Gặp con trai liệt sĩ Công an Nguyễn Thành Dũng:

Tiếp tục hành trình yêu thương cuộc sống

Chủ Nhật, 12/08/2012, 15:25
"Con nghe ông ngoại kể cha mẹ rất thương yêu nhau. Khi lâm trọng bệnh, ba Dũng được chế độ cấp thuốc của cơ quan nên đã đem về phân nửa cho mẹ uống để cùng chèo chống với căn bệnh AIDS hiểm nghèo. Thời điểm đó, mẹ đã không uống vì lo lắng cho sức khỏe của ba, vì ba còn phải đối mặt với tội phạm. Đến sau này, ba Dũng mới xin được chế độ thuốc cho cả mẹ, nhưng khi ấy sức khỏe của mẹ đã suy yếu" - em Nguyễn Duy Minh tâm sự về cha mẹ mình, vợ chồng liệt sỹ, Thượng úy Nguyễn Thành Dũng.

Nỗ lực học tập… noi gương cha

Sáng nắng ấm của một ngày cuối tuần, chúng tôi tìm về ấp 2 (xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP HCM), nơi người chiến sĩ Cảnh sát quả cảm, liệt sĩ Nguyễn Thành Dũng đã từng sinh sống cùng gia đình. Con trai anh - Nguyễn Duy Minh đang sống cùng ông ngoại Trần Văn Bảy.

Ông ngoại Minh đã 82 tuổi, sức yếu, nhưng thương cháu nhiều. Anh Công an viên dẫn tôi tới nhà ông Bảy xúc động: "Người dân cả xã rất tự hào về anh Dũng. Anh luôn sống trong lòng của mọi người". Anh cũng cho hay, Duy Minh đã lớn khôn và ngoan ngoãn nên mọi người hết lòng yêu mến. Minh đang được đùm bọc trong tổ ấm nhỏ, có ông bà và người dì ruột.

Khi vừa tròn 3 tuổi, Minh đã quen hơi của ông bà ngoại và dì. Thời điểm đó, cha Minh bận công tác liên miên, mẹ làm công nhân tại một công ty cách nhà khoảng 3km, lại phải chăm bà nội bị bệnh nên hầu như mọi sinh hoạt ban ngày của Minh, từ chén cơm ăn đến việc đưa đón đi học mẫu giáo đều do ông bà ngoại lo lắng.

Em Duy Minh đang học tập tại nhà.

Khi mẹ bị bệnh nặng, ý thức được nỗi đau mà đứa cháu nhỏ chuẩn bị phải gánh chịu, những người thân của Minh đưa cháu chuyển về sống với ngoại để tránh cho cháu khỏi bị sốc khi không còn cha mẹ. Sau khi mẹ mất, cha nằm viện, cháu vẫn cố gắng nỗ lực đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Khi ấy, Minh buồn lắm, ngồi trước quyển tập mà đầu óc cứ như để ở đâu, dì Thảo lại gần hỏi chuyện thì Minh khóc. Nhưng sau đó, cháu tự nghĩ phải cố gắng học tập, để khỏi phụ lòng người thân.

Duy Minh chuẩn bị lên lớp 11 của Trường THPT Mạc Đĩnh Chi. 10 năm qua, Minh luôn đạt kết quả cao, năm nào Minh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi của trường. Hằng ngày, Minh phải mất khoảng 30 phút đi xe buýt đến trường. "Cháu học chuyên về khối A và dự định sẽ thi vào ngành Luật. Bởi theo cháu nghĩ, một người có sự am hiểu về pháp luật sẽ luôn vững tin trong cuộc sống. Học xong nếu được cháu cũng muốn tiếp tục đi con đường của ba, trở thành chiến sỹ Công an", Duy Minh tâm sự.

Mơ được tham gia "Chiếc nón kỳ diệu"

Đã nhiều năm trôi qua, tôi mới được gặp lại ông Bảy, sức khỏe của ông lão vẫn tráng kiện như xưa. Gặp chúng tôi ông rất vui mừng vì cơ quan Báo CAND và các phóng viên đã rất nhiều lần xuống thăm hỏi, động viên gia đình ông.

