Thủ lĩnh Ma Nai

Thứ Năm, 08/01/2015, 07:00
Đến thôn Ma Nai (xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận) hỏi thăm về "nữ tướng" của dòng họ Pur Pur (dân tộc Raglai), chúng tôi được dân bản dắt tay đến tận nhà. Từ một "tội đồ" của bản làng, Pur Pur Thị Phốn đã tự gột rửa, làm trong sạch nhân cách, "vùng lên" trong cuộc đời mới, trở thành thủ lĩnh đi đầu trong lao động sản xuất và bảo vệ rừng xanh.
Bước ra t bóng ti

Ma Nai cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) 70 cây số. Nơi ấy, có cuộc sống yên bình đến tinh khôi của cộng đồng người Raglai. Họ sống hồn nhiên như cây cỏ, sống bám thiên nhiên, dựa vào rừng để tồn tại. Nơi ấy, có một "điểm sáng" trong lao động sản xuất và bảo vệ rừng của người phụ nữ "đi ra từ bóng tối". Pur Pur Thị Phốn (50 tuổi) nhìn chúng tôi rạng rỡ, nụ cười hiền hòa như chưa bao giờ có sóng gió xảy ra trong cuộc đời bà.

Cuối năm 2003, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Bác Ái triển khai nguồn vốn vay ưu đãi cho đồng bào miền núi có hoàn cảnh khó khăn để cải thiện kinh tế. Được người dân tin tưởng, Thị Phốn đứng ra tín chấp cho nhiều chị em phụ nữ trong xã vay vốn. Chưa bao giờ thấy số tiền lớn đến thế, lòng tham nổi lên, Thị Phốn đã biển thủ tiền vay của các hộ để trả nợ cho bản thân và khai hoang đất rẫy. Chưa kịp trở tay thì bị phát hiện, số tiền Thị Phốn cuỗm của bà con là trên 50 triệu đồng.

Bà Pur Pur Thị Phốn nhận giấy khen của Giám đốc Công an Ninh Thuận vì thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ở vào thời điểm ấy, đây là khoản tiền khổng lồ đối với một gia đình quanh năm bám cây lúa. Hoang mang, hoảng loạn, Phốn đã bán hết số gia súc và ruộng vườn của gia đình nhưng cũng không đủ tiền đền bù. Phốn phải đứng trước vành móng ngựa, bị kết án 5 năm 3 tháng tù giam về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", phải thụ án tại trại A2 thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Cái giá phải trả cho sự nông nổi và lòng tham trước đồng tiền của bà quá đắt.

Thời gian đầu vào trại, Phốn suy sụp tinh thần vì sợ sệt, vì tuyệt vọng. Danh dự mất, tiền bạc mất, mất luôn lòng tin của bà con dân bản. Phốn nghĩ rằng, sẽ chẳng bao giờ dám nhìn mặt ai nữa, chẳng bao giờ dám quay về nơi ấy nữa. Nhưng, cuộc sống tù tội trong trại giam còn là điều khủng khiếp gấp trăm ngàn lần. Sau nhiều đêm dài mất ngủ, Phốn đấu tranh nội tâm dữ dội, cuối cùng Phốn quyết tâm đứng dậy rũ bỏ nhục nhã, cải tạo thật tốt. Năm 2009, cánh cửa trại giam đã mở, trả lại cuộc sống tự do cho Thị Phốn. 

Bảo vệ rừng là trách nhiệm thiêng liêng của đồng bào Pur Pur.

 Về đến nhà, bao cảm xúc tuôn trào, Thị Phốn đã khóc đúng một ngày, một đêm như thể gặm nhấm lỗi lầm của mình và cũng để xóa hẳn nó đi, làm lại từ đầu. Việc đầu tiên bà nghĩ đến là cùng chồng, con gây dựng lại kinh tế gia đình. Hưởng ứng chính sách hỗ trợ người tái hòa nhập cộng đồng, gia đình bà được chính quyền hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng. Số tiền này bà dùng để cải tạo, canh tác trên một sào đất rẫy và xoay xở mua thêm 4 con bò, 5 con dê. Thị Phốn hiểu rằng, chỉ có làm giàu bằng mồ hôi nước mắt của mình mới mang lại hạnh phúc. Và muốn mọi người tin yêu, cảm phục thì chỉ có cần cù lao động mà thôi. "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm", những vạt đất trắng cằn cỗi đã được phủ xanh bởi bắp, chuối. 4 sào ruộng lúa trổ bông trĩu hạt, cái đói được đẩy lùi, niềm tin quay trở lại.

