Thầy giáo trẻ và hành trình 1.700 cây số đi bộ xuyên Việt “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi”

Thứ Ba, 28/10/2014, 07:30

Từng là giảng viên đại học, anh đã rời giảng đường Đại học Quy Nhơn để về công tác tại một trường dạy nghề ở Kon Tum, thắp lên phong trào đoàn thanh niên ở Tây Nguyên. Với tâm nguyện kêu gọi tất cả mọi công dân Việt Nam hướng về biển đảo và ủng hộ những người lính đang ngày đêm canh giữ biển trời cũng như con em của họ, thầy giáo trẻ quê gốc Quảng Trị đã thực hiện hành trình xuyên Việt trên chặng đường 1.700 cây số từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh với khoảng 26 triệu bước chân bằng hành trình “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi”.

Vị thầy giáo, thạc sĩ trẻ quê gốc Gio Linh (Quảng Trị) ấy là Võ Mạnh Tuấn (SN 1987), hiện là giáo viên Trường Trung cấp nghề Kon Tum. Nhìn dáng người nhỏ nhắn, đen sạm của anh, ít ai nghĩ rằng anh có đủ sức khỏe và can đảm để thực hiện chuyến hành trình từ Bắc chí Nam với lộ trình đặt ra chỉ trong thời gian 60 ngày. Nhưng rồi hôm anh từ Hà Nội đặt chân đến mảnh đất Quảng Trị nắng gió thân yêu, nhìn những bước chân thoăn thoắt, cương nghị của đứa con trai bé bỏng, bà Lê Thị Nhỏ, mẹ anh lặng người đi vì xúc động và thương con. Ngay cả bố anh, ông Võ Xuân Quỳnh, cũng rất tin tưởng và tự hào về đứa con trai nhỏ nhắn nhưng chí lớn của mình. Từ việc anh rời giảng đường Đại học Quy Nhơn đến chuyện tính về quê mở cơ sở rửa xe kiếm sống, quyết định nào ông cũng tôn trọng. Và ngay cả việc Tuấn quyết định đi bộ xuyên Việt trong dịp hè để gây quỹ ủng hộ biển đảo, ông chưa bao giờ phản đối, dù trong lòng rất thương con.

Hành trình vượt khó của thầy giáo trẻ

Võ Mạnh Tuấn sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, bố mẹ làm nông nên ngoài giờ học Tuấn đều nai lưng ra phụ giúp cha mẹ làm ruộng, dù thời gian dành cho học tập khá ít ỏi nhưng Tuấn lại có thành tích học tập khá cao. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, năm đầu tiên Tuấn đã thi đậu vào ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Quy Nhơn. Nhà nghèo, cầm mấy đồng đủ tiền xe vào làm thủ tục nhập học, Tuấn đã tự bươn chải để trang trải học hành trong suốt 4 năm. Thời gian dùi mài kinh sử, Tuấn nhiệt tình tham gia công tác xã hội nên năm thứ 4 sinh viên, anh đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Ra trường, Võ Mạnh Tuấn được nhận vào làm ở một tổ chức phi chính phủ với mức lương cao ngất ngưởng nhưng Tuấn đã từ chối với lý do, anh muốn vừa học lên vừa làm, nhưng nhà tuyển dụng không chấp nhận.

Ngay sau đó, để hiện thức hóa giấc mơ học tiếp, Tuấn xin chân rửa xe ở quán, kiếm mấy chục ngàn mỗi ngày. Vất vả nhưng bù lại, anh được hiện thực hóa ước mơ khi thi đỗ vào chuyên ngành giáo dục học của khoa Sau đại học. Biết hoàn cảnh và ý chí của Tuấn, Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn đã quyết định tuyển dụng anh vào làm việc tại Phòng Tổ chức - Công tác sinh viên, vừa giảng dạy ngành công tác xã hội.

Chân dung thầy giáo trẻ Võ Mạnh Tuấn.

Do công việc ở trường chiếm phần nhiều thời gian, Tuấn lại tốt nghiệp ngành công tác xã hội nên muốn có được nhiều thời gian để chu du đây đó, làm công tác từ thiện xã hội. Đặc biệt là từ sau khi vô tình xem clip trận chiến đảo Gạc Ma, chứng kiến sự anh dũng, kiên cường của chiến sĩ hải quân Việt Nam, anh đã vô cùng xúc động. Cũng bắt đầu từ đó, Tuấn nghĩ đến những người dân Việt Nam đang ngày đêm bám biển đều đóng góp công sức cho Tổ quốc và cả những thiệt thòi mà những người vợ, người mẹ, người con của họ đang phải gánh chịu. Họ vươn khơi trong khi gia đình còn nhiều vất vả. Nhiều con em của các chiến sĩ, ngư dân ở đất liền vẫn phải sống cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Sau nhiều tháng trăn trở, Tuấn đã nghĩ ra ý tưởng đi bộ xuyên Việt nhằm gây quỹ từ thiện với tên gọi “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi”. Tuy vậy, cũng phải đến hè năm nay, khi anh quyết định chuyển công tác lên Tây Nguyên thì ý nguyện ấp ủ bấy lâu nay mới hiện thực hóa được, với sự giúp đỡ và ủng hộ nhiệt tình của Hội Liên hiệp Thanh niên và tuổi trẻ tỉnh Kon Tum. Đặc biệt là từ sau khi Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quyết tâm của Tuấn càng trở nên mạnh mẽ hơn.

