Tiệm cắt tóc đặc biệt

Thứ Tư, 05/07/2017, 19:50
Ở tiệm cắt tóc đặc biệt này, ông chủ 9x giao tiếp với nhân viên chỉ bằng cử chỉ, động tác, thậm chí là bằng những mẩu giấy, những chữ viết trên điện thoại. Để có được thành công như ngày hôm nay là cả một sự phấn đấu nỗ lực không ngừng của cậu chủ trẻ bởi anh là người bị câm điếc từ nhỏ.

Thoạt nhìn Văn Khắc Huấn, không ai nghĩ Huấn là người không nghe, không nói được, bởi Huấn khá thư sinh, khôi ngô tuấn tú. Chỉ khi thấy anh giao tiếp với mọi người bằng kí hiệu riêng, chúng tôi mới hiểu anh là một người đặc biệt.

Salon tóc của Huấn nằm gần khu chợ nhộn nhịp của phố Lê Lai (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) nhưng lại có một vẻ tĩnh lặng đến lạ thường. Khách tìm đến đây phần lớn là vì yêu mến anh chủ trẻ tuổi, dễ tính, hay cười, lại nhiệt tình, chu đáo, cắt tóc khá đẹp.

Ngoài công việc chính, Huấn còn nhận các bạn có hoàn cảnh khó khăn, cũng bị câm điếc bẩm sinh như mình vào giúp việc và học nghề. Thời gian rảnh rỗi, Huấn lại dạy chữ cho các bạn không biết chữ. Vì thế, tiệm cắt tóc của anh lúc nào cũng yên tĩnh vì giao tiếp giữa học viên và ông chủ chỉ qua những cử chỉ, động tác.

Lớp học đặc biệt của thầy giáo đặc biệt Văn Khắc Huấn.

Người phiên dịch cho khách duy nhất tại cửa hàng chính là bạn gái của Huấn. Vì yêu mến và cảm phục chàng trai có nghị lực phi thường ấy mà chị tự nguyện đến làm việc tại cửa hàng của người yêu. Vừa cắt tóc cho khách, thỉnh thoảng Huấn lại vừa lấy tay làm dấu cho các học viên đang chăm chú đứng nhìn, học hỏi. Nhưng ít ai biết rằng để có được thành công ngày hôm nay là cả một sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của ông chủ trẻ.

Huấn mồ côi mẹ từ nhỏ. Bố lấy vợ hai cuộc sống của Huấn khá vất vả, khó khăn. Sinh ra ở xã nghèo Quảng Thành (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh), Huấn cũng bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng sau một cơn bạo bệnh năm 2 tuổi, Huấn không còn khả năng nghe nói được nữa.

Dù gia đình đã đưa Huấn đi khắp nơi để chạy chữa nhưng bệnh tình của Huấn vẫn không khỏi. Vì không nghe nói được nên Huấn cũng không theo kịp các bạn cùng lớp, anh đành phải nghỉ học ở nhà. Năm 2007, Huấn được gia đình đưa vào Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh để theo học ngôn ngữ ký hiệu, học chữ.

Suốt trong quá trình học tại Trung tâm, Huấn luôn là một cậu bé ngoan ngoãn, có tư chất thông minh, nhanh nhẹn, ham học hỏi. Chính những ngày tháng học tập tại trung tâm, Huấn nhận ra niềm đam mê lớn nhất của mình chính là nghề tạo mẫu tóc.

Anh kể, một vài lần, Trung tâm có mời thợ cắt tóc đến tỉa tóc cho các học viên. Nhìn những tay kéo nhanh thoăn thoắt, điệu nghệ của những người thợ trẻ, Huấn mê mẩn không rời mắt. Học lỏm được cách cắt tóc của họ, sau đó Huấn cũng về thử cắt cho các bạn ở Trung tâm. Không ngờ những tác phẩm đầu tay của Huấn đều được bạn bè và các mẹ ở Trung tâm hết lời khen ngợi.

Lời khen của các bạn cùng lời động viên theo nghề cắt tóc của các mẹ đã trở thành động lực để Huấn quyết tâm theo đuổi đến cùng niềm đam mê của mình. Chính bà Mai Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh lúc bấy giờ là người đã nhiệt tình giúp đỡ Huấn theo đuổi đam mê.

Văn Khắc Huấn đang tạo mẫu tóc cho khách.

Ngay sau khi Huấn ra trường, với mối quan hệ của mình, bà đã nhờ người kết nối, giới thiệu để Huấn đến tiệm làm tóc Cọ cách đó mấy cây số học việc. Đó là một tiệm cắt tóc nổi tiếng ở Quảng Ninh thời điểm đó. Đối với một người bình thường học nghề đã khó, với Huấn đó là cả một chuỗi khó khăn, thử thách.

Bởi tất cả mọi thành viên trong tiệm đều là người nghe, nói được, còn riêng Huấn thì không. Nhưng không vì thế mà Huấn bỏ cuộc. Huấn vẫn miệt mài tích lũy kiến thức và tự nhủ mình phải cố gắng, nỗ lực gấp 2, gấp 3 người thường mới có thể thực hiện được ước mơ. Thấy cậu học sinh nhanh nhẹn, thông minh, ngoan ngoãn, có năng khiếu cắt tóc và đặc biệt chính sự cố gắng, nỗ lực không ngừng học hỏi của Huấn đã khiến chủ tiệm cắt tóc Cọ cảm phục và cho cậu ăn ngủ miễn phí tại cửa hàng.

