Thơm thảo tấm lòng người đàn ông ngày sửa xe máy, đêm lái taxi gom tiền làm từ thiện

Thứ Sáu, 25/12/2015, 11:38
Xuất thân từ gia đình miền Tây nghèo khó, 3 tuổi, ông đã phải nghỉ học để mưu sinh. Sau đó, ông sớm lăn lộn với cuộc sống xa quê và được một vị ân nhân dang tay giúp đỡ. Cảm kích trước tấm lòng bồ tát của vị ân nhân, ông quyết tâm dành cả đời mình làm từ thiện cứu giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó để trả lại “món nợ” ân tình mình đã chịu ơn đó.

Người “thầy” tận tâm

Đến phường 5, quận 8, TP Hồ Chí Minh, hỏi thăm ông Ngô Văn Phúc (45 tuổi, chủ tiệm sửa xe máy Tân Phúc Mập, đường Phạm Hùng, quận 8) không ai lại không biết đến. Bởi, từ lâu, ông đã nổi danh với biệt danh là “thầy Phúc từ thiện”, “thầy Phúc sửa xe máy” hay “thầy Phúc xóa mù chữ”… 

Nghe danh tiếng ông đã lâu, chúng tôi ấp ủ một lần được gặp ông để xem con người ấy thế nào mà có thể làm những công việc lớn lao như vậy. “Ban đầu vợ tôi cũng phản đối việc từ thiện của tôi lắm. Thế nhưng sau khi tôi phân trần, thanh minh, vợ tôi cũng hiểu và thông cảm cho tôi nhiều và còn tạo điều kiện giúp đỡ hết sức nữa”, ông chia sẻ.

Kể ra, người vợ cũng chẳng phải cay nghiệt gì với ông, và bà cũng không phải  là người khó khăn gì với người nghèo, nhưng thấy ông Phúc suốt ngày cứ mải mê với nghiệp từ thiện, trong khi gia đình cũng hãy còn khốn khó, là phụ nữ, bà cũng có trăn trở của riêng mình.

Thế nên, bà nhiều lần khuyên giải chồng “đừng lo việc bao đồng”, mà hãy chú tâm hơn vào công chuyện gia đình, vợ con. Thế nhưng, “Cái nghiệp từ thiện đã dính vào mình rồi làm sao. Tôi lại an ủi vợ hãy chịu khó thay tôi gánh vác chuyện gia đình vậy. Tôi phải tranh thủ khi tôi còn có thể làm, chứ khi già rồi tôi không thể làm được”.

Vừa chia sẻ, ông Phúc vừa lấy đồ nghề sửa xe chỉ cho cậu học trò tàn tật cách sửa chiếc xe tay ga đời mới. Ông cho biết, đây là những học viên trong lớp học sửa xe đặc biệt do ông trực tiếp hướng dẫn, chỉ dạy. Nói đặc biệt vì trong lớp học này, phần lớn là những cảnh đời cô thế cô thân, những thanh niên tật nguyền không có công ăn việc làm. Họ mắc phải mặc cảm lớn đối với xã hội và xem mình như người thừa, gánh nặng của xã hội, rất nhiều người trong họ không thể hòa nhập xã hội được. 

Ông Ngô Văn Phúc.

Thế nhưng, thấy cảnh tượng họ thương tâm, ông Phúc tập trung hết họ lại và chỉ cho họ cách sửa chữa Honda, xe máy và chỉ cho họ cách hòa nhập với cuộc sống, không xem mình là “người bị bỏ rơi” hay “đời thừa”, mà phải cố gắng khổ luyện thành nghề để có ích với đời.

“Lớp học sửa honda, xe máy của tôi đã duy trì được 25 năm rồi. Từ đó đến nay, Nếu tính học viên tôi đào tạo thì khoảng gần 300 em. Dù phần lớn các em là học viên tàn tật, hoặc những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhưng tất cả các em đều cố gắng thành nghề và giúp ích cho đời, cho gia đình và xã hội. Nhìn thấy các em thành tài, là một người “thầy”, tôi cũng vui lắm”, ông Phúc chia sẻ.

