Thầy giáo làng với trái tim nhân hậu

Thứ Tư, 03/01/2018, 13:37
Dù chỉ là hiệu trưởng một trường cấp 2 ở làng quê nghèo, nhưng khi tận thấy những mảnh đời bất hạnh, không nơi nương tựa, thầy đã kêu gọi thành lập Quỹ nhân ái mang tên Hồng La.


Qua đó, vận động, kêu gọi được hàng nghìn tấm lòng nhân ái, quyên góp được hàng tỷ đồng cứu giúp những mảnh đời khốn khó. Thầy là Trần Quốc Thường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Biểu, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Người hồi sinh những mảnh đời khốn khó

Một năm trở về trước, có nằm mơ thì em Phan Thị Mỹ Hạnh, học sinh lớp 11A5 Trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ cũng không dám tin rằng, sẽ có ngày mình được hồi sinh cuộc đời. Bố mất sớm, một mình mẹ chật vật vừa nuôi hai chị em Hạnh ăn học, vừa kiếm tiền chữa bệnh bởi cả hai đứa con đều mang trong mình nhiều loại bệnh tật bẩm sinh, hiểm nghèo. 

Riêng với Phan Thị Mỹ Hạnh, bản thân em vừa bị bệnh tim bẩm sinh, lại cong vẹo cột sống độ 4 nên sức khỏe rất yếu, sự sống mong manh. Để phẫu thuật, phải có một khoản tiền rất lớn, trong khi tài sản trong gia đình của 3 mẹ con chẳng có gì đáng giá bạc triệu. 

Trong hoàn cảnh đó, câu chuyện của Hạnh đến được với thầy giáo Trần Quốc Thường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Biểu, là người sáng lập nên Quỹ nhân ái Hồng La.

Thầy Thường đã tìm đến tận nhà, hỗ trợ một phần tài chính, đồng thời kêu gọi các thành viên và các Mạnh Thường Quân quyên góp tiền bạc để giúp Hạnh mổ tim, phẫu thuật cột sống. Sau khi có khoảng 135 triệu đồng, đích thân thầy Thường đã trực tiếp liên hệ với Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để lo thủ tục chữa trị cho Hạnh với chi phí mổ thấp nhất. 

Ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi, chiến thắng bạo bệnh trở về, Phan Thị Mỹ Hạnh tự tin viết tiếp giấc mơ của cuộc đời mình, khi đặt mục tiêu thi đậu đại học để khẳng định tương lai. 

"Ca mổ thành công với kinh phí 55 triệu đồng. Số tiền còn lại, các nhà hảo tâm đã mua cho gia đình 1 con bê và làm một sổ tiết kiệm trị giá 60 triệu đồng để giúp các cháu ăn học. Nhờ vậy mà tôi có công việc, có thu nhập ổn định nên cuộc sống vì thế cũng bớt bấp bênh hơn", chị Cao Thị Hóa, mẹ của Hạnh xúc động chia sẻ.

Thầy giáo Trần Quốc Thường kết nối hoạt động từ thiện của trường Marie Curie Hà Nội tại Hà Tĩnh.

Câu chuyện của gia đình em Phan Thị Mỹ Hạnh chỉ là một trong hàng ngàn hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ kịp thời của Quỹ nhân ái Hồng La trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. 

Được thành lập từ năm 2015, đến nay, sau 3 năm đi vào hoạt động, Quỹ nhân ái Hồng La đã huy động được hơn 1,5 tỷ đồng để làm nhà tình thương và tổ chức nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện. 

Trong đó, quỹ đã xây tặng 6 căn nhà tình thương; đỡ đầu chăm nuôi 31 cụ già neo đơn và cưu mang 41 học sinh, sinh viên nghèo, trẻ em mồ côi, tàn tật hằng tháng. Tặng 450 xe lăn cho những người bị bại liệt, duy trì tốt các quầy hàng miễn phí như quần, áo, gạo, muối... cho trẻ mồ côi và người nghèo trên đất Hồng La. 