Theo lời ông Bảy, khi thông tin về việc cha mẹ em mắc căn bệnh thế kỷ, mặc dù tin con cháu trong nhà không làm gì nên lỗi nhưng người thân trong gia đình vẫn không thể không thấp thỏm lo âu về dư luận xã hội không hay. Rất may, lối sống nghiêm khắc với bản thân trong cuộc sống hằng ngày xưa nay của Trung úy Nguyễn Thành Dũng đã xóa tan mọi nghi ngờ. Sau khi ba má Minh mất, cũng nhờ sự giúp đỡ của người thân, động viên từ phía cộng đồng nên hôm nay Duy Minh đã vượt qua nỗi đau.

Nhớ về anh Dũng, ông Bảy tâm sự: "Dũng là một người con hiếu thảo trong gia đình. Cuộc sống của hai vợ chồng tuy nghèo nhưng có món ngon vật lạ cũng biếu cha mẹ hai bên gia đình dùng trước. Nó còn là người rất thương yêu vợ". Khi lâm trọng bệnh, con rể ông Bảy được chế độ cấp thuốc của cơ quan nên đã đem về phân ra làm đôi cho cho vợ uống một nửa để cùng chèo chống với căn bệnh hiểm nghèo. Thời điểm đó, con gái ông đã không uống vì lo lắng cho sức khỏe của chồng còn phải đối mặt với tội phạm. Sau đó, Dũng mới xin được chế độ thuốc cho vợ, nhưng khi ấy sức khỏe con gái ông đã suy yếu nghiêm trọng không thể kháng bệnh.

Duy Minh cùng ông ngoại kể những kỉ niệm về anh Dũng.

Ông Bảy cũng tự hào rằng cháu Minh rất ngoan, luôn lắng nghe rồi thấu hiểu sự dạy dỗ của ông bà ngoại và chị Thảo (con gái ông Bảy). Hằng ngày, chị Thảo vẫn kèm em Minh học tập. Từ khi nhận được món quà của các cô chú Công an ngoài Hà Nội tặng nhân dịp hai ông cháu ra thay mặt cha ra nhận giải thưởng "Mãi mãi tuổi 20" vào cuối năm 2008 khiến cháu Minh càng nỗ lực học tập hơn.

Cháu Minh luôn nhận được khá nhiều sự động viên của các cô, bác trong cơ quan ba cũng như ở địa phương. Minh học giỏi, tập vở thưởng cuối năm và cô bác tặng thêm cũng đủ dành cho cả năm học sau. Năm nào, ông cũng đi nhận tiền trợ cấp học bổng cho Minh.

Nhờ sự tính toán khéo léo của chị Thảo nên số tiền trợ cấp từ chế độ chính sách Nhà nước dành cho anh Dũng cộng thêm lòng hảo tâm của một số đơn vị cũng tạm đủ chi tiêu chăm lo cho cuộc sống hằng ngày của Minh không bị thiếu thốn về vật chất.

Được sự chia sẻ của tôi, ông Bảy tiếp tục kể: Vì đặc thù công việc mà con ông ở nhà không được thường xuyên ở nhà cùng gia đình. Cứ nhận được tin là anh Dũng phải đi ngay. Mỗi lần gặp con, ông Bảy cũng động viên anh Dũng rằng: "Con cố gắng hoàn thành công việc cho tròn, còn việc ở nhà để bố và vợ con lo", nên anh Dũng rất yên tâm vì đã có một hậu phương vững chắc. Thời điểm anh Dũng biết mình bị bệnh đã chia sẻ ngay cùng ông, khi ấy ông cũng khuyên nhủ anh Dũng hãy cố gắng dưỡng bệnh vì mình đã cống hiến cho đất nước, cha rất tự hào về con.

Ông Bảy nói, chủ nhật nào cả gia đình ông cũng xem chương trình "Chiếc nón kỳ diệu", "vì khi còn sống, Dũng nó mơ ước được một lần tham gia chương trình ấy, nhưng thật không may, bệnh nặng đã bắt nó ra đi quá nhanh". Giờ đây, dưới mái ấm nghèo, cả gia đình đang góp sức chăm dưỡng Minh, để mong một ngày em trưởng thành, tiếp tục cuộc hành trình gìn giữ cái thiện và hết lòng yêu thương cuộc sống của cha mình.