Vừa chăm chú nhìn những động tác hướng dẫn tỉ mỉ của người “thầy”, anh Bùi Trí Giang, 21 tuổi, quê Bạc Liêu, bị cụt một chân phải, cho chúng tôi biết, anh bị cắt bỏ một chân từ nhỏ vì căn bệnh ung thư hiểm nghèo. Nhà nghèo, mình lại lâm vào tình cảnh bi đát ấy, anh như bị trầm cảm, hoang mang, chẳng còn thiết sống nữa. 

Mọi sự dường như suy sụp với anh, thì đúng lúc ấy, cơ duyên cho anh được gặp ông Phúc. Chính ông đã động viên anh, đưa anh về nhà mình đào tạo sửa xe. Hành động của ông Phúc khiến người thanh niên này rất cảm kích. Bởi thế, anh phải luôn cố gắng để không phụ lòng mong mỏi của “thầy”.

Ở cái lớp học sửa xe này, không phải mỗi anh Giang là trường hợp đặc biệt. Hầu hết những học viên trong tiệm sửa xe của anh đều có hoàn cảnh tương tự. Những người này, ông Phúc gặp và đem họ đào tạo  nghề cho họ. Không những đào tạo nghề miễn phí, ông còn tạo điều kiện trả lương cho họ phụ giúp gia đình. Căn nhà nho nhỏ của ông biến thành “căn nhà công cộng”. Bởi căn nhà ấy vừa là lớp học vừa là nơi tá túc cho những học viên đặc biệt của ông. 

Nhìn những học viên trong lớp ông sửa xe đào tạo, tuy xét về văn hóa họ là những người ít học, có người chưa từng đến trường nhưng thái độ họ từ tốn, nhã nhặn khiến chúng tôi càng cảm kích hơn tấm gương người thầy này. Bởi “người thầy đức độ sẽ đào tạo, huấn luyện nên một người học trò đức độ”.

Sau một thời gian nói chuyện và dạy sửa chữa xe máy cho những em học viên, chúng tôi thấy nhiều trẻ con ở đâu lon ton chạy tới. Chúng ríu rít gọi ông là “thầy”. 

Thắc mắc, chúng tôi hỏi chuyện, ông mỉm cười: “Đó là những học sinh trong lớp xóa mù chữ của tôi. Chúng đến để đi học đấy. Mấy phút nữa thôi là tôi lại có lớp dạy học rồi. Những em này đều là con nhà khó khăn, bố mẹ ở miền quê lên đây kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo lấy tiền đâu ra cho chúng ăn học. Có đứa còn đi bán vé số, khi bán hết vé thì mới được qua để đi học. Thế nên vừa dạy các em, tôi phải vừa dỗ dành để các em không bỏ học. Bởi các em bỏ học tôi cũng buồn lắm”, ông mỉm cười.

Để các em không bỏ học, ngoài việc thuyết phục các em đến lớp, ông còn động viên tinh thần, mua giấy bút cho các em tập viết, mua sách cho các em làm bài tập. Lớp học xóa mù chữ của ông hiện có hơn 10 học sinh, trong đó, có những học sinh đã luống tuổi. Những người này để thuyết phục họ đi học không phải là chuyện dễ. Thế nhưng, với cái tâm của một người làm việc thiện, ông đã thuyết phục được họ. 

Ông mong họ đến lớp học không phải vì ông ham gì một chữ “thầy”, ông chỉ mong họ nhận biết mặt chữ để không khó khăn khi làm giấy tờ, để họ đi bán vé số biết đọc tên đường và để họ không bị kẻ xấu lợi dụng lừa đảo. Tâm nguyện của ông chỉ có vậy. Thế nên, cứ hết ngày này qua ngày kia, ông vẫn cứ mải miết với nghiệp “bao đồng”.

“Cuộc đời tôi được như ngày hôm nay là cả một ân huệ lớn”

Ngồi vào chiếc bàn tự tay ông đóng cho các em ngồi học, ông chia sẻ về cuộc đời phong trần của mình và cả cơ duyên khiến ông “nghiện” làm từ thiện. Rằng ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Bởi gia đình nghèo, nên chưa học hết lớp 3, ông đã buộc phải nghỉ học cùng bố mẹ bươn chải công việc làm ăn kiếm sống. 

