Thầy giáo 9x và lớp học tiếng Anh miễn phí cho học sinh nghèo

Thứ Hai, 26/09/2016, 14:19
Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh đã nhen nhóm ý tưởng thành lập “Lớp học vì cộng đồng” (PEC), lớp học tiếng Anh miễn phí cho các học sinh, sinh viên nghèo không có điều kiện đi học thêm tiếng Anh.


Sau một năm đi du học và dành nhiều thời gian làm gia sư, anh quyết định vay tiền, kêu gọi bạn bè cùng chung tay thực hiện dự án. Dù bị bạn bè, người thân, gia đình phản đối kịch liệt, nhưng sau hơn 2 năm thực hiện, dự án PEC của thầy giáo trẻ Nguyễn Tự Sánh, giảng viên Trường Đại học Hà Nội là niềm hi vọng cho những học sinh, sinh viên nghèo và cả những trẻ em tự kỷ.

Chúng tôi hẹn gặp Nguyễn Tự Sánh ngay tại gian hàng bán hạt giống nhỏ nhắn, xinh xắn do chính anh tự mở ở chợ Triều Khúc bởi Sánh lúc nào cũng bận rộn với những dự án có một không hai của mình.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Tự Sánh.

Tranh thủ ngoài giờ dạy chính ở Trường Đại học Hà Nội và Trung tâm tiếng Anh PEC, Sánh mở thêm cửa hàng bán hạt giống, cùng người yêu thay nhau trông nom.

Nhà Sánh có truyền thống buôn bán hạt giống cây trồng, nên Sánh mở cửa hàng một phần vừa là để quảng cáo cho gia đình, vừa là để mưu sinh, kiếm thêm thu nhập và cũng là để thỏa mãn đam mê gieo trồng của mình.

Sinh năm 1990 nhưng nhìn Nguyễn Tự Sánh già hơn với tuổi của mình. Chàng trai Canh Ngọ tự nhận mình là một con ngựa bất kham, không chịu ngồi yên một chỗ với những ý tưởng “khác người”.

Ý tưởng thành lập lớp học cộng đồng mới đầu của anh bị gia đình, bạn bè, người thân cho là điên rồ và phản đối kịch liệt nhưng nhìn thành quả anh đạt được ngày hôm nay, ai cũng cảm phục và ngưỡng mộ bởi sự quyết tâm, dũng cảm, dám nghĩ dám làm của chàng trai trẻ.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Phúc Thọ, Hà Nội, từ nhỏ Sánh không có điều kiện được đi học thêm tiếng Anh, nhưng niềm đam mê đã thôi thúc chàng trai trẻ tự mua sách vở về học tại nhà.

Suốt những năm học cấp 3, Sánh chưa một lần đi học thêm ngoại ngữ nhưng anh vẫn mạnh dạn nộp hồ sơ thi vào khoa tiếng Anh, Trường Đại học Hà Nội và đỗ với điểm số khá cao.

Sánh trở thành niềm tự hào của cả gia đình và thôn xóm bởi khi ấy, không ai có thể tin một cậu bé trường làng tự học ngoại ngữ ở nhà lại có thể đỗ điểm cao đến thế.

Một buổi đi từ thiện ý nghĩa tại cô nhi viện Thánh an Bùi Chu.

Suốt những năm học đại học, Sánh vẫn miệt mài vừa tự học ở nhà, vừa đi dạy thêm ngoại ngữ để phụ thêm tiền đóng học phí, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ.

Năm thứ 3, một lần nữa Sánh đem đến niềm tự hào cho gia đình khi anh đạt xuất sắc được nhận học bổng toàn phần du học Australia gần 1 năm. Những kiến thức có được từ chuyến du học mở ra một chân trời mới trong Sánh.

Sánh bị thu hút bởi những giờ học vui vẻ, thoải mái giữa giáo viên và học sinh ở môi trường học tập mới, đặc biệt là kỹ năng giảng dạy của giáo viên bản địa khi luôn khuyến khích sinh viên thể hiện quan điểm cá nhân của mình. Điều đó giúp ích cho công việc giảng dạy sau này của Sánh rất nhiều.

Tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc, Sánh được giữ lại làm giảng viên khoa tiếng Anh của Trường Đại học Hà Nội. Thời gian đầu mới ra trường, Sánh tiếp tục đi gia sư và nuôi dưỡng ước mơ về một trung tâm tiếng Anh cho riêng mình.

Gần nửa năm sau, dự án lớp học cộng đồng PEC (Perfect English center) chính thức được ra đời với ý nghĩa giảm tới mức thấp nhất chi phí cho một khóa học mà vẫn đạt chất lượng học tập cho các học sinh, sinh viên.

Các học viên tham gia PEC chỉ phải trả mức học phí 450.000 đồng để duy trì chi trả tiền điện, nước và thuê địa điểm học cho một khóa học kéo dài 2 tháng.

Cũng vì thấu hiểu hoàn cảnh của các học sinh, sinh viên nghèo không có điều kiện đi học thêm tiếng Anh như mình ngày xưa mà trong dự án PEC, Sánh còn mở thêm nhiều lớp học miễn phí.

Nhớ lại những ngày đầu mới khởi nghiệp, Sánh gặp muôn vàn khó khăn. Gia đình, bạn bè, người thân ra sức phản đối, gọi anh là “điên, là rồ, là kẻ vác tù và hàng tổng”.

Việc mở thêm một trung tâm ngoại ngữ giữa Hà Nội khi đã có khá nhiều trung tâm cả có tiếng lẫn vô danh sẽ rất khó để cạnh tranh, nhất là với một người thầy giáo trẻ vừa mới ra trường như Sánh.