Cùng với nhiều chương trình có ý nghĩa, quỹ còn triển khai hiệu quả mô hình "Đàn gà cho em". Từ chương trình đã có 70 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn được tặng mỗi em một đàn gà giống trị giá khoảng 700.000 đồng.

Trong câu chuyện với chúng tôi vào một ngày cuối năm, thầy Trần Quốc Thường trăn trở: Vẫn còn đó rất nhiều những hoàn cảnh bất hạnh cần sự chung tay sẻ chia từ cộng đồng và xã hội, nên mặc dù đã xấp xỉ tuổi 60, hơn 40 năm làm công tác giảng dạy, nhưng mỗi ngày chứng kiến những phận đời thiếu may mắn đang vật vã mưu sinh, trái tim của thầy giáo già lại không thôi rung động. 

Cơ duyên đến với những nẻo đường thiện nguyện, theo thầy Thường thì ban đầu, thầy chỉ hoạt động trong phạm vi nhà trường, nơi thầy đang công tác. Nhìn thấy các em học sinh nghèo khó, thầy đã kêu gọi ủng hộ để giúp đỡ các em mua quần áo, sách vở, xe đạp. 

Ngoài việc vận động đồng nghiệp, phụ huynh và cựu học sinh, thầy Thường còn lên mạng xã hội để kêu gọi các nhà hảo tâm. Cứ như vậy, theo dòng thời gian, tấm lòng của thầy Trần Quốc Thường được nhiều người biết đến. 

Nói về việc làm của mình, vị giáo già chia sẻ, thầy chỉ là cầu nối của lòng nhân ái, bởi bản thân chỉ là một người làm nghề giáo, lương ba cọc ba đồng nên cũng không có tiền túi để bỏ ra giúp đỡ cho người khác.

Trao quà cho một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Đức Thủy, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Quỹ nhân ái trên đất nghèo núi Hồng, sông La

Cuối năm 2014, với mong muốn kết nối nhiều hơn nữa những trái tim nhân ái trên quê hương núi Hồng, sông La, được sự động viên của mọi người, thầy giáo Trần Quốc Thường đã đứng ra thành lập Quỹ nhân ái Hồng La. 

Quỹ do thầy Thường đứng ra cáng đáng, với khoảng 15 người  đều là bạn bè, đồng nghiệp và những nhà hảo tâm đã đồng hành cùng thầy suốt bao nhiêu năm qua cùng chung tay, giúp sức. 

Những đồng tiền từ Quỹ nhân ái Hồng La bỏ ra đều có ý nghĩa xã hội rất tích cực, câu chuyện của em Nguyễn Thị An, trú xã Đức An, huyện Đức Thọ là một ví dụ. Đang học dở cấp 3 Trường THPT Trần Phú trên địa bàn thì gia đình xảy ra biến cố, An đứng trước nguy cơ phải chia tay trường lớp vì không có tiền và nhiều khó khăn khác. 

Biết chuyện, Quỹ nhân ái Hồng La đã đứng ra tài trợ, và với sự giúp đỡ kịp thời này, An đã xuất sắc thi đậu vào Khoa Y Đa khoa, Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh với số điểm 26,5. An chỉ là một trong số 41 học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được Quỹ nhân ái Hồng La tài trợ trong suốt quá trình học, và theo đánh giá thì tất cả các em này đều vượt qua được hoàn cảnh để vươn lên học giỏi và đỗ đạt, thành tài.

