu đích thực của đời mình. Nhưng hạnh phúc chưa kịp lên men, anh đã sớm rời xa chị, cũng vì căn bệnh thế kỷ.

Sau khi dự án kết thúc, nhiều đứa trẻ bơ vơ không có chốn đi về. Chị đánh liều đi xin tiền khắp nơi, thuê nhà và đem chúng về nuôi. Những đứa con nuôi của chị có đứa học đại học, có đứa đi làm, có đứa đã lập gia đình, cũng có nhiều đứa vì bệnh tật đã bỏ chị mà đi… Chị đón nhận chúng với đủ đầy hạnh phúc, đớn đau bởi chăm sóc trẻ  có HIV không hề dễ dàng. Chỉ cần hai đứa bé cùng sốt một lúc cũng khiến đầu chị nổ tung, chưa kể chuyện xin học chữ, học nghề cho các  con…

Hiện sống với chị chỉ còn 3 đứa trẻ, đứa bé nhất 12 tuổi, có thể tự phục vụ mình. Thời gian rảnh, Tâm sang mái ấm của các cha xứ, phụ các sơ chăm nom những trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi khác.

Ứơc mơ lớn nhất của chị bây giờ là có được giấy chứng minh nhân dân, bởi bao nhiêu năm đi gõ cửa các cơ quan, chị Tâm đều bị lắc đầu từ chối vì chị không có hộ khẩu hay tạm trú để được cấp CMND. Điều này khiến chị lo ngại cho tương lai của các con khi chúng cũng không có giấy tờ để đi xin việc…Chị chỉ biết chờ đợi phép màu sẽ xảy đến với mẹ con chị… như chị đã từng được nhận nhiều lần trong cuộc đời.

“Tâm xanh xao, ốm yếu, gầy nhom nhưng mạnh mẽ, quyết liệt, thẳng thắn và trung thực”… đó là những gì bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc viết cho chị trong lời tựa cuốn hồi ký “Tâm “si-đa” vượt lên cái chết” - mới được tái bản!

Châu Mỹ
.
.
.