Thoát án tử hình, trở thành tấm gương sáng hoàn lương

Thứ Năm, 05/03/2015, 09:00
Dù đã đầu năm 2015 nhưng cái không khí se lạnh vẫn đang len lỏi khắp nơi; đặc biệt tại cái vùng sỏi đá, nhiều cây cối của Trại giam Thủ Đức, là nơi mà tôi được gặp gỡ, tiếp xúc với anh Nguyễn Xuân Bàn, sinh năm 1956, trú tại Tiểu khu I, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La - một con người từng chấp hành án tại đây, giờ quay trở lại tham dự Hội nghị gặp mặt đại diện người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu, tích cực tái hoà nhập cộng đồng do Trại giam Thủ Đức tổ chức.

Trong cái bắt tay ấm áp, chân thành tại bếp ăn của Trại giam Thủ Đức; tôi nhận thấy bàn tay của anh sần sùi, thô ráp, mặt hằn lên nét khắc khổ của một người từng trải. Anh tâm sự nhiều lắm, anh nói nơi này đã gắn bó với anh như máu thịt, những người nơi đây anh gặp gỡ, tiếp xúc thân thiết hơn cả người thân ruột thịt.

Quả thật, với cái án chung thân được Chủ tịch nước ân giảm từ bản án tử hình, Nguyễn Xuân Bàn đã ở cái mảnh đất đầy nắng gió, sỏi đá cằn cỗi này hơn 15 năm. Cái cảm giác dựng tóc gáy, lạnh xương sống trong những ngày biệt giam chờ án tử hình đến với mình như còn in sâu trong ký ức của Nguyễn Xuân Bàn.

Thoát khỏi cái chết, anh nhận rõ giá trị cuộc sống và càng trân trọng hơn những gì cuộc sống đã ban tặng. Tháng ngày chấp hành án tại Trại giam Thủ Đức, anh đã được rèn luyện bản lĩnh, nhất là giá trị lao động, giá trị đồng tiền vì chính nó đã khiến anh sa vào con đường tội lỗi - mua bán trái phép chất ma tuý. Anh kể, trong giai đoạn Đông Âu sụp đổ, đất nước ta vẫn còn đang khó khăn, bản thân anh là một người làm trong cơ quan Nhà nước, cuộc sống gia đình còn nhiều vất vả; trong một lần về thăm quê ở Thái Bình, anh ghé thăm một người bạn tại Hà Nội và lòng tham nổi lên, mong muốn chỉ trong một đêm giàu nhanh chóng khi bạn rủ buôn bán ma tuý kiếm lời.

Anh Nguyễn Xuân Bàn.

Quả đúng là "Trời bất dung cho kẻ bất nhân", anh đã bị bắt ngay trong lần đầu vận chuyển ma tuý vào TP HCM tiêu thụ. Anh ngậm ngùi, nuối tiếc cho bản thân, chỉ vì hám lợi mà mất tương lai, hối hận vì đã gây cho gia đình thân yêu của mình nỗi đau, buồn tủi với họ hàng, bà con, làng xóm; đã khó khăn về kinh tế lại càng khó khăn hơn vạn lần.

Mong muốn sớm trở về để làm lại từ đầu, đoàn tụ và bù đắp cho gia đình, anh tự dặn lòng mình không được ngại khó, ngại khổ, quyết tâm cải tạo để nhận được sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Sau quá trình thử thách, chuyển từ đội nông nghiệp sang làm cá rồi đội mộc; với sự chịu khó, lại có khả năng viết văn làm thơ, anh được Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ bố trí làm Trưởng ban tự quản văn hoá. Phát huy khả năng, thấu hiểu tâm lý của những phạm nhân đồng cảnh ngộ, Bàn đã viết ra bài thơ về Nội quy trại giam theo thể lục bát để những người không biết chữ dễ thuộc, dễ nhớ, biết mà tuân thủ, tránh vi phạm nội quy; anh cùng những phạm nhân khác trong Ban tự quản văn hoá sáng tạo ra Tập san - tập hợp các bài viết do phạm nhân tự sáng tác; đây là sân chơi văn hoá cũng là nơi phạm nhân thể hiện sự hối hận, hướng thiện, nguyện vọng mong muốn của mình về cuộc đời, về tương lai của bản thân. Với sự phấn đấu trong lao động, học tập, cải tạo không mệt mỏi, sau 15 cái tết xa cách, anh đã được đoàn tụ cùng gia đình ăn bữa cơm ấm áp vào đầu năm mới 2008.

Không khí đang vui vẻ, bỗng anh Bàn trầm hẳn: "Tâm trạng háo hức, mong muốn làm lại cuộc đời, bù đắp cho gia đình của mình như bị giội phải gáo nước lạnh khi bắt gặp nhiều cái nhìn khắt khe từ xã hội lúc đó, chính quyền cũng chưa có sự giúp đỡ gì nhiều". Giọng anh buồn buồn khi nhớ lại những ngày đó. Nhưng, được sự động viên từ gia đình cùng với bản lĩnh đã được rèn luyện trong thời gian chấp hành án, anh đã lấy lại tinh thần và bắt đầu từ việc trồng vườn cây ăn trái.

Phần thưởng cho sự chăm chỉ, hăng say lao động là vườn cây ngày càng xanh tốt, hoa trái sum suê; thu nhập của gia đình anh ngày càng tăng, đời sống được cải thiện, nâng cao. Kinh tế gia đình ổn định, anh tích cực tham gia vào các hoạt động chung của xóm làng, địa phương. Năng nổ, nhiệt tình, cộng với sự chín chắn, từng trải, anh đã được bà con bầu làm Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc của thôn nơi cư trú.

Khi tôi hỏi hình như anh có duyên với chữ "Trưởng" thì phải? (Trưởng ban văn hoá khi ở Trại giam Thủ Đức và Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc của thôn Tông Lạnh), anh chỉ cười hiền: "Mình từng là người mang tội, làm được gì cho gia đình và bà con, địa phương thì cố gắng làm, xem như là cách cảm ơn cuộc đời đã cho mình sống lại lần thứ hai". Ánh mắt anh lại nhìn xa xăm, đăm chiêu của cái tuổi đã bắt đầu xế chiều…

Khi  tôi đề cập đến Hội nghị gặp mặt đại diện người chấp hành xong án phạt tù tiêu biểu, tích cực tái hoà nhập cộng đồng, giọng anh Bàn sôi nổi hẳn: "Tôi nhớ các thầy ở Trại giam Thủ Đức lắm, vẫn mong muốn có ngày gặp lại để tỏ lòng cảm ơn những người đã dìu dắt, giáo dục tôi nên đã không quản đường sá xa xôi hơn 2.000 cây số để vào đây. Vợ tôi đang ốm nhưng cũng động viên chồng đi để làm trọn cái nghĩa cái tình với những người mà cả gia đình đều mang ơn".

Sự hiện diện, những chia sẻ về cuộc đời của anh trong chương trình hội nghị này sẽ là tấm gương sáng về nghị lực, sự vươn lên trong cuộc sống; có tính giáo dục, thuyết phục rất lớn đối với những phạm nhân đang cải tạo trên con đường trở về nẻo thiện, tái hoà nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời. 

Thu Hạnh
.
.
.