Thầy Trần Quốc Thường chia sẻ, phạm vi hoạt động của Quỹ nhân ái Hồng La rất rộng, từ việc giúp đỡ các em học sinh nghèo, giúp đỡ người già cả neo đơn đến mô hình "Bát cháo tình thương" (triển khai nhiều năm qua tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Hồng Lĩnh với 100 bát cháo vào mỗi sáng thứ 7 hàng tuần), dạy bơi cho các cháu thiếu nhi, triển khai dự án "Tủ sách trường học", trao quà "Tết vì người nghèo", trao quà cho các "Cựu giáo chức"… 

Cho đến bây giờ, thầy Thường và nhóm thành viên của quỹ cũng không nhớ nổi bước chân của mình đã đặt đến những nơi nào, chỉ biết rằng nơi đâu trên mảnh đất Hà Tĩnh này có hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ là Quỹ nhân ái Hồng La lại có mặt. 

Mỗi số phận, thầy lại đặt cho một con số, gắn với cụm từ "Giọt lệ yêu thương" hoặc "Hạt gạo yêu thương", tùy theo đối tượng là người già hay các cháu nhỏ để kêu gọi sự giúp đỡ. 

Không thống kê được đã có bao nhiêu hoàn cảnh được Quỹ tiếp sức, song thầy Trần Quốc Thường tự hào rằng, bất cứ hoàn cảnh nào được giới thiệu, kêu gọi đều ngay lập tức được hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời. Và, đó là niềm động viên, cũng là động lực lớn nhất để thôi thúc các thành viên tiếp tục miệt mài trên hành trình thiện nguyện của mình.

Thầy Thường cùng thành viên của Quỹ nhân ái Hồng La tặng bò sinh sản cho gia đình nghèo.

Nói về những khó khăn trong quá trình hoạt động của quỹ, thầy Trần Quốc Thường cho biết, bản thân thầy cũng như tất cả các thành viên đều là giáo viên, nên quỹ thời gian rất hạn hẹp. Mọi hoạt động đều phải tranh thủ ngoài giờ, lúc nghỉ trưa hoặc vào ngày nghỉ cuối tuần. 

Ngoài ra, ban đầu nhiều người chưa hiểu hết việc làm của Quỹ nhân ái Hồng La nên cũng có lời ra, tiếng vào khi cho rằng thầy lợi dụng quỹ để tư lợi cá nhân. Tuy nhiên, đó chỉ là thời gian đầu, đến nay thì mọi người đã hiểu, chia sẻ và đồng cảm, một số người khác còn đồng hành với quỹ trên chặng đường thiện nguyện. 

Nói về khả năng kết nối để duy trì quỹ của mình, thầy giáo Trần Quốc Thường cho biết, ngoài số cựu học sinh, giáo chức và bạn bè trong tỉnh, trong nước, hiện nay Quỹ nhân ái Hồng La còn kết nối được mới nhiều nhà hảo tâm là Việt kiều ở nước ngoài, nặng lòng với quê hương núi Hồng, sông La. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức nhân ái trong và ngoài nước cũng có liên hệ thường xuyên với quỹ để triển khai các hoạt động thiện nguyện trên địa bàn.

Thầy giáo Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Nhà giáo Trần Quốc Thường được biết đến không chỉ là giáo viên giỏi, nhà quản lý có tài mà còn là người giàu lòng nhân ái. 
Ngoài việc làm tốt công tác chuyên môn, từ nhiều năm qua,  với tấm lòng thiện nguyện, đã kết nối, cứu giúp hàng ngàn mảnh đời bất hạnh, được mọi người ghi nhận. 

Với những việc làm lặng lẽ trong hàng chục năm qua của mình, thầy giáo Trần Quốc Thường đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ tặng Bằng khen, Hội Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh tặng Giấy khen vì sự nghiệp khuyến học và huyện Đức Thọ, tặng Giấy khen 15 năm vì người nghèo. 

Dẫu vậy, theo thầy Thường, phần thưởng lớn nhất mà thầy nhận được chính là trái tim của người nghèo, người bất hạnh, neo đơn được sưởi ấm kịp thời nhờ những tấm lòng nhân ái đã kịp thời san sẻ, tiếp sức thông qua sự kết nối của Quỹ nhân ái Hồng La. 

Thiên Thảo
.
.
.