Nhưng tuổi ngựa bất kham, Sánh quyết tâm thực hiện bằng được ý tưởng từ thời sinh viên của mình. Anh kêu gọi những người bạn là những người giỏi tiếng Anh để cùng thực hiện dự án.

Để có kinh phí thực hiện ước mơ của mình, Sánh đã chạy vạy khắp nơi, nhờ cả bố mẹ ở quê vay được gần 100  triệu đồng. Chật vật thuê địa điểm, mua sắm trang thiết bị, tuyển học viên.

Sau nửa năm chuẩn bị, những học viên đầu tiên đã đến lớp. Ban đầu học viên của trung tâm chủ yếu là những sinh viên của Sánh tại Trường Đại học Hà Nội cũng như những học sinh, sinh viên mà Sánh từng đi gia sư. Giáo viên chỉ có một vài người là bạn thân thiết của Sánh có trình độ tiếng Anh giỏi và tâm huyết với dự án lớp học vì cộng đồng của anh.

Chuỗi “Lớp học tiếng Anh vì cộng đồng” gồm ba cấp độ: Phát âm, giao tiếp cơ bản và giao tiếp nâng cao. Trong đó giáo trình “Phát âm” và “Giao tiếp cơ bản” do thầy Sánh và đồng nghiệp phối hợp soạn ra.

Ngay từ khi tuyển sinh, thầy đã chú ý phân loại trình độ để sắp xếp học viên theo từng cấp độ, nhu cầu. Đặc biệt, đối với nhóm học viên đang đi làm, thầy chú trọng nâng cao kỹ năng giao tiếp cơ bản để họ có thể ứng dụng ngay trong công việc.

Tiếng lành đồn xa, phương pháp học hoàn toàn mới và kỹ năng giảng dạy của thầy giáo 9x cùng các đồng nghiệp đã thực sự thu hút được nhiều sinh viên.

Đặc biệt, việc được học tiếng Anh bài bản với học phí thấp, thậm chí các em học sinh, sinh viên nghèo còn được miễn phí hoàn toàn là điểm hút lớn nhất của trung tâm PEC.

Nhận thấy tâm huyết của người thầy giáo trẻ, nhiều giảng viên, sinh viên trình độ tiếng Anh cao tìm đến trung tâm ngày càng nhiều để cùng anh thực hiện dự án đầy ý nghĩa này.

Một giờ học ý nghĩa của PEC, trong đó học sinh, sinh viên thoải mái thể hiện quan điểm cá nhân.

Sau hơn 2 năm thực hiện, từ vài chục học viên ban đầu, Trung tâm PEC đã thu hút được hàng nghìn học viên, mở tại 5 địa điểm là Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, một điểm tại phường Quang Trung (Đống Đa) và tại chính nhà anh.

Các học viên của PEC đủ mọi lứa tuổi, có những em nhỏ học lớp 6, lớp 7, cũng có những người đã ở tuổi 60. Đội ngũ giáo viên, giảng dạy được tuyển chọn kỹ lưỡng và tổ chức lớp đào tạo nghiệp vụ hàng tuần.

Đó là những người có trình độ tiếng Anh Ielts trên 7.0, nhưng quan trọng hơn cả là họ có cùng nhiệt huyết, mong muốn góp sức nhỏ bé của mình cho những bạn trẻ khó khăn nhưng ham học.

Tham gia dự án PEC, các học viên không những có cơ hội nâng cao khả năng ngoại ngữ, mà còn có cơ hội là thành viên của các tổ chức phi lợi nhuận khác trong khối liên kết của PEC để mang lại giá trị nhân văn cho cộng đồng và xã hội.

Với số tiền học phí thu được, một nửa Sánh dành để đầu tư lại về Trung tâm PEC, một nửa để anh cùng bạn bè và các giáo viên, học viên của trung tâm đi làm từ thiện.

Từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, Sánh đã tích cực tham gia các chương trình từ thiện. Ý tưởng thành lập lớp học tiếng Anh miễn phí trong dự án lớp học vì cộng đồng cũng là từ những lần đi tình nguyện ấy.

May mắn cho anh khi được một người đàn anh thân thiết cũng là học viên đã tốt nghiệp của anh luôn đồng hành, lên ý tưởng, kế hoạch cho những chuyến đi từ thiện của trung tâm.

Sánh hồ hởi khoe, mới đây trung tâm của anh vừa đi trao quà từ thiện cho các em bé mồ côi ở cô nhi viện nằm trong khuôn viên của Nhà thờ Bùi Chu, một ngôi nhà thờ cổ và đẹp nổi tiếng miền Bắc thuộc huyện Xuân Trường - Nam Định.

Từ ngày thực hiện dự án, Nguyễn Tự Sánh dường như không có thời gian nghỉ ngơi. Tất cả buổi tối của anh đều dành cho “Lớp học vì cộng đồng”.

Tối thứ hai, ba, tư và thứ sáu, anh dạy các lớp học của sinh viên, người đi làm. Tối thứ năm và hai ngày cuối tuần, anh lại chạy xe về huyện Phúc Thọ (Hà Nội) dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ tại quê nhà.

Ngoài những lớp học miễn phí dành cho học sinh nghèo, Sánh còn mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ tự kỷ tại trường Lâm Nhi (Ba Đình, Hà Nội). Hiện tại, Sánh đang lên kế hoạch mở thêm những lớp học tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo ngay tại một ngôi chùa ở Hà Nam và Nam Định.

Ngọc Trâm
.
.
.