Với chút kiến thức về nghề trong tay, vẫn chưa đủ để Huấn thực hiện ước mơ của mình. Sau hai năm học nghề tại Cọ, Huấn lại xách balô vào Thanh Hóa học việc, rồi cuối cùng là trở về Hà Nội. Một lần nữa may mắn lại mỉm cười với Huấn.

Qua tìm hiểu và sự giới thiệu của một số người bạn, Huấn tìm đến tiệm cắt tóc Thành Nguyễn (Hà Nội) để được xin học nghề. Vì chủ cửa tiệm cũng là một người không nghe nói được nên thấy chàng trai trẻ đam mê và tâm huyết theo đuổi nghề, anh đồng ý nhận Huấn vào học việc.

Tại đây Huấn được trao tặng học bổng của dự án Thriive (Dự án Vòng xoay tuổi trẻ - mô hình hỗ trợ những tấm gương đặc biệt, cơ hội học tập, rèn luyện và định hướng tương lai). Đây là chương trình đào tạo nghề cắt tóc miễn phí, Huấn là một trong hai trường hợp được miễn phí toàn bộ trong suốt một năm theo học. Tại tiệm cắt tóc Thành Nguyễn, Huấn không chỉ được học hỏi về kỹ năng cầm kéo mà còn học được rất nhiều kỹ năng sống khác, giúp anh tự tin và bản lĩnh hơn trong cuộc sống.

Sau 1 năm, dự án đào tạo nghề kết thúc, Huấn quyết tâm về quê mở tiệm tóc cho riêng mình dù biết còn nhiều khó khăn, chông gai phía trước. Không có tiền trong tay, Huấn nhờ bố đi vay 100 triệu để thực hiện ước mơ.

Văn Khắc Huấn trong một cuộc thi tạo mẫu tóc.

Ngày ấy, tuy ủng hộ ước mơ của cậu con trai, nhưng bố anh vẫn khuyên con nên mở một quán nhỏ gần nhà, bởi ông sợ tiệm cắt tóc của con sẽ không thành công khi mở ở một đô thị sầm uất như Hạ Long. Người bình thường mở quán đã khó kinh doanh, huống hồ một người đặc biệt như Huấn.

Thế nhưng, Huấn tự tin với tay nghề và quyết tâm lập nghiệp ở thành phố. Đầu tháng 5-2016, tiệm tóc Á Đông đã khai trương tại Hạ Long, nhìn từ bên ngoài, khó ai có thể nhận ra được đây là một tiệm tóc do một chàng trai câm điếc làm chủ. Chỉ khi bước vào, thấy chủ tiệm và những người phụ việc giao tiếp với nhau bằng cử chỉ, kí hiệu, khách hàng mới biết đó là một tiệm cắt tóc đặc biệt.

Nhớ lại thời gian đầu khó khăn, vắng khách, nhiều lúc Huấn cũng nản lắm. Lo cho con trai, ngày nào bố anh cũng nhắn tin hỏi thăm xem tiệm cắt tóc làm ăn thế nào, có nhiều khách không và luôn động viên anh cố gắng không ngừng. Đó là nguồn động lực lớn để Huấn quyết tâm theo đuổi đam mê của mình.

Huấn cười tươi kể lại bằng ngôn ngữ kí hiệu một câu chuyện khá thú vị khi mới mở quán: "Vì không biết mình không nghe, không nói được nên có một vị khách khi vào cắt tóc cứ nói thao thao bất tuyệt một thôi một hồi. Mình chẳng biết khách nói gì nên phải lấy điện thoại ra viết chữ để trao đổi với họ. Khi cắt xong thấy khách cười rất tươi là mình biết đã hoàn thành tốt nhiệm vụ".

Biết Huấn mở tiệm cắt tóc và dạy nghề cho các bạn có cùng hoàn cảnh như mình, các thầy cô giáo, bạn bè tại Trung tâm bảo trợ tìm đến ủng hộ Huấn đông lắm. Nhờ mạng xã hội và chia sẻ của nhiều người, tiệm cắt tóc của Huấn được biết đến nhiều hơn và ngày càng đông khách. Khi đến đây, họ thực sự bất ngờ bởi khả năng cắt tóc điêu luyện của Huấn. Hiện Huấn còn đang dạy nghề miễn phí cho 4 học viên có cùng hoàn cảnh như mình.

Cứ lúc nào vắng khách, thầy giáo trẻ lại lôi bút, bảng ra viết chữ và dạy học viên thực hành trên những bộ tóc giả. Lớp học không tiếng nói, chỉ có những nụ cười và những kí hiệu bằng tay của cả thầy và trò. Huấn không bao giờ giấu nghề, có bao nhiêu kinh nghiệm học hỏi được trong thời gian đi học và làm nghề, Huấn đều truyền lại hết cho học viên. Nếu sau này các em có điều kiện mở quán riêng, Huấn luôn sẵn sàng ủng hộ, còn không anh vẫn nhận vào làm việc tại salon của mình.

Với những thành công và nỗ lực không ngừng, mới đây, Văn Khắc Huấn còn được vinh dự làm khách mời tại chương trình tìm kiếm tài năng tóc Việt Nam - Hair Idol 2017. Huấn bảo, điều mà Huấn tâm đắc nhất và anh luôn nhắc nhở học viên của mình rằng, hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn.

Ngọc Trâm
.
.
.