Hành trình đi bộ xuyên Việt ủng hộ biển đảo quê hương

Ngày 19/7/2014, Võ Mạnh Tuấn bắt đầu hành trình “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” của mình, xuất phát điểm từ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội. Hành trang của anh gói gọn trong chiếc ba lô nặng 15kg gồm quần áo, thuốc men, ít lương thực, võng, chăn, áo mưa và hai lá cờ Tổ quốc. Bên cạnh đó, anh mang theo số tiền 10 triệu đồng mà mình dành dụm được để làm lộ phí và tặng quà cho những học sinh nghèo là con em các ngư dân trên dọc dải đất miền Trung. Tuấn chia sẻ, trước khi thực hiện hành trình xuyên Việt, anh đã đề xuất Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Kon Tum mở tài khoản tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam. Hội sẽ trực tiếp quản lý, sử dụng số tiền trong tài khoản để “tiếp sức” cho con em chiến sĩ, ngư dân bám biển. Làm được điều này, anh vừa có động lực để tiếp bước, vừa đảm bảo sự minh bạch trong hành trình kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân.

Dù đã lường trước mọi khó khăn, thử thách trên hành trình xuyên Việt bằng đôi chân của mình, song khi bước vào thực tiễn, Tuấn mới cảm nhận hết được những khó khăn, thử thách về sự khắc nghiệt của thời tiết, tuyến quốc lộ 1A anh qua đang thi công, đất đá lổm nhổm, bụi bay mù mịt khiến đôi chân anh sưng tấy, đôi mắt cũng sưng đỏ vì bụi. “Trước khi bắt đầu hành trình, mình đã tập luyện khá nhiều. Mỗi ngày ba buổi, mình vác ba lô nặng 15kg, đi bộ suốt hai tiếng đồng hồ. Ban đầu mệt đứ đừ, mãi rồi cũng thành quen. Thế nhưng, bước vào chặng đường thực tế, mình mới thấm thía hết sự gian nan”, anh Tuấn chia sẻ. Gian khó, vất vả là vậy song trên những chặng đường mình đi qua, Tuấn cũng đã có rất nhiều những kỷ niệm vui, tạo động lực để anh vững tin bước tiếp. Đó có thể là bữa cơm trưa san sẻ chia đôi của bác gác chắn barie đường sắt ở Quảng Bình, hoặc chiếc bánh mỳ và chai nước suối mà chị bán hàng cố chạy theo để dúi vào tay khi anh đã đi khuất ở Quảng Trị. Họ là những người bạn mới, trước đó chưa hề quen biết nhau, khi biết mục đích của chuyến đi mà Tuấn đang thực hiện, ai cũng trân trọng, nể phục.

Tại mỗi địa phương nơi anh đi qua, Tuấn đều dành ít thời gian để tổ chức giao lưu, gây quỹ và thăm hỏi, tặng quà thân nhân của các chiến sĩ Cảnh sát biển, kiểm ngư đang làm việc ngoài khơi xa, bằng chính số tiền mà nhiều nhà hảo tâm đã ủng hộ trực tiếp. Đơn cử như khi về qua Quảng Trị quê nhà, Tuấn đã ghé thăm cha mẹ già một ngày đêm, sau đó đến thăm, tặng quà và động viên con em 3 ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, anh dành thời gian đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị, thắp nén tâm hương cho các hương hồn liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây trước khi tiếp tục chặng hành trình.

Chia sẻ về chuyến hành trình của mình, Võ Mạnh Tuấn cho biết, nắng, mưa, bệnh tật dọc đường anh không sợ, song nỗi sợ lớn nhất là khi gặp những ánh mắt nghi ngờ và sự thờ ơ của cộng đồng về mục đích chuyến đi bộ xuyên Việt mà anh đang thực hiện. Cho đến thời điểm này, khi bài viết về anh chuẩn bị lên khuôn (ngày 10/9), Tuấn đã thực hiện được hơn 2/3 chặng đường của mình, anh đang lê những bước chân không mỏi trên đất Bình Thuận, cách đích đến không còn bao xa nữa. Liên lạc và chia sẻ với chúng tôi, hiện nay tài khoản chương trình “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi” sau ngần ấy thời gian anh phát động, đã có nhiều cá nhân, tổ chức gửi vào để ủng hộ, dù chưa được nhiều như mong đợi. Song Tuấn vẫn có niềm tin, anh cho biết, có lẽ mọi người đang dõi theo kết quả chuyến đi, và khi đến đích số tiền ủng hộ sẽ nhiều hơn. Chỉ còn thời gian rất ngắn nữa là thầy giáo, thạc sĩ trẻ Võ Mạnh Tuấn sẽ kết thúc hành trình đi bộ xuyên Việt “Tiếp bước đến trường, vững chí ra khơi”, với hơn 1.700km, với khoảng trên 26 triệu bước chân của mình

Thuận Thành
.
.
.