“Thủ lĩnh từ thiện”

Thứ Sáu, 16/09/2016, 11:29
Nguyễn Minh Tân tự gọi mình với biệt danh là Tân “lì”. Anh bảo phải gọi là “lì” mới đúng tính cách của anh, bởi anh đã lì lợm đánh bại tử thần, vượt qua 720 ngày đêm liên tiếp chống chọi với bệnh tật.

Những cơn co rút cơ thể của căn bệnh Wilson không thể quật ngã được anh, trái lại nó càng khiến anh thêm quyết tâm vượt qua số phận, tự đứng dậy trên đôi chân của mình và còn giúp đỡ được biết bao mảnh đời bất hạnh, kém may mắn hơn anh.

Mấy ngày nay, Tân liên tục nhận được rất nhiều lời chúc phúc của mọi người khi anh up ảnh cưới của hai vợ chồng lên trang cá nhân. Gặp anh thời gian này trông anh trẻ trung, tươi tắn và hạnh phúc hơn bao giờ hết. Không hạnh phúc sao được bởi Tân đang chờ đón đứa con trai bé bỏng sắp chào đời và một đám cưới mà có trong mơ anh cũng không ngờ tới. Tân đặt tên con ở nhà là cu Bin. 

Thỉnh thoảng rảnh rỗi, Tân lại làm thơ tặng vợ, con. Những vần thơ mộc mạc, chân thành từ tận đáy lòng. Tân thầm cảm ơn người vợ trẻ đã vượt qua mọi rào cản của gia đình, người thân, chấp nhận yêu một người ốm yếu, bệnh tật như anh để hôm nay anh có được hạnh phúc trọn vẹn được làm chồng, làm bố sau những tháng ngày đối mặt với bệnh tật đau đớn.

Cách đây vài năm, người dân thành phố Nam Định vẫn không thể nào quên được hình ảnh một chàng trai khuyết tật, ngồi xe lăn đi hết con đường này, góc phố kia để xin tiền cho người nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. 

Mới đầu nhìn thấy anh, người ta nghi ngại cho rằng chàng trai có hoàn cảnh khốn khó, không nơi nương tựa, phải tự đi bươn chải, xin ăn cho mình. Thậm chí, nhiều người còn nhìn anh với ánh mắt dò xét, nghi ngờ là kẻ lưu manh, sử dụng chiêu bài khuyết tật để lừa lọc. Nhưng rồi cuối cùng biết Tân là một con nhà khá giả, có ý định đi xin ăn cho người có hoàn cảnh bất hạnh, khó khăn, họ càng cảm phục và ủng hộ Tân nhiều hơn. Và rồi cái tên “Tân lì ăn xin” nổi tiếng từ đó. 

Tân “lì” vẫn rất nhiệt huyết với các chương trình từ thiện dù giờ anh không còn ngồi xe lăn đi xin tiền cho người nghèo nữa. 

Nhưng gần đây, Tân “lì” không còn ngồi xe lăn đi khắp thành phố Nam Định xin tiền cho người nghèo nữa. Có vợ và con, anh quyết định ở nhà kế thừa cửa hàng kinh doanh cặp sách, ba lô của bố mẹ ở phố Hàn Thuyên, Nam Định để có điều kiện chăm lo cho vợ con. Thế nhưng  Tân vẫn miệt mài với các chương trình thiện nguyện dành cho người nghèo ở Nam Định. Tân vẫn nhiệt tình kêu gọi, vẫn tích cóp từng đồng một để đem tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

Sinh ra vốn lành lặn và khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác, nhưng khi đang học năm thứ nhất trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật Nam Định, số phận đã thử thách Tân bằng căn bệnh Wilson quái ác. Từ một chàng trai cao lớn đeo đai đen nhị đẳng Taekwondo, với bao hoài bão, khát vọng, Tân trở thành một con người hoàn toàn khác, toàn thân co rút, không nói năng, không đi lại được. 

Tân nằm liệt giường với những cơn đau rã rời, hành hạ anh như chết đi sống lại bao nhiêu lần. Mọi việc đều do mẹ chăm lo, từ ăn uống, đến vệ sinh cá nhân. Đã nhiều lần Tân muốn tìm đến cái chết để giải phóng bản thân, giải thoát cho gia đình, nhưng rồi cuối cùng, ý chí, nghị lực và bản lĩnh lì lợm đã giúp anh vượt qua tất cả.

Ngày ấy, gia đình Tân đã đưa anh đi chạy chữa ở khắp nơi. Cứ chỗ nào có thuốc hay, thầy giỏi là mẹ anh lại tìm đến, nhưng đi đâu các bác sĩ cũng bảo, ít nhất phải hơn chục năm, khả năng vận động của anh mới hồi phục được phần nào. Thế nhưng chỉ sau 720 ngày với ý chí phi thường, Tân đã biến điều không thể thành có thể.