Liệt sỹ, Thượng úy Nguyễn Thành Dũng, CSHS Công an quận 11, TP HCM trong khi chiến đấu chống tội phạm đã bị phơi nhiễm HIV mà không hề hay biết, sau đó vô tình lây sang vợ. Trong những năm tháng cuối đời, 2 vợ chồng đã nhường nhau từng viên thuốc. Tháng 12/2005, vợ anh mất. Trong những ngày cuối cùng vật lộn với nỗi đau, anh viết "Nhật ký cho con" để lại cho bé Nguyễn Duy Minh mới 10 tuổi, hiện cuốn nhật ký đang trưng bày tại Bảo tàng CAND. Ngày 13/6/2006, anh ra đi. Cuốn "Nhật ký cho con" trở thành một biểu tượng lung linh cho lòng quả cảm, kiên cường và tình yêu thương của người chiến sĩ CAND. Trong cuốn nhật ký, ngoài những dòng đau thương, Thượng úy Dũng còn viết: "Tôi đã học được những cái hay, phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ Công an nhân dân và mong mỏi sẽ phấn đấu để phục vụ suốt đời cho lực lượng, cho nhân dân".

- Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hào hùng của dân tộc, lực lượng Công an nhân dân đã lập nhiều chiến công, thành tích vẻ vang. Tính đến nay lực lượng Công an nhân dân đã có  hơn 300 đơn vị, 200 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, trực tiếp đối đầu với các cơ quan tình báo, gián điệp của đế quốc Mỹ và tay sai, gần 13.000 cán bộ, chiến sĩ Công an đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí đã hy sinh một phần cơ thể, sức khoẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.

- Từ thời kỳ đổi mới đất nước (năm 1986) đến nay, đã có gần 200 cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh được Công nhận liệt sĩ và có hơn 800 cán bộ, chiến sĩ Công an bị thương được xác nhận thương binh.

- Trong thời gian qua, Bộ Công an đã thành lập 3 Ban quy tập hài cốt liệt sĩ và tổ chức quy tập được hơn 600 hài cốt liệt sĩ; hiện vẫn còn gần 200 hài cốt liệt sĩ chưa quy tập được do thiếu thông tin, địa bàn hiểm trở, chưa xác định được chính xác vị trí an táng. Trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", Công an các đơn vị, địa phương đã nhận phụng dưỡng suốt đời 188 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; lập 1.816 sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng tặng người có công; tuyển dụng 443 trường hợp con liệt sĩ, con thương binh vào công tác trong lực lượng Công an nhân dân; từ năm 2005 đến nay, hỗ trợ kinh phí xây dụng 2.377 nhà tình nghĩa tặng thương binh, thân nhân liệt sĩ và cán bộ, chiến sĩ Công an công tác ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

- Trong những ngày tháng 7 linh thiêng này, vượt gần nghìn cây số, đoàn cán bộ, chiến sĩ Tổng cục XDLL - CAND và Công an các tỉnh miền Trung đã có mặt tại Quảng Trị, long trọng tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị; thăm hỏi, động viên và tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Cùng với hoạt động tri ân, đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và tặng quà 10 gia đình liệt sĩ, thương binh và bệnh binh trong lực lượng CAND. Dịp này, đoàn cũng tổ chức cắt băng khánh thành 2 căn nhà tình nghĩa xây dựng cho ông Lê Sỹ Hùng, thân nhân liệt sĩ CAND hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tại huyện Triệu Phong và gia đình ông Hồ Chí Quân, cán bộ Công an huyện Đakrông, người dân tộc Vân Kiều, mồ côi cả cha lẫn mẹ lúc còn nhỏ; bản thân nuôi 2 người em đang tuổi ăn học rất khó khăn. Mỗi căn nhà được hỗ trợ xây dựng là 70 triệu đồng do cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an và Tổng cục XDLL-CAND quyên góp từ ngày lương của mình. Bên cạnh đó, tại tỉnh Quảng Trị, Bộ Công an và Tổng cục XDLL - CAND còn hỗ trợ xây dựng 7 căn nhà tình nghĩa và sửa chữa 3 căn nhà cho các hộ chính sách khó khăn khác.

X.V.Q.

Ngọc Hà
.
.
.