Thúy Đoan: Cô gái mang vẻ đẹp vầng trăng khuyết

Thứ Hai, 02/07/2018, 10:39
Thúy Đoan sinh ra trong một gia đình thuần nông ở phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội. Từ một cô gái chẳng thể nghe cũng không thể nói, suốt ngày chỉ quanh quẩn bên chiếc máy may, Thúy Đoan đã thay đổi chính mình khi giành ngôi Á hậu 2 của cuộc thi Hoa hậu Điếc toàn cầu 2015 diễn ra tại thủ đô Praha, Cộng hòa Séc nhờ niềm khao khát vươn lên mạnh mẽ.


Tên đầy đủ của Thúy Đoan là Lê Thị Thúy Đoan. Cô sinh năm 1989 và là con gái thứ hai trong một gia đình có 3 chị em. Ngày cô chào đời đã mang niềm vui lớn đến cho ông Lê Văn Công và bà Nguyễn Thị Thuyên, bởi hình hài “đầy đủ”, lại vô cùng xinh xắn, dễ thương.

Bà Thuyên cho biết khi mang thai Thúy Đoan tháng thứ 3 bà bị sốt cao, phải điều trị kháng sinh. Bác sĩ đã khuyên vợ chồng bà nên bỏ thai bởi có thể đứa trẻ sinh ra sẽ bị dị tật, nhưng bố Đoan nhất quyết “con bị như thế nào thì mình vẫn chấp nhận. Dù có bị dị tật cũng nhất quyết giữ con lại chứ không bỏ”.

Ngày Đoan sinh ra, thấy con “không bị gì”, ông bà mừng lắm. Nhưng khi Thúy Đoan được 4 tháng tuổi, bà Thuyên phát hiện con gái có những biểu hiện bất thường như bé không nghe bà gọi, không nghe tiếng động... Bố mẹ làm gì cô bé đều có thể thấy bằng mắt nhưng lại không phản ứng lại được như những đứa trẻ bình thường. Sau nhiều lần lặng lẽ khóc một mình, bà liền tâm sự với chồng “con có triệu chứng của đứa trẻ câm điếc”.

Ngay sau đó, bé Đoan được bố mẹ ẵm đi khắp nơi, từ bệnh viện nhỏ ở địa phương đến những bệnh viện lớn ở Hà Nội để chữa trị, nhưng cô bé vẫn chẳng thể nghe, nói được.

Đến tuổi đi học, cô bé được cha mẹ gửi đến Trường tiểu học Hy Vọng, trường dành cho trẻ khiếm thính để con gái biết cái chữ và không bị tách biệt với cộng đồng. Ở trường cô bé được đeo máy trợ thính và dạy tập nói như tất cả các bạn khác, nhưng Đoan vẫn không thể nghe và nói được nhiều.

Cuộc sống của một đứa trẻ câm điếc khiến Thúy Đoan cảm thấy tự ti và thu mình lại, ngay cả với bố mẹ và các chị em ruột trong gia đình. Cô bé luôn có cảm giác bị cả gia đình “bỏ rơi” khi thấy cả nhà có thể chuyện trò vui vẻ với nhau, còn mình thì chẳng thể nghe được gì, cũng không thể nói để mọi người hiểu ý mình nữa.

Tuy nhiên, sau khi học được ngôn ngữ ký hiệu, cuộc sống của Đoan gần như đã thay đổi theo một chiều hướng mới. Ngôn ngữ ký hiệu đã mở ra một chân trời mới, mang đến cho cô những điều tuyệt vời nhất: những câu chuyện về cuộc sống xung quanh, có thể giao tiếp, nói chuyện với nhiều người. Hơn nữa, Đoan còn tự tìm cách liên kết chúng với ngôn ngữ viết và dần dần, cô có thể tự tay viết được các đoạn văn bản dài, và có thể nói chuyện với người nghe bằng văn bản, mặc dù  ngôn ngữ viết của Đoan chưa thật sự phong phú.

Từ một cô gái mặc cảm, tự ti, Đoan đã trở nên tự tin hơn. Năm 2015, Đoan mạnh dạn tham gia cuộc thi Hoa khôi khiếm thính Việt Nam và đoạt giải. Ngay sau đó, cô có giấy mời từ Séc cho cuộc thi Hoa hậu Khiếm thính toàn cầu. Tuy nhiên, ban đầu bố mẹ Đoan không đồng ý cho con tham gia vì kinh tế gia đình eo hẹp. Nhưng vì thương con gái, bố mẹ cô đã gật đầu với suy nghĩ “thôi thì cứ cho con đi du lịch một chuyến vậy”.

Thúy Đoan cho biết cô muốn tham gia cuộc thi vì mong muốn được thể hiện tinh thần và khát vọng hòa nhập của người điếc Việt Nam với bạn bè thế giới, và cũng để chứng minh rằng người điếc hoàn toàn có thể giỏi, tài năng như những người bình thường. Và với vẻ đẹp cùng tài năng của mình, Lê Thị Thúy Đoan đã vượt qua 70 thí sinh xuất sắc từ các quốc gia trên thế giới giành được ngôi vị Á hậu 2.

Thúy Đoan chia sẻ: “Khi trở thành cô gái Việt Nam đầu tiên giành ngôi vị Á hậu 2 trong cuộc thi Hoa hậu Điếc toàn cầu 2015 tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, bởi vì mình đã thực hiện được ước mơ và đó còn là ước mơ của cộng đồng người điếc. Điều đó chứng minh người điếc có thể làm được, có thể trở thành niềm tự hào của quốc gia. Tôi mong có thể chia sẻ được với nhiều người, đặc biệt những người ở vùng sâu, vùng xa. Nếu chẳng may có con là người điếc thì hãy chia sẻ cùng con mình những tấm gương người điếc đã tự thay đổi cuộc sống bản thân và truyền cảm hứng cho mọi người”.

Hiện Đoan đang là thành viên của Câu lạc bộ Người khiếm thính Hà Nội, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Người khiếm thính quận Long Biên. Ngoài ra, cô còn là giáo viên dạy trẻ khiếm thính Trường Hy Vọng ở phường Đức Giang.

Thúy Đoan cũng rất tự tin trên các sàn trình diễn thời trang với tư cách người mẫu và truyền cảm hứng cho những người có cảnh ngộ giống mình thông qua những buổi trò chuyện. Cô chính là tấm gương để những người điếc tự tin theo đuổi đam mê, vượt lên chính mình.

Xuân Trường
.
.
.