Năm 2013, xã Phước Thành có chủ trương thành lập tộc họ tự quản về ANTT, Thị Phốn được tín nhiệm bầu làm Phó Ban vận động xây dựng tộc họ tự quản về ANTT. Để xây dựng mô hình tộc họ tự quản về ANTT, bà phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động, tuyên truyền cùng những người có uy tín trong làng, giáo dục bà con có nhận thức về đời sống văn hóa, sống lành mạnh, an toàn.

"Th lĩnh" buôn làng

Với người Raglai, bảo vệ rừng được coi như một luật tục bất thành văn. Họ quan niệm, chỉ những người lười nhác, không chịu sản xuất nông nghiệp mới đi gài bẫy thú rừng, giết hại các loài chim. Trên đường đưa chúng tôi ra căn chòi rẫy, anh Phiếc, con trai cả của bà Phốn cho biết, các anh em trong gia đình và trong tộc họ Pur Pur không đặt bẫy, săn bắt thú rừng mà chỉ bắt cá dưới sông, ăn rau trong vườn. Việc này đã được bà Phốn và những người lớn tuổi trong tộc họ tuyên truyền, vận động từ rất lâu. Đối với họ, những cây cổ thụ chính là nơi trú ngụ, là đường đi của thần núi (Yàc Chưq). Mỗi gốc cây, mỗi con thú đều có linh hồn cần phải gìn giữ, trân trọng.

Giữ yên bình cho rừng xanh, Thị Phốn còn là "nữ tướng" trong việc cảm hóa những đối tượng xưng hùng xưng bá ở địa phương. Điển hình là trường hợp ''đại ca'' Lực, hắn tự xưng danh là "đại ca của các đại ca" chuyên tụ tập đánh nhau, gây rối. Công an xã ra quân truy quét nhưng rất khó tiếp cận để giáo dục hắn và đồng bọn. Thị Phốn nắm được lai lịch Lực, bà âm thầm lên kế hoạch nhằm khuất phục tên giang hồ "xóm núi" này. Nhân dịp nhà có đám giỗ, bà Phốn nhờ Lực và các thanh niên khác đến nhà phụ giúp dựng rạp làm giỗ, rồi mời ở lại ăn uống no say. Bà lấy cái gương của người từng lầm lỡ để cảm hóa Lực.

 Lực lúc đầu còn ngoan cố, cứng đầu không chịu nghe. Sau vài lần nói chuyện ngọt có, mặn có, Lực thấy cái uy của Thị Phốn với bà con dân bản quá lớn. Lực dần thay đổi tính tình, chuyên tâm làm ăn, hết nhậu nhẹt, quậy phá. Bây giờ, khi nhắc đến những cái tên như: Chamalea Giếng, Ka Dá Ngóng, Lực ''đại ca''… đã không còn là nỗi ám ảnh "đao búa, đầu rơi máu chảy" trong vùng nữa. Họ trở thành những thanh niên nghiêm túc, tu chí làm ăn.

Bà được dân bản tin tưởng giao đảm trách nhiều việc quan trọng của buôn.

Bà Phốn đã được các cấp, ngành trao tặng giấy khen về thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ… Trước khi chia tay, bà Phốn còn tiết lộ cho chúng tôi thông tin: Sắp tới, xã Phước Thành của bà sẽ tiếp tục ra mắt ba tộc họ tự quản về ANTT. Trong tương lai gần, bà Phốn sẽ tiếp tục cống hiến sức mình, góp phần đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ cũng như giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của đồng bào Raglai trên quê hương Bác Ái anh hùng.

Ông Phạm Ngọc Sanh - Trưởng Công an xã Phước Thành cho biêt: "Việc giáo dục các trường hợp thanh, thiếu niên hư ở địa phương là rất khó. Một mặt, nhận thức của người dân còn yếu kém, mặt khác bà con có tập quán sinh sống ở miền núi nên mỗi khi có vụ việc xảy ra, các đối tượng bỏ trốn lên chòi rẫy trên núi rất khó tìm kiếm để vận động, giáo dục, nhưng bà Pur Pur Thị Phốn có nhiều cách riêng để giúp đỡ và vận động các đối tượng ấy, tình hình ANTT trong làng cũng ổn định hơn nhiều".
Đức Minh - Ngọc Thiện
.
.
.