Tân tập từ những bài tập nhỏ nhất như lật đi lật lại ở trên giường.  Mẹ bắc cho anh một chiếc sào thật chắc chắn chỗ anh nằm, anh tự vịn, tự nhấc đầu ngồi dạy rồi lết đi như một đứa trẻ. Đứng lên được rồi, Tân lại muốn tập đi. Những lần ngã chầy chật, chảy máu bên mạng sườn, dù mẹ khóc lóc xin anh đừng cố nữa nhưng Tân vẫn nhịn đau quyết đi cho bằng được. Cuối cùng, chàng trai lì lợm và liều lĩnh ấy đã chiến thắng chính mình. Tân có thể tự đứng dạy, tự bước đi mà không cần người nâng đỡ.

Sau đó Tân dành nhiều thời gian đi sinh hoạt và tập luyện ở Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố Nam Định. Nhưng cũng từ khi đến đây chứng kiến những số phận, những mảnh đời còn bất hạnh hơn mình gấp nhiều lần, Tân lì bắt đầu nảy sinh ý tưởng mới và kế hoạch cho riêng mình. 

Từ một chàng trai công tử nhà giàu, chẳng bao giờ phải lo đến cơm áo gạo tiền, Tân tự ngồi xe lăn, đi khắp các phố nhỏ để quyên góp tiền gây quỹ từ thiện. Mới đầu mọi người đều nhìn anh với đôi mắt dửng dưng, dè chừng, giống như nhìn những kẻ đi xin ăn tinh quái lấy bệnh tật ra để lừa lọc. 

Gia đình Tân cũng phản đối kịch liệt bởi ông bà không muốn đứa con bệnh tật trở thành kẻ lang thang, đi xin tiền cho người khác, trong khi gia đình vẫn có đủ điều kiện để chăm sóc, giúp đỡ anh. Nhưng Tân là thế, một người lì lợm đầy bản lĩnh, một khi đã quyết là không có ai cản nổi.

Gần chục năm liền, dù nắng hay mưa, Tân vẫn gắn bó với chiếc xe lăn, rong ruổi khắp nơi xin tiền làm từ thiện. Anh trở thành thủ lĩnh của một nhóm từ thiện có một không hai ở thành phố Nam Định, thành người truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ trẻ Thành Nam tiếp bước để làm công việc có ý nghĩa này.

Sau mỗi lần quyên góp được tiền hay đồ dùng thiết yếu, lại đích thân anh đi trao tận tay cho những mảnh đời bất hạnh. Có những chuyến đi xa cả trăm cây số nhưng Tân cũng chẳng nề hà. Có điều, giờ đây Tân luôn có một hậu phương vững chắc và đồng hành cùng anh trong những chuyến đi từ thiện đầy ý nghĩa, đó là Giang, vợ sắp cưới của anh. 

Ảnh cưới ngọt ngào của vợ chồng Tân “lì”.

Tân và Giang cùng học chung một trường cấp 3 nhưng sau khi ra trường, hai người cũng mất tin nhau từ đấy. Sau đó Giang biết Tân qua chương trình Điều ước thứ 7 và rồi sau ba lần tình cờ gặp nhau ở một ngã tư, khi Giang đặt tiền vào rổ cho Tân để anh đi làm từ thiện thì cũng là lúc hai người nhận thấy có một mối lương duyên kì lạ. Họ xin số điện thoại, facebook để tiện liên lạc với nhau và cảm xúc về nhau cứ thế nhân lên theo những tin nhắn. 

Cuối cùng, chính Giang lại là người tìm đến nhà Tân để trò chuyện và tìm hiểu về cậu bạn cấp 3 sau bao năm không gặp. Biết Giang là người từng gặp phải bi kịch đau đớn trong tình yêu khi đang học đại học nên Tân luôn động viên, chia sẻ và truyền nghị lực sống cho cô.

Khi Giang quyết định đến với Tân, gia đình Giang phản đối kịch liệt. Họ muốn cô có được hạnh phúc bên một người đàn ông khỏe mạnh, có thể làm chỗ dựa cho con gái sau một lần vấp ngã. Không biết bao lần Giang bị bố mẹ khuyên răn, từ ngọt nhạt đến nặng nề, rồi cả những lúc phải bỏ nhà ra đi, nhưng cô vẫn kiên quyết bảo vệ tình yêu của mình. 

Dù đứa trẻ sắp đến ngày chào đời, dù đám cưới của hai người sẽ được tổ chức vào cuối tháng 8 này, nhưng gia đình Giang vẫn chưa đồng ý. Thế nhưng bỏ qua tất cả, Tân và Giang đang rất hạnh phúc với niềm vui lớn của cuộc đời. Dù biết còn nhiều khó khăn, thử thách khi sức khỏe của Tân không được tốt, phải dùng thuốc thường xuyên, nhưng với họ được sống, được yêu, được ở bên cạnh chăm sóc nhau từ những việc đơn giản hằng ngày đó là điều hạnh phúc nhất.

Thu Phương
.
.
.