“Ngày ấy tôi ham học lắm nhưng đâu có điều kiện để đi học. Những ngày phải nghỉ học, tôi buồn hết sức, chả muốn làm gì. Nhưng biết làm sao được, gia đình nghèo quá nên phải chấp nhận nghỉ học”.

“Vì cuộc sống ở quê nhà khó khăn, đến năm 14 tuổi, tôi đã quyết định rong ruổi lên Sài gòn kiếm cớ sinh nhai. Cuộc sống lang thang nơi đất khách quê người, nhìn đâu đâu cũng thấy người lạ, xin việc thì còn ít tuổi chẳng ai nhận. Trong lúc cù bất cù bơ, tôi được một người chủ quán cơm nhận làm chạy bàn. Có công việc, tôi vui như mờ cờ trong bụng. Nhưng được ít ngày sau, thấy tôi đen nhẻm, chậm chạp, không được việc, người chủ này lại đuổi việc tôi”, ông chia sẻ.

Ông Phúc đang tận tình hướng dẫn học trò tàn tật sửa xe.

Lúc này, ông suy sụp lắm. Sài Gòn dạo đó lại vào mùa mưa nữa, thế nên, tình cảnh lại trở nên bi đát hơn. Thế nhưng, trong cái rủi lại có cái may, đang lúc ông nằm ngủ trú mưa trước hiên nhà một người bên đường, thì chủ nhà  biết được dìu ông vào nhà ngủ. 

Sau khi hỏi chuyện, biết hoàn ảnh của ông, vị ân nhân này cho ông giúp việc nhà và hứa, sau một thời gian nữa, khi ông lớn chín chắn hơn, vị ân nhân sẽ  cho ông đi học sửa xe. Tưởng như cuộc đời sẽ mãi mù mịt với ông, nhưng may mắn, một lần nữa lại có bàn tay xoè ra cứu giúp ông. Nhưng một điều khác biệt, cánh tay ấy cứ dang mãi ra che chở ông nên ông cảm kích và biết ơn lắm.

“Ngày đó, đi học sửa xe máy, tôi phải tranh thủ đạp xích lô kiếm thêm tiền học phí hay tiền chi tiêu những khoản khác, vì học sửa chữa xe máy phải mất học phí. Nhưng dù vất vả, tôi cũng rất vui. Sau đó thì tôi tôi gom góp tiền mua được cái máy bơm với bộ đồ nghề vá xe, bơm hơi bên lề đường. Bẵng đi một thời gian, công việc làm ăn khấm khá hơn, tôi tích góp tiền mua được cái cửa tiệm này để sửa chữa xe máy và thực hiện ý định mở lớp dạy sửa chữa xe honda, xe máy tôi đang nung nấu”. 

Đến nay tâm niệm đó của ông đã thực hiện được. 25 năm trong nghề hành thiện, ông đã đào tạo thành nghề cho hàng trăm học viên có hoàn cảnh khó khăn như ông ngày trước. Ông xem đó như một dịp để ông trả ơn đời, một dịp để ông trả ơn vị ân nhân đã cưu mang lúc ông gặp gian nan, khốn khó.

Tiếp xúc với ông, mới thấy hết được cái nghiệp hành thiện giúp đời đã dính chặt ông đến mức nào. Tiếp xúc với ông mới thấy hết rằng ông đã “nghiện” làm từ thiện ra sao. Dường như, ông chẳng bao giờ bỏ qua một cơ hội để làm việc thiện. Từ việc đào tạo thợ sửa xe máy cho những thanh niên tàn tật, khó khăn đến dạy học xóa mù chữ cho các em mồ côi, cơ nhỡ. Thùng nước trà đá đặt ven đường cho bà con đi ngang khát nước uống đến tủ thuốc nhân ái cho người dân khu phố, rồi phát cơm từ thiện cho người vô gia cư, nghèo khó… ông không từ một cơ hội nhỏ nào mà không làm việc thiện.

Không những thế, ban ngày sửa xe dạy học cho học trò, đêm xuống, ông lại tranh thủ thời gian chạy taxi kiếm thêm tiền để có tiền giúp đỡ người nghèo. Tấm lòng thiện của ông, thiên hạ này dường như chỉ có một.

Thành Giáp
.
.
.